Tin Giáo hội Thông điệp Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên...

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên Hội thảo Quốc tế đầu tiên về Giáo lý

BUENOS AIRES, 11-14 tháng 7 năm 2017

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Kính thưa Đức cha Ramón Alfredo Dus,

Tổng Giám mục giáo phận Resistencia,

Chủ tịch Hội đồng Giám mục về Giáo lý và Mục vụ Kinh thánh

Anh em thân mến!

Tôi gửi lời chào thân ái đến anh em, những người đang tham dự khóa đào tạo do Ủy ban Giám mục về Giáo lý và Mục vụ Kinh thánh tổ chức.

Thánh Phanxicô thành Assisi đã trả lời cho một trong các đồ đệ của mình, khi cố nài xin ngài dạy cho cách rao giảng rằng : “Anh thân mến, khi chúng ta viếng thăm những người đau yếu, khi chúng ta giúp đỡ các trẻ em và ban phát của ăn cho người nghèo, là chúng ta đã rao giảng rồi”. Bài học quí báu này hàm chứa ơn gọi và trách nhiệm của giáo lý viên.

Thứ nhất, việc dạy giáo lý không phải là một “công việc” hay một trách nhiệm bề ngoài đối với giáo lý viên, nhưng nó chính là “con người” của giáo lý viên và trọn cuộc sống xung quanh sứ mạng này. Thực vậy, “làm” giáo lý viên là một ơn gọi phục vụ cho giáo hội, điều mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa như một món quà thì đến lượt họ phải thông truyền nó. Vì vậy giáo lý viên cần phải quay về cách kiên định với lời loan báo đầu tiên hoặc “kerygma”, là ơn đã thay đổi cuộc sống. Việc loan báo căn bản này phải được tiếp tục vang lên trong cuộc đời của mỗi người tín hữu, nhất là cho những ai được kêu gọi để loan truyền và giảng dạy đức tin. Không có gì vững chắc, sâu xa, bảo đảm và khôn ngoan hơn lời rao giảng ban đầu này” (Evangelii gaudium, số 165). Việc loan báo này phải đi kèm với đức tin đã có nơi lòng đạo đức của dân tộc chúng ta. Cần phải phát triển tiềm năng lòng đạo đức và yêu mến ẩn chứa nơi lòng đạo đức bình dân, để không chỉ thông truyền các nội dung đức tin mà còn tạo nên một trường đào tạo đích thực giúp trau dồi ơn đức tin đã lãnh nhận, để sao cho những hành động và lời nói phản chiếu ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu.

Giáo lý viên phải là người bước đi từ Chúa Kitô và với Chúa Kitô chứ không phải khởi đi từ những ý tưởng và sở thích của riêng mình, nhưng hãy để cho mình tìm kiếm Chúa, hướng về những gì làm cho con tim rực cháy. Càng chiếm lấy Chúa Giêsu làm trung tâm cuộc sống chúng ta bao nhiêu, chúng ta càng ra khỏi chính mình bấy nhiêu và làm cho chúng ta gần gũi với tha nhân hơn. Tính năng động này của tình yêu giống như sự chuyển động của con tim: “tâm thu và tâm trương”; nó tập trung để gặp gỡ Thiên Chúa và mở ra tức thì, bằng cách thoát ra khỏi chính mình để yêu thương, để làm chứng cho Chúa Giêsu, nói về Chúa Giêsu và để rao giảng Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã làm như thế : Người rút lui để cầu nguyện với Chúa Cha và ngay sau đó Người đã đi gặp gỡ những người nghèo khổ và đói khát của Thiên Chúa để chăm sóc và cứu chữa họ. Từ đó nảy sinh ra tầm quan trọng của việc dạy giáo lý khai tâm (mystagogue), là cuộc gặp gỡ thường xuyên với Lời Chúa và các Bí tích, không chỉ là điều thỉnh thoảng mới xảy ra, trước khi cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo. Đời sống Kitô hữu là một tiến trình tăng trưởng và hòa nhập tất cả mọi chiều kích của con người trong lộ trình lắng nghe và đáp trả (xem Evangelii gaudium, số 166).

Hơn nữa giáo lý viên là người có óc sáng tạo; biết tìm kiếm các phương tiện và những hình thức khác nhau để rao truyền Chúa Kitô. Tuyệt vời làm sao khi tin vào Chúa Kitô, bởi vì Người là “Đường, Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6), Đấng lấp đầy cuộc sống của chúng ta bằng niềm vui và hoan lạc. Việc tìm kiếm này là để làm cho ta nhận biết Chúa Giêsu như vẻ đẹp tuyệt đỉnh, dẫn chúng ta đến gặp gỡ những dấu chỉ và hình thức mới mẻ để thông truyền đức tin. Các phương thức có thể khác nhau nhưng điều quan trọng là tuân giữ cách thức của Chúa Giêsu, tự thích ứng với mọi người đang ở trước mặt mình, đem họ đến gần với tình yêu của Thiên Chúa. Giáo lý viên cần phải biết “thay đổi”, biết thích ứng để làm sao sứ điệp đến gần mọi người hơn, tuy sứ điệp ấy trước sau như một, vì Thiên Chúa không thay đổi, nhưng làm cho tất cả mọi sự luôn mới mẻ trong Người. Trong khi tìm kiếm phương cách sáng tạo giúp mọi người nhận biết Chúa Giêsu, chúng ta đừng sợ thử thách vì Chúa Giêsu sẽ đi trước chúng ta trong phận vụ này. Ngài ở trong con người hôm nay và chờ đợi chúng ta ở đó.

Các anh chị em Giáo lý viên thân mến, tôi cám ơn anh chị em vì những gì anh chị em đã làm, nhất là vì anh chị em đã đồng hành với Dân Thiên Chúa. Tôi khuyến khích anh chị em hãy là những sứ giả vui tươi, là những người bảo vệ di sản và vẻ đẹp, luôn chiếu tỏa trong đời sống tín trung của người môn đệ truyền giáo.

Xin Chúa Giêsu chúc lành cho anh chị em và nguyện xin Đức Trinh Nữ, “nhà giáo dục đức tin” gìn giữ anh chị em.

Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Vatican, ngày 05 tháng bảy

+ Francesco
——
http://w2.vatican.va/content/francesco/it/messages/pont-messages/2017/documents/papa-francesco_20170705_messaggio-simposiocatechesi-argentina.html

Exit mobile version