Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 7 của Đức Thánh Cha Phanxicô

38
Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 7 của Đức Thánh Cha Phanxicô, 
13.06.2023
Sau đây là bản văn Sứ điệp Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ 7 của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ được cử hành vào Chúa nhật thứ 33 Thường niên – năm nay nhằm ngày 19 tháng Mười Một năm 2023 – với chủ đề: “Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ” (Tb 4:7):
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
1. Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ bảy hàng năm này là một dấu chỉ hiệu quả của lòng thương xót của Thiên Chúa Cha và sự hỗ trợ cho cuộc sống các cộng đồng của chúng ta. Khi việc cử hành ngày càng bén rễ sâu vào đời sống mục vụ của Giáo hội, nó giúp chúng ta luôn tái khám phá được tâm điểm của Tin Mừng. Những cố gắng thường nhật của chúng ta để chào đón người nghèo vẫn là chưa đủ. Một dòng sông lớn của sự nghèo đói đang chảy qua các thành phố của chúng ta và dâng lên đến mức tràn bờ; nó dường như áp đảo chúng ta, vì nhu cầu của những anh chị em chúng ta quá lớn, họ đang cầu xin sự giúp đỡ, hỗ trợ và tình liên đới của chúng ta. Vì lý do này, vào Chúa Nhật trước Lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, chúng ta quy tụ quanh Bàn Tiệc của Người để một lần nữa lãnh nhận từ Người hồng ân và sức mạnh để sống cuộc đời khó nghèo và phục vụ người nghèo.
“Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ” (Tb 4:7). Những lời này giúp chúng ta hiểu được bản chất chứng tá của chúng ta. Qua việc suy niệm về Sách Tôbia, một sách ít được biết đến trong Cựu Ước, nhưng là một sách rất thú vị và đầy sự khôn ngoan, chúng ta có thể hiểu đúng hơn thông điệp mà tác giả thiêng liêng muốn truyền đạt. Chúng ta thấy mình đứng trước một khung cảnh của cuộc sống gia đình: người cha, Tôbít, ôm lấy người con trai của ông là Tôbia sắp bắt đầu một cuộc hành trình dài. Cụ già Tobít lo sợ rằng ông sẽ không bao giờ gặp lại con trai mình nên đã để lại cho cậu “di chúc thiêng liêng” của ông. Cụ Tobít đã bị trục xuất đến Ninivê và hiện bị mù lòa, và vì thế rất nghèo. Đồng thời, cụ luôn vững tin về một điều, được diễn tả bằng chính tên gọi của cụ: “Chúa là sự tốt lành của tôi”. Là một người kính sợ Thiên Chúa và là một hiền phụ, cụ muốn để lại cho con trai mình không chỉ của cải vật chất, mà còn là chứng tá về con đường ngay chính để đi trong cuộc sống. Vì vậy, cụ nói với người con: “Con ơi, con hãy tưởng nhớ Đức Chúa mọi ngày, đừng có ưng phạm tội và làm trái mệnh lệnh của Người. Hãy thực thi công chính suốt mọi ngày đời con và đừng đi theo những nẻo đường bất chính” (4:5).
2. Chúng ta ngay lập tức thấy rằng điều mà cụ già Tobít yêu cầu con trai không chỉ đơn thuần nghĩ đến Thiên Chúa và kêu cầu Người trong lời cầu nguyện. Cụ nói đến việc thực hiện những cử chỉ cụ thể, những việc lành và thực thi công lý. Cụ tiếp tục nói rõ hơn về điều này: “Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo” (4:7).
Những lời nói của cụ già thông thái này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta được nhắc nhớ rằng cụ Tobít đã bị mù sau khi thực hiện một việc làm của lòng thương xót. Như chính cụ nói với chúng ta, từ khi còn trẻ, cụ đã dành cả cuộc đời cho các việc bác ái: “Tôi cũng đã từng rộng tay bố thí cho anh em và đồng bào tôi, những người cùng đi đày với tôi qua Ninivê, ở xứ Átsua … Cơm bánh của tôi, tôi cho người đói khát; quần áo của tôi, tôi cho kẻ trần truồng; nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ninivê, thì tôi chôn cất người đó” (1:3.17).
