Quay cóp trong lớp học – Chuyện nhỏ, chuyện lớn…

145

copGiữa muôn vàn chuyện vui buồn trong lớp học của các bạn tuổi trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ ai cũng nhớ đến chuyện “khó xử” trong các kỳ thi hoặc khi làm bài kiểm tra. Có một lúc nào đó, dù bạn đã học rất thuộc bài, nhưng khốn thay các câu chữ trong đầu như biến đâu hết! Thế là có bạn lại “táy máy chân tay”, lật vở ra hoặc liếc sang bạn bên cạnh cầu cứu. Thế mới có chuyện “phao” trong các kỳ thi và chuyện “chơi đẹp” (fair play) hay “hợp đồng tác chiến” giữa bạn bè trong lớp (chia bài hoặc các câu hỏi ra từng phần để học và chuyển cho bạn bè xem phần giải đáp nếu trúng vào phần mình “được phân công”). Có thể gọi đó là “cơn cám dỗ”, mà cũng có thể với nhiều bạn trẻ, đó là “sự tổ chức” khá tinh vi để mong vượt qua các môn học mà không phải lo học hành vất vả: Có bạn chép cả một cuốn tài liệu ôn thi thành “phim”mang theo ben mình, có bạn nữ sinh viết công thức tóan học khó nhớ trên… tà áo dài, có bạn “hiên đại” hơn sử dụng cả điện thoại di động để nghe nhắc bài(?)

Vì sao các bạn trẻ quay cóp? Từ suy nghĩ của các bạn trẻ, ta có thể biết được một điều: phần lớn họ cho rằng: quay cóp chẳng có gì xấu xa cả, bí quá thì làm liều thôi! Trong khi khó khăn, ai cũng phải biết vận dụng “tài lanh” của mình để sống còn, hoặc gặp bạn bè đang trong tình trạng nguy khó vì bài vở mà “giúp đỡ” một chút là việc làm hào hiệp, có gì là xấu xa đâu! Ngoại trừ một số rất ít cảm thấy “thích thú” vì đã đánh lừa được những giáo viên khó tính và đòi hỏi quá mức, phần lớn các bạn trẻ rất lo ngại từ những lần quay cóp ban đầu (như một hành vi bất chính), nhưng làm trót lọt vài lần thì hóa ra “quen” và không còn áy náy gì nữa, thậm chí họ còn có thể tự biện minh cho việc làm này là: tôi thấy ai cũng quay cóp cả, vậy thì làm gì mà phải bận tâm. Mình cũng như mọi người thôi!

Phải nhận định ra sao về chuyện quay cóp? Xét về bản chất tự thân của hành vi quay cóp, chúng ta có thể nói rằng đây là sự lường gạt và là chuyện lừa dối. Đây là chuyện không tích cực và gây hậu quả rất tai hại cho xã hội, nhất là việc đánh mất lòng tin giữa con người với nhau. Bởi thế trong các hệ thống luật pháp, hành vi lừa dối người khác được xem là một việc hay tội phạm pháp.

Nghe đến đây nhiều bạn trẻ phản đối rằng: việc tôi quay cóp đâu làm hại đến ai, cũng chỉ như là chuyện đánh bài, hên thì tôi hưởng, xui thì tôi chịu, chẳng có ai là nạn nhân của tôi cả, vậy thì việc gì phải quy kết trách nhiệm luân lý? Tất nhiên, chuyện quay cóp không thể xếp ngang hàng về mức độ “tội phạm” như các chuyện lừa gạt người khác để chiếm đoạt tài sản và để trục lợi, nhưng tự bản chất, đó là việc lừa dối người khác (thầy cô) vì mục đích không trong sáng nên là một chuyện xấu.

