Sống tử tế!

48

tử tếVài ngày nay, trên mạng dậy sóng với tâm tư của “kẻ ra đi và người ở lại”. “Người ở lại” hẳn nhiên là vui sướng còn “kẻ ra đi” lấy gì mà cười cho được. Lời người trước khi ra đi là : “hãy sống tử tế”.

Học thì ít, chữ nghĩa cũng kém nên tôi trèo lên mạng để đi tìm ý nghĩa của 2 chữ tử tế.

“Tử tế, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi.

Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”.

Và đâu đó tôi đọc thấy : “… chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình”. Người tử tế ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình có mồ yên, mả đẹp – vì mồ yên mả đẹp an ủi được con người.

Nhưng mong muốn hơn là an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế, là tình thương yêu, là công đức của người quá cố để lại cho đời.

Đừng để rồi mai mốt, mang theo xuống mồ một nỗi buồn có thể to hơn cả phần mộ của mình.

Làm sao, để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn.

Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế – Nếu không bắt đầu bằng tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người.

Trên chuyến xe ngược miền Tây về Sài Gòn sau Thánh Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa lại là chuyến xe tràn đầy ý nghĩa.

Xe lăn bánh ít lâu, đến cầu Mỹ Thuận, 1 hành khách trên xe bảo anh tài xế chờ vài phút để đón người quen. Tài xế dừng một lá khó chịu nên đành cho xe lăn bánh. Hành khách cũng khó chịu không kém nên xin tài xế dừng lại để anh đi chuyến sau.

Xe chạy một lát, anh ta lại dừng lại để chờ ai đó quen anh ta hay sao đó. Lần dừng này cũng non kém 10 phút. Trên xe ai cũng sốt ruột nhưng không ai dám nói.

Đi xuống cuối xe, anh tài xế phát hiện ra con gà “chui” lên xe cùng hành khách. Thế là anh ta nặng lời với người mang gà.

Không khí trên xe lúc này nặng trĩu với lời lẽ của anh tài. Hành khách phải mang con gà xuống hầm xe trong tâm trạng rất bực bội nhưng không còn lối khác.

Sau khi “xử” con gà xong, anh tài lại bảo 2 mẹ con ngồi chệch với tôi một dãy ghế rằng xuống ghế cuối mà ngồi. Hai mẹ con thấy còn trống nhiều ghế quá nên nán lại ngồi yên chỗ đó. Thế là anh tài lại nóng mặt và bảo : “Nói rồi không nghe, tí khách lên ngồi chồng lên người à !”.

Bà hành khách cũng không phải dạng vừa đâu ! Thế là 2 bên lời qua tiếng lại. Hành khách trên xe nín lặng để nghe cuộc đấu khẩu không đáng có giữa khách cũng như anh tài xế.

Thật ra, chuyện nó cũng chẳng có gì xảy ra như vậy. Giản đơn là mang con gà xuống hầm, di chuyển xuống ghế sau thôi là xong chuyện nhưng rồi nặng lời với nhau để bầu khí nặng nề suốt cả chặng đường dài về đến thành phố.

Lẽ ra chuyến xe đi với đoạn đường ngắn 140 km khoảng hơn 2 giờ đồng hồ nhưng vì anh tài bắt thêm khách dọc đường cho ngồi ghế nhựa nên về đến Sài Gòn mất hơn 4 giờ đồng hồ ! Phải nói rằng chuyến xe chiều tối nay là chuyến xe bão táp dù nó mang thương hiệu nổi tiếng của Vĩnh Long.

Đơn giản là nếu như người ta sống tử tế với nhau một chút thì chắc có lẽ chẳng có gì xảy ra.

Thế nhưng, chẳng hiểu sao ngày hôm nay đi tìm 2 chữ “tử tế” chắc có lẽ chỉ tìm thấy trên những trang sách hay trên chiếc màn hình máy tính như tôi tìm chứ thực tế e rằng quá hiếm. Ngay trong gia đình với nhau, dù là vợ – chồng, dù là cha – con, dù là mẹ – con, dù là anh chị em ruột với nhau đó nhưng thật khó tìm những cung cách sống gọi là tử thế.

Ngày hôm nay, người ta chạy theo chủ nghĩa “mackeno” cũng như chỉ biết mình và lo cho bản thân mình để rồi người ta vun vén cho bản thân hơn là sống với người khác và vì người khác.

Dù được nhắc nhở tắt chuông điện thoại khi vào tham dự Thánh Lễ nhưng chuông điện thoại vẫn vui vẻ reo lên khi bước vào Thánh Lễ và đặc biệt reo vào đúng ngay cái lúc linh mục truyền phép ! Tiếng chuông điện thoại lạc lõng reo lên phá tan cái bầu khí thánh thiêng cũng như trang nghiêm vào đúng cái giờ thiêng thánh, giờ người ta kết hợp mật thiết với Chúa.

Hay là ra đường, lẽ ra khó có kẹt xe nếu như mọi người giữ tuyến của mình và đừng lấn. Đàng này, ai cũng vội, ai cũng muốn mình đi mau và nhanh hơn người khác để rồi “lấn một chút có sao đâu”. Người nào cũng nghĩ rằng “lấn một chút có sao đâu” để rồi nhiều người “một chút” thì chắc chắn kẹt xe và dựng chống đứng dòm nhau cho vui vì xe không di chuyển được nữa.

Hay là vào cái nhà xí. Nhu cầu nhà xí là nhu cầu hết sức cần thiết và bình thường của mọi người nhưng thử hỏi mấy ai tìm ra được cái nhà xí vừa ý. Vừa đặt chân vào thì mùi xú uế nồng nặc để những người dị ứng chỉ muốn nôn. Ai cũng muốn mình vào được thoải mái với nhà xí sạch sẽ nhưng mấy ai can đảm giữ gìn vệ sinh chung.

Chỉ giản đơn như thế mà người ta không tử tế đủ với nhau chứ đừng nói đến chuyện khác.

Có lẽ ngày hôm nay, hơn ngày nào hết người ta cần tử tế với nhau bởi lẽ sự tử tế giữa người với người nay đã cạn. Cũng chính vì lẽ đó, lời nhắc nhở “sống tử tế” với nhau của vị lãnh đạo cao cấp vừa bước xuống hậu trường cũng đáng để cho mọi người nhớ lại và cố sống tử tế với nhau.

Cuộc đời này qua đi  rất nhanh và rất vội cũng như rất ngắn để rồi đã làm người thì hãy sống làm sao cho là người tử tế với nhau một chút.

 Huệ Minh