Sứ Điệp Năm Mới 2013 của Đức Thánh Cha Benedict XVI (Phần I)

56

“Ơn Gọi Bẩm Sinh của Con Người là Hòa Bình”

(Phần I của Sứ Điệp Năm Mới 2013 của ĐTC Benedict XVI)

Pope-Benedict-XVI-460x360Quý vị thính giả thân mến! Như quý thính giả biết, là vào ngày 14-12 vừa qua ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa Bình, đã giới thiệu Sứ Điệp của ĐTC nhân ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 46 sẽ được cử hành vào ngày 1 tháng Giêng 2013 tới đây, với chủ đề “PHÚC CHO AI KIẾN TẠO HÒA BÌNH”. Năm 2012 đang bước vào những ngày cuối để nhường chỗ cho Năm 2013, và trong ngày đầu tiên của Năm Mới 2013 ĐTC sẽ chính công bố vào sứ điệp này.

Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu đến với quý vị thính giả toàn văn sứ điệp có chủ đề “PHÚC CHO AI KIẾN TẠO HÒA BÌNH”. Hy-vọng với hai hình thức chuyển tải: vừa bản văn Việt-ngữ vừa audio sẽ giúp quý vị tiếp cận sứ điệp này cách dễ dàng hơn.

Toàn văn sứ điệp gồm 7 số, và được tạm phân nhỏ nó thành 4 tiểu đoạn:

-tiểu đoạn thứ nhứt tạm gọi “Ơn gọi bẩm sinh của con người là hòa bình”, gồm các số từ 1-3;

-tiểu đoạn thứ hai tạm gọi là “Nhận diện chân dung đích thực người kiến tạo hòa bình”, gồm toàn văn số 4;

-tiểu đoạn thứ ba tạm gọi là “Vài điều chính yếu cần thực hiện để thăng tiến hòa bình” gồm các số từ 5 đến 06;

-tiểu đoạn cuối có nhan đề “Có một nền sư phạm dành cho người kiến thiết hòa bình”.

Trong chương trình này, chúng tôi xin chuyển đến quý vị tiểu đoạn đầu gồm các số từ số 01 đến số 03 trong toàn văn sứ điệp, với chủ đề “Ơn Gọi Bẩm Sinh của Con Người là Hòa Bình”.

1A:


1B:


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

BENEDICT XVI

NHÂN DỊP MỪNG NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH

NGÀY 01 THÁNG GIÊNG NĂM 2013

<<<<——-xxxxx——->>>>

“PHÚC CHO AI KIẾN TẠO HÒA BÌNH”



1. Mỗi một Năm Mới đều mang lại niềm mong ước về một thế giới tốt đẹp hơn. Trong ánh sáng này, tôi nguyện xin Thiên Chúa, là Cha của nhân loại, ban cho tất cả chúng ta sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng có thể được thành tựu.

Năm mươi năm sau ngày khai mạc Công Đồng Vaticano II, vốn là sự kiện giúp chúng ta đẩy mạnh sứ mạng của Giáo hội trong thế giới, thật là phấn khởi để nhận ra rằng những người Ki-tô hữu (như là Dân Thiên Chúa trong việc bước theo Người và đang hành trình giữa lòng nhân loại), đang dấn thân trong lòng lịch sử để chia sẻ vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng[1], vì họ đang loan báo ơn cứu độ của Đức Ki-tô và thăng tiến hòa bình cho hết thảy mọi người.

Thực tế, thời đại của chúng ta được đánh dấu bởi sự toàn cầu hoá với những khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó, cũng như sự tiếp diễn của những xung đột bạo lực và những đe doạ của chiến tranh, đòi hỏi một sự dấn thân mới mẻ và mang tính hợp tác trong việc theo đuổi ích chung cũng như sự phát triển của mọi người, và của con người toàn diện.

