Sự “biến dạng” của tiếng Việt hiện nay
Ngôn ngữ cũng như một sinh vật có thể sinh ra và mất đi. Chính vì thế nên ngôn ngữ luôn luôn tồn tại hai trạng thái. Một là tử ngữ (những tiếng mất đi), hai là sinh ngữ (những tiếng phát sinh). Bên cạnh đó ngôn ngữ còn có sự biến thái – hiện trạng biến đổi nhóm ngôn ngữ của nhóm người theo từng nghề nghiệp, từng tầng lớp xã hội chịu tác động của hoàn cảnh xã hội, quan niệm, trình độ văn hoá, giáo dục.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX kinh thành Thăng Long dần dần được đô thị hoá, tầng lớp quí tộc mới, thương gia hình thành. Phương tiện giao thông hồi đó dành cho tầng lớp này ngoài ngựa, còn có các loại cáng, đểu (một thứ giống như kiệu). Những người phục vụ hai phương tiện này gọi là phu cáng, phu đểu bị coi là tầng lớp thấp hèn, bị khinh miệt nhất trong xã hội dạo đó. Vì quan niệm này nên trong ngôn ngữ răn dạy con thời này có câu: “Mày không học hành tử tế, lớn lên cũng chỉ làm đồ đểu cáng mà thôi”. Lâu dần danh từ chỉ hai nghề này được ghép lại thành một tính từ miệt thị “đồ đểu cáng”.
Nam bộ vào thời Pháp thuộc có nhiều chợ phố, có những người nghèo khổ ra chợ thừa lúc người bán không để ý thì đá con cá đang bày bán ra khỏi rổ, hoặc lăn trái dưa hấu ra khỏi đống dưa. Thành ra, từ ấy người ta dùng từ: bọn “đá cá lăn dưa”. Danh từ này lâu dần trở nên duy danh để chỉ những hạng cùng đinh, mạt hạng trong xã hội, kẻ ăn cắp vặt, lang thang, lưu manh, vô giáo dục, cơ nhỡ. Dẫn hai ví dụ về sự biến thái, chuyển hoá ngữ nghĩa của ngôn ngữ để càng thấy rõ tác động của hoàn cảnh xã hội lớn lao như thế nào trong việc làm thay đổi trạng thái ngôn ngữ.
Bên cạnh sự biến thái đó thì các nhà ngôn ngữ học luôn luôn khẳng định ngôn ngữ Việt Nam là một trong những ngôn ngữ thuộc loại có sức sống nhất trên thế giới. Trải qua mọi thăng trầm, biến động của lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam chẳng những không mất đi, không bị nghèo nàn, biến dạng mà ngày càng phong phú, sinh động, vì biết chọn lọc, hoà đồng một cách hợp lý mọi loại ngôn ngữ ngoại lai khi du nhập vào nước ta. Sự biến hoá của tiếng Hán trở thành tiếng Hán Việt nhập vào hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt Mường cổ (ngôn ngữ gốc của tiếng Việt), rồi sự du nhập của tiếng Pháp được chuyển hoá vào dòng chảy tiếng Việt là những ví dụ sinh động.
Ngày nay, dân tộc ta trong giao tiếp hàng ngày đã sử dụng thành thạo vốn ngôn từ có những từ xuất phát từ tiếng Hán chiếm đến 68% trong ngôn ngữ nước ta, và hàng loạt tiếng có gốc tiếng Pháp đã được Việt hoá một cách tài ba như: “xà phòng, xoong, xích, líp, xích lô, ba gác…”. Tất cả sự chuyển hoá đều có qui luật trong ngôn ngữ…
Nhưng đến giai đoạn hiện nay nghe cách nói thường ngày của một số tầng lớp, nhất là giới tuổi trẻ, thì có thể nhận ra tình trạng ngôn ngữ nước ta, hay nói cụ thể hơn là tiếng Việt của chúng ta, đang bị biến thái theo hướng đáng báo động. Có thể nói sự biến thái này như một tiếng chuông báo động về ngôn ngữ, tiếng nói mà cha ông ta dày công xây dựng và giữ gìn suốt cả chiều dài phát triển của nền văn hoá Việt Nam.
Thực trạng của sự biến thái này ra sao?
Chỉ cần nghe qua trong giao tiếp hàng ngày đã thấy: một ông, một bà ở thành phố hay phụ cận cả đời không biết một chút tiếng Anh nào nhưng gặp nhau là buột miệng chào như người Mỹ: “hê lô”. Để biểu hiện sự ưng thuận sau khi bàn bạc một công việc gì đấy bất kể trong lĩnh vực nào cũng hạ một câu: “ô kê”, rồi “ô kê nhé”, “ô kê đi”, “ô kê ạ”. Một đứa trẻ lên ba tuổi tập nói khi ra về chào ông bà nội, ngoại cũng được bố mẹ nhắc “con bai ông bà đi”. Và đứa trẻ bập bẹ “bai bai ông, bai bai bà”.
