Ronald Rolheiser. 2010-02-05
Cách đây vài năm, William Young viết một cuốn tiểu thuyết vừa thu hút người đọc vừa là đề tài bàn cãi kịch liệt. Quyển “The Shack” (Căn lều) kể câu chuyện một người đàn ông có đứa con gái nhỏ bị bắt cóc và rồi bị giết hại dã man. Người cha, vật lộn với nỗi phẫn uất cay đắng, nhận được một mẩu nhắn bí ẩn mời ông đi một mình tới căn lều nơi con gái ông từng bị sát hại. Nghĩ rằng sẽ gặp tên sát nhân ở đó, ông chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu khốc liệt. Nhưng tại căn lều, ông lại gặp Chúa.
Những gì diễn ra sau đó là sự khắc họa về Chúa Ba Ngôi một cách hết sức ấm áp và phong phú về mặt thần học. Nhưng Chúa cởi mở tuyệt vời, ấm áp, đầy che chở, nâng niu, thứ tha hết thảy mà nhân vật của William Young gặp có một điều kiện duy nhất, đầy khó khăn và không lay chuyển để được lên thiên đàng: người cha phải tha thứ, không chỉ kẻ đã giết hại con mình, mà là tất cả mọi người, tuyệt đối tất cả không chừa một ai, nếu ông muốn cuối cùng gia nhập cộng đoàn những người được ban ân phước. Ông có thể lên thiên đàng, nhưng nếu ông tiếp tục mang mối hận trong lòng, ông sẽ không lên được.
Dù các phê bình gán cho ông những khiếm khuyết về mặt huấn đức gì đi nữa, ông vẫn hoàn toàn đúng, và đang mạnh mẽ thách thức khi đưa ra quan điểm căn bản này – xả bỏ hiềm hận và cay đắng là điều kiện không lay chuyển để lên thiên đàng. Thật sự, tôi tin chắc rằng trong đời chúng ta sẽ tới một lúc nào đó ta chúng ta chỉ cần giữ lại ba từ trong vốn từ vựng tâm hồn của mình: Tha thứ, tha thứ, tha thứ. Morris West, trong một tự truyện ngắn viết nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 75 của mình, đã khẳng định điều này một cách rõ ràng. Ông nói, khi bước tới tuổi 75, bạn chỉ nên giữ lại một cụm từ trong toàn bộ vốn từ của mình mà thôi: Cảm ơn!
Lòng biết ơn là điều trái ngược với hiềm hận và chúng ta có quá ít lòng biết ơn trong đời sống của mình. Thông thường chúng ta hay hiềm hận hơn là biết ơn. Hơn nữa, thậm chí khi chấp nhận hiềm hận, chúng ta lại có xu hướng hợp lý hóa nó bằng một tín điều hay một nguyên cớ nào đó: “Tôi hận, nhưng mà có lý do! Giận của tôi là giận chính đáng, giống như Chúa Giê-su khi Người lật đổ bàn của những buôn bán tiền trong đền thờ!” “Dĩ nhiên tôi giận, nhưng tại sao tôi lại không giận khi cứ phải nhìn những kẻ bảo thủ đã bóp nghẹt tinh thần cởi mở của các thế hệ vừa qua, rồi khăng khăng giữ thái độ thiếu khoan dung trong giáo hội lẫn cả trong đất nước này, họ lại càng không biết đến người nghèo!” “Dĩ nhiên tôi giận, nhưng tại sao tôi lại không giận khi nhìn những kẻ theo chủ nghĩa tự do đang làm những gì với giáo hội và với đất nước này! Cứ nhìn nạn nạo phá thai và hôn nhân đồng tính mà coi!”
Chúng ta cần phải thận trọng khi tự đánh bóng mình lên như vậy: Khác với Chúa Giê-su khi khóc cho thành Giê-ru-sa-lem, nước mắt của chúng ta thường không phải là nước mắt ấm áp của tình thương yêu và đau buồn trước tình trạng chia cắt và hiểu lầm. Nước mắt của chúng ta, nếu thật sự chúng ta có khóc, thường là nước mắt lạnh lẽo của niềm cay đắng và hiềm hận vì cảm thấy bị đối xử không đúng, hay vì cảm thấy phải sống trong giáo hội và xã hội của mình với những người chúng ta coi là xấu bụng, lười biếng, ti tiện, hay đơn giản là dốt nát. Đúng hơn, chúng ta giống như người anh của đứa con hoang đàng, người anh hầu như chỉ làm những điều đúng đắn, thể hiện ra ngoài là trung thành với các nghĩa vụ tôn giáo và luân lý của mình, nhưng bị trói chặt bởi niềm cay đắng và nỗi hiềm hận tận trong sâu thẳm đã khiến cho chúng ta khó có thể, hay thậm chí không thể vui sống, xả bỏ, thứ tha.
Quá ít người trong chúng ta thừa nhận mình mang nhiều nỗi hiềm hận trong lòng, rằng có những góc tâm hồn mình đầy cay đắng và phẫn uất, và rằng vẫn có những con người, những sự việc, sự kiện trong đời mà chúng ta chưa hề tha thứ được.
Do vậy, để ngụy trang nỗi hiềm hận của mình, chúng ta muốn tạo dáng vẻ hào hiệp và lòng tốt rồi phô ra ngoài. Chúng ta có khuynh hướng phô ra với gia đình và bạn bè là chúng ta dễ thương đến độ không tiếc lời khen ngợi một ai đó, và sau đó, gần như trong cùng một câu, chúng ta thóa mạ ai đó, phỉ báng họ, nói xấu ác hoặc châm biếm một ai đó. Khuynh hướng phân chia người khác ra thành “thiên thần” hay “quỷ dữ” chắc chắn là dấu hiệu của nỗi hiềm hận trong lòng. Chúng ta ra vẻ tán dương người nào đó (một việc phô diễn nhằm bày ra cho mọi người thấy chúng ta là người rất dễ thương, hơn là nhằm nêu bật đức hạnh của người kia), và sau đó cay đắng oán thán người này người kia tệ bạc, rằng sao mà chúng ta bao giờ cũng bị dây với những kẻ ngu dốt. Tán dương hay oán thán đều chứng tỏ cùng một điều – chúng ta đang sống trong nỗi hiềm hận.
Lòng trung thực và khiêm tốn rốt cuộc sẽ phải đưa chúng ta đến chỗ thừa nhận điều này. Tất cả chúng ta đều mang những nỗi hiềm hận nào đó; chúng ta không được tự lừa dối mình về điều này. Chúng ta cần can đảm và trung thực để đối diện với sự thật đó.
Có lẽ chúng ta có thể rút ra được một bài học từ những nhóm như Hội Những người nghiện rượu ẩn danh (Alcoholics Anonymous) và giới thiệu mình với nhau, hay với cha giải tội theo cách như sau:
“Tôi tên là Ron, tôi là một người hiềm hận. Tôi hợp lý hóa việc này bằng cách tự nói với mình và người khác rằng nỗi hiềm hận của tôi là có lý, rằng tôi cũng như Chúa Giê-su, đá tung những cái bàn của những buôn bán tiền để làm sạch nhà Chúa. Nhưng tôi dần dần nhận ra rằng nghĩ như vậy là tự huyễn, đó đơn thuần chỉ là một cách hợp lý hóa các thương tổn của tôi. Càng già, tôi càng nhận ra tôi giống người anh trai của đứa con hoang đàng; tôi đang đứng bên ngoài vòng tay ấm áp, vòng tay cộng đoàn. Nhưng, đáng mừng là giờ đây tôi đang hồi phục.”
J.B. Thái Hòa dịch