Rồng không đánh nhau với Rắn

58

Rồng không đánh nhau với rắn, người khôn ngoan không tranh luận với kẻ tiểu nhân: Tránh rước hoạ vào thân!

Sống ở trên đời, không ít lần chúng ta gặp phải những lời tố cáo, phỉ báng, những rắc rối, tổn thương từ người khác, nếu cứ ăn miếng trả miếng, thì chúng ta cũng sẽ phải trả cái giá tương xứng.

Gây 1000 phần thương tích cho địch thì bản thân ắt cũng sẽ bị ảnh hưởng 800, bất kỳ sự trả thù nào cũng sẽ khiến bản thân tràn ngập năng lượng tiêu cực và khó có được hạnh phúc thực sự. Cách trả thù tốt nhất trên đời là sống tốt hơn kẻ địch của mình.

Không gây gổ với kẻ ác, không thù oán với kẻ xấu, tránh xa những cảm xúc tiêu cực, nỗ lực hoàn thiện bản thân, làm giàu nội tâm, sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại của bản thân chính là cách trả thù tốt nhất.

1. Đừng tính toán với kẻ tiểu nhân

Nhà văn Reshiram Dodo nói: “Khi ai đó chế nhạo bạn, bạn ngay lập tức nỗi giận cãi lại họ; khi ai đó coi thường bạn một cách vô lý, bạn ngay lập tức khinh thường lại người đó; ai đó khoe mẽ trước mặt bạn, bạn ngay lập tức chứng tỏ rằng bạn lợi hại hơn… Hãy nhìn xem, những người bạn ghét đã dễ dàng biến bạn thành người mà bạn ghét nhất rồi.”

Nếu bạn quá để tâm đến những kẻ tiểu nhân, bạn cũng sẽ bị vấy bẩn bởi những điều xấu xa, và từ từ biến bạn thành thứ bạn ghét.

Người khôn ngoan sẽ không bao giờ bị những cảm xúc tiêu cực chi phối, có câu “kẻ thức thời mới là chân quân tử”, họ hiểu rằng sống tốt cuộc sống của chính mình mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời này. Nếu chỉ vì nóng giận nhất thời mà lại đi dây dưa với tiểu nhân, lao tâm lao lực vào những thứ vô ích như thế thì bạn chỉ lãng phí thời gian, thậm chí tự rước tai họa vào thân mà thôi.

Thà cãi một trận với người có học, còn hơn nói một lời với “kẻ đầu tôm”. Gặp kẻ tiểu nhân thì nên tránh xa, nhẫn nhịn không phải là hèn nhát, mà là tránh chuốc họa vào thân. Rồng thì không đánh với rắn, sư tử thì không giành thức ăn với chó điên.

2. Đừng dây dưa với những chuyện vặt

Không có một cuộc sống nào là thập toàn thập mỹ. Học cách buông bỏ, không vướng bận vào những chuyện vụn vặt, mới có thể thoát ra được vũng bùn, trở thành một đóa sen tinh khiết, làm những điều ý nghĩa hơn, đón nhận một cuộc sống và phiên bản tốt hơn của chính mình.

Đời người có mấy cái 10 năm, tại sao phải phiền lo vì những điều nhỏ nhặt? Có thể trên đường đời bạn sẽ gặp phải những lời ra tiếng vào, những chiêu trò nhằm âm mưu kéo bạn xuống đáy bùn. Nhưng nếu bạn không góp thêm cho chúng năng lượng, cũng như không để tâm đến thì chúng nhất định sẽ không làm gì được bạn.

Đừng để tâm đến những phán xét của người khác, đừng cho phép bản thân bị vướng vào những những tấm lưới tiêu cực của xã hội, bạn xứng đáng được đối xử tốt hơn thế, chỉ cần bạn không cho phép thì tôi dám chắc không có bất cứ lời phán xét nào có thể đánh đổ được bạn. Hãy yêu bản thân và sống cuộc sống tuyệt vời của chính mình.

3. Một cuộc sống tươi đẹp là sự “trả thù” tốt nhất

Càng trải nghiệm, chúng ta càng hiểu rằng chúng ta sống để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn và sống một phiên bản tốt hơn của chính mình. Sống tốt và vui vẻ chính là cách trả thù tốt nhất trên thế giới.

Nhà văn, nhà thơ người Trung Quốc, Từ Chí Ma đã bỏ vợ mình là Trương Ấu Nghi vào năm 1922. Nhưng Trương Ấu Nghi vẫn chọn sống tiếp một cuộc đời tươi đẹp bằng sự phấn đấu của bản thân và trở thành một người phụ nữ mà Từ Chí Ma sau này không thể với tới.

Trước đó, Từ Chí Ma luôn tỏ ra lạnh nhạt với Trương Ấu Nghi, chế giễu cô là “đồ bánh bao đất”. Dù Trương Ấu Nghi có cố gắng thế nào, Từ Chí Ma vẫn không chút mặn mà.

Sau đó, Từ Chí Ma đã sa vào một lưới tình mới, mặc cho lúc đó Trương Ấu Nghi đang mang thai đứa con của anh nhưng Từ Chí Ma vẫn kiên quyết ly hôn với cô. Trương Ấu Nghi rơm rớm nước mắt hỏi: “Ly hôn rồi, đứa con trong bụng tôi làm sao đây?”

Từ Chí Ma nói: “Phá nó đi.”

“Nghe nói có người chết vì phá thai.”

“Ngồi xe lửa cũng có khi xảy ra tai nạn chết người vậy, nhưng người ta vẫn cứ đi xe lửa đó thôi.” Từ Chí Ma thờ ơ nói.

Trương Ấu Nghi hoàn toàn tuyệt vọng với Từ Chí Ma, nên đã ký vào thỏa thuận ly hôn và bỏ đi mà không thèm quay đầu nhìn lại.

Cô vực dậy tinh thần, tự học tiếng Đức, học tiếp lên đại học, sau này còn được mời làm phó chủ tịch ngân hàng. Dưới sự điều hành của cô, ngân hàng đó đã chuyển lỗ thành lãi và trở nên nổi tiếng trong ngành.

Trương Ấu Nghi đã dùng chính chí khí và sự chăm chỉ của mình để xé bỏ cái mác “người vợ bị bỏ rơi của Từ Chí Ma”, và sống một cuộc đời sống động, nhận được sự tôn trọng của thế giới, vượt xa tầm với của Từ Chí Ma.

Mong sao chúng ta học được cách buông bỏ quá khứ, tha thứ cho chính mình, đừng tiếp tục dây dưa với kẻ ác, đừng chấp nhất chuyện vụn vặt. Hãy làm việc chăm chỉ để tạo dựng cuộc sống của riêng bạn, sống một cuộc đời tươi đẹp và hạnh phúc. Đây là cách trả thù tốt nhất cho những người đã làm tổn thương chúng ta.

St