Sống hết mình – vươn tới

57

Sống hết mình – vươn tới

Đây là lời của một con người đã ngoi lên không những đỉnh cao của sự thành công, mà còn thành danh và nhất là thành… nhân nữa. Điều đặc biệt là từ một khởi điểm rất ư khiêm tốn, hay nói đúng nghĩa là cơ cực. Con trai của một nhà nông, chỉ học hết cấp tiểu học, đã từng kinh nghiệm cái đói, cái nhục của thân phận nghèo hèn… Đó là CHUNG JU YUNG – người có thể nói là giàu nhất, và cũng là người sáng lập tập đoàn hùng mạnh của đất nước Hàn Quốc: HYUNDAI.

Ông đã nhận bao nhiêu giải thưởng và huân chương quốc gia cũng quốc tế. Qua quyển tự truyện của chính ông, nhà xuất bản trẻ đã nhận định về ông như sau:

“Một con người kiên định, với ý chí tự lập của mình, dám đương đầu với mọi thử thách, trở ngại trong cuộc đời; dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ và dám vượt qua những khó khăn, thử thách, để thực hiện những ước mơ và dự định tưởng chừng như không thể của mình. Đây là một minh chứng sống về ý chí và năng lực không giới hạn của con người, khi đã có lòng nhiệt huyết say mê – một người đã xem những thất bại, cho dù là cay đắng nhất cũng không phải là thất bại, mà chỉ là thử thách của cuộc sống, để tôi rèn bản lĩnh của chính mình.”

Phải, với thái độ sống của Chung Ju Yung, ông không những vực dậy chính bản thân, mà còn cả đất nước của ông và bao nhiêu người thân cũng như người dân của đất nước mình nữa.

Lập thân trong cảnh cơ hàn.
Thành công trong lúc muôn vàn nguy nan.
Tài đây mới đáng luận bàn.
Trí đây mới đáng trang vàng bút ghi…
(Lập thân – NGUYỄN KHẮC QUÝNH)

Một người có quyết tâm cao, nhìn lại đàng sau chỉ là để rút kinh nghiệm, để tiếp bước, để vươn tới…; và nhìn về phía trước với quyết tâm xây đắp tương lai mới là điều quan trọng. Điểm khác biệt của những cuộc đời có ý nghĩa, thành tựu và góp phần xây dựng cho bản thân, cho người khác, chính là chỗ họ không dừng lại, không nhìn lui để rồi băn khoăn, hối hận, giày vò, mất sinh lực và nản chí…; nhưng là sẵn sàng đón nhận, đối diện với những thách đố trên đường tiến bước. Họ luôn tin tưởng vào tương lai và sáng tạo con đường sắp tới, và nhất là, họ dám mạo hiểm.

“Tất cả mọi việc thành hay bại đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ và hành động của mỗi người. Có thể đó là một việc mạo hiểm vô cùng; nhưng nếu không chấp nhận mạo hiểm, chúng ta sẽ bị thụt lùi và bị nhấn chìm trong cái mình đang có”. (C. Ju Yung)

Thái độ không xem thất bại là quan trọng sẽ giúp chúng ta bắt tay vào việc. Người ta thường bảo “thất bại là mẹ thành công”. Đúng vậy! Nếu biết rút ra bài học từ kinh nghiệm thất bại đó, chúng ta sẽ không bao giờ thua lỗ cả, mà chỉ là một cuộc đầu tư, để rồi chúng ta sẽ nhận được cả vốn lẫn lãi trong tương lai. Riêng bản thân, tôi vẫn nghĩ, “thất bại là thành công đến chậm”; vì sau kinh nghiệm thất bại, chúng ta thường cảnh giác hơn, cẩn thận hơn, khôn ngoan hơn trong suy tính và hành động; vì thế, cơ may thành công sẽ rất lớn. Với những người sành đời, cương quyết và lạc quan, họ luôn cho rằng:

“Không bao giờ thất bại, tất cả chỉ là thử thách”.

Cái khó chính là thừa nhận sai lầm, để có thể học hỏi từ đó.

“Ai nhận rằng mình đã lầm lẫn, chứng tỏ rằng, kẻ ấy hôm nay khôn hơn hôm qua”. (Thomas A. Kempis)

Những người khôn ngoan, từng trải đã nhắc nhở chúng ta rằng:

“Hãy quên đi những giờ phút thiếu thốn, nhưng đừng quên đi những gì mà thời khắc đó đã dạy bạn!”

Chúng ta chỉ có một cuộc đời, và thời khắc qua đi là chúng ta đã vĩnh viễn mất nó, không gì có thể giúp chúng ta lấy lại chúng, có chăng là chúng ta lượm lặt những kinh nghiệm, những bài học trên đường đi qua của thời gian mà thôi. Vì thế, trong lúc sống, chúng ta cố gắng tận dụng tối đa món quà sự sống mà chúng ta đã nhận được.

“Hãy sống hết mình khi bạn có mặt trên đời này”.

Nếu chúng ta muốn “chơi” trò chơi của cuộc đời và thắng cuộc chơi đó, chúng ta phải chơi HẾT MÌNH, kể cả khi điều đó như “không thể”, và kể cả nỗ lực của chúng ta chẳng mang lại tích sự gì. Xin quý vị khoan vội lo buồn về những gì mà chúng ta gieo, chúng ta sẽ nhận lại đủ… Qua thái độ sống hết mình đó, chúng ta sẽ được đổi mới, được trưởng thành, và sẽ được biết rõ mình là ai, sau những chặng đường thử thách ấy.

