THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN NGÀY QUỐC TẾ DI DÂN VÀ TỊ NẠN 2014
Những người di dân và tị nạn: hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn
Anh chị em thân mến,
Các xã hôi mà chúng ta đang sống đang trải qua những quá trình phụ thuộc và tương tác với nhau theo một cách thức chưa từng có ở cấp độ toàn cầu. Trong khi vẫn không thiếu những yếu tố tiêu cực và nan giải, những quá trình này đang nhắm tới việc nâng cao điều kiện sống của gia đình nhân loại, không chỉ về phương diện kinh tế, nhưng còn cả chính trị và văn hóa nữa. Mỗi cá nhân là một thành phần của cộng đồng nhân loại và, cùng với toàn thể gia đình các dân tộc, mỗi cá nhân cũng chia sẻ niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Chính điều này đã soi sáng cho chủ đề mà tôi đã chọn cho Ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn năm nay: Di Dân và Tị Nạn: Hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn.
Trong những hậu quả việc biển đổi không ngừng của thế giới, hiện tượng gia tăng tình trạng di động của con người cũng trồi lên như một “dấu chỉ của thời đại”, nói theo từ ngữ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, (x. Thông điệp dành cho Ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn năm 2006). Trong khi, một mặt, nạn di dân thường cho thấy sự thất bại và thiếu hụt về phía các nhà nước và cộng đồng quốc tế, mặt khác, chúng cũng cho thấy niềm khát vọng của nhân loại muốn sống tình hiệp nhất trong sự tôn trọng những khác biệt, thái độ đón nhận và hiếu khách, vốn là điều khiến chúng ta có thể chia sẻ cho nhau một cách ngang bằng những tài nguyên của trái đất, bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm và vị trí trung tâm của mỗi con người.
Cái gì có can dự đến việc tạo ra “một thế giới tốt đẹp hơn”? Thuật ngữ này không ngây ngô ám chỉ tới những ý niệm trừu tượng hay những lý tưởng không thể đạt tới được; đúng hơn, nó nhắm tới việc tìm kiếm một sự phát triển chân thực và toàn diện, nhắm tới những nỗ lực cung cấp những điều kiện sinh sống có nhân phẩm cho mọi người, để họ có thể tìm kiếm lời đáp trả đúng đắn cho những nhu cầu của các cá nhân và gia đình, và để ơn sáng tạo mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta vẫn được tôn trọng, bảo vệ và vun đắp. Đấng Đáng Kính Phaolo VI đã diễn tả mong ước của con người ngày nay bằng những lời này: “được giải phóng khỏi cảnh bần cùng, đảm bảo một cách chắc chắn hơn sự hiện hữu của mình, sức khỏe, một công việc ổn định; thực thi hơn nữa trách nhiệm cá nhân, thoát khỏi những áp bức ngày nay, khỏi những hoàn cảnh xâm hại đến nhân phẩm của họ; vui hưởng một nền giáo dục tốt hơn; tắt một lời, học biết hơn nữa và sở hữu nhiều hơn nữa, để có thể sống trọn vẹn hơn nữa” (Populorum progression, 6)
Con tim của chúng ta rất khao khát điều gì đó “hơn nữa”, mà không đơn thuần chỉ là biết và sử hữu hơn nữa, nhưng là muốn sống trọn vẹn hơn nữa. Sự phát triển không thể bị giản lược thành đơn thuần chỉ là sự phát triển về kinh tế người ta vẫn hay theo đuổi, mà thường không để ý gì đến người yếu đuối và thế cô. Một thế giới tốt đẹp hơn chỉ xuất hiện khi mối quan tâm trước hết phải dành cho các cá nhân; khi việc thăng tiến con người là điều không thế thiếu, trong tất cả những chiều kích của nó, bao gồm cả tinh thần; khi không ai bị làm ngơ, kể cả người nghèo, bệnh nhân, tù nhân, những người đang túng thiếu và những người lạ mặt (x. Mt 25:31 – 46); khi chúng ta có khả năng vượt qua một thứ văn hóa gạt bỏ đi đến một nền văn hóa của sự gặp gỡ và đón nhận.