Trong quán bia nơi ngôn ngữ được thả phanh sự biến thái này càng được gia tăng. Các bia sĩ nói với nhau: “Cậu phải Nông quốc Chấn thằng cha ấy đi. Không, hết tiền thì anh em mình phải Juven tút đấy. Còn tao, uống thế thôi, không tao lại ác xê nôn xong livơphun một trận thì mệt lắm”.
Trong lớp học, học sinh thì thào với nhau khi thầy giáo vắng mặt: “Thầy đi đâu mà đầu lâu thế. Đã vậy thì bọn mình cứ thoải con gà mái đi”. Giới trẻ không chỉ đàm thoại với nhau bằng thứ ngôn ngữ biến dạng bất chấp tất cả qui luật của ngôn ngữ mà còn đua nhau biến tấu, trình diễn, xem đó như một thứ mốt thời thượng. Đã vậy, lại có một nhà xuất bản nọ đã cho ra đời một ấn phẩm đầy rẫy những từ, như “tự nhiên như cô tiên”, “ngất ngây con gà tây”, “tào lao bí đao”, “đã xấu lại còn xa”…
Ngôn ngữ trong thế giới mạng hiện nay xuất hiện một hiện tượng mới do giới trẻ (hay người ta thường gọi là tuổi teen) ngày nay thường dùng gọi là ngôn ngữ mạng hay ngôn ngữ teen. Ngôn ngữ này xuất hiện từ khi có sự bùng nổ của mạng (internet) đồng thời với sự thay đổi của xã hội, từ một xã hội khá bảo thủ sang một xã hội cởi mở. Sự biến thái, phá vỡ mọi qui luật của ngôn ngữ này càng có đất tung hoành dụng võ hơn trong các tin nhắn, trong chát, trong thư điện tử của lứa tuổi trẻ. Ngôn ngữ teen thể hiện bằng cách chèn tiếng nước ngoài vào những câu nói như: “Maybe mình không nên đòi hỏi mọi thứ phải trở nên perfect như thế.” (Có lẽ mình không nên đòi hỏi mọi thứ phải trở nên hoàn hảo như thế.) hay:“Ngoi` pun` hok bjk lem` je^`, vo^ tinh` nghj~ den’ anh, hok bjk jo` nay` anh dang lam` j` ” (Ngồi buồn không biết làm gì, vô tình nghĩ đến anh, không biết giờ này anh đang làm gì).. Một câu nhắn tin: “Tối nay go out nhé. Nếu OK thì phone cho tui. Đồn có địch, no table” (tạm dịch “Tối nay đi nhé. Nếu được thì gọi điện cho tôi. Nhà đang có khách. Không bàn tiếp”…
Đó là chưa kể việc hay nói tục, nói trống không càng làm cho sự biến thái ngôn ngữ phát triển theo chiều hướng đáng ngại.
Nguyên nhân của sự biến thái
Nhờ sự đổi mới của nhà nước nên hơn hai chục năm nay, Việt Nam bước vào giai đoạn mở cửa trong mọi lĩnh vực từ kinh tế đến văn hoá. Nếu trong thời kỳ bao cấp dân ta chỉ được tiếp xúc với văn hoá cộng đồng các nước XHCN, trong đó chủ yếu là văn hoá Liên Xô, Trung Quốc. Ngoại ngữ được học trong trường từ phổ thông đến đại học là Trung văn, Nga văn thì đến giai đoạn này nền văn hoá thế giới tràn ngập vào nước ta, trong đó với thế mạnh tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng phổ cập trong giao tiếp và trong nhiều lĩnh vực đã dần dần có có vị trí quan trọng trong sự đào tạo, giáo dục của nước ta. Điều này cắt nghĩa vì sao tiếng Anh lại có ảnh hưởng mạnh mẽ ở nước ta.
