Sa Mạc Tình Yêu

36

Nhắc đến sa mạc và tình yêu dường như chúng chẳng liên quan gì đến nhau. Một mặt, sa mạc thì khô khan và khắc nghiệt, mặt khác tình yêu thì lãng mạn và ngọt ngào. Thế nhưng khi chiêm ngắm mầu nhiệm Thập Giá Đức Giêsu Kitô, tôi khám phá ra rằng: Có một “sa mạc” đầy tình yêu. Chính nhờ Thập Giá mà sa mạc biến thành tình yêu và tình yêu trổ sinh hoa trái nơi sa mạc khô cằn.

Nơi khắc nghiệt nhất chưa hẳn là về sa mạc địa lý, nhưng đó là sa mạc ở nơi lòng người. Chúa Giêsu đã chấp nhận bước vào sa mạc ấy, nơi lối sống khô khan và lòng người chai đá của người Do Thái xưa. Thay vì loại trừ, ghen ghét thì Chúa Giêsu đã đi vào một con đường mới là Người đón nhận họ, sống giữa họ và lấy tình yêu mà cải hóa họ.

Sa mạc tình yêu lớn nhất là mầu nhiệm Thập Giá Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đã bước vào “sa mạc” tột cùng của thể xác. Người đã chịu hiểu nhầm, chịu sỉ nhục của bao người. Người chịu bao roi đòn của quân dữ cùng những giọt máu tuôn ra từ mão gai. Thân xác Người rã rời, kiệt sức chẳng còn hình dạng người đâu nữa khi trên vai vác một thánh giá nặng. Bao lần Người ngã xuống đất, xương cốt Người tan rã, nhưng vì tình yêu, Người tiếp tục đứng lên để vác lấy cả nhân loại mà đưa về cùng Chúa Cha. Nỗi đau thể các kéo dài cho tới trên cây thập giá.

Những dấu đinh nơi tay Ngài, chân Ngài và cả nơi cạnh sường cùng những tiếng thở yếu nhược của Người. Những gì Người đã làm, đã chịu tất cả nói lên rằng: “Ngài đã yêu đến tân cùng”.

Không dừng lại ở đó, Chúa Giêsu đã chấp nhận bước qua sa mạc của thể xác để đến với sa mạc Đức tin. Chúa Giêsu đã thốt lên cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”. Chúa Giêsu đã hòa mình vào cuộc sống của nhân loại. Người cảm thấy cô đơn và đau đớn như bao người khác. Bởi chính Chúa Giêsu cũng mang trong mình bản tính loài người. Người cũng muốn được xoa dịu nỗi đau, muốn được an ủi từ chính Chúa Cha. Nhưng mong muốn đó không thể mạnh bằng tình yêu của Người đối với Chúa Cha và nhân loại, Người đã chấp nhận bước vào sa mạc Đức tin để chứng tỏ cho nhân loại thấy Người đã yêu thương nhân loại đến cùng. Chúa Giêsu đã chẳng than van, oán trách nhưng đổi lại Người đã thông cảm, thấu hiểu, tha thứ và yêu cả những giới hạn của phận người với một lòng tin tưởng vào Chúa Cha.

Kinh nghiệm sâu xa nhất của Thập Giá đó là kinh nghiệm HỦY MÌNH RA KHÔNG. Đức Giêsu đã không còn nghĩ gì, giữ gì cho mình, Người đã từ bỏ tất cả, từ bỏ cả Ngôi Vị của mình, từ bỏ vinh quang, quyền lực, từ bỏ cái giàu sang để trở nên nghèo khó trong cuộc sống trần thế. Đức Giêsu đã chấp nhận bước vào sa mạc thân xác và cả sa mạc Đức tin, nhưng Người đã không chết ở đó mà làm cho sa mạc trổ sinh hoa trái. Người đã ôm lấy hết khổ đau, hết các vết thương tích, hết cả tội lỗi của nhân loại để đem đến cho nhận loại sự bình an, ơn chữa lành và ơn cứu độ. Hơn hết, Người đã giao hòa nhân loại với Chúa Cha và ban cho nhân loại được sống trong tình yêu và ân sủng của Người.

Bước đi theo Chúa trong linh đạo Mến Thánh Giá, nhiều lúc tôi đã tìm cho mình một con đường dễ dãi, một cuộc sống an nhàn hay cả những lúc tránh né thập giá thường ngày. Điều đó, chẳng cho tôi bình an đích thực. Kinh nghiệm cho tôi thấy rõ về con đường bình an và hạnh phúc nhất đó là khi tôi mở lòng ra để Đức Giêsu bước vào, để Người chạm vào và để Người biến đổi tôi. Đổi lại, bản thân tôi cũng phải can đảm để bước vào sa mạc cùng với Người. Bước trên những con đường trải thảm lụa, trải hoa hồng tôi chẳng thể nào tìm thấy được vết chân của Chúa hay nếu có thấy thì cũng là những vết chân mờ ảo mà tôi cố tìm theo cách suy nghĩ hay ơn Chúa ban cho tôi. Nhưng chính khi tôi bước vào sa mạc tình yêu tôi mới thấy dấu chân Chúa rõ nét. Nhờ đó, tôi cảm nhận được sức mạnh của tình yêu và những dấu chân chỉ cho tôi thấy tôi đang đi đúng con đường. Sa mạc tình yêu mà tôi đang muốn nói tới đó là những quà tặng hồng ân tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho tôi. Những khó khăn, gian nan, thử thách, cô đơn hay cả những hiểu lầm, tổn thương mà tôi phải chịu là cơ hội để tôi thăng tiến hơn trong hành trình ơn gọi thánh hiến. Đó là lúc làm cho tôi trưởng thành, lớn mạnh hơn trong đức tin và hơn hết là lúc tôi cảm nhận được Chúa Giêsu đang trong tâm hồn tôi. Chính Chúa Giêsu đã biến đổi sa mạc khô cằn trong tâm hồn tôi thành sa mạc tình yêu.

Sa mạc tình yêu là nơi giúp tôi lắng nghe được tiếng nói nhẹ nhàng của Đấng tôi yêu, là nơi giúp tôi đi sâu được vào trong sâu thẳm của tâm hồn, là nơi tôi được hòa mình vào trong đời sống của Chúa Giêsu, là nơi tôi được chìm sâu vào trong đại dương thương xót của Người và là nơi mời gọi tôi bỏ mình để vác thập giá theo chân Chúa nhờ đó mà sa mạc trong tôi cũng được sinh hoa trái. Kinh nghiệm sa mạc cũng đưa tôi đến kinh nghiệm hủy mình ra không, quên mình đi để nghĩ đến ích lợi của người khác. Nhưng quan trọng của việc quên mình trong tôi không phải là vì cái tôi của bản thân nhưng đó là quên mình trong đức ái đối với tha nhân. Tình yêu sa mạc cũng là kinh nghiệm thanh luyện cuộc đời tôi để nên giống Chúa Giêsu hơn, bằng cách tập đón nhận những biến cố trong cuộc đời như quà tặng của Chúa.

Là một tập sinh của Chúa, tôi luôn khao khát được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu hơn, luôn can đảm bước vào sa mạc để lắng nghe được tâm tình thổ lộ của Đức Kitô và cảm nhận được tình yêu sâu đậm của Đức Giêsu – Kitô chịu – Đóng – Đinh. Nhờ bước vào con đường sa mạc tình yêu. Tôi tin rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người.

                               Maria Bùi Thủy

Tập sinh Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức