Sám hối – Hoán cải (1)

133

SÁM HỐI – HOÁN CẢI

(Chủ đề này được đăng tải thành nhiều đợt trong suốt Mùa Chay)

Không thể có sám hối mà không có hoán cải. Thật ra, ý  nghĩa sự “hoán cải” cũng đã nằm trong từ ngữ “sám hối”. Kinh Pháp Bảo Đàn định nghĩa về Sám Hối như sau: “Sám giả sám kỳ tiền khiên. Hối giả hối kỳ hậu quá”[1] (Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là chừa bỏ lỗi sau). Chỉ có “sám” mà không có “hối” thì tội vẫn còn nguyên. Không có sự ăn năn hối cải thì không bao giờ có quyết tâm thay đổi. Không quyết tâm thay đổi thì dù có ăn năn thống hối cũng chỉ là cảm xúc nhất thời để xoa dịu vết thương trong ta mà thôi, rồi đâu lại vào đó.

Sám hối và hoán cải nội tâm là điều tối cần, vì đời sống tâm linh của người Kitô hữu là một hành trình tiến tới việc kết hiệp với Thiên Chúa. Do đó, chướng ngại đầu tiên phải dẹp bỏ là tội lỗi, vì tội lỗi là chống đối lại với chính Thiên Chúa và phủ nhận tình yêu thương của Ngài. Tội lỗi khiến ta cắt đứt tương quan với Thiên Chúa là nguồn sống của mình, và cắt đứt tương giao với tha nhân là những anh em cùng chung nguồn sống đó. Dù trong tình trạng nào đi nữa thì Thiên Chúa vẫn giàu lòng từ ái, không muốn ta phải chết trong tội lỗi, nhưng muốn ta ăn năn trở lại và được sống (x. Ed 18, 23; Ep 2, 4-5). Tuy nhiên, hoán cải không phải cố gắng đơn thuần của cá nhân, nhưng là ơn Chúa ban cho những tâm hồn khao khát được giải phóng khỏi tội lỗi để đón nhận ơn cứu độ. Chỉ khi đặt mình trong Chúa, ta mới thấy rõ hơn điều mình phải hoán cải, và hoán cải như thế nào.

Để hiểu và cảm nhận sâu xa hơn về con đường sám hối – hoán cải, trước tiên ta cần khám phá ngữ gốc trong tiếng Hán-Việt, và từ đó đi vào ý nghĩa của nó trong Thánh Kinh.

Sám (懺): ăn nănHối (悔): hối lỗi, chừa cải.

Sám Hốiăn năn chừa cải về tội lỗi của mình.

Hoán  (換): đổiCải (改): thay.

Hoán Cải: sửa chữa lỗi lầm, thay đổi cách sống để trở nên tốt hơn.

Hoán Cải (conversion) được sử dụng theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng trong tu đức có nghĩa là một sự thay đổi đời sống: bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn; quên mình để biết phục vụ tha nhân và cộng đồng hữu hiệu hơn. Cuối cùng, dù quyết định thay đổi cách nào đi nữa, thì điều quan trọng là đưa ta tới gần nguồn mạch sự thiện hảo. Ý nghĩa cuối cùng này hoàn toàn mang tính tôn giáo.

Trong Cựu Ước[2], có hai động từ Hipri được dùng để diễn đạt ý nghĩa của sám hối: Shuv (to return): quay trở lại và thay đổi (Is 6,10; Tv 51,13); Nicham (to feel sorrow): cảm thấy hối hận. Sám hối là ăn năn hối hận, từ bỏ ngẫu tượng, thay đổi cách sống, trở về với Thiên Chúa (x. Kn 11,23; Is 1,27; Tb 14,6).

Trong Tân Ước, có ba từ Hy Lạp diễn tả về ý nghĩa sám hối như sau:

–      Metamelomai (μεταμέλομαι): động từ này được dùng 6 lần chỉ sự thay đổi tư tưởng, biết hối hận vì tội, nhưng chưa có sự thay đổi nội tâm. Đây là trường hợp của Giuđa Iscariot (Mt 27,3).

–      Metanoeo (μετανοέω): động từ này được dùng 34 lần, chỉ sự thay đổi não trạng nhờ việc nhận thức.

–      Metanoia (μετάνοια): danh từ này được dùng 24 lần, chỉ sự thay đổi (meta) tư tưởng và tâm hồn (nous). Đây là ý nghĩa sám hối thực sự: từ việc ăn năn hối lỗi đến sự cải đổi tinh thần để trở về với Thiên Chúa.

Sám hối theo ý nghĩa của Kinh Thánh, không chỉ ở chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành), nhưng cơ bản là chiều kích thần học: Thiên Chúa mới chính là nền tảng và mục đích của việc sám hối. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót, mà cơ bản là sự hiệp thông với Thiên Chúa, nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Ngài.

Sám hối hay hoán cải là một trong những điểm then chốt của đời sống Kitô hữu, vì là sứ điệp căn bản của Tin Mừng. Nó bàng bạc trong tất cả giáo huấn của Thánh Kinh: từ lời rao giảng của các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả, đến Đức Giêsu và các Tông đồ: “Hãy sám hối”“Hãy hoán cải”, là những lời đầu tiên mà Ðức Giêsu nói với người Do Thái, trước cả những lời dạy được coi là cốt yếu, trước cả Bài Giảng Trên Núi được coi là Hiến Chương Nước Trời. Lời kêu gọi hoán cải còn tiếp tục vang lên trong suốt cuộc đời Đức Giêsu cho tới Thập giá, thậm chí cho tới lúc Ngài về trời, qua lời Ngài căn dặn các môn đệ là “phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47).

Sám hối là điều quan trọng trước tiên của đời người: không có sám hối thì không có đổi mới bản thân, không thể trở về với Chúa, cũng không thể đón nhận Tin Mừng và ơn cứu độ (x. Lc 13,3-5). Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “Chính tinh thần sám hối và hoán cải giúp canh tân Giáo Hội chứ không phải việc thay đổi các cơ cấu”.

Lm. Thái Nguyên.

 

[1] Thích Thanh Từ, Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải, nxb. TP.HCM, 1999, tr. 96.

[2] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/52SamHoi.htm