Vào khoảng năm 1980, người dân miền Nam lâm vào cảnh đói khổ. Vừa do nạn lụt mất mùa năm 1978. Vừa do chính sách bao cấp. So sánh với thời trước người ta cảm thấy đói khát thiếu thốn. Thường kể cho nhau câu chuyện “Ba Con Ma”.
Một buổi tối có hai con ma gặp nhau. Một con gầy gò ốm yếu. Một con mập mạp. Con mập mạp hỏi con ốm yếu: Bạn chết bao giờ mà sao gầy gò ốm yếu thế? Tôi chết năm 1945. Chết sau nhiều tháng nhịn đói. Nên chỉ còn da bọc xương. Còn bạn chết bao giờ mà thân hình phương phi mập mạp thế này? Tôi chết năm 1975. Đang thời no đủ. Nhưng chạy loạn xô nhau xuống tàu. Tôi ngã xuống biển. Không biết bơi. Nên bị chết.
Hai con ma còn đang nói chuyện thì thấy một bóng dáng gầy như que tăm, đi nghiêng ngả, đến. Hai con ma đang vui chuyện vội hỏi thăm: Bạn chết bao giờ mà thiểu não gầy gò hơn cả nạn đói năm 45 thế? Bóng dáng que tăm trả lời: Tôi đã chết đâu. Tôi còn đang sống đấy.
Câu chuyện không có thật. Châm biếm một thời đói khổ. Nhưng gợi ý cho ta nhiều suy tư về sự sống và sự chết. Có những người chết rồi mà vẫn sống.
- Chết mà vẫn sống
Quả thực có những người chết mà vẫn sống. Điển hình là các vị thánh nhân, các bậc vĩ nhân, các vị ân nhân.
Các vị ân nhân sống mãi trong tâm hồn ta. Chẳng hạn cha mẹ dù đã qua đi nhiều chục năm, nhưng ta không sao quên được hình ảnh các ngài. Trái lại có những lời nói, việc làm của các ngài ngày càng hiện rõ nét trong trí nhớ ta. Những ai đi xa quê hương đều có nỗi nhớ nhà. Lạ lùng thay người ta không nhớ những món ăn cao sang. Nhưng lại nhớ những món dân giã bình thương.
Ta đi ta nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Có nhiều người nói đi sang Mỹ rồi nhớ tiếng mưa rơi ồn ào trên mái tôn. Nhớ những con đường đá lở bụi mịt mù. Nhớ mùi rơm thối bên bờ ao ngoài ruộng. Nhớ rau đắng sau hè. Cũng vậy có những việc cha mẹ làm, những lời cha mẹ nói khi còn sống, ta coi là tầm thường không đáng kể. Nhưng càng ngày ta lại càng nhớ những lời nói việc làm bé nhỏ ấy. Chẳng hạn hình ảnh mẹ nấu nướng trong bếp. Hình ảnh cha làm lụng ngoài ruộng. Dường như những hình ảnh thân thương ngày càng rõ nét hơn. Và cũng trở nên thân thương hơn, cao quí hơn.
Đối với cộng đoàn Xi-tô Thánh gia Việt nam, hình ảnh cha Tổ phụ Biển đức Thuận luôn ở mãi trong chúng ta. Chẳng phải là những hình ảnh oai nghi bệ vệ. Nhưng là hình ảnh một người cha gầy gò ốm yếu nhưng đơn sơ thân tình rất gần gũi và tràn đầy tình thương. Không phải là những công trình hoành tráng đồ sộ. Nhưng chúng ta nhớ đến ngài trong những công việc nhỏ nhặt ngài làm. Rửa nhà vệ sinh. Chăm sóc anh em bệnh tật. Lời văn của ngài chẳng phải là những áng văn chương tuyệt tác. Chỉ là những lời mộc mạc đơn sơ. Nhưng lại đi vào thâm sâu trong lòng chúng ta. Những công việc đời thường, những lời nói chất phác, đời sống giản dị, tất cả trở nên những hình ảnh thân thương sống mãi trong ta. Dù ngài qua đời đã lâu. Dù chúng ta chẳng một lần gặp mặt.
Có những người chỉ làm cho ta những việc nho nhỏ. Nhưng ta ghi nhớ suốt đời.
