HOẠT ĐỘNG Truyền giáo Quần Đảo Hà Tiên – Vùng Truyền Giáo Rộng Mở

Quần Đảo Hà Tiên – Vùng Truyền Giáo Rộng Mở

Nhà nguyện Hòn Tre

 

Quần đảo Hà Tiên hay còn gọi là quần đảo Hải Tặc nằm giữa vùng biển từ thị xã Hà Tiên đến Phú Quốc, với diện tích đất nổi 1100 ha, gồm 16 hòn đảo nằm gần nhau, cách bờ biển Hà Tiên 30km và cách đất liền 18km.

Trong 16 hòn đảo thì chỉ có 3 đảo : Hòn Tre, Hòn Giang và Hòn Đước là có dân cư sinh sống. Dân số thống kê năm 2013 của cả 3 đảo là 2700 người. Nét đặc trưng về tôn giáo của các đảo này là chỉ có đạo Công giáo : Hòn Tre có 260 giáo dân, Hòn Giang và Hòn Đước có 250 giáo dân ; còn lại hầu hết là bà con lương dân theo đạo ông bà. Với môi trường xung quanh là biển cả, là rừng cây, con người nơi đây sống hiền hòa, bình dị ; rất nhiều người đang mong ước được biết Chúa và được gia nhập đạo. Vì thế, quần đảo Hà Tiên thực sự là một vùng truyền giáo rộng mở.

Tìm lại nguồn gốc ban đầu của hạt giống Tin Mừng thì được biết vào năm 1953, có hai gia đình Công giáo từ Phú Quốc đi đánh cá, giạt vào Hòn Giang và định cư tại đây. Theo thời gian, nhiều ngư dân từ các nơi, có cả những tín hữu, tiếp tục đến sinh sống tại Hòn Giang, rồi Hòn Đước, Hòn Tre. Năm 1957, các cha thừa sai Paris đặt chân đến Hòn Giang. Các ngài củng cố bà con giáo dân và truyền giáo cho lương dân. Số tín hữu được gia tăng. Các cha đã dựng một nhà nguyện nhỏ cho giáo dân có nơi thờ phượng. Năm 1964, nhận thấy Hòn Tre phát triển mạnh về nhiều mặt, nhất là số tín hữu ngày càng đông, phía Nhà Nước cũng đã đầu tư về cơ sở hạ tầng, nên các cha thừa sai đã dựng nơi đây một nhà nguyện riêng. Sau đó, các cha thừa sai rời các đảo, để lại bà con giáo dân tự nâng đỡ đời sống thiêng liêng cho nhau. Sau các cha thừa sai, cũng có 2 cha được giáo phận cắt cử phụ trách các đảo, nhưng do kiêm nhiều công việc, lại thêm sức khỏe không tốt, có khi một năm các ngài mới ra đảo dâng lễ một lần. Vì thế, theo năm tháng, với cuộc sống khó khăn giữa mênh mông biển cả, do thiếu thốn sự hướng dẫn tinh thần, bà con giáo dân đã không còn thuộc kinh, ngay cả kinh Lạy Cha, Kính Mừng, cũng như không còn biết thưa đáp, hát xướng trong thánh lễ nữa.

Năm 2011, cha Giuse Trần Đình Lợi được bài sai đến làm cha phó giáo xứ Hà Tiên, giáo phận Long Xuyên. Ngài đặc biệt quan tâm đến bà con giáo dân và lương dân tại 3 hòn đảo. Nhà nguyện Hòn Giang lúc này đã mục nát, gạch vữa đã vỡ vụn. Trên diện tích cũ, Cha đã xây sửa nhà nguyện để bắt đầu củng cố lại đời sống đạo cho giáo dân. Nhà nguyện Hòn Tre cũng đã dột nát, chật hẹp, không đủ chỗ cho bà con đến dâng lễ, cha Giuse cũng đang cố gắng xây dựng lại. Hàng tuần, vào thứ 7, Chúa nhật, dù biển lặng hay giông bão, cha cũng cố gắng ra đảo để dâng lễ trong 2 nhà nguyện, dạy kinh, dạy giáo lý và thăm bà con lương, giáo. Có đồng hành với cha một ngày trên sóng nước, băng ngang rừng thăm các đảo mới thấy được tấm lòng của người mục tử không ngại bao gian khó vì đoàn chiên. Có lẽ nhờ tấm lòng ấy mà hiện nay đời sống đạo của giáo dân rất sốt sắng, dù câu kinh, lời hát vẫn còn “chập chững”.

Nhà nguyện Hòn Tre
Nhà nguyện Hòn Tre
Nhà nguyện Hòn Giang
Vũng nước ngọt quý giá của bà con 3 hòn đảo

Tìm hiểu đời sống bà con trên các đảo mới biết một trong những lý do quần đảo Hà Tiên chỉ có 3 đảo có dân cư sinh sống là do vấn đề nước ngọt. Hòn Giang là nơi đầu tiên có dân cư, rồi đến Hòn Tre, Hòn Đước. Mùa mưa thì người dân hứng nước mưa để dùng, mùa nắng thì cả ba hòn đảo đều trông chờ nước từ một cái vũng có nước ngọt từ trên núi rỉ xuống, đục ngầu. Người dân nơi đây đã nhiều lần đào giếng, khoét sâu cái vũng, nhưng lần nào nước mặn cũng nhiễm vào. Cũng vì không có nước ngọt nên bà con không thể trồng rau củ quả. May mắn, Hòn Tre phát triển mạnh nên đã được Nhà Nước xây dựng một bồn lớn chứa nước cho người dân sử dụng trong 6 tháng mùa khô.

Nhìn những đứa trẻ đen nhẻm vì cháy nắng, ai cũng sẽ quan tâm đến việc học hành của các cháu. Tại Hòn Tre đã có trường cấp I, II. Cấp I có 156 em và cấp II chỉ có khoảng 40 em. Hòn Giang và Hòn Đước nhỏ bé hơn nên chỉ có trường cấp I. Gọi là trường, nhưng thực tế học sinh chỉ vỏn vẹn vài chục em và chỉ có…một thầy giáo. Từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi lớp có 4-5 em, các em học chung trong một phòng học, thầy giáo dạy mỗi “lớp” khoảng 15-20 phút thì đến “lớp” khác. Phần lớn bà con và trẻ em tại các đảo không quan tâm đến việc học tập. Các em đa số học hết cấp I thì nghỉ để theo cha, theo anh đi biển.

  Trẻ em tại Hòn Giang

Cha Giuse Trần Đình Lợi (cầm máy ảnh)

Đi thăm 3 hòn đảo thì chỉ có Hòn Tre là có một trạm y tế và cũng chỉ có một bác sĩ. Vì thế, việc chăm sóc sức khỏe cho bà con cũng là một nhu cầu cấp bách.

Quần đào Hà Tiên mang nét đẹp hoang sơ với bãi biển dài, rừng cây che phủ, ghềnh đá nhấp nhô. Con người nơi đây đơn sơ, chất phác, nồng nhiệt đón tiếp mọi người từ đất liền ghé thăm. Một lần được gặp gỡ bà con giáo dân trên đảo, được lắng nghe những ước mong về đời sống thiêng liêng ; một lần được nhìn ngắm “vùng truyền giáo” với bao người chưa nhận biết Chúa, chắc hẳn người tín hữu nào cũng sẽ được đánh động để nguyện cầu cho họ và cho công cuộc loan báo Tin Mừng của những người đang và sẽ dấn thân đến với những hòn đảo này.

Nt.Têrêsa Thanh Hằng (MTG Thủ Đức)

 

 

 

 

Exit mobile version