«Salve Regina», lời kinh cổ xưa ra đời như thế nào?

48
Lời kinh “Salve Regina” ra đời như thế nào: nguồn gốc và lịch sử của bản văn nói về sự sự dịu ngọt và lòng thương xót.
Linh mục Diego Pancaldo
Tôi muốn có một số thông tin về kinh “Salve Regina” mà tôi rất thích: nó hình thành như thế nào, ý nghĩa của lời kinh này là gì, đọc khi nào là thích hợp?
Linh mục Diego Pancaldo, giáo sư thần học tu đức trả lời:
Salve Regina là bài thánh ca về Đức Maria có từ thời trung cổ, được các tu sĩ dòng Carthusian, dòng Cluniac và dòng Xitô sử dụng từ thế kỷ thứ 12 sau đó đến dòng Đaminh, dòng Phanxicô, dòng Các Tôi tớ Đức Mẹ. Vào thế kỷ 14, lời kinh này được đưa vào kinh thần vụ phần kết thúc giờ kinh tối. Nhiều học giả cho rằng kinh này được gán cho chân phước Ermanno đảo Reichenau, một tu sĩ gốc Đức thuộc dòng Biển Đức bị khuyết tật về thể chất, sống trong một tu viện gần hồ Constance vào thế kỷ thứ 11.
Lời kinh mở đầu bằng lời chào trang trọng, tiếp theo là lời khẩn cầu của những người cảm thấy sức nặng vì tội lỗi của mình và thấy thân phận mình như kẻ lưu đày. Kinh Salve Regina được kết thúc bằng lời cầu xin chân thành lên Đức Maria, đấng được kêu cầu để có thể chiêm ngắm người Con, “hoa trái đầy ơn phúc của lòng Mẹ”.
Có rất nhiều lời bình về bản văn, đặc biệt là của các thánh và những người có đời sống thiêng liêng sâu sắc như: Godfrey d’Auxerre, một tu sĩ dòng Xitô là bạn của Thánh Bênađô, nhấn mạnh Đức Maria vừa là “cuộc sống, sự dịu ngọt và niềm hy vọng của chúng ta”, vừa phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô; thánh Lorenzo thành Brindisi, tu sĩ dòng Capuchino, tiến sĩ Giáo hội, nêu bật Đức Maria như Nữ Hoàng đầy uy quyền và là Mẹ của lòng thương xót vì Mẹ rất giống Thiên Chúa, Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót. Đặc biệt thánh Anphongsô Maria de Liguori trong tập Vinh quang của Đức Maria đã bình luận rất nhiều về kinh Salve Regina, bằng cách nhấn mạnh đến cách mà Đức Maria liên tục can thiệp vào đời sống con người để dẫn dắt họ trở nên bạn hữu với Chúa, thúc giục họ cầu nguyện, không ngừng giúp đỡ họ, nhất là trong những thử thách của cuộc đời và trong giờ lâm tử.
Vẻ đẹp, tầm quan trọng và tính thời sự của lời kinh này cũng được huấn quyền gần đây của Giáo hội nhấn mạnh. Ví dụ trong Tông sắc Năm thánh Dung Mạo của Lòng Thương Xót, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh cách mà con người được gìn giữ trong cái nhìn đầy yêu thương của Mẹ của Lòng Thương Xót, trong “đôi mắt xót thương của Mẹ”: “Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt Năm Thánh này, để mỗi người chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đến từ lòng khoan dung của Thiên Chúa. Không ai thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho bằng Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được định hình bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào thánh điện của Lòng Thương Xót, vì đã thông dự mật thiết vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa”. Một sự thật đầy an ủi để giữ gìn và luôn ghi nhớ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
G. Võ Tá Hoàng