Ra đi kiểu nào cũng cần dứt khoát, để rồi không phải hối tiếc. Bước chân đi cấm kỳ trở lại, cũng y như trong cờ tướng: Hạ thủ bất hoàn!
Mùa Thu đẹp nhiều vẻ, lại còn đầy chất lãng mạn. Mùa Thu có thể là khởi-đầu-sự-sống như cây cối thay lá để đâm chồi nảy lộc mới, nhưng mùa Thu cũng có thể là kết-thúc-sự-sống như lá vàng rụng xuống. Và người ta vẫn thường gom lá khô để đốt… Mùa Thu thường là cõi buồn, nhưng mùa Thu vẫn có thể là miền vui thực sự.
Trong bài thánh ca “Giọt Lệ Trong Lời Kinh”, Lm Ns Văn Chi có nhắc tới mùa Thu qua lời tâm sự: “Những mùa thu đã tới, những mùa thu qua đi. Con van xin Ngài làm con chiên ngoan đạo, dù những mùa thu héo hắt, góp từng cơn gió heo may, lá úa tàn theo gió bay… Những hạt kinh thắm thiết đắm chìm trong thu sang, mênh mông diệu huyền, là giấc mơ hiền hòa. Dù những mùa thu đến mãi, vượt qua cõi không gian, tiếng kinh con nguyện cầu là tâm tư đời hiến dâng”.
Ai cũng được Thiên Chúa cứu thoát khỏi vòng kim cô tội lỗi, được tái sinh, thế nên ai cũng phải hiến dâng trọn cuộc đời cho Ngài, khao khát Ngài không ngừng: “Con van xin yêu Ngài, làm con chiên ngoan đạo. Con van xin yêu Ngài, dù thu đến hay đi. Con van xin yêu Ngài, dù đời bao giông tố. Thu sang con nguyện cầu, nguyện dâng chút tình thơ”. Ước mơ đó cũng là lời đoan hứa, mà hứa rồi thì phải giữ trọn lời thề bằng mọi giá!
Những chiếc lá vàng rơi rụng đầy mùa Thu, gợi nhớ thân phận cát bụi rồi sẽ về cát bụi, chẳng chóng thì chầy, không ai tránh khỏi. Thấy người đi trước, nhớ mình sẽ đi sau, cùng theo nhau vào cõi vĩnh hằng.
Mùa Thu luân phiên và cứ nối tiếp nhau. Người ta càng nhiều tuổi đời thì càng trải qua nhiều mùa Thu. Ns Trịnh Công Sơn “nhìn những mùa thu đi” và thốt lên: “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng, và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng”. Chưa hết, ông còn tâm sự thêm:“Nhìn những lần thu đi, tay trơn buồn ôm nuối tiếc,… Gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè… Rồi mùa thu bay đi…”. Cái buồn liên quan sự đau khổ, cô độc, chết chóc,… Đó là sự-thật-minh-nhiên thôi!
Sự ra đi nào cũng có tiến độ khác nhau, với mức độ phức tạp riêng, mỗi cách mỗi vẻ…
● Một người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa, sau khi được Chúa Giêsu trừ quỷ và bắt quỷ nhập vào đàn heo 2.000 con khiến chúng lao xuống biển, anh ta “ra đi” và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh (Mc 5:1-20).
● Khi đi truyền giáo, Chúa Giêsu dặn các môn đệ rằng hễ nơi nào người ta tiếp đón thì ở lại, có gì ăn nấy chứ đừng đòi hỏi, còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ (Mc 6:11). Cách “ra đi” này hay thật đấy!
● Khi một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình, người Pharisêu tố cáo và muốn ném đá chị. Nhưng Đức Giêsu thản nhiên bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 2:7). Nghe Ngài nói vậy, mọi người cứ theo nhau “ra đi” có trật tự, người đầu bạc đi trước, kẻ tóc xanh theo sau. Họ “ra đi” trong âm thầm lặng lẽ vì biết mình “bẩn”, tội lỗi cũng lút cổ, ngập đầu, vì càng sống thọ thì tội càng chồng chất!
● Chúa Giêsu “ra đi” theo như lời đã chép về Ngài (Mt 26:24; Mc 14:21) vì lợi ích cho muôn sinh linh, còn ông Giu-đa “ra đi” để cấu kết với kẻ xấu làm điều khuất tất, rồi lại “ra đi” mà thắt cổ vì xấu hổ và mặc cảm!
● Ngày Phán Xét, những kẻ-không-xót-thương-tha-nhân “ra đi” để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính “ra đi” để hưởng sự sống muôn đời (Mt 25:46). Hai cách ra đi hoàn toàn khác nhau!
Phàm nhân thật phức tạp và tự mâu thuẫn: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19). Nhân loại là thế, yếu đuối và mong manh nhưng lại vô cùng nhiêu khê!
Theo Nho học (Việt Nho, chứ không Hán Nho), “con người” được gọi là “Thiên Địa chi đức, Âm Dương chi giao, Quỷ Thần chi hội” – con người là cái đức, là tinh hoa của Trời Đất, là nơi giao hòa của Âm Dương, và cũng là nơi gặp gỡ của Qủy Thần.
a. Con người là tinh hoa của Trời Đất nên con người linh hơn vạn vật, nhờ yếu tố vô biên là Thời gian nên có khả năng tiến hóa và trường tồn, thế nên con người được gọi là “nhân linh ư vạn vật”.
b. Con người là nơi giao hòa của Âm Dương hoặc Trời Đất, hai đối cực ở trạng thái cân bằng, nên con người phải tự lực và tự cường để giữ vị thế tự chủ, gọi là “nhân chủ”, và nhất là luôn giữ được thế cân bằng, nghĩa là nên biết “dĩ hoà vi qúy”.
c. Con người là nơi giao hội của Qủy Thần, thế nên con người rất dễ sa ngã. Muốn là tinh hoa của Trời Đất thì phải biết “vi nhân” (làm người), vì con người “đang hình thành” mà thôi, nếu bỏ “vi nhân” thì “lang sói” dành mất chỗ danh dự.
Chỉ có “Sự Thật” mới khả dĩ giải phóng chúng ta (Ga 8:32) để có được sự tự do đích thực, vì “Thiên Chúa là Thần Khí, ở đâu có Thần Khí thì ở đó có tự do” (2 Cr 3:17).
Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4:8 & 16), có Ngài thì không còn lo sợ bất cứ thứ gì, không phải “chạy theo” những “sự lạ”. Phép lạ vẫn xảy ra hằng ngày, nhưng người ta thích “khoe” được ơn này ơn nọ, chưa hẳn là vì thành kính mà loan báo về Chúa, đôi khi lại là một dạng “nổ” mà thôi! Bám giữ được Chúa Giêsu thì chẳng còn phải “phân tâm” chi cả, như Thánh Phaolô cảm nhận: “Sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1:21). Chết là lúc “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:30).
Thánh Phaolô rất an tâm khi xác định: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2:11). Khi có người từ biệt cõi đời, chúng ta thường nói là “được Chúa gọi về”. Sao lại buồn khi “được Chúa gọi về” chứ? Chết là “hân hoan về Nhà Cha” kia mà! Vậy thì chẳng có gì lo buồn mà phải “chia buồn” hoặc “thành kính phân ưu”. Thực sự có Chúa thì người ta luôn sẵn sàng “ra đi” trong sự Bình An của Đức Giêsu Kitô, dù sáng sớm hay chiều tối, bất kỳ lúc nào!
VIỄN DZU TỬ
Tháng Đại Xá Cầu Hồn – 2013