Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại! Đó là Tin Mừng lớn lao nhất mà Giáo Hội có sứ mạng loan báo cho mọi thời đại. Ngay từ thời đầu, các tông đồ đã ý thức được tầm quan trọng của thông điệp Phục sinh, nên mặc dù bị chống đối nhạo cười, thậm chí bị đánh đón và bắt giam, các ông vẫn kiên vững và khẳng định: Đức Giêsu đã chết và hiện đang sống. Khi bị đe dọa và cấm không được rao giảng Đức Kitô Phục sinh, ông Phêrô và ông Gioan đã trả lời các thủ lãnh Do Thái: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Niềm xác tín và lý luận của các ông đã gây nên sự ngỡ ngàng nơi các thành viên Thượng Hội đồng, vì họ biết các ông là những người ít học. Giáo Hội không chỉ loan báo Đức Giêsu phục sinh, nhưng Giáo Hội còn mời gọi các con cái mình sống mầu nhiệm Phục sinh, tức là canh tân chính mình, đổi mới mỗi ngày để nên giống Đức Giêsu Phục sinh. Như thế, hành trình đức tin cũng là hành trình cố gắng để được sống lại với Chúa.
Sống lại với Chúa để thay đổi cách nhìn và đánh giá những người xung quanh. Vào lúc Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá, viên Đại đội trưởng người Rôma thốt lên: “Người này đích thực là người công chính!” (Lc 23,47). Viên Đại đội trưởng đại diện cho những người thay đổi cái nhìn về Chúa Giêsu, khi chứng kiến cái chết của Người. Hình ảnh Chúa Giêsu giang tay trên thập giá, như muốn ôm lấy tất cả nhân loại không phân biệt. Người tin Chúa được mời gọi coi mọi người đều là anh chị em, đồng thời nhìn nhận phẩm giá của họ. Con người đáng quý trọng không phải bởi cái họ có, mà bởi cái họ là. Như thế, sự nghèo nàn, kém cỏi, bệnh tật, quê mùa… không phải là lý do để ta coi thường một người nào đó. Trái lại, ta phải tôn trọng phẩm giá của họ, vì họ cũng là con Thiên Chúa và được Ngài yêu thương. Cử hành lễ Phục sinh phải đi đôi với những cố gắng để dàn xếp những bất hòa, tha thứ những lỗi lầm, hàn gắn những chia rẽ. Lời ca “Alleluia” chỉ mang niềm vui đích thực khi tâm hồn chúng ta đổi mới, sống vị tha và an hòa với mọi người.
Sống lại với Chúa để nhận ra Đấng Phục sinh đang hiện diện trong Giáo Hội và để yêu mến Giáo Hội hơn. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, mỗi chúng ta đều là phần tử của Giáo Hội. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh một thân thể để diễn tả Giáo Hội. Chi thể nào cũng cần thiết để có một cuộc sống an bình mạnh khỏe. Một chi thể đau, các chi thể khác cũng bị ảnh hưởng. Chúa Phục sinh trao phó Giáo Hội của Người cho các tông đồ hướng dẫn. Vị tông đồ trưởng là Thánh Phêrô được Chúa trao nhiệm vụ trực tiếp, để “chăn dắt các chiên con” của Người (x. Ga 21, 15-18). Yêu mến Giáo Hội là cùng cảm thông với Giáo Hội trong mọi biến cố vui buồn, đồng thời đóng góp phần mình để Giáo Hội được tỏa sáng giữa trần gian. Trong xã hội Việt Nam, còn trên 90% đồng bào của chúng ta người chưa biết Chúa. Những người này dựa vào lối sống của các Kitô hữu để đánh giá Giáo Hội. Thái độ sống của chúng ta là lời giới thiệu hình ảnh của Giáo Hội. Một số người, do cố ý hay vô tình, đã làm biến dạng hình ảnh của Giáo Hội, làm cớ cho nhiều người phê phán Giáo Hội, vì lối sống của những người tín hữu này đi ngược lại với đức tin mà họ tuyên xưng.
Sống lại với Chúa để yêu mến cuộc đời hiện tại hơn. Ơn cứu độ của Chúa Giêsu vừa tác động đến con người, vừa tác động đến vạn vật. Ơn Cứu độ của Người như mưa từ trời, dồi dào phong phú và đều khắp cho mọi người sống trên trần gian. Một số người không tin Chúa có thể khước từ ơn Cứu độ của Người, nhưng họ không thể khước từ những điều tốt lành Người thông ban trong thiên nhiên vũ trụ và nơi cuộc sống hằng ngày. Vì những ân ban của Thiên Chúa không phụ thuộc vào con người có tin hay không. Như mặt trời hiện hữu và tỏa sáng cho loài người và cho muôn vật, người khiếm thị không nhìn thấy mặt trời, nhưng không vì thế mà nói rằng không có mặt trời. Người tín hữu được phục sinh với Chúa sẽ cố gắng đóng góp phần mình để xây dựng cuộc sống trần thế tốt đẹp hơn, là “phác thảo của đời sau” như Công đồng Vatican II mong muốn. Những người thiếu thiện cảm với Giáo Hội thường phê phán các tín hữu chỉ lo hướng về đời sau mà quên lãng hoặc khinh chê các giá trị trần thế. Trong thực tế thì ngược lại, giáo huấn của Giáo Hội dạy chúng ta: vũ trụ này cũng sẽ được cứu thoát để trở nên tinh tuyền, không còn vương nhiễm khỏi tội lỗi do con người gây nên. Vì vậy, người tín hữu phải tôn trọng những giá trị nhân bản, văn hóa, đồng thởi bảo vệ thiên nhiên và môi trường sinh thái, vì trái đất là ngôi nhà chung của hết thảy chúng ta.
Chúa Giêsu đã sống lại! Người đang sống giữa chúng ta. Những ai đón nhận Người, cuộc đời họ sẽ được thay đổi, niềm hy vọng sẽ được thắp sáng, đem lại an vui cho cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Chúng ta hãy loan tin vui này cho những người đang sống xung quanh chúng ta, nhất là những người chưa có cơ hội nghe nói về Chúa. Như thế, mỗi chúng ta sẽ là một chứng nhân của Chúa Phục sinh.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên