Sống mầu nhiệm nhập thể: làm người dễ hay khó?

188

Câu hỏi này được đặt trong bối cảnh lễ Giáng sinh, lễ Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Hiểu được cái khó của phận làm người mới thấy được tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn chia sẻ trọn vẹn phận người của chúng ta và với chúng ta. Ngài là Emmanuel (Thiên Chúa ở với chúng ta). Ngài muốn trở nên một người như mọi người (one of us, one among us), để từ đó cứu độ mọi người.

Làm người dễ hay khó? Câu hỏi này có thật không, hay câu trả lời đã quá rõ?

Có những người tự tử vì không gánh nổi đời người của mình. Ba mươi ngàn người Nhật tự tử mỗi năm. Căng thẳng, mất ngủ, tim mạch là những cơn bệnh của thế kỷ 20 và những thế kỷ kế tiếp. Cả triệu người Nga nghiện rượu. Giới trẻ bị kéo vào đủ thứ ma túy. Mọi thứ gây mê, gây nghiện đều chỉ làm người ta quên đi trong chốc lát những đau buồn của đời mình.

Trước 1975, có tủ sách Học làm người. Ông bà ta cũng có câu: làm người thì khó, làm chó thì dễ. Làm người là một lối nói khá Việt Nam. Sống phận người như một việc phải làm cho tử tế.

Ðối với Khổng Tử, làm người cần thể hiện đức nhân trong cuộc sống. Nhân là sự nối kết con người nên một với nhau. Khổng Tử quả quyết rằng con người cần phải nỗ lực, thậm chí phải hy sinh tính mạng mình để hoàn thiện đức Nhân. Ông viết: “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân” (nghĩa là: người sĩ có chí và người có đức nhân không cầu sống mà làm hại điều nhân, mà có khi hy sinh tính mạng để làm thành điều nhân). Trong sách Luận Ngữ, Khổng tử viết: “Ngô thập hựu ngũ, nhi chí vu học; tam thập nhi lập; tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi chi thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”, có nghĩa là “Lúc 15 tuổi, tôi đã để tâm lập chí học đạo lý làm người, vào 30 tuổi đã có thể tự lập thân xử thế, đến 40 thì không còn bị mê hoặc nữa, qua 50 thì lãnh hội được đạo thiên mệnh, sang đến 60 thì đã thuận theo chỉ thị của Thiên mệnh, khi đã 70 thì đã thuần thục, tâm muốn gì thì cũng không còn vượt quá những quy củ” (Luận Ngữ, Vi chính 4). Qua câu này ta thấy, đối với Khổng tử, làm người là lớn lên từ từ. Cứ qua một chục năm, lại bước lên một bước mới, cao hơn.

1.

 Làm người dễ hay khó khi mà muốn làm người, ai cũng phải cần đến người khác? Sống là sống với, sống nhờ và sống cho người khác. Ðứa trẻ lớn lên ở rừng với bầy sói, sẽ không biết nói hay biết đi bằng hai chân. Phải sống với người khác, tôi mới nên người. Nhưng sống với người khác, chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Một triết gia Pháp bảo rằng hỏa ngục là những người khác (L’enfer, c’est les autres, Jean Paul Sartre). Những người khác là những người ở ngay bên tôi, trong nhà tôi, trong nhóm tôi, nơi tôi làm việc. Cái nhìn của họ đủ làm tôi hóa đá, tê liệt.

2.

 Làm người dễ hay khó khi mà con người có một thân xác và là một thân xác. Je suis donc mon corps, tôi là thân xác của tôi (Merleau Ponty). Chúng ta dành nhiều thời giờ và quan tâm đến thân xác. Hãnh diện vì nó nhưng cũng khốn khổ vì nó. Thân xác giúp ta làm bao nhiêu điều, giúp ta diễn tả những gì trong lòng mình, giúp con người gần nhau qua ngũ quan.

Nhưng thân xác vật chất có giới hạn và yếu đuối của nó. Nó có những nhu cầu tự nhiên như ăn uống, ngủ nghỉ, thở, và cả những nhu cầu tính dục nữa. Nó có những đòi hỏi, thôi thúc ta làm điều này điều nọ, dù biết là sai trái. Thân xác thì yếu đuối, như Ðức Giêsu nói trong Vườn Dầu, nhưng chính vì yếu đuối nên nó rất mạnh. Thân xác chúng ta cứ tự nhiên thì hướng về cái dễ chịu, thoải mái, cái đem lại khoái lạc. Ðể đi ngược lại khuynh hướng đó, đòi một cố gắng, nỗ lực, hy sinh. Khoái lạc nơi thân xác lắm khi vẫn là đích nhắm của con người, nó chi phối bao quyết định của ta.Tôi làm điều tôi muốn, có khi chẳng qua chỉ là tôi làm điều thân xác tôi đòi hỏi.

Thánh Gioan nói đến “dục vọng của xác thịt, dục vọng của đôi mắt” (1 Ga, 2, 16).

Thân xác gây rắc rối cho con người khi những nhu cầu của nó không được thỏa mãn (đói, khát, nóng, lạnh, buồn ngủ). Bệnh tật vẫn là điều kinh khủng đe dọa con người. Luôn có những bệnh tật mới.

Thân xác vừa giúp tôi đến với người khác, lại vừa ngăn cản tôi. Thân xác giới hạn tôi trong không gian và thời gian.

      3. 

Làm người dễ hay khó khi mà cuộc sống con người là không đoán trước được? Người ta không nắm được tương lai, nên đi xem bói để yên lòng. Bất trắc, bấp bênh, mong manh, là những điều gắn liền với phận người. Có bao điều bất ngờ xảy tới phá vỡ những dự tính của ta. Bất ngờ đến từ rủi ro, từ ác ý của người khác, từ một cơn bệnh đột ngột, và nhất là từ đột tử. Chính vì thế con người là con vật hay lo và sợ, vì thấy cuộc đời đầy cạm bẫy và đe dọa. Có người mua bảo hiểm cũng vì lý do đó, đeo bùa cũng vì đó, tin dị đoan cũng vì đó.3.

4.

 Làm người dễ hay khó khi mà con người hơn con vật ở chỗ có lý trí, tự do, lương tâm? Ðó là những điều rất quý, nhưng cũng chính vì thế mà con người phải chịu giằng co, trăn trở, áy náy, đắn đo nghĩ suy trước những chọn lựa. Nên hay không nên làm, nên làm điều gì thì tốt hơn: đó là những câu hỏi muôn thuở của con người. Tự do thật là quý, nhưng tự do cũng thật là một gánh nặng đòi con người cứ phải vượt trên chính mình, vượt trên cái tự nhiên, tầm thường để sống cho cái cao cả. Con người có tự do nghĩa là con người có thể bị cám dỗ, bị kéo xuống, bị loay hoay lo cho mình, bị khép lại. Con người bị cám dỗ cũng là con người có thể phạm tội. Tội lỗi là nỗi đau dày vò con người.

5.

 Làm người khó hay dễ khi mà con người cứ phải học mãi. Học qua thầy và sách vở, nhưng cũng qua những thất bại ê chề, những vấp ngã cay đắng, những quyết định sai lầm, những thiếu sót không sao tránh được. Như thế càng làm người ở đời thì càng có kinh nghiệm. Con người lớn lên về mọi mặt, từ từ, qua thời gian như trái cây chín nhờ ánh mặt trời. Không thể chín ép mà không làm cho trái cây bớt vị ngọt. Ðiều khó là phải biết kiên nhẫn với mình và biết chờ người khác, khi thấy tiến độ không như dự định.

6.

 Làm người khó hay dễ khi chúng ta có một trái tim với những tình cảm giận hờn, yêu ghét, thèm muốn. Yêu mà phải xa nhau là khổ. Ghét mà phải ở gần là khổ. Bị phản bội, bị hiểu lầm là khổ. Yêu mà không được đáp lại là khổ. Nỗi khổ bám lấy đời người, “mới thoạt sinh ra thì đã khóc óe”. Có bao điều ta muốn mà không được như ý. Có bao điều tưởng là đơn giản tự nhiên lại không xảy ra như ta mong. Trái tim của chúng ta rất phức tạp. Ðể thắng được một ác cảm tự nhiên không dễ. Ðể ra khỏi nỗi đam mê hay sợ hãi, để bao dung tha thứ, những điều ấy đều đòi nỗ lực lớn lao.■

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