Thật đáng báo động khi chứng kiến những điểm nóng căng thẳng và xung đột gây ra bởi khoảng cách mất bình đẳng ngày càng lớn giữa giàu và nghèo, bởi sự lan tràn của não trạng cá nhân và ích kỷ, là thứ cũng tìm thấy sự biểu hiện của nó nơi chủ nghĩa tư bản tài phiệt thiếu sự kiểm soát. Bên cạnh những biến thể của chủ nghĩa khủng bố và của tội ác quốc tế, thì nền hoà bình còn bị đe doạ bởi các hình thái của chủ nghĩa duy cực đoan, và cuồng tín, là những thứ bóp méo bản chất tôn giáo đích thực, trong khi nó vốn mời gọi cổ võ tình liên đới và sự hoà giải giữa mọi người.

Thời nào cũng vậy, nhiều nỗ lực khác nhau trong việc kiến tạo hoà bình nhan nhãn trong thế giới, minh thị rằng ơn gọi bẩm sinh của con người là hoà bình. Nơi mỗi người, khao khát hoà bình là một khát vọng căn bản, mà trong một cách thức nào đó, nó đã đồng hóa với nỗi khát khao về một đời sống sung mãn, thành đạt và hạnh phúc. Nói cách khác, nỗi khát khao hoà bình sẽ đồng ứng với nguyên lý đạo đức cơ bản, nghĩa là quyền và nghĩa vụ phát triển có tính hội nhất, đại đồng và xã hội, vốn là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Con người được sáng tạo vì nền hoà bình là quà tặng của Chúa.

Tất cả những thao thức trên đã đưa tôi đến chỗ kín múc gợi hứng từ những lời của Chúa Giê-su cho Sứ Điệp năm nay: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Mối phúc Tin Mừng

2. Các mối phúc mà Đức Giê-su công bố (x. Mt 5,3-12, và Lc 6,20-23) là những lời hứa. Theo truyền thống Kinh Thánh, mối phúc là một thể loại văn chương liên quan đến những tin tốt lành, một “Phúc Âm”, là chóp đỉnh của một lời hứa. Do đó, các mối phúc không chỉ là những khích lệ về mặt luân lý, mà người giữ nó thấy trước được đời sống mai hậu ngay trong đời này, thấy trước phần thưởng hoặc tình trạng hạnh phúc tương lai; đúng hơn, phúc lành mà các mối phúc nói đến hệ tại ở việc ứng nghiệm lời hứa dành cho những ai để cho mình được hướng dẫn bởi những đòi hỏi của chân lý, công bình và bác ái.

Trong con mắt của thế gian, những người tín thác nơi Thiên Chúa, và tin vào lời hứa của Ngài thường trông có vẻ ngây ngô và xa rời thực tế. Thế nhưng, Đức Giê-su bảo họ rằng, không chỉ ở đời sau nhưng ngay tại đời này, họ sẽ khám phá ra mình là con cái Thiên Chúa, và rằng Thiên Chúa đã, đang và mãi luôn sát cánh bên họ. Họ hiểu rằng mình không lẻ loi, bởi vì Thiên Chúa là đứng về phía những ai dấn thân cho chân lý, công bình và bác ái. Đức Giêsu, Đấng là mạc khải Tình Yêu của Chúa Cha, đã không do dự trao ban chính mình nơi sự tự-hiến. Một khi chúng ta đón nhận Đức Giê-su, Đấng là Thiên Chúa và là con người, chúng ta có được kinh nghiệm vui sướng về một món quá đỗi lớn lao: được chung chia chính sự sống của Thiên Chúa, đời sống ân sủng, lời cam kết sẽ được sự hiện hữu hạnh phúc sung mãn. Đặc biệt, Đức Giê-su Ki-tô ban cho chúng ta bình an đích thực, một thứ bình an phát sinh từ cuộc gặp gỡ đầy tin tưởng giữa con người với Thiên Chúa.

