Sám hối của người môn đệ

85

Bước vào những ngày trung tuần Mùa Chay, tôi được nghe lại những đoạn Lời Chúa là những lệnh truyền sám hối. Tôi tưởng như đã rất quen thuộc với thái độ và hành vi sám hối dân giã từ xưa đến nay của gia đình, giáo xứ… Cho tới hôm nay, sau khi vị Giáo sư Kinh Thánh chia sẻ với Học Viện chúng tôi về đề tài Sám hối, tôi mới thực sự ngỡ ra sự Sám hối mà Đức Giêsu muốn nơi người Kitô hữu, người môn đệ thực sự khác với khái niệm xưa nay tôi vẫn hiểu. Sám hối không đơn thuần là hối hận, dốc lòng chừa tội, tránh dịp tội,…là những điều mà một con người bình thường khác, không tín ngưỡng, không là Kitô hữu vẫn làm. Thế điểm khác biệt nằm ở đâu giữa họ và chúng ta?

Đức Giêsu khai mạc sứ vụ với bài giảng mang tính định hướng với lời loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần cùng lệnh truyền “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (x.Mc 1,14-20). Vậy “sám hối” và “tin vào Tin Mừng” nghĩa là gì? Đó là hai khái niệm trừu tượng được ví như hai “ổ khoá” mà chúng ta phải đi tìm chìa để mở, vì Đức Giêsu không để sẵn “chìa khoá” ngay bên cho chúng ta. Ngài không nói rõ chúng ta phải sám hối điều gì và tin vào Tin Mừng là tin như thế nào trong đời sống chúng ta hôm nay.

 Đi tiếp đến trình thuật ơn gọi của các môn đệ, chúng ta thấy Chúa Giêsu gặp các ngư phủ và gọi họ “Hãy theo tôi”. Họ lập tức bỏ chài lưới, gia đình, quyền lực và đi theo Chúa Giêsu. Chúng ta nhận thấy một sức hút dường như rất mãnh liệt đã lôi cuốn họ đi theo, đi một cách dứt khoát. Mặc dù trước đó, những ngư phủ này có thể còn đang vất vả mưu sinh trên thuyền, họ không được nghe bài giảng của Thầy Giêsu, chẳng có lý do nào thuyết phục họ,… Trong khi cặp anh em Simon-Anre có gia cảnh khá bình thường, hoặc có thể nghèo hay chẳng có địa vị xã hội, họ làm một công việc quăng chài nhỏ lẻ, cá nhân. Chúa cất tiếng gọi họ, họ bỏ lại mọi thứ phía sau và cất bước. Và đến cặp anh em nhà ông Dêbêđê, họ có điều kiện gia cảnh khá hơn chăng, tác giả Tin Mừng ghi nhận tên người cha, họ đang thả lưới từ trên thuyền (công việc có quy mô lớn hơn quăng chài), họ có những nhân công khác trên thuyền. Chúa cũng gọi họ, họ bỏ lại gia đình, nghề nghiệp và quyền lực (quyền làm chủ), họ cũng chọn từ bỏ để đi theo tiếng gọi thầy Giêsu. Thầy Giêsu không chú trọng đến gia cảnh hay xuất thân giàu nghèo của mỗi người. Dù thế nào, cuộc đời họ vẫn luôn có những thứ đáng quý và đáng gắn bó, những thứ phải cố gắng và hy sinh. Xét việc đi theo như một động tác chính yếu thì việc từ bỏ như một hành vi thứ yếu, thế nhưng sao họ lại phải bỏ, bỏ những điều không xấu mà có thể còn rất chính đáng? Vì không từ bỏ những điều ấy, họ không thể đi theo Người. Họ từ bỏ để trở nên người môn đệ.

Hai hành động “từ bỏ” và “đi theo Người” rất phải chăng là hai chìa khoá giúp chúng ta mở hai ổ khoá ban đầu trong lệnh truyền ban đầu “Hãy sám hối” và “tin vào Tin Mừng”. Hai hành động song song rất cần bắt nguồn từ tình yêu và được thấm đượm tình yêu như một của lễ dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày, không phải chỉ là trong Mùa Chay. Vậy sám hối bắt đầu từ đâu?

Nếu sám hối bắt đầu chỉ bằng hành động thì sám hối rất tạm bợ. Trong tiếng Hy Lạp, danh từ Mêtanoia (Sám hối) có nghĩa là một sự thay đổi tư duy triệt để. Nếu tư duy chúng ta thay đổi, kéo theo hành vi sẽ thay đổi. Mỗi chúng ta ở trước lời mời gọi như một lệnh truyền của Thầy Giêsu, mỗi người hãy ở lại trong thinh lặng và nguyện cầu để biết mình cần sám hối – từ bỏ những gì, và tin vào Tin Mừng – là đi theo Đức Kitô như thế nào.

Trong kiếp nhân sinh, tôi nhận thấy mình là một con người đầy những bất toàn và yếu đuối nếu không nói là sai lỗi rất nhiều trong tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em và cả vũ trụ quan này. Nhưng tôi lại được Thiên Chúa chạnh lòng xem tôi là một người con để bảo vệ, nuôi dưỡng và tha thứ cách vô điều kiện. Dìm mình trong dòng sông tình Chúa, tôi không thể làm gì hơn để xứng với tình yêu của Chúa, tôi không thể cứ mãi ngụp lặn dưới bùn nhơ,…Tôi sẽ học cách trở về như người con thứ (x.Lc 15,11-32), nhận biết căn nguyên lỗi lầm của mình, biết mình là đứa con ngỗ nghịch hay làm những điều khiến Cha phiền lòng để trở vể và từ bỏ con đường xưa cũ. Là chấp nhận nối lại những tương quan gãy vỡ, là chạnh lòng trước người anh chị em đang cùng chung sống, là tha thứ và bao dung trước những lời nói, việc làm chưa thiện chí,… Tôi lên đường, tôi đi theo một Giêsu Kitô bị đời đóng đinh, sỉ vả và chịu chết mà nét mặt vẫn tươi vui, an lành. Tôi đi theo, bởi Người đã Phục Sinh trong ánh huy hoàng và hôm nay Người đang ở bên sẵn sàng nâng bước cho tôi đến với Người, với Cha Hằng Hữu trong sức mạnh của Thánh Thần Tình Yêu.

Thật đáng trân quý thập giá trong đời, Per Lucem Ad Crucem, qua thập giá đến vinh quang, nguyện ước bạn cũng nhận ra điều bạn cần từ bỏ và con đường bạn cần đi theo Thầy Giêsu trong bậc sống và ơn gọi của bạn. Hãy cố lên, ân sủng thì kỳ diệu hơn tất cả…

Maria Bùi Hằng, Học viện MTG.Thủ Đức