Nói về chuyện làm hại người khác hay về “nạn nhân” của việc quay cóp, trước mắt, chẳng ai thấy nạn nhân của hành động này cùng như tác hại của nó, nhưng về lâu về dài chính bạn trở thành nạn nhân của tính lười biếng và sư ngu dốt: bạn có thể vượt qua tất cả mọi bức tường cản của trường lớp bằng việc quay cóp và bạn có thể trở thành bác sỹ, kỷ sư, giám đốc này nọ trong tương lai, nhưng điều mà bạn được học hành chẳng bao giờ đọng lại trong bạn. Kiến thức mà bạn có được theo giấy trắng mực đen của các chứng chỉ hay bằng cấp mà không là thực tài của bạn sẽ làm tổn hại đến người khác sau này.

Có bạn sẽ ý kiến ngay rằng trong thực tế, thành công hay thất bại trong cuộc sống không phụ thuộc ở bằng cấp này nọ hay chuyện học hành trường lớp, nhưng tùy khả năng thích ứng của con người. Đúng vậy, khả năng thích ứng của con người là yếu tố quan trọng cho mọi thành công, nhưng khả năng ấy không đồng nghĩa với sự ma lanh hay giả dối. Mọi xã hội đều quan tâm đến việc đào tạo con người với khả năng tri thức thực thụ và kinh nghiệm thực tế để xây dựng cuộc sống (riêng và chung) ngày một tươi đẹp hơn.

Thông thường khi một toan tính cá nhân đụng phải rào cản của đạo đức hay luân lý xã hội, người ta thường nại tới hoàn cảnh để biện minh cho hành động của mình: “gặp thời thế thế thời phải thế!”. Bạn đừng nghĩ là tất cả mọi người đều quay cóp như “phong trào”, vì có những bạn rất nghiêm túc, hầu như suốt quảng đời học sinh, họ không bao giờ quay cóp. Phần lớn đó là những bạn học khá và giỏi. Tuy vậy ta cũng không thể nói rằng các bạn gặp khó khăn trong học tập sẽ quay cóp nhiều hơn. Thực tế cho thấy việc quay cóp hệ tại vào chính sự lựa chọn có tính chất luân lý của bản thân mỗi người dựa theo các chuẩn mực đạo đức, vào tính trung thực, tự trọng và trách nhiệm tôn trọng công bằng và lợi ích của người khác, như ý kiến của một nhà nghiên cứu về giáo dục- Marcello Dei (Milano). (Ông đã làm một nghiên cứu với 2084 học sinh bậc phổ thông và trung học tại 15 thành phố khác nhau ở Italy vào năm 2004. Kết quả cho thấy mức độ quay cóp như sau: thường xuyên: 23,5%; thỉnh thoảng: 40%; ít khi quay cóp: 27%; không bao giờ: 9%; không trả lời:5,3%. Ý kiến của bạn trẻ về mức độ tai hại của việc quay cóp cùng khác nhau. Có một điều đáng ngại là con số các bạn trẻ với ý kiến cho rằng việc này không đáng chê trách đã gia tăng: năm 2002-64% và năm 2007: 84%. Việc gia tăng ý kiến này có liên quan đến tình trạng “luân lý cá nhân theo chủ nghĩa tương đối”. Ông đã lên tiếng kêu gọi các nhà làm luật vào cuộc với hy vọng việc xử phạt có thể ngăn chặn tệ nạn này). Bạn trẻ thân mến ơi! Hãy khởi sự tương lai của mình bây giờ với việc chuyên cần học hành và với niềm tin là mình có khả năng vươn tới tương lai bằng chính sức lực của chính mình, hơn là chơi trò may rủi, hay “bí quá thì làm liều”. Chúng ta đôi khi lừa dối người khác vì nhiều lý do hoặc lợi ích riêng nào đó hoặc vì “hoành cảnh”, nhưng lừa dối chính mình mãi thì không thể được. Ai không tin vào chính bản thân mình hay tự lừa dối mình là đã thất bại một nửa rồi! Sự thành công luôn đòi hỏi nhiều nỗ lực và phải trả một giá nào đó từ chính bạn. Hãy can đảm mà tiến bước.

Lê An Phong, SDB

(Có tham khảo các số liệu từ nghiên cứu của Marcello Dei trong tạp chí Studi di Sociologia số 4, năm 2007, Trường Đại học Công Giáo Sacro Cuore, Milano.)