Trong suốt Năm Toàn Xá, mọi tín hữu chuẩn bị xứng đáng đều có thể hưởng tràn trề ân xá, chiếu theo những quy định đặc biệt sau đây.
Sau khi xác định rằng các ân xá, được ban theo hình thức thông thường hoặc theo một phúc thư đặc biệt, vẫn còn hiệu lực trong Đại Toàn Xá, cần nhắc lại rằng ơn Toàn Xá có thể áp dụng dưới hình thức độ vong để chỉ cho các linh hồn đã khuất ; làm như thế là chúng ta đã chu toàn một hành vi ý nghĩa về đức ái siêu nhiên, căn cứ vào mối liên hệ mà qua đó, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, các tín hữu còn đang lữ hành trên trần thế được nối kết với những người đã đi trọn quãng đường trần gian. Ngoài ra, chuẩn mực quy định ơn toàn xá chỉ được lãnh nhận mỗi ngày một lần,[1] vẫn giữ nguyên hiệu lực trong năm thánh.
Đỉnh cao Năm Toàn Xá là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Kitô Cứu Thế, đang hiện diện nơi Giáo Hội Người, đặc biệt là qua các bí tích. Vì vậy, toàn thể hành trình năm thánh, được chuẩn bị bằng việc hành hương, có khởi điểm và đích điểm là việc cử hành bí tích Hòa Giải cũng như bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, là sự bình an và giao hòa của chúng ta : chính nơi cuộc gặp gỡ biến đổi đó, đã mở ra con đường đến với ơn toàn xá cho bản thân và cho những người khác.
Sau khi đã xưng tội xứng đáng và thực thi điều phải giữ, theo Giáo Luật điều 960 và Giáo Luật cho các Giáo Hội Đông phương, điều 720 §1 đòi phải xưng tội cá nhân và xưng đầy đủ, người tín hữu, trong một thời kỳ thích hợp, có thể đón nhận ơn toàn xá hoặc chỉ cho ai khác, có thể là mỗi ngày, mà không buộc phải xưng tội lại. Tuy nhiên, người tín hữu cần năng lãnh nhận ơn bí tích Hòa Giải, để tiến tới trong việc hoán cải và thanh luyện tâm hồn.[2] Trái lại, vào đúng ngày thực hiện những điều nói trên, nên lãnh bí tích Thánh Thể – đây là điều cần thiết cho mỗi lần lãnh ơn toàn xá.[3]
Tiên vàn, hai thời điểm trên phải được đi kèm với chứng từ hiệp nhất với Giáo Hội được biểu lộ qua lời cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, cũng như qua những việc bác ái và sám hối, theo những chỉ dẫn liệt kê dưới đây, những hành vi đó nói lên sự hoán cải thành thực của tâm hồn, vì việc hiệp thông với Chúa Kitô trong các bí tích phải dẫn đến điều đó. Quả thực, Chúa Kitô là lòng khoan dung và hy lễ dâng vì tội lỗi chúng ta (x. 1Ga 2,2). Khi đổ tràn tâm hồn các tín hữu bằng Chúa Thánh Thần là “Đấng đem lại ơn tha tội”[4], Ngài thúc giục mỗi người chúng ta, với tâm tình con thảo và tin tưởng, đến gặp gỡ Chúa Cha giầu lòng thương xót. Từ cuộc gặp gỡ này nảy sinh những dấn thân hoán cải và canh tân, hiệp thông trong Giáo Hội và lòng bác ái với anh em.
Đối với Năm Toàn Xá sắp tới, cũng có ban hành một chuẩn mực mà theo đó, nhằm hỗ trợ những ai bị ngăn trở hợp pháp, các cha giải tội có thể thay đổi công việc buộc phải làm hoặc những điều kiện đòi hỏi.[5] Các tu sĩ nam nữ sống trong nội vi, các bệnh nhân và tất cả những ai cách này hay cách khác mà không thể ra khỏi nhà, thì có thể đi viếng nguyện đường trong nhà mình, thay vì đi viếng một nhà thờ đã được chỉ định ; và nếu ngay cả điều đó cũng không thể được, thì họ có thể lãnh nhận ân xá bằng cách kết hiệp thiêng liêng với những ai thực hiện theo thường lệ công việc đã được qui định, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những đau khổ và thua thiệt của mình.
