“Phúc thay ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8)
Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta tiếp tục cuộc hành hương thiêng liêng tiến về Krakow, nơi sẽ diễn ra Ngày Giới trẻ Thế giới lần tới vào tháng Bảy 2016. Chúng ta đã chọn các Mối phúc thật để dẫn đường cho chúng ta trong cuộc hành trình này. Năm ngoái, chúng ta đã suy tư về mối phúc khó nghèo trong tinh thần, trong bối cảnh rộng lớn hơn của Bài Giảng Trên Núi. Chúng ta đã cùng nhau khám phá ý nghĩa mang tính cách mạng của Các Mối phúc thật và lời của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta dũng cảm lên đường tìm kiếm hạnh phúc. Năm nay, chúng ta sẽ suy tư về mối phúc thứ sáu: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).
1/ Khao khát hạnh phúc
Ở đây, trong bài giảng lớn thứ nhất của Chúa Giêsu (x. Mt 5,1-12), cụm từ “Phúc thay” xuất hiện đến chín lần. Nó giống như một điệp khúc nhắc nhớ chúng ta về lời Chúa mời gọi chúng ta cùng với Ngài tiến lên trên con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực, dù có nhiều thử thách.
Các bạn trẻ thân mến, con người ở mọi thời và mọi lứa tuổi đều đi tìm hạnh phúc. Thiên Chúa đã phú cho tâm hồn mỗi người nam cũng như nữ một khao khát mãnh liệt được hạnh phúc, được thoả nguyện. Các con lại không nhận ra rằng tâm hồn mình không hề nghỉ yên, nhưng cứ mãi đi tìm một kho tàng có thể thỏa mãn cơn khát vô biên của mình hay sao?
Những chương đầu của sách Sáng Thế cho chúng ta thấy “mối phúc” tuyệt vời mà chúng ta được mời gọi vui hưởng. Mối phúc ấy là sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, với người khác, với thiên nhiên và với chính mình. Tự do đến với Chúa, chiêm ngưỡng và gần gũi Ngài, những điều ấy ở trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho chúng ta ngay từ ban đầu; và ánh sáng thần linh của Chúa là để soi chiếu mọi tương quan nhân loại bằng chân lý và sự trong sáng. Trong tình trạng trong sạch nguyên thủy, chẳng cần mang mặt nạ, không cần đến thủ đoạn hay người này phải giấu giếm người kia. Mọi thứ đều rõ ràng và trong sáng.
Khi Ađam và Evà chịu thua cơn cám dỗ và phá vỡ mối tương quan này, tương quan hiệp thông tin tưởng với Thiên Chúa, tội lỗi liền xâm nhập vào lịch sử nhân loại (x. St 3). Nhiều hậu quả thật hiển nhiên xảy đến ngay tức khắc, nơi chính con người, trong mối tương quan giữa người này với người khác và với thiên nhiên. Hậu quả ấy thật là bi thảm! Tình trạng trong sạch nguyên thủy của chúng ta đã bị ô uế. Từ lúc ấy, chúng ta không còn được ở gần Thiên Chúa nữa. Người nam và người nữ bắt đầu che đậy chính mình, che đậy sự trần truồng của mình. Thiếu đi ánh sáng có được nhờ việc nhìn thấy Chúa, họ nhìn mọi sự chung quanh mình một cách méo mó, thiển cận. Chiếc la bàn nội tâm hướng dẫn họ trong khi đi tìm hạnh phúc mất đi điểm quy chiếu, và sức hấp dẫn của quyền lực, của cải và khao khát thú vui bằng mọi giá đã đưa họ đến vực thẳm của buồn đau và phiền muộn.
Trong các Thánh vịnh, chúng ta nghe thấy tiếng con người khẩn nài Thiên Chúa: “Ai sẽ cho ta thấy nguồn phúc? Lạy Chúa, xin dọi ánh tôn nhan Ngài trên chúng con” (Tv 4,7). Chúa Cha, trong sự thiện hảo vô biên của Ngài, đã đáp lại lời khẩn nài ấy khi sai Con của Ngài đến. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã mang lấy khuôn mặt của con người. Qua việc nhập thể, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và mở ra những chân trời mới, cho đến nay chẳng thể nào nghĩ tới.
