Sám Hối Khơi Nguồn Hy Vọng

99

3Chúng ta đã bước vào Mùa Chay thánh. Đây là thời gian mà thánh Phaolô gọi là thời gian thuận tiện, ngày cứu độ (xc. 2Cr 6,2b). Mùa chay là thời gian thuận lợi để chúng ta rà xét lại con người của chúng ta để biết chúng ta đang như thế nào, có đi đúng con đường Chúa đã chỉ cho không, mà nếu chúng ta đã đi lệch khỏi con đường Chúa chỉ dạy thì phải ăn năn sám hối trở về con đường lành. Sám hối là trở về với Chúa.

 I. PHÀI SÁM HỐI NHƯ THẾ NÀO ?

1.1. Tâm tình khiêm tốn

Sám hối là chủ đề những bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của Người: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Thực vậy, sám hối cũng là chủ đề những bài giảng đầu tiên của các thánh Tông Đồ, như sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi lại: “Thánh Phêrô bảo họ: “Hãy hối cải, và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha thứ tội lỗi .”(Cv 2:38).

Và như vậy, tâm tình sám hối phải là tâm tình căn bản và thường xuyên của mỗi chúng ta.Điều trước tiên chúng ta phải làm là hãy nhìn nhận thân phận yếu đuối của mình. Không bào chữa, không đòi hỏi, không tự mãn huênh hoang. Đồng thời chúng ta còn phải nhìn nhận chúng ta không có khả năng để tự cứu độ mình khỏi tình trạng yêu đối và tội lỗi mà phải cầnđến quyền năng cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Sự kiện để suy nghĩ

Vào buổi tối nọ, có người đàn bà phải chờ đợi chuyến bay mất nhiều thời giờ tại một phi trường Hoa Kỳ.

Bà rảo qua các sạp báo trong phi trường, mua một cuốn sách và một gói bánh, rồi tìm chỗ yên tĩnh ngồi đọc sách.

Tuy cắm cúi đọc sách, người đàn bà cũng nhận ra người đàn ông đang ngồi bên cạnh, ngoài cái đầu hói ra chẳng có gì gây sự chú ý. Tuy nhiên, có một điều khiến bà khó chịu, là chốc chốc người đàn ông lại đưa tay vào gói bánh và kéo ra một hai cái. Tuy khó chịu thật, nhưng bà cố tình làm như không biết để tránh người đàn ông khỏi ngượng. Bà cố gắng quên sự hiện diện của người đàn ông không mấy biết điều ấy.

Thỉnh thoảng, bà đưa tay vào gói bánh lấy ra một hai cái, và người đàn ông cũng làm theo. Cuối cùng, gói bánh chỉ còn vỏn vẹn một cái, bà chờ xem người đàn ông mất dạy này sẽ làm gì. Người đàn ông liền mỉm cười và lấy chiếc bánh cuối cùng bẻ ra làm hai và trao cho bà một nửa, nửa kia ông cho vào miệng. Người đàn bà nghĩ đây quả là người vô liêm sỉ, đã không biết xấu hổ thì chớ lại cũng chẳng nói một lời cảm ơn.

Bà thở ra nhẹ nhõm khi chuyến bay được loan báo. Bà thu dọn hành lý và đi về phía cổng lên máy bay, cũng chẳng buồn chào người đàn ông bên cạnh.

Sau khi thắt dây an toàn người đàn bà mới bắt đầu kiểm tra lại hành lý, cuốn sách bà mua vẫn còn nguyên vẹn trong xách tay, bên cạnh cuốn sách là gói bánh vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy, cuốn sách bà đã đọc khi chờ máy bay là của người đàn ông, và gói bánh bà dùng cũng là của ông ta. Quá trễ để quay lại xin lỗi, bà thở ra tự nhận rằng : Kẻ ăn cắp bánh, người vô liêm sỉ chính là bà.

Sở dĩ con người không có thái độ khoan nhượng và cảm thông với người khác là vì họ không biết nhìn vào bản thân. Có lục soát lại hành lý, nghĩa là có nhìn lại chính mình, người đàn bà trong câu chuyện trên đây mới nhận ra lỗi lầm của mình, và thay đổi cái nhìn về người đàn ông.

Một trong những sứ điệp nền tảng của Kitô giáo chứa đựng trong lời kêu gọi của Chúa Giêsu:”Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Sám hối là chiều kích nền tảng của đời sống đức tin. Có nhìn nhận thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, con người mới nhận được ơn cứu rỗi và tình thương của Chúa. Có biết mình hay vấp ngã, con người mới dễcảm thông với anh em. Như vậy, mến Chúa yêu người chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của sám hối mà thôi.

