Ramadan: Cầu nguyện, ăn chay và trao đổi giữa các tôn giáo

78

Ramadan: Cầu nguyện, ăn chay và trao đổi giữa các tôn giáo

WHĐ (21.07.2012) / Vatican Radio – Cuối tuần này các tín hữu Hồi giáo từ Morocco đến Afghanistan sẽ bước vào tháng Ramadan khắc nghiệt nhất trong hơn ba thập kỷ qua, vào lúc bắt đầu tuần trăng mới. Đối với nhiều người, tháng cầu nguyện, bố thí và ăn chay này đang diễn ra vào thời gian nóng nhất trong năm.

Ramadan –tháng kỷ niệm sách Kinh thánh Hồi giáo (Thiên Kinh Coran) được mạc khải cho Muhammad– cũng là thời gian gia đình và cộng đồng đoàn tụ trong bữa ăn Iftar* để xả chay sau khi mặt trời lặn.

Mustafa Aydin Cenap là giám đốc của Học viện đối thoại liên tôn Tevere tại Roma. Ông nói rằng việc nhịn chay trong tháng Ramadan cũng mang chiều kích xã hội và có thể trở nên thời gian thuận lợi để hiểu biết hơn giữa các tôn giáo.

Là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ nơi người Hồi giáo chiếm đa số, ông nói rằng trải nghiệm Ramadan trong một quốc gia đa số là Kitô hữu như Italia đã giúp ông khám phá ra một khía cạnh khác của việc chay tịnh: “Ở đây tôi có thể chia sẻ thời khắc này với nhiều bạn bè thuộc những truyền thống khác nhau. Chẳng hạn tôi đã được các bạn Công giáo, Kitô hữu và Do Thái mời dự bữa ăn tối Iftar; trong bữa ăn chúng tôi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, và chia sẻ cho nhau thời khắc bình an và trao đổi giữa các tôn giáo”.

(Vatican Radio, 20-07-2012)

Minh Đức

––––––––––––––
* Ngày nhịn chay được chấm dứt bằng bữa ăn, tiếng Ả Rập gọi là Iftar; trong dân gian người Chăm Châu Ðốc gọi là taleh ơk với nghĩa chữ là cởi bỏ, giải toả nhịn chay; trong giới bình dân còn gọi nôm na là xả chay. Lễ thức Iftar được thực hiện bởi cá nhân, trong khung sinh hoạt gia đình hoặc tập thể trong cộng đồng.

Nguồn: WHĐ