HOẠT ĐỘNG Truyền giáo Quần đảo Hà Tiên – Một góc trong tâm hồn

Quần đảo Hà Tiên – Một góc trong tâm hồn

Áp nhẹ chiếc vỏ ốc mà các em thiếu nhi tặng lên vành tai, những âm thanh đặc biệt như tiếng gió lùa hay tiếng sóng biển làm tôi nhớ quần đảo Hà Tiên tha thiết. Quần đảo Hà Tiên hay còn gọi là quần đảo Hải Tặc, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Trong 16 hòn đảo thuộc quần đảo Hà Tiên, người dân cư ngụ nhiều nhất ở Hòn Tre, Hòn Giang và Hòn Đước. Trong hành trình đến với đảo xa, đoàn truyền giáo “Hải Tặc” chúng tôi được ghé thăm Hòn Tre và Hòn Giang. Đây là chuyến đi xa có ý nghĩa nhất đối với tôi, vì không phải tôi đi du lịch mà là đi phục vụ như lời Thầy Giêsu nhắn nhủ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Đáp lại lời mời của Cha Giuse Trần Đình Lợi, cha phó giáo xứ Hà Tiên, quý dì và chị em chúng tôi hân hoan lên đường, hướng về vùng truyền giáo xa xôi với mong muốn đóng góp một chút khả năng của mình cho kế hoạch tổ chức đêm diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh tại đảo Hòn Tre.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân lên đảo là những ánh mắt hân hoan xen lẫn hiếu kỳ của người dân đón chào chúng tôi. Làn gió biển như một dải lụa lướt nhẹ qua mặt tôi, mang theo vị mặn mà của biển và mùi tanh tanh của cá. Hòn Tre mang một vẻ đẹp hoang sơ vì chưa được khai thác du lịch biển. Quang cảnh trên đảo hiện ra trước mắt tôi đẹp như một bức tranh : Núi non hùng vĩ, nước biển xanh trong soi bóng hàng dừa duyên dáng. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước công trình kỳ diệu của Chúa.

Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là vấn đề khan hiếm nước ngọt. Mùa mưa, người dân tích trữ nước mưa, nhưng chủ yếu để dành cho việc nấu nướng. Còn những sinh hoạt khác, bà con vẫn sử dụng nước từ một hồ chứa nước ngọt trên đảo. Nước ngọt ở đảo mang một màu vàng đục chứ không trong như nước ở đất liền. Ấy thế mà bao thế hệ vẫn lớn lên nhờ nguồn nước quý giá ấy. Đa số bà con sống trong những ngôi nhà được ghép tạm bằng những ván gỗ men theo bờ biển. Cư dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nuôi cá, làm cá khô… Sự gắn bó hài hòa giữa con người với thiên nhiên đã phú cho người dân nơi đây bản tính hiền hòa, bình dị. Họ nghèo, nhưng cái nghèo không lấy đi niềm vui yêu đời ; không lấy đi nét hồn nhiên, tinh nghịch trên ánh mắt trong veo và đôi môi luôn nở nụ cười của các em thiếu nhi.

Theo như tôi được biết, dân số thống kê của 3 đảo Hòn Tre, Hòn Giang và Hòn Đước là trên 2000 người, nhưng chỉ có khoảng 500 giáo dân, còn lại là bà con lương dân. Tôi nhận ra một điều : Nơi đây thực sự là một cánh đồng truyền giáo rộng mở. Rất nhiều người mong muốn được hiểu biết thêm về đạo và gia nhập đạo.

Bước chân vào vùng đất truyền giáo, tôi thực sự thấy mình nhỏ bé và đầy giới hạn. Tôi có thể cho đi điều gì bây giờ ? Mười hai ngày là khoảng thời gian ngắn ngủi tôi có để tập múa, tập kịch cho các em. Ngày nào cũng vậy, buổi sáng tập kịch ; chiều và tối tập múa, tập hát. Các em đã cùng chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, đêm canh thức mừng Chúa Giáng Sinh diễn ra tốt đẹp và sốt sắng với sự hiện diện của giáo dân lẫn lương dân.