Mối phúc của Đức Giê-su nói với chúng ta rằng hoà bình vừa là qua tặng của Đấng Mê-si-a, vừa là hoa trái phát sinh từ những nỗ lực của con người. Thực vậy, hoà bình giả thiết về sự mở ra của con người đối với siêu việt. Nó là hoa trái của một món quà có tính đồng ứng, là hoa trái của một sự phong nhiêu có tính hỗ tương, cảm tạ vì món quà đặt nguồn cội nơi Thiên Chúa và khiến cho chúng ta  thể sống với và sống cho người khác.

Nền đạo đức hoà bình là đạo đức của tình liên đới và chia sẻ. Điều không thể miễn chước là những nền văn hoá khác nhau trong thời đại ngày nay cần vượt qua/tránh các hình thái nhân học và đạo đức dựa trên những giả thiết có tính thực tế và kỹ thuật, vốn chỉ đơn thuần là chủ quan và thực dụng, đặt trọng những mối tương quan đồng hiện hữu bị tiêu chuẩn quyền lực hoặc lợi-nhuận chi phối, phương tiện trở thành cùng đích, và ngược lại, giáo dục chỉ đơn thuần nhắm vào công cụ, kỹ thuật và hiệu suất.

Tiền kiện cần thiết để có hoà bình là sự xoá bỏ sự độc tài của chủ nghĩa tương đối và của một giả thiết về nền luân lý hoàn toàn tự hành vốn không thừa nhận luật luân lý tự nhiên không thể chối bỏ, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm của mỗi người nam cũng như nữ. Hoà bình cần được xây dựng trên sự đồng hiện diện của các điều khoản lý trí và luân lý, được đặt nền tảng mà tiêu chuẩn của nó không phải do con người tạo ra, nhưng đúng hơn là do chính Thiên Chúa. Thánh Vịnh 29 nói rằng: “Xin Chúa ban quyền cho dân Chúa, tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an” (câu 11).

Hoà bình: Quà tặng của Thiên Chúa và hoa trái của nỗ lực con người

3. Hoà bình quan tâm nhân vị như một toàn thể, và nó có liên hệ đến hết thảy mọi người. Hoà bình với Thiên Chúa là một đời sống được sống thuận theo ý muốn của Ngài. Hoà bình cũng là một sự bình an nội tâm nơi chính mình và hoà bình ngoại tại với tha nhân và với mọi tạo vật. Trên hết, như chân Phước Gioan 23 đã viết trong thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), mà chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm vào những tháng tới, hòa bình đòi hỏi việc dựng xây sự đồng hiện hữu đặt nền tảng trên chân lý, tự do, bác ái và công bình [2]. Sự khước từ điều làm nên bản chất đích thực của con người nơi các chiều kích thiết yếu của nó, nơi khả năng nội tại biết được chân lý và sự thiện, một cách tối hậu, là khả năng nhận biết chính Thiên Chúa, sẽ gây nguy hại cho việc kiến tạo hòa bình. Không có chân lý về con người được Đấng Tạo Hóa ghi dấu trong trái tim con người, tự do và yêu thương trở nên giả tạo, và công bình đánh mất đi nền tảng thực thi của chính mình.

Để trở nên những con người kiến tạo hòa bình đích thực, chúng ta phải ghi nhớ chiều kích siêu việt của mình và phải đi vào một cuộc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa, Người là Cha giàu lòng thương xót, bởi đó chúng ta sẽ khẩn nài ơn cứu chuộc mà Người Con Duy Nhất của Ngài đã mang đến cho chúng ta. Theo cách đó, nhân loại có thể vượt qua được những bóng mờ đang diễn tiến và sự khước từ hòa bình, vốn là tội lỗi trong tất cả hình thức của nó: ích kỷ, bạo lực, kiêu căng, khao khát quyền lực và thống trị, thiếu lòng khoan nhượng, ghen ghét và các cơ cấu bất công.

