Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ 25

90

Sửng sốt về những việc Thiên Chúa thực hiện: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49)

Anh chị em thân mến,

vào ngày 11 tháng 02 tới đây, trên toàn Giáo hội – và đặc biệt là tại Lộ Đức -, Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ 25 sẽ được cử hành với đề tài: Sửng sốt về những việc Thiên Chúa thực hiện: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49). Ngày Quốc Tế này được thiết lập vào năm 1992 bởi vị Tiền Nhiệm của Cha, Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, và được cử hành lần đầu tiên vào ngày 11 tháng 02 năm 1993 ngay tại Lộ Đức. Ngày này giới thiệu một cơ hội thuận tiện để quan tâm cách đặc biệt tới hoàn cảnh của các bệnh nhân cũng như tới tất cả những ai đang phải khổ đau. Đồng thời ngày này cũng là một lời mời gọi để nói lên lời cảm ơn đối với những người đã và đang dấn thân để phục vụ các bệnh nhân một cách đầy hy sinh – bắt đầu từ những người thân, từ lực lượng y tá bác sĩ và tới các tình nguyện viên – vì ơn gọi mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa để đồng hành với những anh chị em bệnh tật. Ngoài ra, ngày tưởng nhớ hằng năm này còn canh tân sức mạnh tinh thần trong Giáo hội để càng ngày càng hiện thực hóa khía cạnh nền tảng nơi sứ vụ của Giáo hội, cụ thể là sự phục vụ những người cùng rốt, các bệnh nhân, những người đau khổ, những người bị loại trừ và những người bị đẩy ra bên lề xã hội, ở mức độ tốt nhất có thể (xc. ĐTC Gio-an Phao-lô II, Motu proprio Dolentium hominum, 11.02.1985, 1). Chắc chắn, những khoảnh khắc cầu nguyện, những buổi cử hành Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, sự đồng chia sẻ với các bệnh nhân và việc đào sâu đạo đức sinh học và Thần Học mục vụ mà chúng sẽ diễn ra trong những ngày này tại Lộ Đức, sẽ đưa đến sự đóng góp quan trọng cho sứ vụ này.

Giờ đây, sau khi đã lên đường đến với hang đá Massabielle và đến trước bức ảnh Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Đấng Toàn năng đã thực hiện cho Mẹ biết bao điều cao cả vì ơn cứu độ nhân loại, Cha muốn công bố sự gần gũi trong tinh thần của Cha đối với tất cả anh chị em đang phải trải qua kinh nghiệm khổ đau, anh chị em thân mến, cũng như với các gia đình của anh chị em. Đồng thời Cha cũng muốn thể hiện niềm kính trọng của Cha đối với tất cả những ai đang làm việc trong những vai trò khác nhau cũng như trong tất cả các tổ chức y tế rải rác trên khắp thế giới, với khả năng, trách nhiệm và sự hy sinh để xoa dịu những nỗi khổ đau của anh chị em, để chăm sóc anh chị em cũng như để đem đến sức khỏe hằng ngày cho anh chị em. Cha muốn khích lệ tất cả anh chị em – các bệnh nhân, những người đau khổ, các bác sĩ, lực lượng y tá, các thân nhân và các tình nguyện viên, hãy chiêm ngưỡng nơi Đức Maria – niềm an ủi của các bệnh nhân -, nữ bảo lãnh cho Tình Yêu trìu mến của Thiên Chúa đối với mỗi người, cũng như mẫu gương về sự trung tín với Thánh Ý Thiên Chúa. Anh chị em đừng bao giờ ngừng tìm kiếm sức mạnh trong Đức Tin, mà Đức Tin ấy rút ra lương thực cho mình từ Lời Chúa và từ các Bí Tích, để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân ngay cả trong những kinh nghiệm bệnh tật!

Như với Thánh nữ Bernadetta, cái nhìn của Đức Maria sẽ bắt gặp chúng ta. Cô bé chất phác làng Lộ Đức kể lại rằng, Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà cô mô tả là một “Trinh Nữ Tuyệt Mỹ”, đã ngắm nhìn cô, như người ta ngắm nhìn một con người. Những lời đơn sơ ấy đã mô tả sự viên mãn của một mối tương quan. Bernadetta – một cô bé nghèo nàn, không được yêu thương và hay ốm yếu – đã cảm thấy mình được Đức Maria ngắm nhìn với tư cách là một con người. Người “Trinh Nữ Tuyệt Mỹ” nói với cô bằng tất cả sự kính trọng chứ không phải với sự thương hại. Điều đó nhắc nhớ chúng ta rằng, bất cứ bệnh nhân nào đi nữa thì cũng luôn luôn là một con người, và vẫn luôn là con người, cũng như phải được đối xử với tư cách là một con người. Các bệnh nhân cũng như những người tàn tật, dù nhẹ hay nặng, cũng đều có phẩm giá bất khả nhượng của họ, và đều có sứ mạng của mình trong cuộc sống; không bao giờ họ trở thành những đối tượng thuần túy, ngay cả khi đôi lúc xem ra họ có vẻ rất thụ động, nhưng trong thực tế, điều đó không bao giờ là vấn đề.

Sau khi Bernadetta đã ở trong hang đá, nhờ lời cầu nguyện, cô đã biến sự mỏng manh của cô thành sự hỗ trợ cho những người khác, nhờ vào Đức Ái, cô có được khả năng làm phong phú hóa những người thân cận của cô, và tiên vàn, dâng hiến cuộc sống của cô cho việc cứu độ nhân loại. Việc người “Trinh Nữ Tuyệt Mỹ” đã xin cô cầu nguyện cho các tội nhân, nhắc nhớ chúng ta rằng, các bệnh nhân và những người đau khổ không chỉ mang trong mình niềm mong ước muốn được bình phục, nhưng cũng còn muốn thực thi một đời sống Ki-tô giáo, và muốn đi xa tới độ trao hiến đời sống đó với tư cách là những môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô. Bernadetta đã nhận được từ Đức Maria ơn gọi phục vụ các bệnh nhân; cô nên trở thành một “Nữ Thừa Sai của Đức Ái” – một sứ vụ mà cô đã hoàn tất trong mức độ rất cao, đến độ cô trở thành một mẫu gương mà bất cứ người nam hay người nữ nào cũng đều có thể liên hệ tới trong sứ mạng phục vụ hằng ngày. Chúng ta hãy cầu xin “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm” ban cho chúng ta ơn để chúng ta hiểu được điều đó, hầu trong mối tương quan của chúng ta đối với các bệnh nhân, luôn luôn nhìn thấy những con người, mà thực ra họ đang cần tới sự giúp đỡ, và đôi khi còn cần tới cả những điều thậm chí là có tính cơ bản nhất, nhưng họ luôn mang trong mình những ơn riêng của họ để chia sẻ chúng với những người khác.

Ánh nhìn của Đức Maria, Đấng An Ủi những kẻ sầu phiền, đang chiếu sáng trên dung nhan của Giáo hội trong sự dấn thân hằng ngày của Giáo hội đối với những người túng thiếu nghèo hèn và những người khổ đau. Những hoa trái quý báu phát sinh từ nỗ lực của Giáo hội cho thế giới khổ đau và bệnh tật chính là một lý do để tạ ơn Chúa Giê-su: Ngài được bảo đảm cho chúng ta, trong sự vâng phục đối với Thánh Ý Chúa Cha cho tới chết trên Thập Giá, để nhân loại được cứu độ. Sự liên đới của Chúa Ki-tô, của Con Thiên Chúa được sinh ra bởi Đức Maria, chính là sự diễn tả về quyền năng thương xót của Thiên Chúa, mà quyền năng ấy biểu lộ trong cuộc sống chúng ta – đặc biệt là khi cuộc sống ấy trở nên mỏng manh, bị tổn thương, bị làm nhục, bị loại trừ và đau khổ – và khơi lên trong cuộc sống chúng ta sức mạnh của niềm hy vọng, và niềm hy vọng ấy cho phép chúng ta tái đứng dậy và hỗ trợ chúng ta.

Sự phong phú về nhân bản và Đức Tin không được phép bị đánh mất, nhưng đúng hơn phải giúp chúng ta quan tâm hơn đến những yếu đuối của con người và đồng thời quan tâm tới những thách đố trong lãnh vực ý tế. Nhân dịp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, chúng ta hãy tái dồn sức để góp phần phổ biến một nền văn hóa mà nó đối xử với sự sống, với sức khỏe và môi trường bằng sự kính trọng; chúng ta có thể đón nhận một xung lực mới để chiến đấu cho sự kính trọng đối với sự toàn vẹn và phẩm giá con người, trong khi chúng ta giải quyết những vấn nạn về đạo đức sinh học, cũng như những mối lo lắng cho những người yếu đuối và việc bảo vệ môi trường trong cách thức xứng hợp.

Nhân dịp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ 35, Cha xin lập lại rằng, qua lời cầu nguyện và sự khích lệ của Cha, Cha luôn gần gũi với tất cả anh chị em: các bác sĩ, lực lượng y tá, các tình nguyện viên và tất cả các Tu Sĩ đang hoạt động trong sứ vụ phục vụ bệnh nhân và những người nghèo túng, những tổ chức vừa của Giáo hội lẫn dân sự đang hoạt động trong lãnh vực này, cũng như các gia đình đang chăm lo cho các thành viên của mình với trọn tình mến. Cha xin cầu chúc cho tất cả luôn trở nên những dấu chỉ đầy vui mừng về sự hiện diện và Tình Yêu của Thiên Chúa, cũng như luôn biết noi theo chứng tá của rất nhiều những người bạn nam và bạn nữ của Thiên Chúa. Trong số những người đó, Cha xin nhắc tới Thánh Gio-an Thiên Chúa và Thánh Caminô Lellis, hai vị Bổn mạng của các bệnh viện và của lực lượng y tá Bác Sĩ, cũng như xin nhắc tới Mẹ Tê-rê-sa Calcutta, Nữ Thừa Sai cho sự trìu mến của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, cùng với tất cả các bệnh nhân, các y tá bác sĩ và các tình nguyện viên, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên cùng Đức Maria, ước chi lời cầu bầu từ mẫu của Mẹ sẽ nâng đỡ và đồng hành với Đức Tin của chúng ta. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su cho chúng ta, để chúng ta luôn tràn ngập hy vọng trên con đường chữa trị và sức khỏe, để chúng ta có được một sự thính nhậy đối với tình huynh đệ và trách nhiệm, để chúng ta dấn thân cho sự phát triển toàn diện con người, và để chúng ta cảm nhận được niềm vui của sự biết ơn bất cứ khi nào Mẹ đặt chúng ta vào trong sự sửng sốt, với niềm trung tín cũng như với lòng nhân hậu của Mẹ.

Ôi lạy Mẹ Maria, Thân Mẫu của chúng con,
trong Chúa Ki-tô, xin Mẹ hãy đón nhận mỗi người chúng con,
như là những người con trai hay con gái của Mẹ;
xin đỡ nâng niềm cậy trông đầy tin tưởng của cõi lòng chúng con;
xin giúp chúng con trong cơn bệnh hoạn khổ đau;
xin dẫn chúng con đến với Chúa Ki-tô,
Con của Mẹ và là Anh của chúng con;
Và xin giúp chúng con
để chúng con luôn biết tín thác vào Thiên Chúa Cha,
Đấng thực hiện biết bao điều cao cả.

Cha xin đoan hưa với tất cả anh chị em về lời cầu nguyện liên lỷ của Cha, và với trọn tấm lòng, Cha ban Phép Lành Tông Tòa cho tất cả anh chị em.

Vatican ngày mồng 08 tháng 12 năm 2016
Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