Sống giới răn yêu thương – Chúa nhật 30 Thường niên A

49

Chúa nhật thứ 30 A – 2011

SỐNG GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG


Ông bà anh chị em thân mến.  Như chúng ta đã nghe Trong bài Tin Mừng tuần trước, những người thuộc hai nhóm Pharisêu biệt phái và Hêrôđê Sađốc liên kết với nhau để cố tình gài bẫy và sau đó lên án Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế cho Xêdarê.  Nhưng như chúng ta biết Họ đã thất bại. Trong bài Tin Mừng hôm nay, nhóm biệt phái cứng lòng và thâm độc chưa chịu thua, họ chọn trong nhóm một người thông luật để thách thức tranh luận với Chúa.  Chúng ta thấy bên ngoài họ tỏ ra thật lễ phép: ‘’Thưa Thầy’’ rồi sau đó họ gài bẫy ‘’trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?’’  Đây là một câu hỏi hóc búa, bởi vì đạo Do Thái có rất nhiều luật buộc và cấm, mà luật nào cũng đều quan trọng cả.

Để trả lời họ, và để dạy chúng ta là những Kitô hữu một chân lý cao siêu, Chúa Giêsu đã lọc ra hai giới luật quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người, Chúa nói với họ: ‘’Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.  Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.’’  Hay nói một cách khác mến Chúa thì phải yêu người, và yêu người thì phải mến Chúa.  Và Chúng ta thấy Chúa đã liên kết hai giới răn đó lại thành một giới răn duy nhất là Yêu Thương.

Tôi xin được kể một câu chuyện. Có một gia đình người Do Thái nghèo sống trong một ngôi làng nhỏ và có 5 cô con gái.  Cô thứ nhất trót yêu một người thủy thủ trẻ. Điều này làm cho cha mẹ lo ngại và buồn khổ, bởi vì theo truyền thống người Do Thái, và cũng như tục lệ xưa của người Việt Nam chúng ta, hôn nhân vợ chồng thường phải được dàn xếp do một người mai mối.  Nhưng sau một sự dằn vặt của lương tâm, cha mẹ đã đồng ý cho cô con gái kết hôn với người thủy thủ.  Cô con gái thứ hai yêu thương một thanh niên đã bỏ đạo Do Thái.  Sự kiện này đã làm cho cha mẹ khó xử và đau lòng. Và cũng sau một sự dằn vặt của lương tâm, người cha đồng ý cho con gái kết hôn, nhưng người mẹ thì phản đối và không chấp nhận.  Để giúp cho người vợ thấy rõ vấn đề, người chồng tâm sự nói với vợ rằng: ‘’Em ạ! Anh thấy người thanh niên này cũng tốt. Nó chỉ hơi bạo dạn một chút, nhưng anh thấy thích nó. Và hơn nữa, con gái mình yêu nó.’’

Và trong giây phút thân mật, người chồng hỏi vợ rằng: ‘’Em, em có yêu anh không?’’  Người vợ nhìn chồng nói rằng: ‘’Yêu anh không?  Trong mấy chục năm nay, em lau nhà cửa, nấu nướng và gặt dũ quần áo cho anh.  Yêu anh không?’’  Nhưng người chồng dường như chưa đồng ý, nên hỏi lại: ‘’Nhưng em có yêu anh không?’’  Và lần nữa, người vợ trả lời: ‘’Yêu anh không? Trong bao nhiêu năm nay, em đã đi với anh, nói chuyện với anh, đói khổ với anh, ngủ chung giường với anh.  Yêu anh không?  Nếu đó không phải là yêu thương, thì cái gì là yêu thương?’’

Ông bà anh chị em thân mến, qua câu chuyện đối thoại của đôi vợ chồng trên đây, chúng ta hiểu được một khía cạnh và chủ ý của Chúa Giêsu khi Người dạy chúng ta giới răn yêu thương: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, và Chúa muốn ám chỉ cho chúng ta biết yêu thương có 3 tầng lớp hay mức độ.

Tầng lớp thứ nhất của yêu thương là tầng tối thiểu và thường được gọi là bản chất của yêu thương. Đó là thứ yêu thương của người vợ nói với chồng trong câu truyện kể trên.  Hay nói một cách đơn giản, tầng lớp yêu thương thứ nhất gồm có những bổn phận, trách nhiệm và trung thành.  Bổn phận, trách nhiệm và trung thành này là bản chất của yêu thương, không có những sự kiện này thì không có chân thật, chính đáng của yêu thương.

