Sau đây là toàn văn sứ điệp của ngài:
“Anh chị em thân mến,
1. Tin Mừng đã thuật lại rằng “Đức Giêsu đi đến các thành thị và làng mạc… Khi thấy đám đông, Người đã chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. Rồi Người nói với các môn đệ ‘lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” (Mt 9:35-38). Những lời này khiến chúng ta vô cùng ngạc nhiên vì tất cả chúng ta biết rằng trước hết phải cày, gieo hạt, chăm bón, rồi khi thời gian đến thì mới tới mùa gặt. Nhưng Đức Giêsu lại nói rằng “lúa đã chín đầy đồng”. Nhưng ai đã làm việc để có mùa gặt này? Chỉ có thể có một câu trả lời duy nhất: Thiên Chúa. Rõ ràng cánh đồng mà Đức Giêsu đang nói đến là nhân loại, là chính chúng ta. Và hành vi làm lợi giúp sản sinh ra “nhiều hoa trái” là ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là, sự kết hiệp với Người (x. Jn 15:5). Vì thế, lời cầu nguyện mà Đức Giêsu muốn Giáo Hội dâng lên liên quan đến nhu cầu cần có nhiều hơn nữa những người phục vụ cho Nước Trời. Thánh Phaolo, một trong những “cộng sự của Chúa”, đã dấn thân không ngơi nghỉ cho Tin Mừng và cho Giáo Hội. Với một sự ý thức của một người đã cảm nghiệm cách cá vị thánh ý cứu độ của Thiên Chúa huyền nhiệm ra sao và ân sủng là nguồn gốc của mỗi ơn gọi thế nào, vị Tông Đồ đã nhắc nhở các tín hữu Côrintô rằng: “Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa” (1 Cr 3:9). Vì thế, điều đầu tiên xảy đến trong lòng ta là về mùa gặt bội thu mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban; rồi tiếp đến là lòng biết ơn vì một tình yêu luôn đi trước chúng ta; và cuối cùng là sự ngưỡng mộ về công trình mà Người đã hoàn thành, một công trình đòi hỏi một sự ưng thuận tự do của chúng ta để lao tác với Người và cho Người.
2. Nhiều lần chúng ta đã cầu nguyện với lời Thánh Vịnh gia: “Chính Người là Đấng dựng nên ta, ta thuộc về Người; ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt” (Tv 100:3); hay “ Chúa đã chọn nhà Giacop, dành Israel làm sản nghiệp riêng” ( Tv 135:4). Tuy nhiên, chúng ta là “sản nghiệp” của Thiên Chúa không theo nghĩa là một sản nghiệp khiến chúng ta trở thành những nô lệ, nhưng đúng hơn là một sợi dây mạnh mẽ nối kết chúng ta với Thiên Chúa và với nhau, trong giao ước vĩnh cửu, “vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136). Chẳng hạn, khi suy xét về ơn gọi của Giêrêmia, Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta rằng Người luôn luôn trông chừng mỗi người chúng ta để lời Người có thể hoàn tất trong chúng ta. Nó gợi nhắc chúng ta đến hình ảnh cây hạnh, loài cây đầu tiên nở hoa, báo hiệu sự tái sinh của sự sống vào mùa xuân (x. Gr 1:11-12). Mọi thứ đến từ Người và là ân sủng của Người: thế giới, sự sống, cái chết, hiện tại, tương lai, nhưng – như thánh Phaolo Tông Đồ đảm bảo với chúng ta – “anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3:23). Kiểu mẫu thuộc về Thiên Chúa có thể được giải thích: nhờ một tương quan cá vị và độc nhất với Đức Giêsu, mà Bí Tích Rửa Tội mang đến cho chúng ta từ buổi đầu cuộc tái sinh của chúng ta vào sự sống mới. Vì thế, chính Đức Giêsu là Đấng tiếp tục mời gọi chúng ta, bằng lời của Người, là hãy luôn đặt trọn niềm tín thác vào Người, yêu mến Người “hết lòng, hết trí khôn, hết sức mạnh (Mc 12:33). Vì thế mỗi ơn gọi, dù trong rất nhiều con đường khác nhau, luôn đòi hỏi một sự ra khỏi chính mình để đặt trọng tâm sự sống mình vào Đức Kitô và Tin Mừng. Cả trong đời sống hôn nhân lẫn các hình thức của đời dâng hiến, cũng như đời sống linh mục, chúng ta phải vượt qua được những lối nghĩ và cách hành xử không phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Đó là một cuộc “xuất hành hướng dẫn chúng ta trên cuộc hành trình thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ Người nơi anh chị em mình” (Diễn từ gửi Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền, 8.5.2013) Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi để thờ phượng Đức Kitô trong lòng mình ( 1Pr 3:15) để cho phép chúng ta được đụng chạm bởi sức tác động của ân sủng chứa đựng trong hạt giống lời Người, vốn phải lớn lên trong chúng ta và chuyển hóa thành việc phục vụ anh chị em mình cách cụ thể. Chúng ta đừng sợ gì cả: Thiên Chúa sẽ tiếp tục công trình tay Ngài làm với niềm đam mê và khả năng trong từng chặng đường của cuộc sống. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta! Người đã có kế hoạch trọn vẹn dành cho chúng ta trong lòng người nhưng Người muốn chúng ta đạt đến nó với một sự ưng thuận và hợp tác của chúng ta.