Khi sống hết mình là sống nhiệt tình, chúng ta phải dùng hết “vốn” là các tiềm năng, những sức mạnh còn ẩn giấu chưa khai quật. Lúc ấy, chúng ta sẽ được triển nở và cuộc sống sẽ sung mãn, tròn đầy hơn như một bông hoa dưới ánh mặt trời. Với những gì đã trải nghiệm về thái độ sống ấy. Chung Ju Yung đã chia sẻ cùng chúng ta:

“Tiềm năng của con người là vô hạn… Tôi chỉ là một người nhiệt tình, nắm bắt các tiềm năng của mình, biến những khả năng ấy thành hiện thực, chứ không phải là con người đặc biệt”.

Sống là bước tới, là sáng tạo nên hoàn cảnh. Khó khăn không phải là một trở lực. Cần vứt bỏ lại sau lưng những gì làm vướng bận bước tiến vì:

“Quá khứ có vĩ đại mấy, khoa học kỹ thuật có hiện đại mấy, nhưng ngày hôm nay, chúng ta không có tinh thần tìm tòi cái mới, không có sự nỗ lực sáng tạo, không có tinh thần vươn lên, thì vinh quang của ngày hôm nay sẽ trở thành quá khứ trong giây lát.” (C. Ju Yung)

Con người chúng ta thường không phải là không có khả năng làm việc, nhưng chỉ vì không dám làm, vì sợ thất bại, sợ bị chê cười, sợ đủ thứ… Nhiều lúc chúng ta giậm chân tại chỗ cũng do lười biếng, sống tà tà. Làm sao tiến, nếu như chúng ta chỉ lo giữ lấy bản thân, bao bọc nó trong cái vỏ an toàn, không dám để mình bị tổn thương, bị quấy rầy, bị mất mát?

Một câu ngạn ngữ của người Hồi giáo – rất đơn giản, nhưng chứa đựng một lực đẩy – đã giúp tôi cái năng lực tiến tới trong cuộc đời: “Nếu bạn gọi núi, mà núi không tới, thì bạn hãy đi tới núi!”

Phải, đừng đợi ngày mai đi tới chúng ta, mà chúng ta cứ bước tới ngày mai! Chúng ta phải thay chữ “chờ đợi” thành “xây đắp”, thì chúng ta mới có thể có được một ngày mai thật sự tươi đẹp. Lưu Dung cũng có một cảm nhận và đã động viên chúng ta rằng:

“Người dám mạo hiểm khó khăn, tuy gặp những ngăn trở, bất lợi nghiêm trọng, nhưng thường có được những thu hoạch lớn.”

Xin đừng bao giờ để thất vọng của ngày hôm qua che mờ những ước mơ rực sáng của ngày mai! Trái lại, cần dốc hết tâm sức. Những thiên tài, hay các vị anh hùng họ cũng chỉ làm có thế thôi: SỐNG HẾT MÌNH. Họ là những người cống hiến can trường, ngay cả trong những hoàn cảnh phải nỗ lực nhất; là người không kể đến hiểm nguy, bất chấp sự sợ hãi, để hành động theo những gì họ tin là đúng. Franklin Roosevelt đã nhắc nhở chúng ta:

“Trong đời có một điều tệ hơn thất bại, đó là không dám thực hiện”.

Điều mà quý phụ huynh cần chuẩn bị cho con em là một cái nhìn, một thái độ sống với sự quyết tâm cao: trước những khó khăn, nghịch cảnh, chúng ta không chạy trốn, nhưng phải gánh lấy và đi qua nó, vì:

“Cái gọi là kỳ tích hay phép mầu, chỉ là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi, của sức mạnh tinh thần và của niềm tin mãnh liệt vào công việc mình muốn làm… Tôi dấn thân vào những công việc đầy thử thách, và trải nghiệm niềm vui vì đã chinh phục được nó.”

Vươn tới, sống hết mình, không sợ phải mạo hiểm là thái độ sống chúng ta cần giúp con em, như một hành trang vào đời. Không tiến là lùi, không được là mất, không sống là chết… Đơn giản thuyền đời là thế! Sau đây, xin kể cùng quý vị một câu chuyện nhỏ này, như là một lời minh chứng.

***

Hai hạt giống nằm bên nhau trong một thửa đất màu mỡ.

Hạt thứ nhất nói: “Tôi muốn lớn lên, tôi muốn đâm rễ sâu trong lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất khô cứng đè nặng trên thân mình tôi… Tôi muốn giương cao các chồi non mơn mởn, để báo tin mùa xuân đang đến. Tôi muốn sưởi ấm gương mặt tôi dưới ánh mặt trời, và tắm gội cánh hoa trong làn sương mai”. – Và nó đã LỚN LÊN.

Hạt thứ hai nói: “Tôi sợ, nếu tôi đâm rễ trong lòng đất, tôi không biết sẽ gặp gì trong bóng tối. Nếu tôi xuyên qua lớp đất khô cứng đè trên mình tôi, tôi sẽ làm hỏng chồi non bé bỏng… Nếu tôi đâm chồi nẩy lộc, ốc sên không tìm đến ăn sao? Nếu tôi nở hoa, một chú bé nào đó sẽ nhổ tôi khỏi mặt đất. Không, không, tốt hơn là tôi nên chờ đợi cho đến khi an toàn”.

Một con gà mái bới đất tìm thức ăn, gặp hạt giống đang chờ đợi, cô gà liền ăn ngay!

Nt. M. Thécla Trần Thị Giồng