RIP

199

Trong tiếng Anh, RIP là từ viết tắt của “Rest In Peace”, tiếng Latin là “Requiescat In Pace” với ý nghĩa “yên nghỉ”, “an giấc” để cầu chúc cho những người đã qua đời.

Việt Nam ta thường nói: “Người chết, chỉ chết thật, khi người sống thực sự quên họ”.

Người ngoài cho rằng: “Các ngươi nghĩ con người sẽ chết đi khi nào? Khi ăn phải nấm độc, không!!! Khi bị đại pháo bắn vào, không!!! Con người ta chỉ chết đi khi bị quên lãng” (Dr. Hiruluk).

Thưa các bạn!

Mỗi người, dù muốn dù không đều phải chết. Mạnh mẽ hơn có kẻ còn bạo mồm bạo miệng quả quyết: “Kẻ sống sót trên chiến trường chỉ là những ‘kẻ mạnh’ và ‘thằng hèn’… Thực tế thì anh hùng luôn luôn chết”. Vậy, phải chăng người sống là ‘người sẽ chết’?

Hôm nay 2-11 cùng với toàn thể Giáo hội cầu cho các tín hữu đã qua đời. Ngẫm nghĩ sự đời, xem ra ‘người sẽ chết’ trở nên bình đẳng và gần gũi với ‘người đã chết’.

Bình đẳng’ vì đứng trước cái chết, mọi người đều như nhau và đều trở về tay không, chẳng mang theo được gì cũng như lúc vào đời tay không vẫn là tay không. Nếu có khác là mộ to mộ nhỏ do người sống làm cho người chết mà thôi.

Gần gũi’ trong niềm tin, hiệp thông và tình bác ái. Đặc biệt, ‘đã chết’ trong ơn nghĩa Chúa thì cầu bầu cho ‘sẽ chết’ còn đang chiến đấu tại thế, và ‘sẽ chết’ thì tưởng nhớ và cầu nguyện cho ‘đã chết’ đang phải thanh luyện và chờ đợi.

Theo giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Giáo Hội có ba thành phần: Giáo hội khải hoàn (chiến thắng), Giáo hội lữ hành (tại thế), Giáo hội thanh luyện (khổ đau). Ba Giáo Hội có sự liên kết, gắn bó và hiệp thông với nhau, gọi là mầu nhiệm Các Thánh Thông Công.

Thưa các bạn!

Ngồi nhìn chiếc lá rụng rơi theo cội nguồn… Lá rơi, lá rơi…” Ôi! nhìn lá vàng rơi ta nghĩ đến thân phận mình, nhớ đến những người thân yêu đã ra đi trước, và nghe đâu đó lời kêu cầu: “Xin hãy nhớ đến chúng tôi cùng”.

Nhớ’ đến người cũng là ‘nhắc’ đến ta. Nhắc đến làm gì? Nhớ tới làm chi? Phải chăng để ý thức hơn ‘sống’ làm sao cho nhẹ nhàng và thanh thản? Thưa để khi ‘thiệp đỏ’ của Chúa mời gọi, thì mọi người khóc thương ta, còn ta thì mỉm cười ra đi.

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Vâng, chỉ có con đường thẳng của nhân đức, quảng đại, bác ái… sẽ giúp ta giảm được ‘loanh quanh’ và bớt đi ‘mỏi mệt’, hầu có thể chết với Đức Ki-tô và sống với Người, như thánh Phao-lô nhắn gửi:

Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).

Xin Đức Ki-tô Phục Sinh là Đầu của Giáo hội thông truyền cho tất cả các chi thể là mỗi người chúng con được ơn can đảm, để có thể sống và chết trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Amen.

Lm. Thái Sơn