Vì hành động bác ái này, nhà vua đã tước đoạt tất cả tài sản của cụ và khiến cụ rơi vào cảnh nghèo túng cùng khổ. Tuy nhiên, Thiên Chúa cần cụ Tôbít; khi lấy lại được chức vụ, cụ đã can đảm tiếp tục làm như đã làm trước đây. Chúng ta hãy nghe câu chuyện của cụ, cũng là câu chuyện có thể nói với chúng ta ngày hôm nay. “Ngày lễ Ngũ Tuần của chúng tôi, tức là ngày lễ thánh mừng các Tuần, người ta dọn cho tôi một bữa ăn ngon, và tôi nghiêng người xuống để dùng bữa. Người ta bày bàn, dọn cho tôi nhiều món. Tôi nói với Tôbia, con tôi: ‘Con ơi, con hãy đi tìm trong số các anh em chúng ta bị đày ở Ninivê, một người nghèo hết lòng tưởng nhớ Thiên Chúa, rồi dẫn người ấy về đây cùng dùng bữa với cha. Này, con ơi, cha đợi con cho đến khi con về.’” (2:1-2). Thật vô cùng ý nghĩa nếu vào Ngày Người Nghèo, mối quan tâm này của cụ Tôbít cũng là của chính chúng ta! Nếu chúng ta có thể mời ai đó dùng chung bữa tối Chúa nhật, sau khi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, thì Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành sẽ thực sự trở thành dấu chỉ của sự hiệp thông. Nếu đúng là xung quanh bàn thờ Chúa, chúng ta ý thức rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, thì tình huynh đệ của chúng ta sẽ trở nên thật rõ ràng khi chúng ta chia sẻ bữa ăn của mình với những người đang túng thiếu!
Tôbia làm theo lời cha, nhưng cậu trở lại báo tin rằng một người đàn ông tội nghiệp đã bị sát hại và bị ném ở ngoài chợ. Không do dự, cụ Tôbít đứng dậy ra khỏi bàn và đi chôn cất người đàn ông đó. Về đến nhà mệt lử, cụ ngủ quên ngoài sân; phân chim rơi vào mắt và làm cụ bị mù (xem 2:1-10). Một sự trớ trêu của số phận: làm tốt lại gặp điều không may! Đó là điều chúng ta thường nghĩ đến, nhưng đức tin dạy chúng ta đi sâu hơn. Sự mù lòa của cụ Tôbít đã trở thành sức mạnh, giúp cụ nhận biết rõ ràng hơn nhiều hình thức nghèo khó xung quanh cụ. Khi đến thời gian thích hợp, Chúa trả lại cho cụ thị lực và niềm vui được nhìn lại người con trai mình là Tôbia. Chúng ta được kể lại rằng khi ngày đó đến: “Ông ôm choàng lấy cổ cậu, vừa khóc vừa nói: ‘Con ơi, cha đã thấy con! Con là ánh sáng cho đôi mắt cha!’ Rồi ông nói: ‘Chúc tụng Thiên Chúa! Chúc tụng Danh cao trọng của Người. Chúc tụng mọi thiên sứ thánh thiện của Người! Ước gì Danh cao trọng của Người che chở chúng ta! Chúc tụng mọi thiên sứ đến muôn đời! Vì tôi đã bị Người đánh phạt, nhưng nay lại được thấy Tôbia, con tôi!’” (11:13-14).
3. Chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng cụ Tôbít đã tìm thấy sự can đảm và sức mạnh nội tâm ở đâu để có thể phục vụ Thiên Chúa giữa dân ngoại và yêu thương người lân cận đến mức liều mạng sống của mình. Câu chuyện của cụ già Tôbít là một câu chuyện thật đáng chú ý: một người chồng chung thủy và một người cha tận tâm, cụ bị trục xuất khỏi quê hương, nơi cụ phải chịu đựng cách bất công, bị nhà vua bắt bớ và bị hàng xóm ngược đãi. Mặc dù là một người tốt lành như vậy, cụ vẫn bị thử thách. Như Kinh Thánh thường dạy chúng ta, Thiên Chúa không miễn trừ những thử thách cho người công chính. Tại sao? Đó không phải là ruồng rẫy chúng ta, nhưng để củng cố niềm tin của chúng ta vào Người.
