Sứ Mạng Truyền Giáo Vẫn Đang Chờ Đợi

49

SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO VẪN ĐANG CHỜ ĐỢI

2“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) là mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền lại không chỉ cho các Tông Đồ xưa, mà là cho tất cả các Ki-tô h ữu ngày nay. Sứ mệnh này vẫn đang cấp bách và khẩn thiết trong thời đại hôm nay, vì còn biết bao người vẫn chưa nhận biết Thiên Chúa. Không đâu xa, ngay những người đồng bào thiểu số sống trong đất nước chúng ta, họ hiện diện bên cạnh chúng ta nhưng vẫn chưa có cơ hội biết Người.

Với chiếc ghe nhỏ, chúng tôi xuôi theo dòng nước, đến với các gia đình Công giáo người dân tộc để thăm và trao cho họ ít quà. Thoạt đầu, tôi không biết mình sẽ phải nói gì đây nhưng khi gặp họ rồi, tôi nhận ra rằng họ rất đơn sơ. Chỉ cần vài câu hỏi gọi mở, họ liền bộc bạch nỗi lòng và tình cảnh hiện tại của gia đình. Qua trò chuyện, tôi nhận thấy đức tin của họ như những chồi non mới lên, dễ ngả theo chiều gió. Hệ quả của việc này là một số gia đình trên thì thờ Thiên Chúa, dưới thờ ông Địa; vừa đi nhà thờ, vừa đi khấn vái khắp nơi rồi đi xem bói. Tình trạng của họ lúc này giống như trong sách Khải Huyền: “Phải chi ngươi lạnh hay nóng hẳn đi ! Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15 -16).

Khi đến với họ, lắng nghe và trò chuyện với họ, tôi hiểu rằng việc truyền giáo cho họ thực sự cần được quan tâm và chú ý hơn. Họ tin có ông trời nhưng hiểu về Thiên Chúa lại rất mông lung, mơ hồ. Mỗi khi gia đình ai có ma chay, cưới hỏi, giỗ cụ giỗ bà thì làng xóm xúm lại, bỏ cả lễ Chúa Nhật. Họ coi trọng các việc đó hơn việc đi lễ Chúa Nhật, vì họ nói rằng : “người ta đi mình, mình cũng qua lại, bỏ coi sao được”. Nhưng ngặt nỗi, có những đám giỗ đến mấy mươi năm mà vẫn là giỗ. Không viện lý do này, họ lại viện phải đi làm để kiếm sống và muôn vàn lý do khác. Biết họ gặp khó khăn về phương tiện đến nhà thờ, cha sở đã giúp đỡ họ bằng việc cho ghe đón họ đi lễ, giúp họ bữa cơm trưa, rồi đưa trở về nhưng số người đi lễ hàng tuần vẫn thưa thớt. Ngoài ra, nhà xứ vẫn cố gắng giúp họ chút gạo, chút gia vị và động viên tinh thần để nâng đỡ họ đến nhà thờ.

Những gia đình nơi đây, dù nghèo hay giàu, có đức tin hay không thì họ vẫn mong muốn có người đến viếng thăm và trò chuyện với họ. Những gì họ cần không chỉ là vật chất mà còn cần điều gì đó thuộc về tâm linh. Họ mong muốn có người chia sẻ, lắng nghe và giúp đỡ họ giải quyết một vài tình cảnh mà đôi khi chúng ta lại coi đó như chuyện bình thường. Vì cuộc sống của họ đều khổ nên chẳng ai có thể giúp nhau, lại thêm những nỗi lo cơm – áo – gạo – tiền cứ quấn lấy họ.

Qua tiếp xúc với họ, tôi nhận thấy họ rất nghèo : nghèo đức tin, nghèo sự đỡ nâng, nghèo tình cảm, nghèo nhận thức và nghèo vật chất. Cuộc sống của họ đơn giản, lối suy nghĩ cũng đơn sơ. Đời sống đạm bạc với những công việc đồng áng quanh nhà hay mò cua bắt ốc ven sông. Bởi lẽ đó, nền kinh tế gia đình luôn bấp bênh, bữa đói bữa no. Ai mướn gì làm đó. Cuộc đời trôi nổi, phận người long đong !

Cuộc sống của họ là thế ! Niềm tin của họ như ánh nến lập lòe trước những cơn gió lạ, họ đang ở trên con thuyền có nhiều bánh lái nên cứ trôi lênh đênh, xoay vòng giữa dòng đời mà chẳng biết sẽ đi về đâu. Họ cần được nâng đỡ đức tin để có thể thoát ra tình cảnh hiện tại, sống với niềm tin chân chính và vững vàng hơn. Bởi đó, sứ mạng truyền giáo luôn cần được thực hiện không ngừng, cần những con người sẵn sàng ra đi, cần tâm hồn biết lắng nghe và cần lời cầu nguyện của tất cả mọi người. Sứ mạng truyền giáo vẫn đang chờ đợi, mời gọi các Ki-tô hữu đáp trả và thực thi như lòng Chúa mong ước.

Maria Nguyễn – Tập sinh MTG Thủ Đức