Việc đạt đến hòa bình phụ thuộc trước hết vào việc chúng ta nhận ra, nơi Thiên Chúa chúng ta là một gia đình nhân loại. Thể theo lời dạy của thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), gia đình này được cấu trúc bởi các mối tương quan liên vị và các thể chế vốn được hỗ trợ và được làm sống động bởi cái “CHÚNG TÔI” đại đồng. Cái CHÚNG TÔI này đòi hỏi một trật tự luân lý nội tại cũng như ngoại tại, mà nơi đó, hợp với chân lý và công bình, các quyền đồng ứng và các nghĩa vụ hỗ tương được công nhận cách chân thành. Hòa bình là một trật tự được linh hoạt và điều hòa bởi tình yêu thương, trong đó chúng ta sẽ cảm thấy nhu cầu của tha nhân cũng là của chính mình; chúng ta chia sẻ thiện ích với tha nhân và lao tác rộng khắp thế giới, vì một sự hiệp thông lớn hơn trong các giá trị tinh thần. Hòa bình là một trật tự được đạt thành nơi tự do, nghĩa là trong một cách thế phù hợp với phẩm giá của con người. Con người, trong chính bản chất của mình là một hữu thể có lý trí, nhận lấy trách nhiệm cho hành động của mình.[3]

Hòa bình đâu phải là giấc một hay một điều gì đó không tưởng, nhưng là một điều khả thi. Chúng ta cần hướng tầm nhìn của mình sâu xa hơn, vượt qua những vẻ biểu kiến và các hiện tượng hời hợt bên ngoài, chúng ta sẽ phân định một thực tại tích cực, là thứ đang tồn tại trong lòng con người, vì mỗi người nam cũng như nữ đều được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi để lớn lên và góp phần vào việc xây dựng một thế giới mới. Chính Thiên Chúa, ngang qua sự nhập thể của Người Con và công trình cứu chuộc của Người, đã đi vào lịch sử và đã mang đến một cuộc sáng tạo mới và một giao ước mới, giao ước giữa Thiên Chúa và con người (x. Gr 31,31-34), và ngài cũng khiến cho chúng ta có một “trái tim mới” và một “thần khí mới” (x. Gr 36,26).

Vì lý do này, Giáo Hội bị thuyết phục bởi tính cấp thiết của việc tái công bố Đức Giê-su Ki-tô, là yếu tố đầu tiên và nền tảng của sự phát triển hội nhất của mọi người và cũng là của hòa bình. Quả thực Đức Giê-su là hòa bình của chúng ta, là công bình và sự hòa giải của chúng ta (x. Ep 2,14; 2Cr 5,18). Người kiến tạo hòa bình, thể theo mối phúc của Đức Ki-tô, là người biết kiếm tìm thiện ích cho người khác, sự trọn vẹn của thiện ích cả nơi hồn lẫn, hôm nay cũng như mai sau.

Từ lời dạy này, người ta có thể suy ra rằng, mỗi người và mỗi công đoàn, cho dù thuộc về bất cứ tôn giáo, nền giáo dục và văn hóa nào đi nữa, tất cả đều được mời gọi để lao tác xây đắp hòa bình. Hòa bình là việc đạt được những thiện ích chung (công ích) trong xã hội, vươn tới mọi cấp độ khác nhau, từ cấp cơ sở, trung vi, trên phạm vi quốc gia, quốc tế và toàn cầu. Rõ ràng, vì lý do này những lối nẻo để đạt đến thiện ích chung cũng chính là những con đường phải đi trong việc theo đuổi hòa bình.

(còn tiếp…)

nguon: dongten.net

Cước chú

[1] Xem, Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium Et Spes, số 1.

[2] Xem Thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), 11 tháng 4 năm 1963: AAS 55(1963), 265-266.

[3] Xem, Ibid.: AAS 55 (1963), 266.