3. Ngày hôm nay cũng vậy, Đức Giêsu sống và bước đi trên những thực tại cuộc sống thường ngày để đến gần mỗi người, bắt đầu với những người rốt hết và để chữa lành những yếu đuối và tật bệnh của chúng ta. Bây giờ, tôi xin hướng về những người đã lắng nghe được tiếng nói của Đức Kitô vốn vang lên trong Giáo Hội và hiểu được ơn gọi riêng của mình là gì. Tôi mời gọi các bạn hãy lắng nghe và bước theo Đức Giêsu, và để chính mình được biến đổi trong tận nội tâm nhờ lời Người, lời “thần trí và là sự sống” (Ga 6:62). Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu và là mẹ chúng ta, cũng nói với chúng ta: “Hãy làm những gì Người bảo các con” (Ga 2:5). Nó sẽ giúp các bạn bước vào một cuộc hành trình chung với niềm tín thác, một cuộc hành trình sẽ giúp các con giải phóng ra nguồn năng lượng tốt nhất trong mình và quanh mình. Một ơn gọi là một hoa trái chín mọng trong một cánh đồng được chăm bón tốt của tình yêu hỗ tương, vốn sẽ trở thành việc phục vụ nhau, trong bối cảnh của một cuộc sống mang tính giáo hội thực sự. Không có ơn gọi nào được sinh ra chỉ cho riêng nó hay sống cho chính nó. Một ơn gọi chảy từ con tim của Thiên Chúa và nở hoa trong mảnh đất tốt của một dân tín trung, trong kinh nghiệm của tình huynh đệ. Chẳng phải Đức Giêsu đã từng nói: “Cứ dấu này mà người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13:35) sao?
4. Anh chị em thân mến, sống “chuẩn mực cao của đời sống Kitô hữu thường nhật” này (x. Gioan Phaolô II, Tông Thư Novo Milleniio Ineunte, 31) có nghĩa là thỉnh thoảng đi ngươc lại với dòng chảy và đối đầu với những ngăn trở, bên ngoài cũng như bên trong chúng ta. Chính Đức Giêsu đã cảnh báo chúng ta: hạt giống tốt của lời Chúa thường bị quỷ dữ mang đi, bị những lo lắng ngăn chặn và bị những bận tâm và cám dỗ bóp nghẹt (x. Mt 13:19-22). Tất cả những khó khăn này có thể làm nhụt chí chúng ta, khiến chúng ta rẽ xuống những con đường có vẻ như thoải mái hơn. Tuy nhiên, niềm vui thực sự của những ai được kêu gọi thì luôn xác tín và cảm nghiệm rằng chính Người, Đức Chúa, là đấng trung tín và rằng với Người, chúng ta có thể bước đi, trở thành môn đệ và những chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa, mở con tim của chúng ta ra với những lý tưởng cao cả, những điều to lớn. “Những người Kitô hữu chúng ta không được Thiên Chúa chọn lựa cho những điều nhỏ bé; hãy hướng mình đến những nguyên lý cao cả nhất. Hãy gắn cuộc đời của các bạn vào những lý tưởng thanh cao!” (Bài giảng trong thánh lễ ban Bí Tích Thêm Sức, 28.4.2013). Tôi xin các giám mục, linh mục, tu sĩ, các cộng đoàn và Kitô hữu hãy định hướng các kế hoạch mục vụ ơn gọi theo chiều hướng này, qua việc đồng hành với các bạn trẻ trên những con đường thánh thiện, “vốn đòi hỏi một khoa sư phạm đúng đắn và thích đáng trong sự thánh thiện có thể thích ứng với nhu cầu của từng người. Việc huấn luyện này phải hội nhất các nguồn lực mà mỗi người được thụ hưởng cả trong những hình thức truyền thống của sự trợ giúp cá nhân và nhóm, lẫn những hình thức nâng đỡ gần đây hơn được cung cấp trongc ác hiệp hội, phong trào mà Giáo Hội nhìn nhận” (Novo Millennio Ineunte, 31)
Vì thế, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn thành những “mảnh đất tốt”, để có thể lắng nghe, đón nhận và sống lời Chúa và sinh được nhiều hoa trái từ đó. Chúng ta càng kết hiệp với Đức Giêsu qua lời cầu nguyện, Thánh Kinh, Thánh Lễ, các bí tích được cử hành và được sống trong Giáo Hội và trong tình huynh đệ, chúng ta càng thấy lớn lên trong mình niềm vui của việc cộng tác với Thiên Chúa trong việc phục vụ Nước Trời, nước của tình thương và chân lý, của công lý và hòa bình. Mùa gặt sẽ bội thu, tỉ lệ với ân sủng mà chúng ta khiêm nhu đón nhận trong cuộc sống của chúng. Với ước mong này và lời cầu xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi, tôi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho các bạn.
Từ Vatican, 15.1.2014″
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