Những người di dân và tị nạn không phải là những con tốt thí trên bàn cờ của nhân loại. Họ là những trẻ em, người nam, người nữ, những người rời bỏ hay buộc phải rời bỏ quê hương của mình vì nhiều lý do khác nhau, những người chia sẻ cùng một khát vọng chính đáng muốn được hiểu biết và sở hữu, mà hơn hết là khát vọng muốn sống trọn vẹn hơn nữa. Kinh ngạc thay số lượng những người di cư từ châu lục này đến châu lục kia, hay phải thay đổi nơi chốn sinh sống trong chính đất nước và khu vực địa lý của mình. Những làn sóng di dân hiện nay là phong trào rộng lớn nhất của các cá nhân trong lịch sử, nếu không muốn nói là của các dân tộc. Khi Giáo Hội đồng hành với những người di dân và tị nạn trên hành trình của họ, giáo hội cố gắng hiểu cho bằng được những nguyên nhân của nạn di dân, nhưng giáo hội cũng nỗ lực làm việc để vượt qua những hiệu quả tiêu cực, và gia tăng tối đa những ảnh hưởng tích cực của nó trên các cộng đồng nguyên gốc, cộng đồng chuyển tiếp và cộng đồng đã định cư.
Cùng với việc đưa ra những chiếu kích mới trong thời đại toàn cầu hóa của chúng ta, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu và quản lý thực trang di dân trong một cách thức mới, công bằng và hiệu quả hơn; hơn bất cứ điều gì, điều này mời gọi sự hợp tác quốc tế và một tinh thần liên đới và đồng cảm sâu xa. Hợp tác ở các cấp độ khác nhau là điều cốt yếu, bao gồm cả việc thông qua cách rộng rãi những chính sách và luật lệ nhắm tới việc bảo vệ và thăng tiến con người. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã phác khuôn mẫu cho những chính sách như thế, ngài nói rằng những chính sách ấy “phải thiết lập từ sự hợp tác gần gũi giữa các quốc gia nguyên gốc và quốc gia định cư của những người di dân; chúng phải được đi kèm bởi những quy ước quốc tế đầy đủ khả dĩ kết hợp được những hệ thống luật pháp khác nhau nhằm đảm bảo những nhu cầu và quyền lợi của từng người di dân và gia đình của họ, và đồng thời của những gì thuộc về xã hội của vùng đất những người di cư cư ngụ nữa” (Caritas in Veritate, 62). Làm việc với nhau nhằm xây dựng thế giới tốt đẹp hơn đòi hỏi các quốc gia phải giúp đỡ nhau, trong tinh thần sẵn sàng và tin tưởng, mà không dựng lên những hàng rào không thể vượt qua. Một sự liên hiệp tốt đẹp có thể là một nguồn khích lệ cho các nhà lãnh đạo chính phủ khi họ phải đối mặt với những chênh lệch kinh kế – xã hội và với một sự toàn cầu hóa vô trật tự, vốn là một trong những nguyên nhân của các phong trào di dân mà trong đó, mỗi cá nhân là những nạn nhân hơn là người giữ vai chính. Không một quốc gia nào có thể đơn thương độc mã đối mặt được với những khó khăn liên quan đến hiện tượng này, một hiện tượng vốn bây giờ đã lan rộng đến nỗi đã tác động đến từng châu lục trong phong trào kép cả nhập cư lẫn di cư này.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng sự hợp tác như thế bắt đầu với những nỗ lực của mỗi quốc gia trong việc phải tạo ra những điều kiện kinh tế và xã hội tốt hơn trong nước mình, để việc di cư không còn là chọn lựa duy nhất cho những ai đi tìm kiếm hòa bình công lý, an ninh và sự tôn trọng trọn vẹn nhân phẩm của mình. Việc tạo ra những cơ hội công ăn việc làm trong các nền kinh tế địa phương cũng sẽ tránh được sự phân rẽ gia đình và đảm bảo các điều kiện về ổn định và thanh thản cho các cá nhân và tập thể.
Tôi cũng nghĩ đến việc Thánh Gia Nazaret đã sống kinh nghiệm bị loại trừ ngay từ lúc đầu trong cuộc hành trình của họ như thế nào: Mẹ Maria “đã sinh hạ đứa con trai đầu lòng, lấy tả bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ vì họ không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2:7). Thật ra, Đức Giê-su, Mẹ Maria và thánh Giu-se đã kinh nghiệm được thế nào là rời bỏ quê hương và trở thành những người di cư: bị đe dọa bởi tham vọng quyền lực của Hê-rô-đê, họ bị buộc phải trốn chạy và tìm nơi cư trú ở Ai Cập (x. Mt 2:13-14). Nhưng trái tim từ mẫu của Mẹ Maria và trái tim nhạy cảm của Giuse, Đấng Bảo Trợ gia đình Thánh, luôn một lòng xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ. Qua lời chuyển cầu của các Thánh Nhân, ước gì con tim của mỗi người dân di cư và tị nạn cũng chất chứa cùng một niềm tin tưởng chắc chắn như thế.
Giáo Hội, đáp lại lệnh truyền của Đức Ki-tô hãy “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”, được mời gọi để trở thành Dân Thiên Chúa, Đấng dang rộng đôi tay đón nhận hết tất cả mọi dân tộc và mang đến cho họ lời loan báo Tin Mừng, vì trên khuôn mặt của mỗi người đều ghi dấu dung nhan của Đức Ki-tô! Ở đây, chúng ta nhận thấy nền tảng sâu sắc nhất của nhân phẩm mỗi con người, vốn phải luôn được tôn trọng và bảo vệ. Nhân phẩm con không phải được đặt trên tiêu chuẩn hiệu quả, sản xuất tầng lớp xã hội hay nhóm sắc tộc hay tôn giáo mà họ thuộc về, nhưng hệ tại ở việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (x. St 1:26 – 27) và thậm chí hơn nữa, là con cái Thiên Chúa. Mỗi một con người là một người con của Thiên Chúa! Họ mang hình ảnh của Đức Ki-tô! Chính chúng ta cần phải nhìn thấy điều đó trước hết, và rồi phải giúp người khác thấy nơi những người di cư và tị nạn không chỉ là một vấn đề cần phải giải quyết, nhưng còn là những người anh, chị, em cần phải được chào đón, tôn trọng và yêu thương, một cơ may mà Đấng Quan Phòng ban cho chúng ta để giúp xây dựng một tòa nhà xã hội bình đẳng hơn, một nền dân chủ hoàn thiện hơn, một đất nước hiệp nhất hơn, một thế giới huynh đệ hơn và một cộng đồng Ki-tô cởi mở hơn theo Tin Mừng. Nạn di cư có thể cung cấp những khả thể cho một công cuộc Tin Mừng hóa mới, mở ra những viễn cảnh cho sự phát triển của một nhân loại mới, báo trước trong mầu nhiệm vượt qua: một nhân loại mà trong đó mỗi vùng đất xa lạ là quê hương và mỗi quê hương là một vùng đất xa lạ.
Những anh chị em di dân và tị nạn thân mến! Đừng bao giờ mất đi niềm hy vọng rằng có một tương lai bảo đảm hơn đang dành cho anh chị em, rằng trên hành trình của anh chị em, anh chị em sẽ bắt gặp được một bàn tay đang xòe ra nâng đỡ anh chị em, rằng anh chị em sẽ trải nghiệm được sự liên đới huynh đệ và sự nồng ấm của tình bạn hữu! Tôi chắc chắn cầu nguyện cho anh chị em và ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em và cho tất cả những ai đang hiến dâng cuộc sống và năng lực để giúp đỡ anh chị em.
Từ Vatican, 5.8.2013
Chuyển ngữ: Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