Tiếp xúc với các em, tôi được biết việc học hành của các em còn nhiều trở ngại. Hầu như em nào cũng cố gắng học hết cấp hai rồi nghỉ học phụ giúp gia đình. Mỗi lần nhìn ngắm những đứa trẻ đen nhẻm, láu lỉnh, vô tư nơi biển đảo thiếu thốn này, tôi chợt chạnh lòng. Tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cầu nguyện thật nhiều và tranh thủ những giây phút rảnh rỗi chơi đùa cùng các em. Còn gì vui hơn khi cùng các em đi thăm người nghèo, tay trong tay trò chuyện vui vẻ, hết thổi sáo đến chơi nhảy dây, chơi đá banh rồi đi tắm biển… Ôi nhớ quá, Hòn Tre thân yêu ! Tôi nhớ những lần cùng các em đi bắt ốc, hái bông lau trong buổi chiều lộng gió. Tôi nhớ sự nhiệt tình của các em khi giúp chúng tôi quét dọn nhà thờ, trang trí hang đá ; nhớ buổi sáng nên thơ ngắm mặt trời mọc, nhớ tiếng sóng vỗ về theo tôi vào giấc ngủ, nhớ cả mùi tanh của bùn trong nước…

Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, chuyến đi nào cũng đến hồi kết thúc, tôi về lại Nhà Dòng mang theo những hình ảnh thân quen : Cha Giuse Trần Đình Lợi, một người cha đầy nhiệt huyết vì đàn chiên của mình. Cha nghiêm nghị nhưng đầy tình cảm và dí dỏm qua những bài giảng thực tế, gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân. Cô Ba, Dì Năm lúc nào cũng tất bật với công việc bếp núc để lo cho chúng tôi có bữa cơm ngon, thấm đượm tình cảm gia đình. Ông Hai đã lớn tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh với đôi mắt sáng và nụ cười hiền hậu. Chú Thanh vui tính, nhiệt tình. Chú Bình chu đáo trong việc giúp chúng tôi phần âm thanh, máy móc mỗi khi duyệt chương trình. Chú Thắng có lòng hiếu khách, mời chúng tôi đi thăm bè cá bằng được mới thôi. Chị Linh là cô thợ may đơn sơ, chăm chỉ. Trang phục văn nghệ có gì chưa ổn đều nhờ vào bàn tay khéo léo của chị. Dì Mười chẳng ngại bỏ thời gian, công sức đưa quý dì và chị em chúng tôi đến với người nghèo ; giúp chúng tôi trang trí hang đá, cắm hoa nhà thờ.

Một điều khá thú vị mà tôi không thể quên, đó là một lần chị em chúng tôi đi từ Hòn Tre sang Hòn Giang bằng một chiếc ghe nhỏ giữa lúc biển động, gió thổi mạnh. Mặc dù chú Thanh là “tay lái lụa” nhưng tôi vẫn sợ. Chiếc ghe chao đảo theo những đợt sóng lớn. Chú Điền nhoài người ra sau với lấy chiếc bàn che chắn cho chúng tôi khỏi ướt. Tôi thi cố nắm chặt lấy gấu quần của chú. Tôi thà bị ướt chứ không muốn chú nhúc nhích. Để xua tan nỗi sợ của các “sơ nhí”, chú luôn cười và động viên chúng tôi cứ an tâm. Nghĩ lại, tôi vừa buồn cười vừa xấu hổ nhưng lúc đó, tôi bỗng hiểu tại sao các môn đệ lại kém tin khi đối diện với sức mạnh thiên nhiên. Biết là có Chúa trên thuyền nhưng các ngài vẫn sợ hãi trước cảnh biển gào sóng thét. Đức tin của con người là hồng ân của Thiên Chúa nhưng đức tin ấy cũng cần được nuôi dưỡng và củng cố bằng những thử thách.

Tôi cảm tạ Chúa, cảm ơn cha Giuse, cảm ơn Hội Dòng đã cho tôi- một thanh tuyển sinh chẳng có khả năng gì đặc biệt, được góp một phần nhỏ vào chuyến đi truyền giáo đáng nhớ này. Khoảng thời gian ngắn ngủi gắn bó với đảo đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Tôi xin mượn lời thơ của nhà thơ Chế Lan Viên để bày tỏ tâm tình của tôi :

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn !”

Biết nói sao bây giờ, mới ngày đầu tiên đến đảo với nhiều cái lạ lẫm, nơi ấy chỉ đơn giản là nơi ở tạm thời để chúng tôi thực hiện kế hoạch của mình. Thế mà đến khi ra đi, nhìn hòn đảo nhỏ dần rồi mất hút phía chân trời xa xa, cảm giác lưu luyến không muốn rời cứ theo tôi mãi. Rất nhanh, chỉ một thoáng xao xuyến trong lòng, tôi bỗng nhận ra : Biển đảo Hà Tiên đã hóa thành một góc nhỏ trong tâm hồn mà tôi không thể nào quên.

                                                                                 Têrêxa Kim Phụng

                                                                    Thanh tuyển sinh MTG. Thủ Đức

Bấm vào đây để xem hình ảnh

Exit mobile version