Trong thời gian thử thách, cụ Tôbít khám phá ra sự nghèo khó của bản thân, giúp cụ nhận ra những người nghèo khác. Cụ trung thành với luật pháp của Thiên Chúa và tuân giữ các điều răn, nhưng đối với cụ như vậy là chưa đủ. Cụ có khả năng thể hiện sự quan tâm thiết thực đến người nghèo vì bản thân cụ đã biết rõ thế nào là nghèo. Do đó, lời khuyên của cụ cho Tôbia trở thành di chúc thật của cụ: “Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ” (4:7). Tóm lại, bất cứ khi nào chúng ta gặp một người nghèo, chúng ta không được ngoảnh mặt đi, vì việc đó sẽ khiến chúng ta không gặp gỡ được dung nhan của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cân nhắc cẩn thận lời của cụ: “đối với ai nghèo khổ”. Mọi người đều là người lân cận của chúng ta. Bất kể màu da, địa vị xã hội của họ, họ đến từ đâu, nếu bản thân tôi nghèo thì tôi có thể nhận ra những anh chị em của mình đang cần sự giúp đỡ của tôi. Chúng ta được kêu gọi hãy nhận biết tất cả mọi người nghèo và mọi hình thức của sự nghèo khó, từ bỏ sự thờ ơ và những lời bào chữa sáo rỗng mà chúng ta đưa ra để bảo vệ hạnh phúc ảo tưởng của mình.
4. Chúng ta đang sống trong thời đại không có sự nhạy cảm cách đặc biệt trước sự thiếu thốn của người nghèo. Áp lực thích ứng với lối sống sung túc gia tăng, trong khi tiếng nói của những người sống trong cảnh nghèo khó có chiều hướng không được lắng nghe. Chúng ta có xu hướng hờ hững với bất cứ điều gì làm biến đổi mô hình cuộc sống đặt ra trước mặt thế hệ trẻ, những người dễ bị tổn thương nhất trước những thay đổi văn hóa đang diễn ra. Chúng ta không để ý đến bất cứ điều gì gây khó chịu hoặc đau khổ, và đề cao những giá trị thể chất như thể chúng là mục tiêu chính trong cuộc sống. Thực tế ảo đang lấn át cuộc sống thật và hai thế giới ngày càng hòa trộn thành một. Người nghèo trở thành một đoạn phim có thể ảnh hưởng đến chúng ta trong chốc lát, nhưng khi gặp họ bằng xương bằng thịt trên đường phố, chúng ta thấy bực mình và ngoảnh mặt đi. Sự vội vàng, hiện là bạn đồng hành hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, ngăn cản chúng ta không dừng lại để giúp chăm sóc người khác. Dụ ngôn người Samari tốt lành (x. Lc 10:25-37) không chỉ là một câu chuyện của quá khứ; nó tiếp tục thách thức mỗi người chúng ta trong cuộc sống hàng ngày ở đây và bây giờ. Thật dễ dàng để giao phó việc bác ái cho người khác, nhưng tiếng gọi của mọi người Kitô hữu là hãy đích thân tham gia vào.
5. Chúng ta cảm tạ Chúa vì có biết bao nhiêu người đang hy sinh chăm sóc cho người nghèo và người bị loại trừ; họ là những người thuộc mọi độ tuổi và địa vị xã hội thể hiện sự thấu hiểu và sẵn sàng giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người đau khổ. Họ không phải là những siêu anh hùng mà là “hàng xóm láng giềng”, những con người bình thường lặng lẽ trở nên nghèo khó giữa những người nghèo. Họ hành động nhiều việc hơn làm bố thí: họ lắng nghe, họ cam kết, họ cố gắng thấu hiểu và đối phó với những tình huống khó khăn và nguyên nhân của chúng. Họ không chỉ xét đến nhu cầu vật chất mà cả nhu cầu tinh thần; và họ hoạt động vì sự thăng tiến toàn diện của các cá nhân. Nước Thiên Chúa hiện diện và hữu hình trong sự phục vụ quảng đại và vô vị lợi của họ; giống như hạt giống rơi vào đất tốt, nó bén rễ trong đời sống họ và sinh hoa trái dồi dào (x. Lc 8:4-15). Lòng biết ơn của chúng ta đối với những người tình nguyện này cần được thể hiện qua lời cầu nguyện để chứng tá của họ ngày càng có kết quả.
6. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Thông điệp Pacem in Terris, chúng ta cần ghi nhớ kỹ những lời sau đây của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII: “Mọi người đều có quyền được sống, quyền toàn vẹn thân thể và quyền sử dụng các phương tiện cần thiết cho sự phát triển đúng đắn của cuộc sống, bao gồm thực phẩm, quần áo, chỗ ở, chăm sóc y tế, nghỉ ngơi và cuối cùng là các dịch vụ xã hội cần thiết. Do đó, mọi cá nhân đều có quyền được chăm sóc khi bị ốm đau bệnh tật, tàn tật do công việc, góa bụa hoặc thất nghiệp; cũng như trong các trường hợp khác khi, không phải do lỗi của mình, người đó bị tước đoạt phương tiện kiếm sống” (ed. Carlen, No. 11).
Còn biết bao việc cần phải làm để điều này trở thành hiện thực, nhất là phải thông qua một cam kết nghiêm túc và hiệu quả từ phía các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà lập pháp! Với tất cả những hạn chế và đôi khi là những thất bại của hoạt động chính trị trong việc phân định và phục vụ ích chung, mong sao tinh thần liên đới và phân quyền tiếp tục phát triển giữa những công dân tin vào giá trị của cam kết tự nguyện phục vụ người nghèo. Chắc chắn cần phải thúc giục, thậm chí gây sức ép để các cơ quan công thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, còn nếu thụ động chờ đợi để nhận mọi thứ “từ trên cao” thì chẳng ích gì. Những người sống trong nghèo khó cũng phải được tham gia và đồng hành trong tiến trình thay đổi và trách nhiệm.
7. Ngoài ra, một lần nữa chúng ta phải thừa nhận những hình thức nghèo khó mới, cũng như những hình thức được mô tả trước đây. Tôi đặc biệt nghĩ đến những dân tộc bị cuốn vào các hoàn cảnh chiến tranh, và đặc biệt là những trẻ em bị cướp mất hiện tại thanh bình và một tương lai đúng phẩm giá. Chúng ta đừng bao giờ trở nên quen với những tình huống như vậy. Chúng ta hãy kiên trì trong mọi nỗ lực để thúc đẩy hòa bình như một hồng ân của Chúa Phục sinh và là kết quả của cam kết đối với công lý và đối thoại.
Chúng ta cũng không thể làm ngơ trước những hình thức đầu cơ trong các lãnh vực khác nhau, đã dẫn đến việc giá cả tăng chóng mặt khiến nhiều gia đình càng trở nên túng quẫn. Tiền kiếm được nhanh chóng tiêu hết, buộc phải có những hy sinh làm tổn hại đến phẩm giá của mỗi người. Nếu một gia đình phải lựa chọn giữa lương thực để nuôi dưỡng và sự chăm sóc y tế, thì chúng ta cần chú ý đến tiếng nói của những người ủng hộ quyền đối với cả hai thiện ích này nhân danh phẩm giá của nhân vị.
Vậy thì làm sao chúng ta có thể không lưu ý đến sự lẫn lộn về đạo đức hiện diện trong thế giới lao động? Nhiều lao động nam và nữ bị đối xử vô nhân đạo; đồng lương không thỏa đáng cho công việc làm; tai họa của sự mất việc làm ổn định; quá nhiều các trường hợp tử vong liên quan đến tai nạn, thường là kết quả của não trạng chọn lợi nhuận nhanh chóng thay vì nơi làm việc an toàn… Chúng ta được nhắc nhớ đến lời nhấn mạnh của Thánh Gioan Phaolô II rằng “nền tảng chính của giá trị lao động là chính con người… Tuy có thể con người được định sẵn cho công việc và được gọi để làm việc là đúng, nhưng ngay từ đầu, công việc là ‘vì con người’ chứ không phải con người ‘vì công việc’” (Thông điệp Laborem Exercens, 6).
8. Danh sách này, bản thân nó đã gây lo lắng rất lớn, chỉ giải thích cách cục bộ tình trạng nghèo khó hiện đang là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tôi không thể không đề cập cách đặc biệt đến một hình thức nghèo khó rõ ràng ngày càng đang ảnh hưởng đến những người trẻ. Bao nhiêu thất vọng và bao nhiêu vụ tự tử bị gây ra bởi những ảo tưởng được tạo ra bởi một nền văn hóa khiến người trẻ nghĩ rằng họ là “những kẻ thua cuộc”, “chẳng ích gì”. Chúng ta hãy giúp họ phản ứng lại với những ảnh hưởng xấu này và tìm cách giúp họ phát triển để trở thành những người nam và nữ tự tin và quảng đại.