Ngày nay, điện thoại di động, máy tính kèm theo hàng loạt những ứng dụng của các phương tiện này là Internet, nhắn tin, chát, trò chơi điện tử… đã trở thành thông dụng được người Việt Nam, đặc biệt giới trẻ, ưa thích. Một trong những ứng dụng quan trọng ra đời là nhắn tin tất phải có một công nghệ nhắn tin kèm theo. Những hiện tượng đó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Về mặt khách quan, đó là những nguyên nhân ngoài ngôn ngữ như: xu hướng đổi mới, sự thay đổi, sự hội nhập, các trào lưu xã hội, sự bùng nổ của Interrnet… Trong ngôn ngữ, đó chính là quy luật tiết kiệm. Đó là quy luật không ai có thể phá vỡ nổi, không có đạo luật nghiêm khắc nào có thể ngăn chặn, can thiệp được, dù ghét nó người ta cũng phải nhượng bộ. Còn về mặt chủ quan thì giới tuổi teen muốn tìm sự khác biệt, mới lạ. Họ muốn khẳng định mình trước người lớn, để người lớn phải tôn trọng. Tư duy cần phải tạo nên sự khác biệt đã ăn sâu vào giới trẻ hiện nay. Làm sao trong khoảng thời gian ngắn chuyển tải được lượng thông tin cần thiết đến người nhận là một yêu cầu. Đây chính là cơ sở để tạo ra số từ vựng nhắn tin, cũng đồng thời sinh ra sự biến thái của ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ nước ta. Sự chế biến cách viết trong nhắn tin cộng với việc sử dụng tiếng Anh đã thêm một lần làm gia tăng biến thái ngôn ngữ.
Ở bài viết này, tôi chưa nói nhiều đến sự hay nói tục của giới bạn trẻ như một mốt sành điệu mà tôi chỉ nói đến ảnh hưởng của lối nói trống không, cụt lủn không chỉ trong nhắn tin mà còn trong giao tiếp hàng ngày của giới trẻ. Nếu như ở một số ngoại ngữ phương Tây, ngữ điệu trong giọng nói khi dùng đại từ nhân xưng khẳng định thái độ tình cảm và cả thứ bậc xưng hô khác hẳn đại từ nhân xưng đa dạng của tiếng Việt có đầy đủ các thang bậc từ ông bà bố, mẹ, cô dì, chú bác… đến cả những đại từ nói lên sự khinh miệt hay tôn kính, gần gũi hay xa lạ… Đáng tiếc các bạn trẻ ít nhiều biết ngoại ngữ lại bị ảnh hưởng lối diễn đạt “vô nhân xưng” này nên thường đổ đồng cá mè một lứa trong xưng hô thường nhật.
Trong sự mở cửa chấp nhận sự hoà đồng thì bên cạnh những cái hay, cái tốt của các nền văn hóa, các trào lưu văn hoá trên thế giới, chúng ta cũng phải đối đầu với những gì độc hại, những gì không phù hợp với truyền thống, tập tục tính cách của dân tộc ta. Bên cạnh đó nền giáo dục nước trong thời gian qua dường như còn có lỗ hổng không nhỏ trong giáo trình đào tạo học sinh các cấp. Gíáo trình giáo dục các cấp của ta còn nặng về giáo dục kiến thức mà ít quan tâm đến việc giáo dục truyền thống, lịch sử, nhân cách đến đạo đức làm người cho học sinh… Phải chăng đây cũng là nguyên nhân sâu sa tạo ra sự biến thái đáng ngại của ngôn ngữ.
Hệ quả
Cách đây gần một thế kỷ trong bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh có câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Sự biến thái về ngôn ngữ đáng lo hiện nay chứng tỏ các nhà quản lý của nước ta chưa biết khơi gợi niềm tự hào về tiếng Việt, bảo tồn vốn quí báu của ngôn ngữ dân tộc. Sự chế biến tiếng Việt như hiện nay đâu chỉ thuần tuý ở sự xuống cấp trong ngôn ngữ mà nó còn là sự xuống cấp trong lối sống của một tỉ lệ không nhỏ người Việt trẻ.
Sự thay đổi này thoạt nhìn có vẻ như vô hại nhưng nó đang dần để lại một hệ quả khó lường. Từ học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến sinh viên đại học, nhân viên văn phòng đang lạm dụng loại ngôn ngữ này.
Họ không những sử dụng chúng trên mạng mà còn đem chúng ra cuộc sống hằng ngày áp dụng vào mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi mà không cần biết chúng có thích hợp hay không. Chẳng hạn như học sinh – sinh viên mang ngôn ngữ này viết vào trong bài thi, bài kiểm tra khiến cho giáo viên phải đau đầu vì phải ngồi dịch Tiếng Việt.
Việc sử dụng ngôn ngữ này trong một thời gian dài, liên tục, không có sự tự giác và kiểm soát đã hình thành một thói quen vào trong tiềm thức của mọi người khiến cho họ sử dụng nó trong vô thức. Chắc hẳn đa số các bạn trẻ hiện nay đều gặp không ít rắc rối với việc viết sao cho đúng chính tả, đặt câu sao cho đúng ngữ pháp hay sử dụng từ ngữ như thế nào cho đúng với ngữ nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh.
Tiếng Việt phải được phát triển trong sự trong sáng của nó, trong một quan điểm đúng đắn, không cực đoan. Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về đất nước mình, về tiếng nói dân tộc mình. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Bác sĩ Lê Trung Ngân