Sống Ba Lời Khuyên Tin Mừng

543

Sống Ba Lời Khuyên Tin Mừng

ba ngon nen _0Có nhiều ơn gọi khác nhau: tu trì, đời sống gia đình, độc thân…Mọi người được kêu mời sống “thánh” theo ơn gọi của mình bởi lẽ mọi ơn gọi đều xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng trọn lành và thánh thiện. “Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời” (Mt 5,48).  Công đồng Vatican II cũng long trọng minh định trong hiến chế Lumen Gentium: “Tất cả mọi người trong Giáo Hội – hoặc thuộc hàng giáo phẩm, hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt – đều được kêu gọi nên Thánh, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: “Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa” (1Th 4,3; x. Eph 1,4)”.

Có nhiều phương cách thực hành sự thánh thiện ấy. Tuy nhiên, ơn gọi thánh hiến với các lời khuyên Tin Mừng: Khó Nghèo, Vâng Phục và Khiết Tịnh vẫn được xem như việc thực hành mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương về sự thánh thiện của Giáo Hội. Theo nghĩa triệt để, ơn gọi thánh hiến cũng thể hiện một nét phác họa, chấm phá về cuộc sống mai hậu nơi mà mọi ý hướng và khát vọng cá nhân hay cộng đoàn đều quy chiếu về Thiên Chúa, Đấng là khởi nguyên và cùng tận của mọi sự.

Nguồn gốc, sứ mạng và mục đích tối hậu của “ơn gọi” có nhiều điểm tương đồng với hình ảnh con thuyền chèo lái ngược dòng. Bởi thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta thường ví “ơn gọi thánh hiến” như con thuyền ngược dòng.

Mỗi cá nhân, với ơn gọi của mình, cách nào đó cũng được mời gọi chèo lái ngược dòng con thuyền cuộc đời của mình theo những gợi ý và đòi hỏi của Tin Mừng.

  1. Sống Khó Nghèo

Đang khi cả thế giới đang tìm kiếm sự giàu có về của cải vật chất, người người tất bật làm việc để tích trữ và gia tăng tài sản cá nhân thì người tu trì lại duy trì một nếp sống vừa đủ, thanh bần và khó nghèo.

Vâng, làm việc là một ơn gọi cao quý, thu tích tài sản cá nhân cách chính đáng là một quy luật tự nhiên đúng đắn. Thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đề cao giá trị lao động và khẳng định quyền tư hữu. Giáo Hội không lên án nhưng luôn cổ võ một cuộc sống phong phú, đầy đủ và xứng đáng với phẩm giá con người. Tuy nhiên, Giáo hội muốn hướng cái nhìn của chúng ta về đời tu như một gợi ý trong việc sử dụng và làm chủ của cải vật chất trần thế.

Đời tu khó nghèo theo nghĩa vật chất và giàu có về mặt tinh thần.

Cơ sở vật chất của các dòng tu, nhất là các dòng tu Tây Phương, không cho ta cái cảm giác nghèo khó. Và sự mọc lên như nấm các cộng đoàn lớn nhỏ khắp nơi tại các nước truyền giáo với các cơ sở vừa và nhỏ cũng dễ dàng không cho ta cái nhìn thiện cảm về sự nghèo khó.

Thế nhưng, sự nghèo khó vật chất mà Giáo Hội muốn đề cập đến trước hết là sự tách mình ra khỏi các dính bén của cải vật chất trần thế. Sau là dùng của cải vật chất và sự phong nhiêu Thiên Chúa ban cho mình để phục vụ tha nhân và làm vinh danh Thiên Chúa. Con người làm chủ các tài sản vật chất chứ không phải là nô lệ cho chúng.

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).

Đức Giêsu Kitô đã làm gương cho chúng ta. Ngài trở thành nguyên mẫu cho Giáo Hội và cho mỗi người sống mối phúc nghèo khó đích thực. Ngài đã không nhất quyết duy trì sự ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hủy mình ra không. Ngài lấy sự giàu có phong phú đích thực của mình trao lại cho người nghèo là những ai chấp nhận bỏ mọi sự mà bước theo Ngài.

Truyện kể lại rằng:

Một vị du khách nọ với balô trên vai, trèo lên một ngọn núi cao, tìm gặp một vị thiền sư rất nổi tiếng. Anh mong vị thiền sư có thể giúp anh tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Tiến vào trong căn lều với độc nhất một chiếc giường và một vài dụng cụ thô sơ khác. Chàng trai sửng sốt lên tiếng hỏi: Làm sao ngài có thể sống đơn thuần với những thứ này?

