GÓC SUY TƯ MÙA CHAY - PHỤC SINH Sám hối – Hoán cải (4)

Sám hối – Hoán cải (4)

 Trọng tâm hoán cải và thời gian hoán cải

 

1. Trọng tâm hoán cải

·     Hoán cải trong sự lựa chọn nền tảng

 

.

Con người hình thành và triển nở trong thời gian qua rất nhiều lựa chọn. Có những lựa chọn quan trọng, căn bản, làm nền tảng cho cuộc sống. Tôi sống cho ai? Tôi sống để làm gì? Ai làm chủ trái tim và cuộc đời tôi?

 

Những lựa chọn căn bản này lại có một liên hệ chặt chẽ với những lựa chọn nho nhỏ hằng ngày. Những lựa chọn nho nhỏ cho thấy tính cách của ta có phù hợp với những lựa chọn căn bản không, hay lại nghịch lý và mâu thuẫn theo kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Kẻ đã chọn cho mình một lý tưởng sống, mà lại sống trái với lý tưởng mình đã chọn, thì lý tưởng đó chỉ là ảo tưởng. Yếu đuối là điều dễ hiểu, nhưng cứ cố tình ở lại trong yếu đuối là điều không thể hiểu. Mọi suy nghĩ và hành động trong mọi sinh hoạt thường ngày biểu lộ các ước muốn đích thực của mình: “Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mt 6,21). Theo thánh Tôma: “Nhìn kỹ vào bất cứ hành động của một người, chúng ta sẽ khám phá ra người đó đang định hướng cuộc sống trước mặt Chúa và đời sống vĩnh viễn như thế nào”.

 

Sự hoán cải chỉ đích thực và sâu xa hơn khi ta có kinh nghiệm về lòng nhân hậu và kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Ngài là cùng đích, làm nền tảng cho mọi lựa chọn trong đời ta. Hoán cải đối với người Kitô hữu là tự hỏi: Tôi đã thực sự lựa chọn Đức Kitô? Chọn Chúa chứ không phải công việc của Chúa. Nếu không ý thức điều đó rõ ràng, ta cũng chỉ loay hoay với bản thân và sống ngoài Chúa.

 

·     Hoán cải trong ý hướng và cách thế

Cần nhận ra và chỉnh đốn những ý hướng sai lạc đang làm lệch lạc tâm hồn và ơn gọi của mình. Sách Gương Chúa Giêsu đã tố giác những ti tiện đã ăn sâu trong mình: thích tìm cái gì có lợi cho bản thân mình; thích được danh dự trọng vọng; thích được an nhàn khoái lạc; thích được mọi người biết đến và thán phụcNhững ý hướng đó[1] làm bế tắc sự triển nở tâm hồn, và mở đường thoải mái cho tội lỗi xâm nhập. Lòng yêu mến Chúa và sự quên mình mới là ý hướng cao đẹp của việc hoán cải. Không nhằm vào trọng tâm này, thì hoán cải vẫn là một thất bại, vì không thể ra khỏi chính mình.

 

Hoán cải trong ý hướng đòi ta phải hoán cải trong cách thế. Ý hướng không biện minh cho cách thế. Ý hướng tốt đẹp thì cách thế cũng phải tốt lành. Ý hướng muốn gần gũi Chúa thì phải có cách thế sống gắn bó với Ngài. Cần bỏ đi cách thế tiêu cực để tìm một cách thế tích cực và hiệu quả hơn. Có những cách thế đã lỗi thời, đã thành thói quen máy móc đối với Chúa cũng như đối với tha nhân. Có những cách thế không xấu nhưng dễ sinh ra hiểu lầm hoặc dễ gây sốc cho người khác.

 

Kiểm tâm hay xét mình là việc tối cần để đặt lại ý hướng và cách thế của mình trong mọi sinh hoạt, đưa đến tâm tình sám hối và hoán cải, làm mới lại đời sống mình mỗi ngày: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Nhưng sám hối là điều không dễ dàng khi ta chưa khiêm tốn; khiêm tốn không thể được khi lòng chưa yêu mến. Bởi vậy có những lần ta xưng tội cách bâng quơ, chiếu lệ, không tha thiết gì: sám chẳng có thì hối càng không thể.

 

·     Hoán cải là một biến đổi từ trái tim do Thánh Thần

Hoán cải không chỉ là quyết định thêm giờ cầu nguyện, phụng vụ hay các việc đạo đức, hoặc chỉ thêm việc bác ái và sửa chữa vài tính xấu. Điều hoán cải quan trọng là sự biến đổi tận gốc, là sự tái sinh, là đổi mới trái tim (x. Ed 36,25-29). Khi tâm hồn còn mờ tối và trái tim chưa được biến đổi, sợ rằng những việc lành bên ngoài chỉ là những hành động nhất thời, và lối sống cũ lại bắt đầu. Tuy nhiên, dù chưa cảm mến được gì, thì những thay đổi tích cực bên ngoài cũng là bổn phận phải làm, và rất cần thiết để trợ lực cho sự chuyển hóa bên trong.

