Sống tương giao để diễn tả niềm vui Phục sinh

58

Sống tương giao để diễn tả niềm vui Phục sinh

 

…Đức Giêsu phục sinh vẫn ngỏ lời với mọi người đi vào một cuộc tương giao với Ngài và với con người để tình người, tình trời được lớn mãi trong cuộc đời, và để hành trình của con người không trở nên đơn độc, lẻ loi giữa dòng đời tấp nập…

Có thể nói rằng, ước mong về một đời sống hạnh phúc, một cuộc sống chan hòa tình người, để được ngụp lặn trong tình yêu luôn là khát vọng lớn của con người. Khát vọng đó luôn như gắn liền với số phận của từng cá nhân, với những giá trị và sắc thái riêng nơi từng người trong hành trình sống ơn gọi rất linh thiêng và cao cả – ơn gọi làm người!

Khát vọng sống đời hạnh phúc này của con người không thể trở thành hiện thực nếu con người không trước hết, thiết lập và sống mối liên hệ với những người xung quanh. 

Với mỗi người, một khi đã được sinh ra trong cuộc đời, dù đang ở đâu hay cương vị nào, cũng không thể bước ra khỏi cái quỹ đạo khao khát yêu và được yêu, để có thể hòa quyện vào bản tình ca diệu kỳ và vĩ đại của phận người. Và đó là nét đẹp thanh cao nhất mà con người có thể có được khi sống cuộc đời của mình.

Khi yêu và được yêu, chính là dịp, trong đó con người có cơ hội bộc lộ khả năng yêu thương của mình và đồng thời, cũng đón nhận cái đáp trả yêu thương từ tha nhân, để qua đó một điều kỳ diệu khác lại xuất hiện và lớn lên, đó là tình người, tình yêu giữa đồng loại với nhau. Như thế, khát vọng yêu và được yêu không phải là một thứ kỷ vật nào đó mà người ta đem cất giữ thật kỹ trong tủ kiếng, để rồi chỉ có thể chiêm ngắm nó từ xa, nhưng là cả một mênh mông của biển khơi mà nơi đó, người ta có thể thỏa sức đắm mình bơi lội, vùng vẫy và ngụp lặn giữa đại dương của tình người. Đó là ý nghĩa cao cả của mối liên hệ giữa những con người trong cuộc đời mà qua đó, con người có thể thiết lập để bước đi giữa những phong ba của cuộc sống và để có sức mạnh hầu sống trọn vẹn kiếp người.

Đề cập đến hai chiều kích yêu và được yêu, cũng đồng nghĩa với việc công nhận một chiều kích khác, có ý nghĩa cao cả không kém, đó là chiều kích liên hệ giữa người và người. Thật vậy, sự kỳ diệu của số phận con người được sáng tỏ khi được đặt để trong mối tương quan với những người xung quanh. Chính trong mối tương giao với đồng loại, con người có thể khẳng định được vị trí và giá trị của bản thân mình. Chỉ trong mối tương giao với đồng loại, cái tôi của một cá thể được bộc phát và được công nhận bởi một cá thể khác. Tự thân mỗi một con người có một phẩm giá cao trọng và ngang bằng trước mặt Đấng Tạo Thành. Thế nhưng, giá trị đó lại được thể hiện qua mối liên hệ với những người xung quanh. Ngược lại, cái tôi của cá thể đó vẫn mãi mãi ở trong bản thân, và có nguy cơ bị đóng khung trong “nhà tù cái tôi” của mình. Và nếu bị giam hãm mãi, cái tôi của cá thể có nguy cơ bị đóng băng và trở thành một cái tôi ích kỷ, ngột ngạt. Lúc đó, hành trình của một đời người trở nên hành trình của sự lẻ loi, cô độc. Nhưng nếu cái tôi đó được nối kết với những cái tôi khác, tạo nên những mối dây liên hệ giữa những con người với nhau, cái tôi ấy lại có dịp thăng hoa bởi sự giao thoa cảm xúc vỡ òa giữa những cái tôi. Hình ảnh một chiếc ao tù túng, nước đọng và một chiếc ao có sự tuôn chảy của dòng nước diễn tả rất rõ nét điều này. Chiếc ao không đón nhận nguồn nước mới sẽ luôn là một chiếc ao tù túng. Nơi đó, rác rưởi, cặn bã vẫn luôn đọng mãi và tạo điều kiện cho những rêu phong bám víu, làm ô nhiễm vùng nước. Ngược lại, một chiếc ao luôn đón nhận và cho đi nguồn nước sẽ luôn có cơ hội đón nhận nguồn nước mới và làm cho môi trường sống của chiếc ao đó luôn tươi mới nhờ việc thông chuyển dòng nước, đồng thời, sự sống luôn có dịp được làm tươi mới và tiến triển.

Cũng trong mối tương giao liên vị giữa người và người này, con người không còn nhận ra sự đơn độc trong hành trình cuộc đời, bởi mối liên hệ giữa những con người với nhau và sự đổ đầy tình người đã san bằng những khoảng trống trong tâm hồn họ. Quả thế, ngày qua ngày, mỗi con người khi được sinh ra trong thế giới này, đều mang trong mình sứ mạng hoàn thành cuộc đời của mình qua những công việc cụ thể, qua những chọn lựa cho mình một hướng đi, một cách sống trong cuộc đời để có thể sống một đời sống có ý nghĩa. Ai ai cũng phải sống cuộc đời mình và không ai có thể sống thay cho người khác, dù họ có quyền và có thể chết thay cho người khác. Con người được sinh ra trong cuộc đời, với một loạt những giá trị, tính cách, quan niệm sống, sở thích, xu hướng mà không ai có thể thay thế. Họ là những cá thể độc nhất vô nhị và có trách nhiệm với bản thân về những giá trị đó; kể cả khi đối diện với Tuyệt Đối, họ vẫn là một nhân vị với tất cả ý nghĩa đầy đủ của hạn từ này. Tất cả đều như hối hả, tất bật cho việc hoàn thành sứ mạng cao cả của mình là sứ mạng làm người. Tuy nhiên, hành trình trong đơn độc luôn là một hành trình với những bước chân cô đơn, rời rã, bởi tự bản chất, con người không thể sống “đơn thân độc mã”, mà không cần đến những mối liên hệ xung quanh mình.

Dưới cái nhìn của đức tin, con người bị bủa vây tư bề giữa những bùn lầy của sự dữ, bởi sự kiêu căng vô đối, bởi những ngạo mạn, muốn loại trừ tất cả ra khỏi cuộc đời mình, kể cả Đấng có quyền trên sự sống và sự chết của mình. Theo đó, đau khổ, sự dữ đã xâm nhập và đang đè nặng lên phận người. Vì thế, con người cần được giải thoát để có thể thảnh thơi sống trong tự do. May thay, Đức Giêsu phục sinh đã giải thoát con người khỏi sự kiềm tỏa của tội lỗi, để giao hòa giữa tình đất và tình trời, để nối lại tình trời và tình người, để con người có thể thanh thoát sống và ngụp lặn trong bầu trời của ân sủng. Qua đó, một lời mời gọi con người đi vào mối tương giao giữa đất và trời, giữa người với người vẫn ngân lên giữa lòng cuộc đời, hôm qua và hôm nay, và còn ngân mãi.

Hôm nay, Đức Giêsu phục sinh vẫn ngỏ lời với mọi người đi vào một cuộc tương giao với Ngài và với con người để tình người, tình trời được lớn mãi trong cuộc đời, và để hành trình của con người không trở nên đơn độc, lẻ loi giữa dòng đời tấp nập, vội vã.

Nguyên Minh