Các bậc vĩ nhân sống mãi. Trong công trình họ để lại. Nói đến chữ quốc ngữ ta không thể quên ơn cha Đắc Lộ. Hôm rồi vào cứu trợ nạn lụt miền Trung. Đi qua Vũ Quang ở Hà tĩnh ta nhớ đến Cao Thắng, người Việt nam đầu tiên biết đúc súng. Ông mở lò đúc súng trên núi Vũ Quang. Đúc súng theo mẫu của Pháp, để nghĩa quân của Phan đình Phùng có thể chống nhau với quân Pháp. Đi qua núi Hồng Lĩnh nhắc ta nhớ đến Nguyễn Du, một thi hào đi vào lòng mọi người dân Việt. Khi còn sống ông đã tự hỏi : “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ thuỳ nhân khốc Tố Như”. Không biết 300 năm sau còn ai nhớ đến Tố Như không. Nhưng ba thế kỷ trôi qua tên ông và Truyện Kiều vẫn còn ở vị trí danh dự trong nền văn chương Việt nam và thế giới. Đó là những vĩ nhân sống mãi với lịch sử. Nhớ câu hát “Đi mô rồi cụng nhớ về Hà Tịnh”. Không phải nhớ những toà nhà cao tầng. Không phải nhớ đến những tượng đài hoành tráng. Nhưng nhớ đến những con người đã làm nên hồn sống của Hà Tĩnh. Làm nên vận mệnh của dân tộc. Đi vào thẳm sâu tâm hồn Việt nam.
Nhưng còn hơn thế, các thánh nhân sống mãi trong Thiên Chúa. Hình ảnh đầu tiên ta nghĩ đến đó là các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài chết đã lâu. Nhưng vẫn sống mãi trong lòng dân Việt. Mỗi khi đọc hạnh tích các ngài lòng chúng ta bừng bừng lửa sốt mến. Có những vị như thánh Marchand Du. Chết đau đớn vì bị án bá đao. Đao phủ xẻo từng miếng thịt cho đến khi ngài tắt thở. Vua Minh Mạng quá thù oán người công giáo nên sau khi cha Marchand Du chết rồi ông còn ra lệnh nghiền nát thịt xương và quẳng hết xuống sông xuống biển. Chẳng còn lại chút gì. Thế mà sao hình ảnh của ngài vẫn sống động trong chúng ta. Các ngài sống mãi với con người. Và nhất là sống mãi với Thiên Chúa. Vì các ngài đã trung tín dâng hiến một tình yêu lớn lao cho Chúa là dâng cả mạng sống. Các ngài hoàn toàn noi gương Chúa Giê-su chứng mình tình yêu lớn lao: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu”(Ga 15,13). Như Chúa Giê-su đã từ bỏ tất cả thì Chúa Cha đem mọi sự đặt dưới chân Người. Cũng vậy các thánh Tử Đạo Việt Nam đã từ bỏ tất cả. Nay Chúa trả lại cho các ngài tất cả. Và còn trọng hậu hơn những gì các ngài dám nghĩ tới.
Một hình ảnh khác đến ngay tức khắc. Đó là thánh Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta. Một vị vừa là ân nhân của nhân loại, vừa là vĩ nhân của thời đại, vừa là thánh nhân trong Thiên Chúa. Mẹ đã giã từ trần gian 20 năm. Nhưng vẫn còn đậm nét trong ký ức và tâm hồn mọi người, đặc biệt người Ấn độ. Mẹ quên mình vì người nghèo. Vì thế người nghèo không bao giờ quên Mẹ. Mẹ không làm những việc lớn lao. Chỉ làm những việc nhỏ bé với những con người nhỏ bé. Đó là thu lượm những người hấp hối ngoài đường phố đưa về tắm rửa cho họ sạch sẽ. Chăm sóc họ như người thân yêu nhất. Để họ được chết như một con người. Thế mà Mẹ đã trở thành một vĩ nhân. Nước Ấn độ, một nước không có cảm tình lắm với Công giáo, đã gọi Mẹ Tê-rê-xa là Mẹ. Mọi người yêu mến Mẹ. Mọi người vâng lời Mẹ. Xin dẫn chứng một câu chuyện cụ thể.
Khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II thăm Ấn độ, Mẹ Tê-rê-xa luôn tháp tùng ngài. Trên đường ra phi trường trở về, đột nhiên, xe của Đức Thánh Cha và Mẹ Tê-rê-xa, rẽ vào một con đường ngoài lộ trình. Cảnh sát trưởng vội gọi cho Tổng tham mưu trưởng: “Sao có sự thay đổi chương trình này mà tôi và lực lượng bảo vệ an ninh không biết”? Tổng tham mưu trưởng trả lời: “Đó là Mẹ Tê-rê-xa mời Đức Thánh Cha thăm một trung tâm dành cho trẻ khuyết tật. Ông biết mà, tại Ấn độ này ai dám cãi lại Mẹ Tê-rê-xa chứ”! Khi Mẹ qua đời, An-ba-ni quê hương của Mẹ, muốn đưa Mẹ về an táng tại quê nhà. Nhưng thủ tướng Ấn độ đã viết thư xin Tổng thống An-ba-ni cho để Mẹ ở Ấn độ. Vì Ấn độ không thể thiếu Mẹ. Và người ta đã tổ chức quốc táng. Mẹ được đặt trên cỗ xe tang danh dự. Mới chỉ có 3 người được nằm trên xe đó. Đó là Mahatma Gandhi, Jawaharlan Nerhu và Mẹ là người thứ ba. Hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa Mẹ. Tám mươi nguyên thủ quốc gia cúi mình trước thi thể một người phụ nữ gầy gò bé nhỏ, ăn mặc như một người nghèo nhất. Mẹ đã trở nên một vĩ nhân đi vào lòng người.
Nhưng còn hơn thế nữa, Mẹ đã ở trong lòng của Thiên Chúa. Mẹ đã trở thành vị đại thánh của nhân loại. Mẹ trở thành mẫu gương truyền giáo cho châu Á. Mẹ được Thiên Chúa đón rước vào thiên đàng. Vì Mẹ đã phục vụ Thiên Chúa. Đúng như lời Chúa dạy: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25, 34-36). Mẹ trở thành vị thánh vĩ đại được cả thế giới công giáo cũng như ngoại giáo ngưỡng mộ. Vì Mẹ đã làm những việc tầm thường nhỏ bé với một tình yêu lớn lao.
Mẹ đại diện cho tất cả những người đã chết mà nay vẫn sống. Sống trong tâm hồn con người. Sống trong lịch sử nhân loại. Và nhất là sống trong Thiên Chúa. Đó là sự sống vĩnh cửu, viên mãn, hạnh phúc.
Ngược lại cũng có những người đã chết dù còn đang sống.
- Sống nhưng đã chết
Đó là những người làm điều ác. Ác cho cá nhân. Ác cho gia đình. Ác cho dân tộc. Ác cho nhân loại. Khi làm điều ác cách lạnh lùng họ đang bộc lộ sự chết trong bản thân.
Vụ Formosa thải chất thải độc hại là một minh hoạ cho cái chết của những người đang sống. Biển chết, cá chết khiến hàng triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp. Trực tiếp và trước hết là những ngư dân sống bằng nghề đánh cá và làm muối. Không còn có thể đánh cá và làm muối được nữa. Nửa năm nay họ không có thu nhập nào để sinh sống. Nhiều triệu người khác liên quan cũng thất nghiệp. Đó là những người chịu ảnh hưởng gián tiếp. Những người đóng tàu. Bán xăng dầu. Bán máy chạy tàu. Bán lưới. Bán hải sản. Và kinh doanh du lịch và khách sạn. Lương tâm là để phân biệt thiện – ác. Lương tâm của những người làm điều ác đã chết nên mới có thể thản nhiên lạnh lùng khi làm nhiều triệu người chết như thế.
Đó là cái chết của lý trí. Lý trí là khả năng phân định giá trị. Người có lý trí sẽ biết phân định bậc thang giá trị. Chẳng hạn phải biết toàn thể thì hơn một thành phần. Sự sống thì quí hơn lợi nhuận. Đồng bào thì quí hơn ngoại bang. Những người có quyền đúng ra phải bảo vệ đồng bào lại đi bảo vệ ngoại bang. Đúng ra phải tôn trọng sự sống thì lại đi tìm lợi nhuận. Và chỉ vì một thành phần, một công ty mà đi làm hại cả một dân tộc. Thì đó là dấu hiệu lý trí đã chết. Không còn phân định được giá trị. Tìm giá trị thấp mà bỏ giá trị cao. Là lý trí đã chết. Là đầu không có óc. Trong y khoa khi một người có não chết bị coi là chết rồi. Huống hồ lý trí là linh hồn của não mà chết thì người đó coi như đã chết, dù họ còn đang sống.
Những người thản nhiên làm điều ác. Cố chấp trong điều ác. Bảo vệ cho điều ác. Không những họ đang chết. Mà còn bị người đời ghét bỏ. Lên án. Họ đã chết trong lòng mọi người.
Có nhiều nơi loại bỏ án tử hình. Những trọng phạm thay vì bị án tử hình thì bị đày vào hoang đảo xa xôi. Không được giao tiếp với con người. Cũng như những người bệnh phong xa xưa. Bị cách ly. Đó là một hình thức chết. Sống mà bị mọi người loại trừ thì kể như đã chết. Những người làm điều ác cũng bị người dân loại trừ ra khỏi trái tim, khỏi trí tuệ, và đặc biệt khỏi tâm hồn họ. Họ đã chết đối với mọi người.
Nhưng đáng buồn nhất là họ chết trong Nước Chúa. Như lời Chúa nói với những người ở bên trái trong Ngày Phán Xét: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25, 41-43).
Đến thăm giáo xứ Đông Yên nơi trực tiếp chịu tai hoạ từ nhà máy Formosa, ta thấy Lời Chúa đúng từng câu từng chữ. Nơi đây người dân bị tàn phá nhà cửa chẳng ai quan tâm. Trẻ em còn bị ngăn cản không cho đến trường học. Nửa năm nay không thu nhập mà chẳng có chính sách nào giúp đỡ. Lại còn đàn áp khi dân nghèo lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng. Đó là quyền sống. Quyền được biết sự thật.
Đến thăm giáo xứ Tràng Lưu, giáo xứ Tân Hội, đặc biệt giáo họ Phú Lễ cũng thế. Đây là nơi đầu nguồn tiếp giáp với đập thuỷ điện Hố Hô. Người đứng đầu đập Hố Hô thản nhiên xả nước làm cho người dân không kịp trở tay. Chỉ lo chạy lấy người. Còn tất cả trôi theo dòng nước. Tại đây hiện nay không còn một bóng súc vật. Trâu bò lợn gà, kể cả chó mèo, tất cả đã trôi ra biển. Đây là vùng đất trồng bưởi Phúc Trạch nổi tiếng. Riêng cha xứ Tân hội có 1000 gốc bưởi. Mỗi mùa mỗi gốc thu được 10 triệu đồng. Các gốc bưởi bị nước lũ nhân tai chồng lên lũ thiên tai tróc rễ bật gốc chết hế. Mười tỷ đồng mất trắng. Đã chẳng thương cảm. Lại còn ngăn chặn những đoàn cứu trợ đến cứu giúp nạn nhân lũ lụt. Quả thật họ đã nhẫn tâm. Đã hại dân. Lại còn ngăn cản đoàn người đến cứu giúp. Đó là những người đang chết. Họ đang tự kết án mình. Bằng sự chán ghét của người dân. Bằng nuôi dưỡng mầm mống sự chết trong mình. Và nhất là bằng tự kết án mình trong Ngày Phán Xét.
- Văn hoá sự chết và văn hoá sự sống
Thật trái ngược. Những người chỉ nghĩ cho riêng mình, tìm sự sống cho bản thân, lại là những người gieo rắc sự chết.
Khi những người chỉ vun quén quyền lợi bản thân bất chấp quyền lợi của người khác. Như tại Formosa. Như khai thác bô-xít tại Tây nguyên. Họ gieo rắc sự chết cho biết bao người. Chết cho con người. Mấy triệu người tại 4 tỉnh miển Trung hiện nay đang chết dần mòn vì Formosa. Chết cho súc vật. Cá chết trắng xoá bờ biển miền Trung gây nên một cơn chấn động lớn lao. Chưa bao giờ thấy cái chết thảm khốc như thế. Nhưng lâu dài và chết chóc nhất đó là cái chết của thiên nhiên. Chết của biển. Chết của nước. Bao giờ biển mới trong sạch trở lại nếu nhà máy Formosa còn tồn tại? Bao giờ nước mới trong lành cho cá sống, cho người đến tắm gội?
