Sứ điệp ĐTC gửi các tham dự viên cuộc gặp gỡ hòa bình tại Munich
VATICAN. ĐTC Bênêđictô XVI cổ võ các tôn giáo đề ra các sáng kiến nhắm kiến tạo hòa bình trong nhân loại.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp gửi các vị lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật chính trị, văn hóa tham dự cuộc gặp gỡ vì hòa bình do Cộng đoàn thánh Egidio tổ chức tại thành phố Munich, Nam Đức, từ ngày 11 đến 13-9-2011. Sứ điệp của ĐTC được ĐHY Marx, TGM Giáo phận Munich công bố trong buổi khai mạc cuộc gặp gỡ chiều Chúa nhật 11-9-2011.
Ngài nhắc đến chủ đề cuộc gặp gỡ lần này là “Sống chung – số phận của con người” và nhận định rằng đề tài này nhắc nhở chúng ta rằng con người được liên kết với nhau. Sống chung, xét cho cùng, là một xu hướng trực tiếp xuất phát từ chính thân phận làm người. Vì thế, bổn phận của chúng ta là mang lại một nội dung tích cực cho thân phận này. Sống chung có thể trở thành sống chống lại nhau, thành hỏa ngục, nếu chúng ta không học cách đón nhận nhau, nếu mỗi người chỉ muốn là mình. Nhưng cởi mở đối với tha nhân, trao tặng mình cho tha nhân cũng có thể là một hồng ân…”
ĐGH cũng kêu gọi mọi người “không những học sống cạnh nhau, nhưng còn sống với nhau, nghĩa là chúng ta cần học cởi mở tâm hồn đối với tha nhân, để cho những người đồng loại thông phần vào những vui mừng, hy vọng và lo âu của chúng ta nữa”.
Đề cập đến vai trò của tôn giáo, ĐGH cảnh giác rằng “Nếu tôn giáo thất bại trong việc gặp gỡ với Thiên Chúa, biến Chúa thành mình, thay vì nâng mình lên hướng về Thiên Chúa, và biến Thiên Chúa thành sở hữu của chúng ta, thì khi ấy tôn giáo có thể góp phần làm băng hoại hòa bình. Trái lại nếu tôn giáo dẫn tới Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc mọi người, thì tôn giáo sẽ trở thành một sức mạnh hòa bình. Chúng ta biết rằng cả trong Kitô giáo cũng đã có những sự bóp méo hình ảnh Thiên Chúa, đưa tới sự phá hủy hòa bình. Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi để cho Thiên Chúa thanh tẩy chúng ta, hầu trở thành những con người hòa bình”.
ĐTC nhận xét rằng trong 25 năm qua, “từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của các vị lãnh tạo tôn giáo về hòa bình ở Assisi, đã có nhiều sáng kiến hòa giải và hòa bình, mang lại hy vọng, nhưng rất tiếc là cũng có nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, nhiều bước thụt lùi. Những hành vi bạo lực và khủng bố kinh hoàng thường bóp nghẹt hy vọng sống chung hòa bình của gia đình nhân loại vào lúc bình minh của Ngàn Năm Thứ Ba, những cuộc xung đột trước đây âm ỷ dưới lớp tro nay lại bùng lên và thêm vào đó có những cuộc xung đột và các vấn đề mới. Tất cả những điều đó chứng tỏ rõ ràng rằng hòa bình là một sứ mệnh trường kỳ được ủy thác cho chúng ta và đồng thời cũng là một hồng ân cần phải cầu xin”.
Cuộc gặp gỡ quốc tế về Hòa Bình do Cộng đồng thánh Egidio ở Roma tổ chức tiến hành tại thành phố Munich, miền Nam Đức, với sự tham dự của hàng trăm vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị đến từ 60 quốc gia.
Chương trình gặp gỡ gồm có 34 cuộc hội thảo bàn tròn về rất nhiều đề tài khác nhau, như: Tự do tôn giáo con đường hòa bình; có thể có hòa bình giữa người Israel và Palestine hay không; các tôn giáo tại Á châu: thách đố tân thời v.v.. (SD 12-9-2011)