Các bạn trẻ thân mến, trong Chúa Kitô các con thấy mình được đáp ứng mọi khao khát điều thiện hảo và hạnh phúc. Chỉ mình Người mới có thể thỏa mãn những khát vọng sâu thẳm nhất của các con, vốn thường bị những hứa hẹn hão huyền của thế gian làm vẩn đục. Như Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Người là vẻ đẹp làm cho các con bị cuốn hút; chính Người khơi lên trong lòng các con niềm khao khát hướng về sự viên mãn mà không phải đạt được nhờ thỏa hiệp; chính Người thôi thúc các con cởi bỏ những mặt nạ của một cuộc sống giả dối; chính Người đọc thấy trong tâm hồn các con những chọn lựa chân thực nhất, những chọn lựa mà người khác đang cố bóp nghẹt. Chính Chúa Giêsu khơi lên trong các con mong muốn làm điều gì đó lớn lao bằng cuộc sống của các con” (x. Huấn từ trong Buổi canh thức cầu nguyện tại Tor Vergata, 19 tháng Tám 2000:Insegnamenti XXIII/2, [2000], 212).
2/ Phúc thay ai có lòng trong sạch…
Bây giờ chúng ta hãy cố gắng hiểu cách đầy đủ tại sao người có lòng trong sạch lại là người có phúc. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu từ “cõi lòng” theo nghĩa Kinh Thánh. Theo quan niệm của Do Thái, cõi lòng là trung tâm của mọi cảm xúc, tư tưởng và ý định của con người. Vì Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Thiên Chúa không nhìn vào vẻ bên ngoài, nhưng nhìn vào cõi lòng (x. 1Sm 16,7), nên chúng ta cũng có thể nói rằng chính từ cõi lòng mà chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Đó là vì cõi lòng thực sự là con người trong tổng thể của nó xét như một sự hiệp nhất giữa xác với hồn, trong khả năng yêu thương và được yêu thương của người ấy.
Tuy nhiên, về định nghĩa của từ “trong sạch”, từ Hy Lạp mà Thánh Matthêu, tác giả sách Tin Mừng dùng làkatharos, với nghĩa cơ bản là sạch sẽ, tinh khiết, không có vết nhơ. Trong Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu bác bỏ quan niệm về sự thanh sạch theo nghi thức, gắn với những thực hành bên ngoài, quan niệm này cấm mọi tiếp xúc với các đồ vật và con người bị coi là không thanh sạch (trong đó có người phong cùi và người ngoại kiều). Với những người Pharisêu, cũng như nhiều người Do Thái cùng thời với họ, là những người chủ trương không ăn bất cứ thứ gì mà trước đó không thực hiện nghi thức thanh tẩy và tuân giữ nhiều truyền thống liên quan đến việc rửa sạch bát đĩa, Chúa Giêsu đã trả lời một cách dứt khoát: “Không có gì ở bên ngoài vào trong con người mà lại có thể làm cho người ta ra nhơ uế được; nhưng chính các điều tự con người xuất ra mới làm cho người ta ra nhơ uế. Vì từ bên trong, từ lòng con người, mà xuất ra những suy tính xấu xa: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, giảo quyệt, phóng đãng, ganh tị, gièm pha, ngạo mạn, ngông cuồng” (Mc 7,15.21-22).
Như thế, hạnh phúc sinh ra từ cõi lòng trong sạch cốt ở điều gì? Từ bản liệt kê của Chúa Giêsu về các sự dữ khiến người ta ra ô uế, chúng ta nhìn thấy vấn đề có liên quan trước hết đến các mối tương quan của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải học cách phân định điều gì có thể “làm ô uế” tâm hồn mình, và học cách đào luyện lương tâm mình cho ngay thẳng và nhạy bén để có thể “phân định ý Chúa, điều gì là tốt, là đẹp lòng Chúa và trọn hảo” (Rm 12,2). Chúng ta cần thể hiện mối quan tâm lành mạnh đối với tạo thành, đối với sự trong lành của bầu không khí, nước và thực phẩm, nhưng chúng ta còn cần bảo vệ hơn nữa sự trong sạch của điều quý giá nhất: đó là tâm hồn chúng ta và các mối tương quan của chúng ta. “Nền sinh thái nhân bản” này sẽ giúp chúng ta hít thở bầu khí trong lành xuất phát từ vẻ đẹp, từ tình yêu chân thực và sự thánh thiện.