Thế anh mang gì trong balô vậy, vị thiền sư hỏi?

Vì mục đích chỉ là dừng chân và muốn xin một lời khuyên của ngài nên cũng chẳng mang gì nhiều ngoài một bộ quần áo, anh nhanh nhảu đáp.

Tôi cũng thế, tôi cũng chỉ ghé ngang cuộc sống này trong chốc lát nên cũng chẳng chuẩn bị gì nhiều, vị thiền sư chậm rãi trả lời.

Sự tạm bợ và chóng qua của cuộc sống hiện tại cũng là ý nghĩa đích thực mà lời khuyên Tin Mừng muốn mọi người nắm bắt. Đời tu chỉ cho con người thấy sự tạm bợ, chông chênh của thế giới này và sự vĩnh cửu của thế giới mai hậu.

Cuộc sống dù là con thuyền thì cũng cần có lúc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Cũng cần có những lúc phải chèo ngược dòng thật khó khăn vất vả. Cho nên cũng phải vất bỏ đi cách nào đó những gánh nặng cuộc sống, những mối lo toan cho cái ăn cái mặc, những tính toán thu tích vật chất tiền tài để giúp cho con thuyền cuộc đời trôi băng băng trên từng ngọn sóng.

  1. Sống Vâng Phục

Đang khi cả thế giới đang cổ võ sự tự do cá nhân thì đời tu lại ràng buộc mình vào trong lời khuyên vâng phục.

Tự do là quà tặng của Thiên Chúa từ nguyên thủy. Con người không thể thành “người” nếu không có tự do trong ý chí và hành động. Con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, tức là con người của tự do đích thực. Và như thế tự do đích thực luôn phải gắn liền với thực tại vĩnh cửu mà con người sẽ đạt đến trong Thiên Chúa. Tự do đích thực không tồn tại ngoài Thiên Chúa và ý muốn thánh thiện của Người.

Lời khấn vâng phục được diễn tả và thể hiện qua việc người tu sĩ bỏ quyền xếp đặt hay sử dụng cuộc đời của mình. Để có thể phục vụ Giáo Hội và tha nhân, người tu sĩ vâng phục ý Thiên Chúa ngang qua ý muốn và quyết định của bề trên. Người tu sĩ bày tỏ quyết tâm từ bỏ những chọn lựa với sự tính toán hay ước muốn riêng để mưu cầu lợi ích lớn hơn, không phải cho mình nhưng cho người khác và cộng đoàn.

Đời tu với lời khuyên vâng phục đang hiện diện trong thế giới mà tự do cá nhân được đề cao và xem như công cụ để đo lường và quyết định các giá trị luân lý. Đời tu trở thành men trong bột, ánh sáng giữa đêm đen.

Đang khi nhiều người nhân danh chủ nghĩa tự do để muốn làm gì thì làm, bất chấp các thang giá trị luân lý của xã hội và giáo hội, thì đức vâng phục giúp ta tìm lại sự bình an và chân giá trị trong hỗn loạn tha hóa, tìm thấy giới hạn giúp ta không bao giờ lầm lẫn hay thái quá.

Đang khi nhiều người nhân danh chủ nghĩa cá nhân để trốn tránh bổn phận và trách nhiệm với gia đình, cộng đoàn thì đức vâng phục giúp ta yêu vô biên và trao ban đến cùng như gương mẫu Đức Giêsu Kitô.

Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 8-9).

Sự vâng phục liên hệ tới mọi người, cho dù người đó có sống đời tu hay không, bởi lẽ mục tiêu tối hậu không phải là vâng phục bản ngã hay tha ngã, mà đó là sự vâng phục trọn vẹn và đầu phục hoàn toàn của con người đối với Thiên Chúa và ý muốn cứu độ của Người. Thiên Chúa đã trao ban tự do cho chúng ta; và vì đức vâng phục, chúng ta dâng lại tự do ấy như một của lễ hy sinh toàn vẹn và xứng đáng.

Đi cho đến đâu thì con thuyền cuộc đời chúng ta cũng phải trở về nguồn, lội ngược dòng ý muốn cá nhân để tìm thấy bến neo nơi ý muốn Thiên Chúa.

  1. Sống Khiết Tịnh

Đang khi sống thử trước hôn nhân đang trở thành một trào lưu thịnh hành cho giới trẻ hôm nay thì lại có những người tự ràng buộc mình vào lời khấn khiết tịnh. Giữa lúc tỷ lệ phá thai, ly thân, ly dị ngày càng cao và trở thành một dịch bệnh chưa có thuốc chữa thì đời tu với lời khấn khiết tịnh trở thành quy chiếu chuẩn mực cho tình yêu và các giá trị luân lý.

Có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời” (Mt 19,12).

Lời khuyên phúc âm khiết tịnh dành cho bậc tu trì bao hàm sự tiết chế hoàn toàn với tính dục. Lời khấn này không hệ tại sự từ bỏ nhưng là lựa chọn dâng hiến trọn vẹn vì tình yêu đối với Thiên Chúa. Thực tế là người tu sĩ không còn ước muốn dấn thân và trao ban tình yêu của mình cho một con người duy nhất khác phái tính, nhưng với lời khấn khiết tịnh người tu sĩ trở thành  người của muôn người. Không còn biên độ cho con lắc tình yêu. Không còn cách trở của địa lý. Không còn đóng kín biên giới bản ngã mà luôn luôn mở ra cho tha ngã. Người tu sĩ thuộc trọn về Thiên Chúa sẽ phục vụ tình yêu cứu độ của Ngài và có đủ điều kiện cần thiết để thi thố đức ái cách hoàn hảo nơi anh chị em xung quanh mình.

Nếu hiểu và sống khiết tịnh trong chiều kích yêu mến và thực thi đức mến như thế thì không chỉ đời tu đòi hỏi khiết tịnh mà những ai đang sống ơn gọi hôn nhân gia đình cũng được kêu gọi sống khiết tịnh.

Thiên Chúa một khi đã ban cho kẻ này người nọ ơn đặc biệt để họ sống công chính khiết tịnh vì Nước Trời thì Ngài cũng ban cho những ai sống bậc làm cha, làm mẹ ơn sủng để sống công chính khiết tịnh vì người bạn đời của mình. Người sống bậc gia đình được mời gọi sống khiết tịnh không chỉ vì tình yêu cho của người phối ngẫu mà còn mở ngỏ và trao ban tình yêu cho con cái, cháu chắt là những quà tặng tình yêu Thiên Chúa trao ban.

Giữa một thế giới mà tính dục giản lược như một trò chơi, hoặc một món hàng có thể mua bán thì đời sống khiết tịnh, nhất là trong đời sống hôn nhân gia đình, sẽ là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người về ý nghĩa và giá trị của tình yêu và tình dục đích thực. Vì một tình yêu đã chọn, tôi không thể tìm kiếm một tình yêu khác bên ngoài. Vì một tình yêu đã chọn, tôi sẽ sống khiết tịnh. Đời sống khiết tịnh sẽ giải phóng người vợ, người chồng khỏi những cám dỗ bất chính để hướng các tiêu chí và đam mê của họ về tinh thần hơn là thể xác. Đời sống khiết tịnh sẽ giảm thiểu các nguy cơ có thể gây xung đột và phá vỡ hạnh phúc gia đình.

Giữa một thế giới mà sống thử trước hôn nhân ngày càng được ưa chuộng nơi giới trẻ và tỷ lệ phá thai ngày càng tăng đến chóng mặt thì đời sống khiết tịnh là liều vắc-xin duy nhất có thể tạo miễn dịch đặc hiệu và chữa lành. Bởi thế, sống chuẩn mực đạo đức và thực hành nhân đức khiết tịnh hằng ngày sẽ tạo thành một kháng thể hữu hiệu khi phải đối diện với chọn lựa tình dục hay tình yêu. Kết quả tình yêu là hôn nhân và tình dục chỉ tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn trong hôn nhân.

Chèo thuyền ngược dòng đã khó mà lèo lái con thuyền cuộc đời đi ngược dòng chảy của một nền văn hóa sự chết thì càng khó khăn hơn gấp bội. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà chúng ta đầu hàng, từ bỏ cho cuộc đời trôi nổi theo sóng gió thế sự. Dù là ơn gọi nào thì các giá trị Tin Mừng: khiết tịnh, vâng phục và khó nghèo vẫn luôn luôn là đòi hỏi phải thực thi trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

Hãy mời Chúa ở lại trên con thuyền cuộc đời mỗi người chúng ta để khi sóng to gió lớn, con thuyền chòng chành, chao đảo thì sự hiện diện của Chúa sẽ giúp ta sáng suốt chọn lựa và can đảm lèo lái con thuyền. Chính Chúa sẽ làm chủ tình hình và ra lệnh để sóng gió phải im lặng. Chính Người sẽ cầm lái và dẫn dắt con thuyền chúng ta về bến bình an.

Thanh An