Lòng sám hối càng sâu sắc, và tinh thần khiêm tốn càng cao độ, thì lòng mến đối với Thiên Chúa mới chân thành và tình yêu đối với tha nhân mới thiết thực, viên đá kiên cố nhất trong toà nhà là viên đá đặt thấp dưới chân nền. Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thái độ của những người biệt phái. Họ có tất cả mọi nhân đức, nhưng chính vì thiếu lòng khiêm nhường sám hối mà toà nhà đạo đức của họ không có nền tảng. Tình yêu của họ đối với Chúa là giả tạo và họ không hề biết thế nào là cảm thông, tha thứ và yêu thương.

Người tín hữu Kitô được mời gọi nhìn lại bản thân hằng ngày, nhất là trong thánh lễ, để từ đó, mở rộng tâm hồn đón nhận tình yêu Chúa, và cảm thông tha thứ cho anh em.

Lạy Chúa, xin ban cho con đủ khiêm tốn để nhận ra lỗi lầm của con và chân thành sám hối.

Xin thêm đức tin cho con, để mỗi khi ý thức về sự yếu hèn của mình, con càng vững tin vào tình yêu bao la của Chúa và cảm thông tha thứ cho anh chị em mình.

1.2. Hãy tin tưởng vào tình thương của Chúa

Sám hối không chỉ có nghĩa là ý thức về tội lỗi và lo buồn vì đã phạm tội. Lo buồn vì đã phạm tội chỉ là một khía cạnh của sự sám hối mà thôi, và tất nhiên không thể là khía cạnh quan trọng nhất. Như chúng ta cũng đã biết, từ Sám hối trong tiếng Hy Lạp là Metanoia, mà chúng ta đã nghe rất quen, một từ được dùng để diễn đạt một tình trạng tâm hồn và tâm trí thay đổi hoàn toàn, xoay lòng trí khỏi tính ích kỷ để quy hướng về Thiên Chúa và yêu mến Người. Do vậy, công thức diễn tả sự sám hối tuyệt vời nhất chính là giới răn Chúa Giêsu đã nhắc đến, “Hãy yêu mến Thiên Chúa, Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết trí khôn ngươi và yêu thương người thân cận như chính mình.” (Lc 10:27).

Chúng ta có thể khóc lóc thảm thiết vì tội lỗi của mình và thưa với Thiên Chúa rằng: con hết sức lo buồn và van xin Người tha thứ. Nhưng nguyên việc ấy chưa đem lại cho chúng ta ơn sám hối. Chúng ta còn phải khao khát yêu mến Thiên Chúa. Vì rất có thể xưa nay chúng ta sám hối theo thói quen hoặc theo luật dậy và chúng ta đã làm được rất nhiều việc tốt, từ việc khổ chế đến việc phải vất vả vì Tin Mừng, nhưng lại thiếu lòng mến. Nên việc sám hối của chúng ta chưa diễn ra theo đúng ý Thiên Chúa.

Sự kiện để suy nghĩ

Mahatma Gandhi có kể về cuộc đời ông như sau: Hồi tôi 15 tuổi, tôi mắc một tật rất xấu, là tội ăn trộm. Khi đó tôi mắc nợ người bạn một số tiền khá lớn, thế rồi tôi đã về lấy của cha tôi một vòng đeo tay bằng vàng để bán lấy số tiền trả nợ.

Nhưng sau đó, tôi luôn luôn bị lương tâm cắn rứt, không cho tôi được giây phút bình an. Tôi không thể sống trong tình trạng này nữa. Tôi nhất quyết phải đến thú tội với ba tôi càng sớm càng tốt. Nhưng khi đến trước người, vì xấu hổ và sợ hãi nên tôi không thể thốt ra lời. Sau đó tôi liền nghĩ ra một cách thú tội bằng giấy mực. Tôi đã cầm tờ giấy đó đến trước mặt cha tôi, toàn thân tôi run rẩy và trao tờ giấy đó cho cha tôi. Ông đã đọc tờ thú lỗi của tôi, sau đó ông nhắm mắt lại trong giây lát và đã xé tờ giấy thành nhiều mảnh, rồi nói với tôi: ”Biết mình là điều rất tốt”, và đến ôm chầm lấy tôi trong vòng tay tràn đầy yêu thương, tha thứ của người. Từ giây phút đó tôi hiểu và thương mến cha tôi hơn.

Trên trời vui mừng vì một kẻ tội lỗi ăn năn hơn là chín mươi chín người công chính (xc. Lc 15). Thật là điên dại và nghịch lý. Ai có thể thấu hiểu nổi sự điên dại và nghịch lý này ?Chính sự điên dại này đã thúc ép Giáo Hội, vào đêm vọng Phục Sinh, đã long trọng công bố: tội Ađam là một tội cần thiết, là tội hồng phúc, bởi vì nó mà Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu Kitô đến với chúng ta. Có lẽ, Giáo Hội đã dựa vào tư tưỡng của thánh Phaolô Tông đồ trong thư gửi giáo đoàn Rôma. “Ở đâu tội lỗi ngập tràn, thì ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 6:1).

Chúng ta cũng nghe được trong từng trang Kinh Thánh: Sau một lần vấp ngã là một lần chỗi dậy và bắt đầu lại, và xem chừng thất bại càng nặng nề thì thành công lại càng nhiều hơn.

Một Giuse bị bán sang Ai Cập, để rồi trở thành tể tướng, và nhờ đó cứu thoát được cả gia đình. Một Đavít phạm tội ngoại tình, để rồi trở thành đại vương thánh thiện.

Sứ điệp của niềm hy vọng lại càng rõ nét hơn qua cách cư xử và giáo huấn của Chúa Giêsu.

Từ Lêvi thu thuế, Mađalêna cô gái điếm, đến Phêrô kẻ chối Thầy, không có người nào gặp gỡ Chúa Giêsu mà không ra về với một niềm hy vọng tràn trề, không một cuộc ra về nào mà không có những khởi đầu cho một cuộc đổi mới. Nhưng có ý nghĩa hơn cả đó là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và người trộm lành. Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố:”Ngay hôm nay, ngươi sẽ được ở trên thiên đàng với Ta” (Lv 23,43). Một giây phút ngắn ngủi đủ làm lại cuộc đời để trở thành vị thánh. Không có gì là vĩnh viễn mất mát, cũng không bao giờ quá muộn để bắt đầu làm lại.

Tin vào Chúa Giêsu là luôn biết nhìn vào mọi biến cố, lúc may mắn thịnh vượng cũng như khi gặp rủi ro thất bại, đều là hồng ân Chúa ban. Tin vào Chúa Giêsu là chấp nhận để Ngài thực hiện những phép lạ đổi mới trong cuộc đời ta.

Lạy Chúa, trong tình thương bao la của Ngài, không một sự bội phản, vấp ngã nào mà không được tha thứ. Xin cho con đừng bao giờ thất vọng đối với bản thân, thất vọng đối với tha nhân, và đối với tình yêu của Chúa.

.

 II. THỰC HÀNH SÁM HỐI

2.1. Hãy can đảm trở về

Lời Chúa trong đầu Mùa Chay cũng nhắc nhở cho mọi người chúng ta, là những con cái yêu thương của Ngài: ”Anh em hãy sám hối và tin vào Phúc âm” (Mc 1,15). Sám hối ở đây theo ngôn sứ Giêrêmia là thay đổi hướng đi, thực tình quay về với Thiên Chúa của Giao ước và dấn bước vào một cuộc sống mới.

Sự kiện để suy nghĩ

Một thanh niên thấy cuộc sống mình bê bối, muốn sám hối ăn năn, đến gặp một vị Linh mục và nói :

– Thưa cha, hôm nay con đến xin cha giúp con, con bê bối lắm nhưng con không biết bắt đầu từ đâu cả : Mười điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều răn Hội thánh, bảy mối tội đầu con đều phạm hết. Con nản quá ! Bạn bè khuyên con, con trả lời rằng: Thôi đã lỡ phạm tội thì phạm cho hết mọi tội, xuống lót đáy hỏa ngục luôn. Nằm dưới đáy có lẽ đỡ nóng, hơn là nằm hơ hơ trên ngọn lửa, nóng lắm! Nói thì nói thế cho vui, chớ con không yên tâm chút nào.

Cha kể cho con một câu chuyện nhé: Một người con trai kia thất nghiệp, trở về nhà buồn bã. Nguời cha an ủi: Thôi con ạ, nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông thì nhì sĩ; con trở lại với miếng ruộng của gia đình đi. Sáng mai con ra làm cỏ năm sào ruộng để mùa tới chúng ta sẽ xạ lúa. Người con nghe lời, sớm mai vác cuốc ra đồng. Nhưng khi nhìn thấy đám ruộng mênh mông chỉ có cỏ với cỏ, anh ngán ngẩm, tìm một gốc cây nằm ngủ.

