Sứ điệp Năm Mới 2013 của Đức Thánh Cha Benedict XVI (Phần 3)

70

Kiến Tạo Hòa Bình Bắt Đầu với Việc Hoán Cải-Đổi Mới Cái Nhìn về Con Người, về Công Ích, về Giáo Dục…

(phần 3: Sứ điệp Năm Mới 2013 của ĐTC Benedict XVI)

peace-makers-hands“…những người kiến tạo hòa bình được mời gọi để nuôi dưỡng một lòng đam mê đối với thiện ích chung của gia đình và đối với công bình xã hội, đồng thời nuôi dưỡng sự dấn thân đối với lãnh vực giáo dục xã hội có hiệu quả…”

 


 

(Tiếp theo phần 2)

Xây dựng thiện ích hòa bình ngang qua một mô hình mới về kinh tế và sự phát triển

5. Ngày nay, ở nhiều nơi người ta thấy cần một mô hình phát triển mới, cũng như một tiếp cận mới đối với lĩnh vực kinh tế. Cả hai, vừa là sự phát triển bền vững và hội nhất trong tình liên đới, vừa là thiện ích chung đòi phải có một bậc thang đúng đắn về thiện ích và giá trị, một cấu trúc nhìn nhận Thiên Chúa như là điểm tham chiếu tối hậu của mình. Việc cung cấp nhiều phương tiện và nhiều chọn lựa cho dẫu là một điều tốt nhưng chưa đủ. Cả hai, vừa là sự đa dạng các thiện ích cổ võ sự phát triển, vừa là sự hiện diện của dãy rộng lớn các chọn lựa, phải được sử dụng nhắm đến việc đảm bảo một đời sống tốt, một cách hành xử đúng đắn vốn ý thức về vị thế hàng đầu của phần thiêng liêng, cũng như lời mời gọi hãy làm việc vì thiện ích chung. Băng không chúng sẽ đánh mất đi ý nghĩa đích thực của mình, và rốt cuộc chúng lại trở nên những thứ ngẫu tượng mới.

Để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay (vốn đưa đến sự bất bình đẳng ngày càng lớn hơn), chúng ta cần đến những con người, nhóm người và các thể chế biết thăng tiến sự sống bằng việc cổ võ sức sáng tạo của con người, hầu rút tỉa được từ chính cuộc khủng hoảng một cơ hội để phân định và để tìm ra một mô hình kinh tế mới.

Mô hình kinh tế chiếm thế thống lĩnh trong những thập niên gần đây thường đặt trọng việc tìm kiếm lợi nhuận và tiêu thụ tối đa, dựa trên nền tảng não trạng cá nhân và ích kỷ, nhắm đến việc đánh giá con người đơn thuần chỉ dựa trên khả năng của họ đáp ứng những đòi hỏi của cạnh tranh. Thế nhưng, từ một quan điểm khác, sự thành công đích thực và lâu dài chỉ đạt được ngang qua món quà là chính chúng ta, khả năng trí tuệ, và kỹ năng nghề nghiệp, vì sự phát triển kinh tế nhân bản đích thực và “có thể sống được” đòi hỏi nguyên tắc ban phát nhưng không được coi như một biểu lộ tình huynh đệ và luận lý trao ban [5]. Cụ thể, trong hoạt động kinh tế, người kiến tạo hòa bình là người thiết lập mối dây công bình và tương trợ lẫn nhau với các công ty của họ, với các công nhân, khách hàng và người tiêu thụ. Họ dấn thân vào hoạt động kinh tế vì thiện ích chung, và họ kinh nghiệm sự dấn thân này như là một điều gì đó vượt lên trên tư-lợi của mình. Họ dấn thân vào hoạt động kinh tế vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Thực thế, họ làm việc không chỉ vì bản thân, nhưng còn để đảm bảo cho người khác có tương lai và có một công việc xứng đáng.

Trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các quốc gia cần đưa ra các chính sách phát triển nông nghiệp và công nghiệp có lưu tâm sự tăng tiến xã hội và sự phát triển khắp nơi của các quốc gia lập hiến cũng như dân chủ. Việc tạo ra các cấu trúc đạo đức cho thị trường tiền tệ, tài chính và thương mại cũng là một yếu tố nền tảng và không thể bỏ qua; những hệ thống này cần được ổn định, phối hợp và kiểm soát tốt hơn để tránh phương hại đến những người nghèo.