Những người gây ra cái chết cho thiên nhiên, cho súc vật và nhất là cho đồng loại hẳn không nhìn thấy họ đang tự giết chết chính mình. Họ đang giết chết những phần tinh tuý nhất trong con người mình. Đó là lương tâm. Đó là luân lý. Đó là lý trí. Họ đang giết chết phần cốt lõi trong con người. Họ đang giết chết chất người. Họ đang huỷ hoại nhân tính. Đang biến con người thành vô cảm, vô tâm, vô tình. Thành một quái vật chỉ biết đến tiền của lợi lộc.
Khi giết chết người khác họ đang tự kết án mình khi họ không còn được đón nhận trong cộng đồng nhân loại. Họ đang thù nghịch với nhân loại. Chống lại nhân loại. Tự loại trừ mình ra khỏi nhân loại. Đang chết trong lòng nhân loại.
Họ đang gieo rắc nền văn hoá sự chết. Cái chết của người khác trở thành cái chết của chính bản thân.
Những người gieo rắc văn hoá sự chết đã chết ngay khi còn sống. Vì họ bị mọi người loại trừ khỏi trái tim. Và khi chết họ mau chóng bị quên lãng. Nhưng nguy hiểm nhất là họ bị chết trước cửa thiên đàng. Không thể vào hưởng hạnh phúc với Chúa. Vì họ không có trái tim không thể sống bên cạnh trái tim Chúa. Họ không có yêu thương nên không thể vào làm công dân trong Vương quốc Tình yêu của Chúa. Họ tự loại mình ra khỏi tình yêu. Tự đóng cửa thiên đàng. Họ là những phú ông giầu có. Ngày ngày yến tiệc linh đình. Quần áo toàn gấm vóc lụa là. Nên đến khi chết phải ở nơi nghìn trùng xa cách với tổ phụ Áp-ra-ham.
Trái lại những người biết nghĩ đến người khác lại là những người gieo rắc sự sống. Để nghĩ đến người khác họ phải quên mình. Phải hi sinh quyền lợi của mình. Và có khi phải mất mạng sống mình. Chính những người đó là những người vun trồng và phát triển sự sống.
Chúng ta còn nhớ nhà văn đại tá Kiều duy Vĩnh. Khi bị giam trong trại Cổng Trời ông cảm phục các cha các thầy. Vì các ngài, dù đói khát thiếu thốn với phần ăn để khỏi chết trong trại tù khắc nghiệt nhất của chế độ Cộng sản, các ngài vẫn nhịn ăn để nhường phần ăn cho ông. Vì thế ông đã tin Chúa. Trước hết cho vợ con theo đạo. Và chính bản thân ông khi gần chết đã được rửa tội. Chén cơm ít ỏi trong tù trở thành món cao lương mỹ vị mà suốt đời ông không bao giờ quên. Mùa hè năm 2012 chúng ta còn nhớ, ông vào đây kể chuyện về thày Ignatio Đinh hiền Lương mà ông được nằm cạnh thày trong tù. Khi nhắc đến thày Đinh hiền Lương, người đã chết cách nay hơn nửa thế kỷ, mà ký ức ông vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh cao đẹp của thày. Thày chết rồi mà vẫn sống mãi trong lòng ông.
Tại cuộc động đất ở Nhật cách đây mấy năm người ta đã đào bới và tìm thấy một đứa trẻ còn sống, dù đã bị chôn vùi hơn 10 ngày dưới lớp gạch đá đổ nát. Thì ra đứa bé được mẹ che chở. Bà mẹ biến mình thành mái nhà, thành hầm trú ẩn. Bà cong lưng lên và ôm đứa con dưới lòng mình. Tay bà còn cầm chiếc điện thoại có hàng tin nhắn: Xin hãy cứu con tôi. Bà đã chết cho đứa con được sống. Hình ảnh bà sống mãi trong tôi, trong lòng nhiều người trên thế giới. Và chắc chắn đứa con sẽ suốt đời không thể quên mẹ.