Tầng lớp thứ hai của yêu thương thỉnh thoảng được gọi là lý lẽ của yêu thương.  Đây là cấp cao hơn.  Trong tầng lớp này, những người yêu thương nhau không bị giới hạn của bổn phận, trách nhiệm và trung thành, mà họ muốn đi xa hơn, họ muốn tìm cách làm cho người yêu những ngạc nhiên vừa lòng, vui mừng và sung sướng. / Họ không bao giờ thỏa mãn hoàn toàn với sự tối thiểu, họ luôn luôn muốn tạo nhiều sự vui mừng, sung sướng và ưa thích cho nhau.

Tầng lớp yêu thương thứ ba được gọi là ‘’điên rồ hay dại dột’’.  Đây là tầng lớp hoàn toàn nhất và trên hết của yêu thương.  Trong tầng lớp này, những người yêu thương nhau thực hiện những điều mà những người thông thường, những người ngoài không thể hiểu được.

Tôi xin được đơn cử một thí dụ sau đây. Một cặp vợ chồng không con, do đó họ quyết định nhận một đức con nuôi.  Họ biết tìm được một đứa bé mạnh khỏe thì khó khăn và hiếm, cho nên họ đã nhận một em bé mà người trong cơ quan cho là ‘’không thể nhận được’’ bởi vì em nhỏ không những bị tàn tật mà còn không thể đi được.  Kinh nghiệm nuôi nấng em nhỏ này đã dẫn họ nhận thêm 5 trẻ em khác nữa.   Sự kiện này đối với những người khác hay với chúng ta thì cho là điên dại, nhưng đối với đôi vợ chồng này thì đơn giản là một sự  biểu lộ, sự biểu hiệu của yêu thương, và cũng đơn giản là sự đáp trả lại lời kêu mời của Chúa Giêsu yêu mến hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.

Một thí dụ hoàn toàn nhất của tầng lớp yêu thương thứ ba này là chính tình yêu thương Chúa Giêsu.  Vì yêu thương Chúa đã chịu đau khổ vác thánh giá và chết trên thánh giá cho nhân loại chúng ta.  Và khi đề cập đến sự yêu thương của Chúa đối với chúng ta, thánh Phaolô nói rằng: ‘’Tuy là Thiên Chúa, Người đã hủy chính mình trở nên giống như loài người, đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá.’’  Và chính Chúa Giêsu đã thố lộ với chúng ta trong tin mừng của thánh Gioan rằng: ‘’Không có tình yêu thương nào cao quí cho bằng chết cho người mình yêu’’  Đối với những người không yêu thương hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn thì sự yêu thương của Chúa là một điều điên dại và quá dại dột.

Ông bà anh chị em thân mến.  Chúng ta phải thành thật thú nhận rằng trong các tình liên hệ, kể cả liên hệ trong tình nghĩa hôn nhân vợ chồng, Hầu hết chúng ta yêu thương ở tầng lớp thứ nhất, có nghĩa là chúng ta có bổn phận, trách nhiệm và trung thành với nhau.  Và cũng có những thời điểm trong cuộc sống chúng ta yêu thương ở tầng lớp thứ hai.  Chúng ta cố gắng đi ra ngoài con người của chính chúng ta và làm những điều ngạc nhiên vui mừng và sung sướng cho những người khác, nhưng qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu mời chúng ta vượt đi lên để yêu thương nhau, yêu thương người khác như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Vì chính sự yêu thương này mới có sức mạnh, có tiềm năng thể biến đổi không những, những người chúng ta yêu thương, mà còn chính con người chúng ta, và những người chung quanh, kể cả kẻ thù hay những người ghen ghét chúng ta.

Yêu mến Chúa hết lòng, hết tâm hồn, hết trí khôn là chúng ta đặt Chúa trước hết, trên hết mọi sự.  Chúng ta cố vươn lên qua khỏi những trách nhiệm, bổn phận, để sống lời và giáo huấn của Chúa, chúng ta sống như Chúa với một cuộc sống bác ái, dâng cúng, hy sinh và phục vụ.  Hay trở thành những Kitô hữu và chứng nhân đích thực cho Chúa trong xã hội hôm nay.  Yêu thương mọi người là chúng ta cố gắng sống không gian dối, không làm hại người khác, không vu khống đồn đại những điều không đúng với sự thật hay chúng ta không biết rõ ràng, mất đức bác ái và công bằng. Chúng ta cố tránh đời sống giả dối hình thức bề ngoài của những người Pharisêu, là những người có tâm hồn chai đá, tâm độc.  Như chúng ta thấy họ cố gài bẫy, vu khống, bắt bẻ để tuyên truyền làm hại Chúa.  Ngược lại, chúng ta cố gắng xây dựng, giúp đỡ và có đời sống khiêm nhường tốt lành và yêu thương đối với mọi người. Xin Chúa giúp và ban ơn để chúng ta sống giới răn chân lý yêu thương của Người.

 

Lm. Antôn, giáo xứ Thánh Giuse, Tulsa, OK.