Có lần Cha đã hỏi các con: “Kho tàng của các con ở đâu? Lòng các con tìm nơi nào để nghỉ ngơi?” (x. Trả lời phỏng vấn của giới trẻ tại Bỉ, 31 tháng Ba 2014). Tâm hồn chúng ta có thể bám vào những kho tàng thật hay giả, có thể tìm thấy sự nghỉ ngơi đích thực hay chỉ là thiếp ngủ, trở nên lười biếng và bơ phờ. Điều quý nhất mà chúng ta có thể có được trong cuộc sống là tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Các con có tin thế không? Các con có nhận ra là mình giá trị thế nào trong mắt Thiên Chúa không? Các con có biết là mình được Chúa yêu thương và đón nhận một cách vô điều kiện, và thực sự là thế, hay không? Một khi chúng ta đánh mất cảm thức về điều này, con người chúng ta sẽ trở nên một điều bí ẩn không thể hiểu được, bởi chính nhờ biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện mà đời sống chúng ta mới có ý nghĩa. Các con có nhớ cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với chàng thanh niên giàu có không (x. Mc 10,17-22)? Thánh Maccô, tác giả sách Tin Mừng, đã ghi lại rằng Chúa nhìn anh và đem lòng yêu mến anh (c.21), rồi gọi anh theo Người để tìm kiếm của cải đích thực. Các bạn trẻ thân mến, Cha mong rằng ánh nhìn đầy yêu thương này của Chúa Kitô cũng sẽ đi theo từng người các con trong suốt cuộc đời.
Tuổi trẻ là quãng đời mà trong tâm hồn các con bừng nở nỗi khát khao đi tìm một tình yêu chân thực, tươi đẹp và chan hoà. Khả năng yêu thương và được yêu ấy thật mạnh mẽ biết bao! Đừng để kho tàng quý báu này bị giảm giá trị, bị phá hủy hay hư hỏng. Đây là điều xảy ra khi chúng ta bắt đầu sử dụng người thân cận chúng ta vào những mục đích ích kỷ của riêng mình, thậm chí dùng họ như đối tượng để mua vui. Bao tâm hồn đã tan nát với nỗi buồn chán theo sau vì những trải nghiệm tiêu cực này. Cha khuyên các con: Đừng sợ tình yêu chân thực, tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta và thánh Phaolô mô tả là “khoan dung và nhân hậu”. Thánh Phaolô nói: “Tình yêu không ghen tương hay khoác lác; không ngạo mạn hay khiếm nhã; không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật. Trong mọi sự, tình yêu hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn” (1 Cr 13,4-8).
Khi khích lệ các con tái khám phá vẻ đẹp của ơn gọi yêu thương của con người, Cha cũng kêu gọi các con chống lại một xu hướng đang lan tràn là biến tình yêu thành một điều tầm thường, giản lược tình yêu vào khía cạnh tình dục mà thôi,, tước bỏ đi những đặc tính thiết yếu của nó là nét đẹp, tình hiệp thông, lòng trung tín và trách nhiệm. Các bạn trẻ thân mến, “trong một thứ văn hoá tương đối và chóng qua, nhiều người đã rao giảng tầm quan trọng của việc ‘hưởng thụ’ giây phút hiện tại. Họ bảo rằng chẳng đáng phải dấn thân suốt đời, hay có một quyết định dứt khoát, “mãi mãi”, vì chúng ta đâu biết được ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng Cha mời gọi các con hãy trở thành những nhà cách mạng, hãy lội ngược dòng; Cha mời gọi các con hãy chống lại thứ văn hoá này, một thứ văn hoá coi mọi sự là tạm thời, và rốt cuộc, nó đoan chắc rằng các con không thể đảm nhận trách nhiệm, không thể yêu thương thực sự. Cha tin tưởng các con và Cha cầu nguyện cho các con. Hãy can đảm “lội ngược dòng”. Và cũng hãy can đảm sống hạnh phúc” (Cuộc gặp gỡ các tình nguyện viên Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, 28 tháng Bảy 2013).
Những người trẻ các con là những nhà thám hiểm gan dạ! Nếu các con để cho mình khám phá những giáo huấn phong phú của Giáo hội về tình yêu, các con sẽ thấy rằng Kitô giáo không bao gồm một mớ điều cấm đoán làm dập tắt niềm khao khát hạnh phúc của chúng ta, nhưng là một kế hoạch cho sự sống, có thể thu hút tâm hồn chúng ta.
3/… vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa
Nơi tâm hồn mỗi người nam và nữ, lời Chúa mời gọi không ngừng vang lên: “Hãy tìm nhan Ta!” (Tv 27,8). Đồng thời, chúng ta luôn phải nhìn nhận mình là những tội nhân khốn khổ. Như chúng ta đọc thấy trong sách Thánh vịnh: “Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong thánh điện của Người? Ðó là kẻ có bàn tay tinh trắng vàtâm hồn trong sạch” (Tv 24,3-4). Nhưng chúng ta đừng bao giờ sợ hãi hay nản chí: qua Kinh Thánh và trong lịch sử cuộc đời mỗi người chúng ta, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa luôn là người đi bước trước. Ngài thanh luyện chúng ta để chúng ta có thể đến gặp Ngài.
Khi ngôn sứ Isaia nghe lời Chúa gọi ông đi để nói nhân danh Ngài, ông đã hoảng sợ và thốt lên: “Khốn thân tôi! Tôi chết mất vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6,5). Nhưng Chúa đã thanh luyện ông, sai một thiên thần đến chạm vào môi ông và nói: “Lỗi ngươi đã được xoá, tội ngươi đã được tha” (c. 7). Trong Tân Ước, bên bờ hồ Genessaret, khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên và làm dấu lạ mẻ cá lạ lùng, ông Simon Phêrô đã quỳ sụp xuống chân Chúa mà thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Chúa Giêsu liền đáp: “Đừng sợ; từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới người” (c.10). Và khi một trong các môn đệ Chúa Giêsu hỏi Người: “Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Cha và như thế chúng con được thoả nguyện”, Chúa Giêsu đáp lại: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14,8-9).
Lời mời gọi đến gặp Chúa là dành cho từng người các con, dù các con ở đâu hay trong hoàn cảnh nào. Chỉ cầnquyết tâm “để cho Chúa gặp mình, quyết tâm tìm kiếm Ngài hằng ngày không ngừng nghỉ. Chẳng có lý do nào để bảo rằng lời mời gọi ấy không dành cho mình” (x. Evangelii Gaudium, 3). Mọi người chúng ta đều là tội nhân, cần được Chúa thanh luyện. Nhưng chỉ cần một bước nhỏ đến với Chúa Giêsu để nhận ra rằng Ngài luôn dang rộng vòng tay đợi chờ chúng ta, nhất là nơi bí tích Hoà giải, một cơ hội thuận tiện để gặp gỡ lòng Chúa thương xót, để được thanh luyện và đổi mới tâm hồn.
Các bạn trẻ thân mến, Chúa muốn gặp gỡ chúng ta, muốn tỏ mình cho chúng ta. Các con có thể hỏi Cha: “Bằng cách nào ạ?” Thánh Têrêsa Avila, sinh tại Tây Ban Nha năm trăm năm trước, ngay khi còn bé, đã nói với cha mẹ rằng: “Con muốn gặp Chúa”. Và rồi thánh nữ đã khám phá cầu nguyện là con đường xây dựng “tình bạn thân thiết với Đấng làm cho chúng ta thấy mình được yêu thương” (Tự thuật, 8,5). Thế nên, Cha muốn hỏi các con: “Các con có cầu nguyện không?” Các con có biết rằng các con có thể nói chuyện với Chúa Giêsu, với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, như nói chuyện với một người bạn không? Và không phải chỉ là người bạn nào đó, mà là người bạn tốt nhất và đáng tin tưởng nhất! Các con hãy thử làm thế một cách đơn sơ xem; các con sẽ khám phá điều mà một giáo dân họ Ars nói với cha sở của mình: “Khi con cầu nguyện trước Nhà tạm, ‘con nhìn Chúa và Chúa nhìn con’” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2715).
Một lần nữa, Cha mời gọi các con gặp gỡ Chúa nhờ siêng năng đọc Kinh Thánh. Nếu các con chưa có thói quen làm việc ấy, hãy bắt đầu bằng sách Phúc Âm. Mỗi ngày hãy đọc một, hai câu. Hãy để Lời Chúa nói với lòng mình và soi sáng con đường mình đi (x. Tv 119,105). Các con sẽ nhận ra chúng ta cũng có thể “thấy” Thiên Chúa nơi khuôn mặt của anh chị em mình, nhất là nơi những ai bị lãng quên nhất: người nghèo, người đói khát, khách lạ, người đau yếu và ngồi tù (x. Mt 25,31-46). Các con đã cảm nghiệm điều này bao giờ chưa? Các bạn trẻ thân mến, để sống theo lôgic của Nước Trời, chúng ta phải nhận rằng mình nghèo với người nghèo. Một tâm hồn trong sạch nhất thiết cũng là một tâm hồn bị lột trần, một tâm hồn biết cúi xuống và chia sẻ cuộc sống của mình với những người túng thiếu nhất.
Gặp gỡ Chúa trong kinh nguyện, trong việc đọc Kinh Thánh và trong đời sống huynh đệ sẽ giúp các con dễ dàng nhận biết Thiên Chúa và chính mình. Cũng như các môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-35), lời Chúa sẽ làm tâm hồn các con bừng cháy. Người sẽ mở mắt các con để các con nhận ra Người đang hiện diện, để các con khám phá kế hoạch yêu thương của Người dành cho cuộc đời các con.
Có người trong các con nhận ra, hoặc sẽ sớm nhận ra, lời Chúa mời gọi hướng về đời sống hôn nhân, để lập gia đình. Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng ơn gọi này đã “lỗi thời”, nhưng điều đó không đúng! Chính vì thế, Giáo hội đang đặc biệt suy tư về ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay. Cha cũng xin các con suy xét xem mình có được mời gọi sống đời thánh hiến hay linh mục không. Thật tuyệt vời biết bao khi thấy các bạn trẻ đón nhận lời mời gọi hiến dâng trọn vẹn cho Chúa Kitô để phục vụ Giáo hội của Người. Hãy tự thách đố chính mình, và với tâm hồn trong sạch các con đừng sợ điều Thiên Chúa đòi hỏi các con! Từ tiếng “xin vâng” của các con đáp lại lời Chúa mời gọi, các con sẽ trở thành những hạt giống mới gieo niềm hy vọng trong Giáo hội và trong xã hội. Đừng bao giờ quên rằng: Chúa muốn chúng ta được hạnh phúc!
4/ Trên đường tiến về Krakow
“Phúc thay ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Các bạn trẻ thân mến, như các con thấy, mối phúc này liên quan trực tiếp đến đời sống các con và là một bảo đảm cho hạnh phúc của các con. Vì thế một lần nữa, Cha xin các con: Hãy can đảm sống hạnh phúc!
Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay bắt đầu chặng cuối của hành trình chuẩn bị cho cuộc quy tụ trọng đại các bạn trẻ trên khắp thế giới đến Krakow vào năm 2016. Ba mươi năm trước Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập Ngày Giới trẻ Thế giới trong Giáo hội. Cuộc hành hương ấy của các bạn trẻ từ khắp các châu lục dưới sự hướng dẫn của Người Kế vị Thánh Phêrô thực sự là một sáng kiến mang tính tiên tri và do Chúa quan phòng. Chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Chúa vì những hoa trái quý báu mà những Ngày Giới trẻ Thế giới đã sinh ra nơi đời sống của biết bao bạn trẻ ở khắp nơi trên thế giới. Đã có biết bao khám phá lý thú, đặc biệt khám phá Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, khám phá Giáo hội là một gia đình rộng lớn và niềm nở! Đã có biết bao cuộc hoán cải, biết bao ơn gọi nảy sinh từ những cuộc quy tụ này! Nguyện xin Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đấng Bảo trợ Ngày Giới trẻ Thế giới, chuyển cầu cùng Chúa cho cuộc hành hương của chúng ta hướng về Krakow yêu quý của ngài. Và nguyện xin ánh mắt từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đầy ơn phúc, tuyệt mỹ và cực thanh cực tịnh, đồng hành với chúng ta trên mọi bước đường của hành trình này.
Vatican, ngày 31 tháng Giêng 2015
Lễ nhớ Thánh Gioan Bosco
PHANXICÔ
Đức Thành dịch từ bản tiếng Anh,
có tham khảo bản tiếng Pháp, của Libreria Editrice Vaticana
(WHĐ)