Tâm hồn tôi đầy tràn hình ảnh Mẹ Tê-rê-xa. Người dân Ấn độ yêu thương và kính mến Mẹ. Vì Mẹ suốt đời hi sinh bản thân mình cho người nghèo bên Ấn độ. Mẹ có rất nhiều tiền. Mọi người trên thế giới đổ tiền vào công cuộc cứu trợ của Mẹ. Nhưng Mẹ sống rất nghèo. Căn phòng đơn sơ. Đồ dùng giản dị. Áo Mẹ mặc trị giá 1 đô la. Mẹ dành tất cả cho người nghèo. Vì thế Mẹ sống mãi trong lòng người nghèo. Trong lòng nước Ấn độ. Trong lòng thế giới. Và hơn nữa Mẹ sống trong Thiên Chúa. Trái tim của Mẹ là trái tim của Thiên Chúa. Mẹ làm cho hằng triệu người được sống. Mẹ xây dựng nền văn hoá sự sống. Mẹ phát triển sự sống. Không chỉ sự sống thân xác. Nhưng còn sự sống tâm hồn. Bao nhiêu người đã tìm lại được lẽ sống, lý tưởng, biết hi sinh quên mình nhờ học hỏi gương Mẹ. Mẹ kể lại:
Cách đây không lâu, một phụ nữ trẻ rất giầu có theo đạo Hindu đến gặp tôi. Cô ngồi xuống và bảo: “Tôi muốn được chia sẻ công việc với Mẹ”. Ở Ấn Độ, ngày càng có nhiều người như cô muốn giúp đỡ. Tôi đáp lại: “Tốt quá”. Trong câu chuyện, người phụ nữ xinh đẹp, yếu đuối ấy thú nhận với tôi: “Tôi thích những bộ sa-ri trang nhã lắm”. Thực sự,cô đang mặc một chiếc sa-ri rất đắt tiền, đáng giá khoảng 800 rup-pi- gấp trăm lần chiếc áo chỉ 8 rup-pi của tôi.
Một ý nghĩ chợt đến với tôi, và tôi nói với cô ấy: “Tôi sẽ bắt đầu bằng chiếc áo sa-ri này. Lần tới khi cô đi mua sa-ri, thay vì mua một chiếc có giá 800 rup-pi, hãy mua một chiếc giá 500 thôi. Rồi với 300 rup-pi tiền thừa ấy, cô hãy mua sa-ri cho người nghèo”. Người phụ nữ tốt bụng đó giờ đây mặc chiếc sa-ri giá 100 rup-pi, đó là vì tôi đã bảo cô đừng mua những chiếc rẻ hơn. Cô đã thú nhận với tôi rằng lời khuyên của tôi đã làm thay đổi cuộc sống của cô. Bây giờ cô đã biết nên chia sẻ như thế nào. Và cô rất hào hứng khi quả quyết với tôi rằng cô đã nhận được nhiều hơn những gì mình đã cho.
Tôi nghĩ rằng người nào sống lệ thuộc vào đồng tiền, sống cùng nỗi lo lắng về của cải, thì người đó mới thực là nghèo khó. Ngược lại, những người biết trao ban tiền bạc, của cải để giúp đỡ người khác, người đó mới thật giầu có làm sao! (Sống lòng thương xót theo gương Mẹ Tê-rê-xa tr.123-124)
Hằng năm trên 3.000 tình nguyện viên đến cộng tác với Mẹ Tê-rê-xa phục vụ người nghèo. Họ thuộc đủ mọi thành phần. Nhưng đa số là giới trẻ, học thức và giầu có. Ra về họ luôn được ơn biến đổi. Sống tốt hơn. Yêu đời hơn. Yêu người hơn. Sau đây là chia sẻ của anh Nguyễn Bình, nha sĩ, người Mỹ gốc Việt. Anh đã cảm nghiệm sự thay đổi tích cực sâu sắc sau một tuần làm việc cho Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Tê-rê-xa:
Ngày một, ngày hai trôi qua, mình bắt đầu nhận ra nhiều điều thay đổi trong tâm mình. Mỗi sáng, mình đứng nhìn dòng người dài ngoằng đang xếp hàng để được phân chia công tác. Có một hôm mình tò mò đứng đếm, trên 200 người mỗi ngày. Họ từ khắp nơi đổ về đây để làm từ thiện. Mình hỏi thăm, thì có người đến từ Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Chi-le, Bra-Xil, Mỹ, Ca-na-da, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật, vân vân… và họ thuộc đủ mọi tôn giáo khác nhau. Ai ai cũng đều tự móc tiền túi ra để mua vé đến nơi này làm việc thiện. Mình đã tự hỏi rằng: “Tại sao? Công việc của các nữ tu trong Hội của Mẹ Tê-rê-xa có gì mà hấp dẫn đến vậy? Hội chưa hề bao giờ quảng cáo, kêu gọi đóng góp, xin tiền… hay gì gì cả. Thế mà mọi người vẫn biết đến và tìm về”.