Về những gì phải thực hiện, các tín hữu có thể lãnh ơn toàn xá :
- Tại Rôma, nếu họ hành hương đến một trong những đền thờ lớn, tức là đền thờ thánh Phêrô tại Vatican, hoặc tổng đền thờ Chúa Cứu Thế Latêranô, hoặc đền thờ Đức Bà Cả, hoặc đền thờ thánh Phaolô trên đường Ostiense, và nếu họ sốt sắng tham dự Thánh lễ hoặc một buổi cử hành phụng vụ khác như Kinh Sáng hoặc Kinh Chiều, hoặc một việc đạo đức (ví dụ : đi đàng Thánh giá, lần hạt, đọc thánh thi Acathiste (đứng mà đọc, không ngồi) để tôn kính Mẹ Thiên Chúa) ; ngoài ra, nếu họ cùng tập thể hay riêng tư đi viếng một trong bốn đền thờ lớn, rồi dành một ít thời gian ở đó để tôn thờ Thánh Thể và suy niệm đạo đức, kết thúc bằng một “Kinh Lạy Cha”, tuyên xưng đức tin, dưới bất kỳ hình thức hợp pháp nào, và kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria. Nhân dịp Năm Toàn Xá đặc biệt này, bên cạnh bốn đền thờ lớn, còn có thêm những nơi sau, với cùng những điều kiện : đền thờ Thánh giá tại Giêrusalem, đền thờ Thánh Laurensô ngoại thành, địa điểm hành hương “Madonna del Divino Amore”, các hang toại đạo Kitô-giáo.[6]
- Tại Đất Thánh, nếu các tín hữu cũng tuân giữ các điều kiện nêu trên, đi viếng đền thờ Mồ Thánh tại Giêrusalem, hoặc đền thờ Giáng sinh tại Bêlem, hoặc đền thờ Truyền tin tại Nagiarét.
- Tại các khu vực khác, nếu các tín hữu hành hương về nhà thờ chính tòa hay các nhà thờ khác hoặc những nơi được Đấng Bản Quyền chỉ định, và nếu họ sốt sắng tham dự một buổi cử hành phụng vụ, hay một việc đạo đức nào khác, như đã ấn định ở trên cho thành Rôma ; ngoài ra, nếu họ cùng tập thể hoặc riêng tư đi viếng nhà thờ chính tòa hoặc một địa điểm hành hương được Đấng Bản Quyền chỉ định, và nếu họ dành một ít thời gian ở đấy để tham dự một suy niệm đạo đức, kết thúc bằng “Kinh Lạy Cha”, tuyên xưng đức tin dưới bất cứ hình thức hợp pháp nào, và cầu khẩn cùng Đức Trinh Nữ Maria.
- Ở bất cứ đâu, nếu người tín hữu dùng thời gian thuận tiện đi thăm những người anh em đang trong cảnh túng quẫn hoặc khó khăn (bệnh nhân, tù nhân, người già cả và cô độc, người khuyết tật, vv…), như thể họ làm cuộc hành hương về Chúa Kitô đang hiện diện nơi những con người đó (x. Mt 25,34-36), miễn là giữ những điều kiện thông thường, những điều kiện thiêng liêng, lãnh nhận bí tích và cầu nguyện. Các tín hữu thực tình muốn lặp lại những cuộc đi viếng trên trong Năm Thánh, thì mỗi lần đều có thể lãnh ơn toàn xá, dĩ nhiên mỗi ngày không quá một lần.
Cũng có thể lãnh nhận ơn toàn xá Năm Thánh nhờ những sáng kiến khơi dậy một cách cụ thể và rộng rãi tinh thần sám hối, vì điều này được coi như linh hồn của Năm Thánh. Ví dụ kiêng khem trọn một ngày những gì dư thừa (thuốc lá, rượu bia, giữ chay theo những chuẩn mực được các Giám mục ban hành) và giúp người nghèo một số tiền tương xứng ; đóng góp hữu hiệu vào những công trình mang tính cách tôn giáo hoặc xã hội (nhất là việc hỗ trợ trẻ em bị bỏ rơi, giới trẻ gặp khó khăn, những người già đang cần giúp đỡ, những ngoại kiều tại những nước họ đến để tìm những điều kiện sống tốt đẹp hơn) ; dành một phần thời gian rảnh rỗi phù hợp cho những hoạt động sinh ích lợi cho cộng đoàn, hoặc những hình thức hy sinh cá nhân tương tự.
Rôma, Tòa Ân Giải, ngày 29 tháng Mười Một 1998, Chúa Nhật I Mùa Vọng.
X William Wakefield Baum, Hồng y
Chánh Tòa Ân Giải
X Luigi De Magistris
Giám mục hiệu tòa Novensis, Chưởng Lý