 

Chính Thánh Thần mới biến đổi ta tận thâm tâm. Khi thánh hóa con người, Ngài biểu lộ những khả năng, tính cách cao đẹp của mỗi người. Quyền năng đổi mới của Ngài làm ta ngày càng trở nên giống với Đức Kitô hơn, nghĩa là ngày càng có tinh thần nghèo khó, trái tim trong sạch, lòng thương xót, sự công chính, tính chân thật, tâm hồn hiền lành và khiêm nhượng. Mọi sự cao đẹp của con người đều là hồng ân của Thánh Thần, không ai có thể tự ban cho mình. Cần phải nỗ lực hết mình, nhưng không phải vì thế mà có thể nên công chính. Sự công chính không hệ tại vào việc tuân giữ một số các luật lệ hay một số những hoạt động bác ái, đạo đức, nhưng là đặt toàn thể cuộc sống mình trong tay Chúa, và từ đó buông mình theo tác động của Thánh Thần trong mọi hoạt động.

 

2. Thời gian hoán cải

Hoán cải là để trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, là một cuộc hành trình thiêng liêng kéo dài suốt đời. Ta không thể hiểu và sống sứ điệp Phúc Âm liên tục, nếu không có một sự thay đổi tư tưởng và hành động mỗi ngày cho phù hợp với ý Chúa hơn. Nhìn lại đời sống các môn đệ, ta thấy sau khi Chúa phục sinh mà các ông vẫn chưa hoàn toàn hoán cải. Ngay cả lúc Chúa sắp về trời, các ông vẫn còn hỏi Chúa: đây có phải là lúc tái lập vương quốc Israel chăng? (x. Cv 1,6).

Não trạng xưa kia của các ông vẫn còn, sự biến đổi con người tôn giáo của các ông chưa kết thúc. Nơi chúng ta cũng thế, chỉ có thể trở thành môn đệ Đức Kitô khi không ngừng giũ bỏ những gì làm ta xa lạc, để hướng lòng trí trọn vẹn về Ngài.

 

Sự hoàn thiện cũng giống như ta xây một ngôi nhà nhiều tầng. Xây tầng nào là xong tầng đó, dù chưa hoàn bị vẫn là một thành quả. Nhưng việc hoán cải không chỉ dành cho những tầng tiếp theo, mà vẫn phải bao trùm tất cả những gì ta có, những gì ta là. Đó là hình ảnh xây nhà thiêng liêng bảy tầng mà thánh Têrêxa Avila nói lên. Tuy vậy, thánh nữ vẫn cho thấy chính giá trị hoán cải cho phép ta đi vào từng tầng một. Còn thánh Bonaventura lại chia hành trình nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa thành bảy cấp, cấp cuối cùng lại là Thập giá. Cứ tưởng là đạt tới chín tầng mây, ai ngờ thánh nhân lại lôi ta trở lại để nhìn vào Thập giá, tiếp tục thanh luyện bằng sự hoán cải.

 

Trong Năm Phụng vụ, thời kỳ sám hối khá dài, chiếm cả hai Mùa Vọng và Mùa Chay, và nhiều dịp khác. Hằng tuần, ngày thứ sáu cũng mang ý nghĩa là ngày sám hối. Kinh nguyện Kitô giáo, nhất là kinh nguyện Phụng vụ, thường hay trở lại đề tài hoán cải. Ðầu Thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội mời gọi ta sám hối. Cuối mỗi ngày, đầu Giờ Kinh Tối, chúng ta cũng được kêu gọi sám hối. Ðó là những tiếng chuông theo nhịp thời gian nhắc nhở cho ta hành vi quan trọng này.

Sám hối và hoán cải là một niềm vui thâm sâu chứ không phải sự buồn sầu, vì sau đó là sự đổi mới tâm hồn để đón nhận ân sủng dạt dào hơn, và vì thấy mình nên giống Chúa hơn và cuộc sống trở nên phong phú hơn. Cuối cùng, sám hối và hoán cải phải trở thành những việc làm thường xuyên, suốt mọi ngày trong cuộc đời ta, trong niềm tin yêu hy vọng để đón chờ ngày hồng ân cứu độ muôn đời.

 

Lm. Thái Nguyên

Exit mobile version