Khi nói đến người nghèo, người ta dễ rơi vào sự thừa thãi của tu từ. Cũng có một cám dỗ ngấm ngầm giữ nó ở mức độ thống kê và con số. Người nghèo là những con người; họ có khuôn mặt, có câu chuyện, trái tim và linh hồn. Họ là anh chị em của chúng ta, có điểm tốt và điểm xấu, giống như tất cả chúng ta, và điều quan trọng là phải đi vào mối tương quan cá nhân với mỗi người trong số họ.
Sách Tôbia dạy chúng ta phải thực tế và thiết thực trong bất cứ điều gì chúng ta làm với và làm cho người nghèo. Đây là vấn đề công lý; nó đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm và tìm thấy nhau, để nuôi dưỡng sự hài hòa cần thiết cho cộng đồng. Quan tâm đến người nghèo không chỉ đơn giản là một sự giúp đỡ vội vàng; nó kêu gọi thiết lập lại các mối tương quan giữa các cá nhân mà sự nghèo khó gây tác hại. Bằng cách này, việc “đừng ngoảnh mặt làm ngơ đối với ai nghèo khổ” dẫn chúng ta đến sự tận hưởng những lợi ích của lòng thương xót và lòng bác ái mang lại ý nghĩa và giá trị cho toàn bộ đời sống Kitô hữu của chúng ta.
9. Xin cho sự quan tâm của chúng ta đối với người nghèo luôn được mang đậm dấu ấn bằng tính hiện thực của Tin Mừng. Sự chia sẻ của chúng ta phải đáp ứng những nhu cầu cụ thể của người khác, hơn là một phương cách để chúng ta loại bỏ những của cải dư thừa. Ở đây cũng vậy, cần phải có sự phân định do Thánh Thần hướng dẫn, để nhận ra những nhu cầu đích thực của anh chị em chúng ta chứ không phải những hy vọng và nguyện vọng của cá nhân chúng ta. Điều mà người nghèo chắc chắn cần đó là tình người của chúng ta, trái tim của chúng ta rộng mở trước tình yêu. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “chúng ta được kêu gọi tìm thấy Đức Kitô nơi họ, lên tiếng bênh vực mục đích của họ, nhưng đồng thời cũng là bạn của họ, nghe họ, nói với họ và ôm ấp sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta thông qua họ” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 198). Đức tin dạy chúng ta rằng mọi người nghèo đều là con cái của Thiên Chúa và Chúa Kitô hiện diện trong họ. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).
10. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Trong một trang trong quyển tự truyện của mình, Truyện một tâm hồn, thánh nhân nói với chúng ta: “Con nhận ra rằng bác ái hoàn hảo có nghĩa là chấp nhận nhược điểm của người khác, không bị ảnh hưởng bởi nhược điểm đó, được truyền cảm hứng từ những hành động đức hạnh nhỏ bé mà chúng ta thấy người khác thực hành. Nhưng trên hết, con nhận ra rằng đức ái không được giữ kín trong sâu thẳm trái tim con người: Chúa Giêsu phán: ‘Chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.’ Đối với con, ngọn đèn đó tượng trưng cho đức ái để soi sáng và mang đến niềm vui không chỉ cho những người thân yêu nhất của con, mà cho tất cả mọi người trong nhà, không loại trừ ai” (Ms C, 12r°).
Trong ngôi nhà của chúng ta là thế giới này, mọi người đều có quyền cảm nghiệm ánh sáng của đức ái; không ai bị tước đoạt ánh sáng đó. Nguyện xin tình yêu vững vàng của Thánh Têrêsa đánh động tâm hồn chúng ta trong Ngày Người nghèo Thế giới này, và giúp chúng ta không “ngoảnh mặt làm ngơ đối với ai nghèo khổ”, nhưng luôn tập trung vào khuôn mặt nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Rome, Đền Thánh Gioan Lateran, 13 tháng Sáu, 2023, Lễ nhớ Thánh Antôn Pađua, Bổn mạng người nghèo.
PHANXICÔ
[Nguồn: vatican.va]