Người kiến tạo hòa bình cũng cần phải tập trung vào cuộc khủng hoảng lương thực, vốn còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính. Vấn đề an toàn lương thực luôn là tâm điểm trong lịch trình làm việc chính trường quốc tế, do một hệ luận từ các cuộc khủng hoảng chằng chịt, gồm việc gia tăng đột biến về giá cả của các mặt hàng lương thực thiết yếu, những hành vi thiếu trách nhiệm của một vài tổ chức kinh tế, và về phần mình, thì các chính phủ và các tổ chức cộng đồng quốc tế kiểm soát không hiệu quả. Để đối diện với cuộc khủng hoảng này, những người kiến tạo hòa bình được mời gọi làm việc với nhau trong tinh thần liên đới, từ mức độ địa phương tới tầm cỡ quốc tế, với mục đích là giúp người nông dân, đặc biệt cho những nông dân nhỏ bé, hãy thực hiện các công việc của mình trong một cách thức cao quý và bền vững xét từ quan điểm kinh tế, môi trường và xã hội.

Giáo dục một nền văn hóa hòa bình: vai trò của gia đình và các thể chế

6. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng những người kiến tạo hòa bình được mời gọi để nuôi dưỡng một lòng đam mê đối với thiện ích chung của gia đình và đối với công bình xã hội, đồng thời nuôi dưỡng sự dấn thân đối với lãnh vực giáo dục xã hội có hiệu quả.

Nhìn từ quan điểm nhân khẩu học, đạo đức, kinh tế, giáo dục và văn hóa, chẳng ai phớt lờ hay đánh giá thấp vai trò tiên quyết của gia đình, vốn là tế bào cơ bản của xã hội. Gia đình có ơn gọi tự nhiên là thăng tiến đời sống: Gia đình đồng hành với mỗi cá nhân cho đến khi họ trưởng thành và khuyến khích một sự phát triển hỗ tương và làm phong phú cho nhau ngang qua sự chăm sóc và sẻ chia. Cách riêng, gia đình Ki-tô giáo phục vụ như là một vườn ươm cho sự trưởng thành của cá nhân theo tiêu chuẩn tình yêu Thiên Chúa. Gia đình là một trong những chủ thể xã hội không thể thiếu đối với việc đạt được một nền văn hóa hòa bình. Quyền của các bậc cha mẹ và vai trò chính yếu của họ trong giáo dục con em mình trong lĩnh vực luân lý và tôn giáo cần phải được bảo vệ. Chính trong gia đình mà những con người kiến tạo hòa bình tương lai, những người thăng tiến nền văn hóa tình thương và nên văn minh sự sống, được sinh ra và được dưỡng dục.[6]

Các cộng đoàn tôn giáo cũng có liên hệ trong một cách thế đặc biệt trong nhiệm vụ lớn lao về giáo dục hòa bình. Giáo hội tin rằng mình đang chia sẻ trách nhiệm lớn lao này như là một phần trong sứ mạng Tân Phúc Âm hóa vốn đặt trọng tâm vào việc hoán cải mọi người về với chân lý và tình yêu của Đức Ki-tô và, theo đó họ sẽ được dẫn đến một cuộc tái sinh về luân lý và thiêng liêng nơi các cá nhân cũng như các cộng đoàn xã hội. Việc gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô sẽ khuôn đúc những con người kiến tạo hòa bình, những con người biết dấn thân cho cộng đồng và vượt qua mọi bất công.

Các thể chế văn hóa, các trường và các đại học có một sứ mạng đặc biệt về giáo dục hòa bình. Họ được mời gọi để đưa ra những đóng góp quý giá không chỉ ngang qua việc huấn luyện các thế hệ lãnh đạo tương lai, nhưng còn đổi mới các thể chế công cộng, ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế. Họ có thể góp phần vào những suy tư trên lãnh địa khoa học vốn đặt nền tảng cho các hoạt động kinh tế và tài chính trên một cơ sở có tính nhân học và đạo đức vững chắc. Thế giới hôm nay, đặc biệt là thế giới chính trị, cần được hỗ trợ bởi một lối tư duy trong lành và một sự tổng hợp văn hóa mới hầu vượt qua những phương pháp tiếp cận thuần kỹ thuật, và hòa hợp những khuynh hướng chính trị khác nhau với cái nhìn hướng về thiện ích chung. Đặt dưới cái nhìn là một toàn thể những mối tương quan liên vị tích cực và có tính cơ cấu trong việc phục vụ cho sự phát triển hội nhất của các cá nhân và các nhóm, thì thiện ích chung phải là nền tảng của một nền giáo dục hòa bình đích thực.

(Còn tiếp…)

nguon: dongten.net

Cước chú

[5] Xem ibid, 34 và 36: AAS 101 (2009), 668-670 và 671-672.

[6] Đức Gioan Phaolo II, Sứ Điệp Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 1994 (3 tháng 12 năm 1993) AAS 86 (1994), 156-162.