Tối về mình không ngủ được, cứ tự hỏi tại sao trên đời có nhiều người bất hạnh đến thế và lại có nhiều người hy sinh đến vậy? Động lực nào đã giúp các sơ luôn luôn mỉm cười mỗi ngày và vui sống? Tò mò lắm, nên mình đã sống và làm theo y hệt công việc của một nữ tu hằng ngày. Bảy ngày trôi qua đã giúp mình tìm ra đáp số. Có những đến 3 phần tạo nên câu trả lời đầy đủ nhất:
(1). Nguyện cầu trong cuộc sống: Mỗi sáng sớm, các sơ đều tập trung tại nhà chính để đọc kinh và cầu nguyện. Các thiện nguyện viên đều vậy. Họ đến, không phân biệt tôn giáo, im lặng, ngồi bệt dưới đất và cùng nhau cầu nguyện. Họ cầu nguyện hết sức chân thành và liên tục trong 2 tiếng đồng hồ. Mỗi chiều sau khi xong công việc, các sơ lại họp nhau nơi đây và tiếp tục cầu nguyện trong một tiếng rưỡi đồng hồ, rồi mới đi ngủ. Mình đã tham dự những buổi cầu nguyện như vậy, và lần nào mình cũng đều xúc động. Mình biết là ở trên cao, Mẹ Tê-rê-xa luôn mỉm cười khi các con của Mẹ đã và đang tiếp tục làm tròn nhiệm vụ Mẹ giao. Và mình hiểu ra rằng nhờ có sự che chở ban phước lành của Ơn Trên, các sơ mới làm được những điều vĩ đại ấy.
(2). Sự đơn giản: Bạn cứ thử hình dung ra một buổi hội họp với hơn 200 người trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà không hề có một tiếng phone reo? Con người ở đây sống với sự đơn giản tuyệt đối. Không cell phone, không máy fax, không wifi, không computer, không laptop, không internet, cũng không cần texting hay iPod. Họ không có cả cái ghế để ngồi. Ghế của họ là sàn đất, không xi măng, không gỗ, không thảm.Bởi thế suy nghĩ của họ đơn giản hơn chúng ta nhiều lắm. Không tính toán, không lo toan, không ích kỷ, không ganh tỵ hẹp hòi, không thù hằn đố kỵ. Và vì vậy đầu óc họ cũng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều lắm. Không sợ mất nhà, mất tiền, mất job, không sợ tai tiếng thị phi, không sợ cả cái chết dù ngày mai có đến.
