Quyền lực và hèn nhát

87

Quyền lực là một dạng “hàng hiếm” khiến người ta ưa thích đến nỗi có thể hóa mê muội. Có thể nó cũng như dạng ma túy làm cho người ta mau giàu và khiến người ta lâng lâng ảo giác. Chẳng vậy mà người ta tranh giành quyền lực, sẵn sàng bỏ nhiều tiền để “mua” cho được “cái ghế quyền lực”. Xã hội đã và đang cho chúng ta biết rõ về điều đó. Ngay cả trong tôn giáo cũng không loại trừ.

Thế nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó, lĩnh vực quyền lực cũng vậy. Albert Einstein (1879-1955, nhà vật lý lý thuyết người Đức đoạt giải Nobel Vật Lý năm 1921, nổi tiếng với công thức E = mc2) đã xác định: “Quyền lực luôn thu hút những kẻ không có đạo đức”. Thật đáng sợ vì quá nguy hiểm! Và ông còn cho biết thêm: “Nỗ lực kết hợp giữa trí tuệ và quyền lực hiếm khi thành công, mà có thành công cũng chỉ trong chốc lát”.

Mahatma Gandhi (Mohandas Karamchand Gandhi, 1869-1948, nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần dân Ấn Độ trong phong trào đấu tranh đòi độc lập của Ấn Độ dưới chế độ thực dân đế quốc Anh) phân tích: “Quyền lực có hai dạng. Một sinh ra từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt và một sinh ra từ những hành động yêu thương. Quyền lực dựa trên tình yêu hàng nghìn lần hiệu quả và lâu dài hơn quyền lực dựa trên sợ hãi”. Còn John Adams (1735-1826, tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ) giải thích: “Quyền lực luôn nghĩ rằng nó phụng sự Thiên Chúa nhưng thực tế thì nó lại vi phạm mọi lề luật của Ngài”.

Khi người mẹ với hai người con của ông Dê-bê-đê đề cập và xin chức quyền, Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:25-28; Mc 10:42-45; x. Lc 22:25-27). Rất rõ ràng. Thế nhưng có lẽ người ta chỉ coi đó là… “lý thuyết” mà thôi!

Người khỏe mạnh không muốn thể hiện “cơ bắp” của mình, người giỏi võ không thích khua múa, người có tài không muốn chứng tỏ mình,… Ngược lại, những kẻ “yếu bóng vía” lại luôn muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của mình vì sợ người ta biết “năng lực” của mình. Mọi lĩnh vực đều như vậy. Những kẻ “xài bằng giả” là rất thích kiểu như thế, và loại này nhan nhản ở Việt Nam ngày nay.

Quyền lực và sự hèn nhát có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhau, giống như hai thế giới hoàn toàn riêng biệt vậy, thế nhưng chúng lại rất “gần gũi” và “thân thiết” với nhau. Thế mới lạ!

Ngày xưa, vào dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, người ta thường ân xá cho một tội nhân theo thông lệ. Ông Philatô hỏi họ muốn tha Chúa Giêsu hay không, họ liền la to: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” (Ga 18:40). Baraba là ai mà được đặc ân bảo lãnh như vậy? Đó là một tên cướp khét tiếng. Một tên cướp khét tiếng vậy mà họ còn thương và quý hơn là Chúa Giêsu – dù chính Philatô đã hai lần xác định là Chúa Giêsu “không có tội gì” (Lc 23:4 và 22). Thật không thể tưởng tượng nổi. Quyền lực và sự hèn nhát đã rõ nét!

Sau đó, chính Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn. Họ hí hửng chụp lên đầu Ngài một vòng gai coi như vương miện, và khoác cho Ngài một áo choàng đỏ coi như long bào, và họ cùng mỉa mai: “Kính chào Vua dân Do Thái!”. Không chỉ vậy, họ còn vả vào mặt Ngài. Họ có mặt người mà dạ quỷ mới đối xử như vậy. Điều đó chứng tỏ rằng nhân vị và nhân phẩm của Ngài bị chà đạp, cả nhân quyền của Ngài cũng bị tước đoạt. Ông Philatô dẫn Chúa Giêsu ra ngoài để đám đông thấy Ngài không còn hình tượng một con người mà thương. Thế nhưng vừa thấy Ngài, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền la hét: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19:6).

Một lần nữa, ông Philatô lại khiếp nhược nên bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga 19:6). Một người nắm quyền trong tay và biết rõ bị cáo không có tội mà vẫn không dám tha thì quả là bất tài, vô dụng, ích kỷ, chỉ lo giữ “cái ghế quyền lực” của mình, chỉ muốn có lợi cho mình mà sẵn sàng chà đạp người khác. Đó là một dạng bóc lột, áp bức, không tôn trọng công lý. Những loại người như vậy có đáng tôn trọng? Người nắm quyền lực mà không đề cao nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, không lấy dân làm gốc, làm sao quốc thái dân an? Có quyền lực mà bất lực, hèn nhát!

Liên quan công lý, Kinh Thánh nhắn nhủ: “ĐỪNG gieo trên những luống bất công, kẻo phải gặt bất công gấp bảy lần” (Hc 7:3). Liên quan quyền lực, Kinh Thánh khuyên: “ĐỪNG xin Đức Chúa cho con quyền cao, ĐỪNG xin vua cho con chức trọng” (Hc 7:4). Liên quan sự hèn nhát, Kinh Thánh cảnh báo: “Khốn thay những tâm hồn hèn nhát, những bàn tay rã rời, và người tội lỗi lập lờ nước đôi. Khốn thay quả tim nao núng vì không tin tưởng: chính vì vậy nó không được chở che” (Hc 2:12-13).

Thiên Chúa nhân từ nhưng thẳng thắn, không thiên vị bất cứ ai, Ngài là sự thật nên nói thật chứ không nói đùa, như Ngài đã nói: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Đừng giả mù sa mưa hoặc giả ngây giả ngô theo kiểu Phi-la-tô mà nói: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38).

Có quyền thì có lực, nhưng để phục vụ và bảo vệ người khác chứ không phải để tạo vây cánh cho mình mà hành hạ người khác. Thiên Chúa bảo chúng ta “đừng sợ” bất cứ ai (St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Xh 20:20; Đnl 31:6; Is 7:4; Is 8:12; Is 10:24; Is 35:4; Is 37:6; Is 40:9; Is 41:10; Is 41:13-14; Is 43:1; Is 43:5; Is 44:2; Is 44:8; Is 51:7; Is 54:4; Gr 1:17; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Gs 10:25; Xp 3:16; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13;Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Cv 18:9; Kh 1:17-18;…). Có điều lạ là mệnh lệnh cách “đừng sợ” được đề cập 365 lần trong Kinh Thánh – với các sắc thái khác nhau, như vậy là suốt năm, mỗi ngày chúng ta có một mệnh lệnh “đừng sợ”.

Mệnh lệnh “đừng sợ” cũng có nghĩa là “đừng hèn nhát”. Hèn nhát là “chết yểu” – chết trước khi chết thật!

TRẦM THIÊN THU