“Tất cả chúng ta những người được rửa rội ở dưới trần gian, các linh hồn nơi luyện tội và tất cả các thánh những người đang ở Thiên đường làm nên một đại gia đình. Sự hiệp thông giữa trời và đất được thực hiện cách đặc biệt trong lời chuyển cầu”. Đó là một trong những điểm nhấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 30/10/2013 tại quãng trường Thánh Phêrô, trong loạt bài giáo lý về Năm Đức Tin. Dưới đây là nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến
Hôm nay tôi muốn nói về một thực tại rất đẹp của đức tin chúng ta, về “Sự hiệp thông của các thánh”. GLHTCG nhắc chúng ta biết rằng diễn ngữ này giúp ta hiểu về hai thực tại : hiệp thông với các sự vật thánh thiện và hiệp thông giữa những người thánh thiện (số 948). Tôi dừng lại trên ý nghĩa thứ hai : nó là một trong những sự thật an ủi nhất của đức tin chúng ta, bởi vì nó nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta không sống đơn độc nhưng sống một cuộc sống hiệp thông giữa tất cả những người thuộc về Đức Kitô. Sự hiệp thông nảy sinh từ đức tin; vì thế, từ “các thánh” có ý nói đến những kẻ tin vào Đức Giêsu và tháp nhập vào Người qua Phép rửa trong Giáo hội. Vì thế, các Kitô hữu đầu tiên cũng được gọi là “các thánh” (x. Cv 9,13.32.41; Rm 8,27; 1 Cor 6,1).
1. Tin Mừng Gioan xác nhận rằng, trước khi chịu nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho sự hiệp thông giữa các môn đệ, bằng những lời sau : “Để tất cả nên một; như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta, vì đó thế gian tin rằng Cha đã sai con”. (17,21). Giáo hội, nơi chân lý thâm sâu của mình, là hiệp thông với Thiên Chúa, là một gia đình với Thiên Chúa, hiệp thông tình yêu với Đức Kitô và với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, được nối dài trong tình hiệp thông huynh đệ. Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là “nguồn gốc” của sự liên kết giữa mọi người tín hữu chúng ta: chúng ta được tháp nhập cách mật thiết vào trong “nguồn gốc” này, trong cái lò cháy rực tình yêu này, và vì thế chúng ta có thể thực sự trở nên chỉ một trái tim và một linh hồn với nhau, vì tình yêu Thiên Chúa đốt cháy những ích kỷ, những thành kiến, những chia rẽ trong – ngoài của chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa cũng đốt cháy các tội lỗi của chúng ta.
2. Nếu có sự đâm rễ nơi suối nguồn tình yêu, là Thiên Chúa, thì khi đó ta cũng thẩm tra được sự chuyển động hỗ tương : từ anh chị em đến với Thiên Chúa; kinh nghiệm về tình hiệp thông huynh đệ đưa chúng ta đến với tình hiệp thông với Thiên Chúa. Sống hiệp nhất giữa chúng ta với nhau đưa chúng ta đến sống hiệp nhất với Thiên Chúa, dẫn chúng ta đến mối giây liên kết với Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Đó là khía cạnh thứ hai của sự hiệp thông các thánh mà tôi muốn nhấn mạnh. Đức tin của chúng ta cần được nâng đỡ từ người khác, cách đặc biệt trong những lúc khó khăn. Nếu chúng ta hiệp nhất với nhau đức tin sẽ trở nên mạnh mẽ. Đẹp biết bao khi chúng ta nâng đỡ nhau, người này nâng đỡ người kia trong sự liều lĩnh tuyệt vời của đức tin! Tôi nói đến điều này bởi vì khuynh hướng tự khép kín trong cõi riêng tư đã ảnh hưởng đến lãnh vực tôn giáo, do đó đôi khi ta gặp khó khăn trong việc kêu xin sự giúp đỡ tinh thần của biết bao người chia sẻ kinh nghiệm Kitô hữu với chúng ta. Có ai trong tất cả chúng ta không cảm thấy sự bất an, bất lực và ngay cả nghi ngờ trong hành trình đức tin không? Tất cả chúng ta đều cảm thấy điều này, tôi cũng vậy : nó là một phần của hành trình đức tin, của cuộc sống chúng ta. Tất cả những điều đó không làm cho chúng ta ngạc nhiên, vì chúng ta là những con người, bị ghi dấu bởi tính mỏng giòn và giới hạn; Tất cả chúng chúng ta đều mỏng giòn, tất cả chúng ta đều bị giới hạn. Vì thế, trong những lúc gian nan điều cần thiết là hãy tín thác vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa, nhờ lời cầu xin của tình con thảo, và đồng thời, quan trọng là tìm được lòng can đảm và khiêm nhường mở lòng mình ra cho tha nhân, để xin giúp đỡ, để xin họ giúp chúng ta một tay. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã thực hiện điều này và sau đó chúng ta đã thành công thoát ra khỏi vấn đề và tìm gặp Chúa thêm lần nữa! Trong tình hiệp thông này, nghĩa là hiệp nhất-chung, chúng ta là một đại gia đình, nơi đó tất cả mọi thành phần nâng đỡ và tương trợ lẫn nhau.
3. Chúng ta đến một khía cạnh khác : sự hiệp thông của các thánh vượt qua khỏi cuộc sống trần thế, vượt qua khỏi cái chết và kéo dài mãi mãi. Sự hiệp nhất này giữa chúng ta, vượt qua khỏi và tiếp tục nơi cuộc sống khác, là sự hiệp nhất tinh thần nảy sinh từ Phép rửa và không bị phá vỡ bởi sự chết, nhưng nhờ Đức Kitô phục sinh, được trù định tìm thấy sự viên mãn trong đời sống vĩnh cửu của Người. Có một mối dây liên kết sâu xa và không thể tách được giữa những người vẫn còn lữ hành trên thế gian này – giữa chúng ta – và những người đã vượt qua ngưỡng cửa của sự chết để đi vào nơi vĩnh hằng. Tất cả chúng ta những người được rửa tội nơi trần gian, các linh hồn nơi luyện tội và tất cả các thánh những người đang ở Thiên đường làm nên một đại gia đình. Sự hiệp thông giữa trời và đất được thực hiện cách đặc biệt trong lời chuyển cầu.
Anh chị em thân mến, chúng ta có vẻ đẹp này! đó là thực tại của chúng ta, của tất cả mọi người, làm cho chúng ta là anh em với nhau, một thực tại đang đồng hành với chúng ta trong hành trình cuộc sống đức tin và làm cho chúng ta tìm thấy thêm lần nữa trên quê trời. Chúng ta cùng đi trên hành trình này với lòng tin tưởng, với niềm vui. Người tín hữu phải vui tươi, với niềm vui có được nhiều anh chị em được rửa tội cùng đi với mình, và được nâng đỡ từ anh chị em đang bước đi trên chính con đường này về quê trời; và cùng với sự trợ giúp của các anh chị em những người ở trên trời đang cầu nguyện với Chúa Giêsu cho chúng ta. Hãy tiến lên trên con đường này với niềm vui.
Sau bài huấn từ, trong lời chào bằng tiếng anh với khách hành hương đang hiện diện trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói : Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả mọi người đến từ Anh, xứ Wales, Ai-len, Đan mạch, Hòa lan, Philippin, Việt Nam và Hoa kỳ. Tôi cầu xin phúc lành hoan lạc và bình an xuống của Thiên Chúa xuống trên tất cả mọi người.
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
News.va