GÓC TÂM TÌNH 4. Học viện Sống tinh thần truyền giáo theo gương Đức Cha Lambert

Sống tinh thần truyền giáo theo gương Đức Cha Lambert

Alleluia Chúa đã sống lại rồi!  Hôm nay là ngày thứ 7 trong tuần Bát Nhật Phục Sinh. Trong niềm vui mừng Chúa Phục Sinh, gia đình Học Viện lại được quy tụ bên nhau trong mái nhà chung của mẹ Hội Dòng. Từng lời nói, cử chỉ ánh mắt của mỗi chị em như sáng rực lên bởi cuộc gặp gỡ thân tình. Tay bắt mặt mừng, nói nói cười cười, những tràng pháo tay và những trận cười ngây ngất bởi MC dễ thương. Tất cả như khởi động cho một ngày sinh hoạt trong tình ấm êm và tràn ngập yêu thương.

Với chuyên đề: “Đức Cha Pierre Lambert de la Motte – con người truyền giáo” của Dì Phó Tổng Phụ Trách Anna Nguyễn Thị Ngọc Hiệp đã đưa mỗi chị em trở về nguồn và tinh thần của vị Cha Sáng Lập: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm anh em hãy làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng” (TS 31). Là một con người truyền giáo thiết nghĩ trước hết và trên hết là một con người cầu nguyện, với tinh thần truyền giáo của Đức Cha Lambert de la Motte, Ngài có một tình yêu phi thường, mãnh liệt dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, chính tình yêu này đã thôi thúc ngài hành động, ngài sẵn sàng chấp nhận từ bỏ tất cả để cống hiến từ vật chất và tinh thần cho công cuộc truyền giáo, đó là kết quả của những tháng ngày cầu nguyện liên lỉ và có một sự nhảy bén nội tâm cao vời. Chính việc “ra đi” thực sự là một quyết định lớn làm biến đổi hoàn toàn cuộc đời Đức Cha Lambert. Gương sáng của ngài đã mời gọi mỗi chị em hãy đi ra khỏi chính mình, đi ra khỏi nơi an toàn của chính mình để đến với vùng ngoại biên, ưu tiên là những người nghèo.

 

 

Như Chúa Giêsu đã mời gọi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21) và trước khi về trời Chúa Giêsu còn căn dặn “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mc 16,15). Ơn gọi của một nhà truyền giáo cũng chính là lời mời gọi ra đi và đến với nghĩa là vượt qua mọi rào cản của chính mình, của cái tôi ích kỷ của mình để ơn Chúa luôn là nguồn trở lực cần thiết cho sứ mạng của mình, mang trong mình một trái tim thương cảm để xoa dịu nỗi đau của nhân loại, đi đến tận cùng của sự khó nghèo mà chính Đức Giêsu Kitô đã sống và hành động như vậy.

Buổi chiều chị em có dịp ngồi lại bên nhau cùng chia sẻ những thao thức, những kinh nghiệm, những khó khăn trong sứ vụ truyền giáo. Chính khi được lắng nghe và cùng chia sớt, mỗi chị em như cảm nhận được cánh đồng bát ngát mênh mông đang cần những tay thợ gặt hái. Sau phần đúc kết của các nhóm, chị Giám sư Học Viện đã hỏi cách cụ thể đến từng chị em chúng tôi “Ai muốn đi truyền giáo?” vâng câu hỏi như xoáy sâu vào trong tâm hồn mỗi chị em chúng tôi và tất cả đều giơ cao tay. Mặc dù, chúng tôi không biết xa xăm của tương lai kia như thế nào? Nhưng sự nhen nhúm với khát vọng truyền giáo là làm cho muôn người nhận biết Chúa, nhận ra tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài để rồi tất cả được sống trong niềm vui cứu độ ngày một mãnh liệt hơn trong mỗi chị em chúng tôi. Bởi thế, ý thức sống từng ngày một cách triển nở và tràn đầy niềm vui trong từng môi trường, từng hoàn cảnh, từng công việc mà mỗi chị em đang hiện diện, chính là truyền giáo cách đắc lực nhất và hoàn hảo nhất vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau”.

.

    

 

Xin Chúa chúc lành cho mỗi chị em chúng con, xin ban Thánh Thần tình yêu trên chúng con, để nung nấu trong chúng con ngọn lửa của tình mến, lòng khát vọng dấn thân và một tấm lòng sẵn sằng chia sớt muôn nỗi khổ đau của nhân loại. Ước gì mỗi chị em chúng con luôn là cánh tay nối dài của Chúa Kitô trong lòng thế giới hôm nay.

Nt. Anna Hồng Sáng, Học viện MTG. Thủ Đức

Exit mobile version