(3). Niềm vui tự có: Lúc mới tới đây mình gớm công việc giặt đồ quá đi. Đã có lúc muốn bỏ về. Nhưng khi tiếp xúc với các em, mình mới nhận ra là mình hạnh phúc hơn nhiều người lắm. Mình không phải nghèo (the poor), còn họ lại là những người nghèo khổ nhất (the poorest). Họ không ăn được, không tự đái ỉa được, không tự lo được, thì còn gì là cuộc sống. Vậy mà đã có em bé nhìn mình cười. Nụ cười vô tư và dễ thương làm sao. Mình cười, nhưng tim mình thắt lại, và lòng mình chùng hẳn đi. Liệu em có hiểu biết gì không, có cảm nhận được gì không khi tặng mình nụ cười vô tư ấy? Có một buổi chiều khi làm xong hết việc, sắp đi về ngủ thì tình cờ mình trông thấy một bông hoa nở bên một khe lạch. Mình chạy lại xem ngay, và mừng rỡ đứng ngắm thật lâu bông hoa lạ kia. Hạnh phúc và niềm vui tự đâu cứ tràn về. Mình happy quá, vì mình còn đôi mắt để nhìn, để ngắm, còn đôi chân để chạy lại xem, còn hai tai để nghe tiếng nước chảy tí tách. Và mình chợt hiểu ra rằng niềm vui không phải là những trò game trên máy tính, không phải là những bữa ăn buffet anh ách cả bụng, cũng không phải là những text message cứ trao đổi nhau mỗi ngày xoành xoạch. Đừng tính toán cho cái tôi của mình nhiều quá. Khi không tìm thì niềm vui sẽ tự đến. Bảy ngày đã mang đến cho mình biết bao là niềm vui nho nhỏ…
Vui cứ đến mỗi ngày nho nhỏ
Như từng nụ hoa đỏ mọc bên hồ
Vui cứ đến tự bao giờ chẳng rõ
Như suối nguồn trăm ngách chảy trăm nơi…
Hiệu trưởng Đại học Đài Loan Lý Gia Đồng cũng từng từ ngàn dặm xa xôi đến với Bà để làm những việc cả đời ông hiếm khi phải làm: rửa chén, mặc quần áo cho bệnh nhân, đun nước nấu ăn, giặt đồ, đưa thuốc, vận chuyển thi thể… Ông nói: “Đến giờ tôi mới biết xưa nay tôi luôn trốn tránh những nỗi bất hạnh và bần cùng của con người, xưa nay tôi chưa có tình yêu thực sự.”
Lạ thay những người nhàn nhã, ăn trắng mặc trơn lại tìm được niềm vui khi bận rộn chăm sóc và phục vụ những người nghèo khổ nhất. Và họ thú nhận họ nhận được từ người nghèo nhiều hơn những gì họ cho đi. Noi gương Mẹ Tê-rê-xa. Được Mẹ hướng dẫn. Họ thay đổi cuộc đời. Thay đổi nhận thức. Cảm thấy đời sống cho đi có ý nghĩa. Họ đã nhận được phúc lành.
Còn rất nhiều chuyện về những con người quên mình cho người khác được sống. Họ là các ân nhân của nhân loại. Là các bậc vĩ nhân. Là các thánh nhân đã hi sinh thân mình vì Chúa và vì anh em. Họ sống mãi trong lòng nhân loại. Họ sống mãi trong lòng Thiên Chúa. Họ làm cho nhân loại được sống. Họ phát triển nền văn hoá sự sống. Sự sống nảy sinh từ sự hi sinh quên mình. Dám chết cho chính mình để người khác được sống (Sống lòng thương xót theo gương Mẹ Tê-rê-xa, tr.200-204).
Kết luận
Thật là trùng hợp khi Năm Thánh Lòng Thương Xót kết thúc vào tháng cầu cho Các Linh Hồn.
Tháng Các Linh Hồn mời gọi ta nhớ đến sự chết. Lòng Thương Xót mời gọi ta xây dựng sự sống. Ra viếng Vườn Thánh nhắc cho ta nhớ đến người chết. Biết bao người đã chết mà nay vẫn sống. Và chúng ta nhiều khi còn đang sống mà như đã chết.
Những người đã chết mà vẫn còn sống. Vì các ngài hi sinh quên mình. Chết cho người khác được sống. Chết vì Chúa và vì anh em.
Chúng ta đang sống mà như đã chết. Vì chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân. Đòi hỏi cho chính mình. Chà đạp người khác. Hi sinh người khác. Vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Năm Lòng Thương Xót kết thúc. Nhưng việc sống Lòng Thương Xót ta phải làm suốt đời. Quên mình vì Chúa và vì anh em. Nhớ đến những người đau khổ bất hạnh. Bớt ăn bớt tiêu. Bớt thời giờ và sức khoẻ. Để chăm sóc phục vụ giúp đỡ anh em cần đến. Đó là chúng ta đang sống. Đó là chúng ta đang cổ võ nền văn hoá sự sống. Đó là chúng ta sống vượt qua sự chết, Sự sống tiếp tục trên Nước Trời.
Hãy nhớ: Đừng chết đang khi còn sống. Hãy sống cả khi đã chết rồi.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt