Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới về lương thực

76

VATICAN. ĐTC kêu gọi chữa trị tận căn các hiện tượng thay đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của nhân loại trên thế giới.

 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp nhân ngày thế giới về lương thực sẽ được cử hành vào chúa nhật 16-10-2016, nhưng được công bố sáng 14-10-2016, tại trụ sở tổ chức Lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, ở Roma. Hiện diện tại buổi cử hành này có nhiều nhân vật trong đó có Ông Matteo Renzi, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Italia.

 Ngày thế giới về lương thực năm nay có chủ đề là ”Khí hậu đang thay đổi. Lương thực và canh nông cũng vậy”.

 Trong sứ điệp, ĐTC mời gọi mọi người suy tư về trách nhiệm của con người, cá nhân và tập thể, đối với hiện tượng thay đổi khi hậu. Ngài viết: ”Trước tiên chúng ta phải nhận rằng nhiều hậu quả tiêu cực đối với khí hậu xuất phát từ thái độ thường nhật của con người, cộng đoàn, các dân tộc và quốc gia.. Cần phải hành động về phương diện chính trị, nghĩa là đưa ra những chọn lựa cần thiết, nên tránh hoặc cổ võ những thái độ và lối sống, có lợi cho các thể hệ trẻ và các thế hệ sẽ đến sau. Chỉ như thế chúng ta mới có thể bảo tồn trái đất”.

 ĐTC phê bình lối sống theo tiêu chuẩn tiêu thụ, sản xuất với bất kỳ giá nào, viện cớ là dân số gia tăng, nhưng thực ra người ta chỉ nhắm gia tăng lợi tức. Trong lãnh vực hoạt động của tổ chức FAO, càng ngày càng có những người nghĩ là mình toàn năng, và có thể không đếm xỉa gì đến các chu kỳ mùa hoặc thay đổi không cách không thích hợp các loại động vật và thực vật, làm biến mất các loại khác nhau trong thiên nhiên. Sản xuất chất lượng mang lại kết quả rất tốt trong phòng thí nghiệm và có thể có lợi cho một số người, nhưng chúng lại cho hậu quả tai hại đối với người khác”.

 ĐTC cũng nhắc đến sự kiện những người di cư vì khí hậu ngày càng gia tăng, và làm cho số người rốt cùng, bị loại trừ, ngày càng đông đảo. Họ bị chối bỏ, không được một vai trò nào trong đại gia đình nhân loại.

 ĐTC khẳng định rằng ”cảm động trước những người phải xin cơm bánh hằng ngày đó là điều không đủ, còn phải có những chọn lựa và hành động nữa. Nhiều lần, trong tư cách là Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi đã nhắc nhớ rằng các mức độ sản xuất trên thế giới có khả năng đảm bảo lương thực cho tất cả mọi người, miễn là có sự phân phối công bằng. Nhưng trong thực tế, người ta tiếp tục dùng thực phẩm vào những mục tiêu không phải nuôi dưỡng con người, hoặc phá hủy thực phẩm chỉ vì chúng thặng dư so với lợi nhuận và không quan tâm đến những người đang cần thực phẩm.

 ĐTC nói thêm rằng: Tất cả mọi người đều được mời gọi cộng tác: các vị hữu trách chính trị, các nhà sản xuất, các nông dân, ngư dân, và những người làm việc trong ngành lâm sản, nghĩa là tất cả mọi công dân. Mỗi người, theo trách nhiệm của mình, nhưng tất cả đều có một vai trò của người xây dựng một trật tự giữa còng các quốc gia và một trật tự quốc tế, không để cho sự phát triển trở thành lãnh vực riêng của một thiểu số và cũng không để cho các tài nguyên thiên nhiên là gia sản riêng của những kẻ cường quyền” (SD 14-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP