Smartphone đang hủy hoại phong cách sống con người như thế nào?

61

Bạn nghĩ sao khi các chuyên gia nhận định rằng: Smartphone làm cho cả một thế hệ chỉ biết… cúi đầu?

Ai cũng cắm mặt vào màn hình?

Smartphone thật sự có sức hút mãnh liệt đối với người dùng. Hãy thực hiện một cuộc kiểm chứng nhỏ về điều này: Vào một ngày đẹp trời, bạn hãy hẹn hò gặp gỡ bạn bè và ngay khi cuộc trò chuyện bắt đầu, hãy thử đo lượng thời gian trôi qua trước khi có ai đó trong số các bạn lấy điện thoại của mình ra xem.

Và cũng đừng quên tính xem ngay chính bản thân bạn có thể giữ cho mình không động đến chiếc điện thoại thông minh trong bao lâu?

Kết quả của cuộc khảo sát này sẽ là câu trả lời chính xác nhất về mức độ ảnh hưởng của smartphone lên cuộc sống của bạn và những người thân xung quanh bạn.

Judith Martin, nhà văn nổi tiếng của tờ nhật báo Washington Post cho hay: “Điều đó chỉ xảy ra với tôi khi bữa tối kết thúc. Tôi không nghĩ rằng có ai dám làm vậy trước mặt mình”.

Không phải ai cũng có được quyền lực như bà Miss Manners 40 tuổi kia. Nhưng dù bạn là ai đi nữa thì bạn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn buộc một ai đó từ bỏ chiếc điện thoại di động của họ. Thậm chí bạn có nhận thấy rằng bạn bè hoặc người yêu của bạn dành thời gian cho chiếc điện thoại thông minh của họ còn nhiều hơn là cho bạn?

Nhiều người không thể rời khỏi chiếc smartphone dù họ đang ở bên người yêu hay bạn bè khiến mối quan hệ giữa 2 người xấu dần đi (Ảnh nguồn: Elleman)

Dán mắt vào điện thoại – vấn đề về mặt xã hội và cả sinh lý

Đầu của con người có cân nặng trung bình nặng từ 4,54 kg đến 5,44 kg. Khi chúng ta cúi cổ xuống để nhắn tin hoặc kiểm tra Facebook, lực hấp dẫn trên đầu và áp lực lên cổ chúng ta sẽ tăng lên đến 27,2 kg. Tư thế này – hầu như xuất hiện phổ biến trong tất cả chúng ta, từ người dân thường đến những vị quan chức cấp cao – sẽ dẫn đến việc cột sống cổ mất dần đường cong vốn có.

Theo báo cáo được công bố năm ngoái trên tạp chí The Spine Journal, “Text Neck” (thuật ngữ mới ra đời cách đây vài năm, chỉ triệu chứng đau cổ do người sử dụng liên tục cúi đầu nhìn xuống màn hình điện thoại) đang trở thành một căn bệnh mà vô số người phải chịu đựng, và cách chúng ta cúi đầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mình.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia, tư thế của con người đã được chứng minh là ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi và trí nhớ. Vì vậy, việc thõng vai xuống thường xuyên có thể khiến tâm trạng của chúng ta trở nên chán nản. Cách chúng ta đứng ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ trên cơ thể, từ lượng năng lượng mà cơ thể cần để phát triển xương và cơ cho đến cả lượng oxy mà phổi có thể hấp thụ.

Và biện pháp khắc phục lại đơn giản vô cùng: Chỉ cần ngồi thẳng lên.

Các nhà tâm lý học xã hội khẳng định, thậm chí chỉ cần đứng trong một tư thế tự tin, với đầu và vai hướng ra sau, đã có thể làm tăng lượng testosterone và dòng cortisol trong não. Thế mà tại sao chúng ta lại không chú ý đến những dấu hiệu này? Hay thật ra chúng ta đang “từ chối” nhận thức?

Những dấu hiệu của sự mù quáng

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), khoảng 75% người Mỹ tin rằng việc sử dụng smartphone không hề ảnh hưởng đến khả năng chú ý của họ khi đang ở trong một nhóm người, và khoảng một phần ba người Mỹ tin rằng việc sử dụng điện thoại trong môi trường tập thể thực sự sẽ góp phần vào cuộc trò chuyện của họ.

Còn trên thực tế?

Các chuyên gia về nghi lễ và các nhà khoa học xã hội khẳng định: Nhận định trên là hoàn toàn sai.

Theo các chuyên gia, hành vi “luôn luôn dán mắt vào điện thoại” góp phần khiến chúng ta tự xóa mình khỏi thực tế của chúng ta. Và ngoài những hậu quả về sức khoẻ, nếu chúng ta cúi đầu xuống, kỹ năng giao tiếp và cách cư xử của chúng ta cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, trớ trêu thay, đa số chúng ta lại không nhận thấy rằng mình cũng đang rơi vào tình trạng này.

Nạn nhân ở tất cả các độ tuổi

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2010 cho thấy thanh thiếu niên từ 8 đến 18 tuổi đã tiêu tốn hơn 7,5 giờ mỗi ngày để sử dụng các thiết bị công nghệ. Kể từ đó, “cơn nghiện” lại tiếp tục phát triển mạnh hơn: Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 2015, 24 % thiếu niên “gần như liên tục” sử dụng Internet.

Người lớn cũng không kém cạnh: Theo Báo cáo của Nielsen vào năm ngoái, hầu hết người lớn dành 10 tiếng mỗi ngày hoặc hơn nữa để sử dụng các thiết bị điện tử.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 2015, 24 % thiếu niên “gần như liên tục” sử dụng Internet. (Ảnh: CafeF)

Hội đồng An toàn Quốc gia cho biết việc sử dụng điện thoại di động làm cho người lái xe dễ bị tai nạn hơn so với việc lái xe khi say rượu, dẫn đến 1,6 triệu vụ tai nạn hàng năm, chủ yếu xảy ra ở những người thuộc độ tuổi từ 18 đến 20. 1/4 vụ tai nạn ở Hoa Kỳ là do chủ xe đang nhắn tin và nói chuyện qua điện thoại trong khi đang lái xe.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Michigan cho rằng mức độ đồng cảm đã giảm mạnh trong khi sự tự mãn đang tăng vọt. Sự phát triển về cảm xúc, sự tự tin và sức khoẻ, tất cả đều bị ảnh hưởng khi chúng ta đang cúi cổ xuống và để đầu chúng ta như đang bị “treo” lủng lẳn.

Chủ tịch cũ của Facebook, ông Sean Parker, gần đây đã thông báo rằng nền tảng của facebook được thiết kế để gây nghiện và “tiêu thụ thời gian và sự chú ý của người dùng càng nhiều càng tốt”.

Ông nói: “Theo nghĩa đen, nó làm thay đổi mối quan hệ của bạn với xã hội và giữa các bạn với nhau. Bằng một cách nào đó, nó có thể cản trở năng suất của chúng ta. Chỉ có Chúa mới biết nó sẽ làm gì với não con cái chúng ta”.

Vậy thì, có thể ngay bây giờ bạn đang đọc câu chuyện này trên một thiết bị di động. Không sao cả (Miễn là bạn đang không lái xe). Chúng tôi đưa ra tất cả những lập luận và dẫn chứng bên trên không phải để yêu cầu bạn hãy vứt ngay chiếc iPhone của mình và từ bỏ phương tiện kỹ thuật số. Vì cũng giống như nhiều căn bệnh nghiện khác, tất cả đều cần chữa trị dần dần. Và việc chữa trị dần này không có nghĩa là chống lại công nghệ.

Nỗ lực để tương tác với mọi người

Câu trả lời đơn giản nhất cho tất cả chúng ta là: Hãy tương tác với người khác – và cố gắng làm điều đó mà không ôm chặt chiếc điện thoại của mình. Lần tiếp theo mà bạn đang đứng trong dòng người đang xếp hàng hoặc dừng lại khi đèn đỏ, hãy nhìn xung quanh: Có bao nhiêu người đang thực sự ở đó với bạn?

Trẻ hay già gì thì tất cả chúng ta đều là một thế hệ văn hóa. Phong tục, cách cư xử, ngôn ngữ cơ thể, cách chúng ta phản ứng, tương tác và thậm chí cách nhìn nhau đang dần thay đổi. Chúng ta dành cả cuộc đời chỉ chỉ để cúi đầu 90 độ so trên chiếc điện thoại thông minh của mình. Đã đến lúc nên bắt đầu tập “ngẩng mặt lên”.

Nguồn: TTN