Tâm hồn con bây giờ cũng như đám ruộng kia, đầy cỏ dại, nhưng con hãy bắt đầu từ một mảnh nhỏ của thửa ruộng, rồi con sẽ thấy kết quả. Rồi đây con sẽ còn sa ngã, nhưng cái quan trọng là luôn biết bắt đầu lại. Tội con Chúa đã tha rồi, Chúa chỉ đòi hỏi con cố gắng mà thôi.

Mười năm sau đó, vào một buổi sáng đẹp trời, một tu sĩ bước vào nhà xứ và cúi đầu chào Linh mục, rồi nói:

Cha còn nhớ con nữa không? Con là người cha đã chỉ cho cách làm cỏ cách đây khoảng mười năm.

Lạy Chúa là Thiên Chúa đầy lòng bao bao dung. Xin giúp con can đảm trở về với Chúa mỗi ngày, giúp con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.

Xin giúp chúng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình thương của Chúa lớn hơn tội chúng con vạn bội.

Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Chúa rộng lượng tha thứ. Ước gì sau mỗi lần được Chúa bao dung đón nhận, chúng con thấy mình hiền hoà hơn tha nhân.

Chúa đang chờ đợi con, xin giúp con quyết tâm trở về.

2.2. Đừng trì hoãn

Kinh nghiệm cho hay: chúng ta có những chương trình qui mô, những dự tính tốt đẹp cần thực hiện, nhưng chúng ta lại rùi rắng, không muốn bắt tay vào việc ngay. Người ta thường nói: những gì có thể làm được hôm nay thì đừng để đến ngày mai theo phương châm “Hãy bắt đầu từ ngày hôm nay”. Muốn sửa đổi con người của mình, muốn làm thánh thì hãy bắt tay vào việc, chớ bao giờ trì hoãn, kẻo bỏ lỡ cơ hội.

Sự kiện để suy nghĩ

Ngày kia Satan hỏi các đồ đệ: – Làm thế nào để chiếm đoạt được các linh hồn ?
Quỉ thứ nhất nói: – Tôi sẽ rỉ tai: không có Chúa đâu.
Satan bảo: – Họ đâu có tin, nhìn vào vũ trụ, không thể nào chối là không có Thiên Chúa được.
Qủi nhỏ thứ hai bảo: – Tôi sẽ rỉ tai: chết là hết, chết là hết.
Satan bảo: – Không được, vì sự sống đời đời đã được khắc ghi vào chính giữa trái tim con người.

Thế là cả bọn cùng trầm ngâm suy nghĩ.

Bỗng một con quỷ đen đủi đứng lên nói: – Tôi có cách: tôi sẽ nhắc đi nhắc lại cho mọi người biết: Chúa có thật và chết chưa phải là hết. Tôi bảo họ phải sám hối ăn năn và trở về với Chúa. Nhưng tôi sẽ rỉ tai họ : gấp gì, còn chán thì giờ! Để gần chết rồi lại ăn năn, thế là được hưởng cả đời này lẫn đời sau, phải không nào?

Qủi vương đập bàn cười ha hả: – Tuyệt, thật tuyệt, theo kế hoạch này, chúng ta sẽ thành công.

Điều gì có thể làm hôm nay, đừng để đến ngày mai. Vậy chúng ta hãy bắt tay ngay vào việc: thay đổi đời sống, thay đổi não trạng với anh chị em, hãy đi bước trước trong việc làm hoà với anh chị em. Hãy cố gắng mỗi ngày: dành thời giờ cho Chúa, hồi tâm và suy niệm.

Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

LỜI KẾT : Hãy trở về trong tình yêu

Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ, Ngài đã yêu thương họ đến cùng (x. Ga 13,1). Ngài đã dám chết cho chúng ta để giao hoà chúng ta lại với Chúa Cha. Vì thế trong cuộc đời làm con Chúa, đừng bao giờ ngã lòng thất vọng, vì với tình thương thì không bao giờ quá muộn, chỉ cần chúng ta mở rộng cõi lòng để yêu thương, để hoán cải và ước ao nên trọn lành. Vì yêu thương, Chúa luôn mong mỏi chúng ta trở về.

“Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội phản nghịch của các ngươi, không còn được chướng ngại nào làm các ngươi phạm tội nữa. Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. Hỡi nhà Israel, tại sao các ngươi lại muốn chết ? Quả thật. Ta không thích gì về cái chết của kẻ phải chết – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa thượng. Vậy, hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18,30b-32).

Đaminh Đinh Viết Tiên OP