Quà tặng

QUÀ TẶNG

Lm. Vũ Đình Tường

Tôi thích được quà tặng, nó cho tôi niềm vui, nó biểu hiện tình người, tình được cụ thể hóa qua tặng vật của tôi. Quà tặng càng quý, tình càng bao la, sự chia sẻ càng nhiều. Xin xác địn món quà quí chưa chắc đã đắt tiền. Món quà quý nhất là tặng cho nhau tình yêu. Trao tặng cho nhau cuộc đời là món quà quý nhất, cao cả nhất. Con người không tổ chức đình đám, long trọng để đón quà tặng, ngoại trừ món quà tình yêu. Người ta hân hoan vui sướng đón nhận cuộc đời được trao tặng cho nhau. Những gì của em sẽ là của anh, những gì của anh sẽ là của em

Tôi thích được tặng quà nhất là trong những dịp đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mua nhà mới, thoát nạn. Quà tặng đi chung với tin vui. Nó là dấu chỉ của tình thương, chia sẻ và nâng đỡ nhau. Tôi cho quà tặng chính là dấu chỉ của hoà bình. Kẻ thù không tặng quà nhau. Người xa lạ không tặng quà nhau (ngoại trừ những hội từ thiện làm việc bác ái theo tinh thần Kytô hữu, hay tình đồng loại), chỉ bạn bè, thân thuộc trao tặng nhau những món quà tình nghĩa vơi đầy.

Tặng quà không làm người tặng nghèo đi, chia sẻ tin vui không làm giảm tin vui mà trái lại làm giàu thêm, vui hơn. Những lời chúc mừng tán tụng, là những điều bạn bè chia sẻ cho nhau trong cuộc sống. Chính những điều này làm tăng niềm vui, làm cho cuộc đời có ý nghĩa hơn. Đời sống được tô điểm bằng những lời khen nồng ấm, những câu nói tình nghĩa diển tả tấm thịnh tình. Tặng quà cho nhau không bao giờ thiệt thòi. Cá sống nhờ nước. Cuộc đời vui nhờ tình, hay đúng hơn đời, sống nhờ tình. Cho nhau món quà vật chất là nhận lại món quà tình yêu. Cho đi là nhận lãnh, là biến vật hữu hình thành vật vô hình. Tình yêu không thể buôn bán. Tình yêu thật phải phát xuất từ con tim chân thật. Tình yêu trao tặng là tình yêu được cụ thể hoá bằng những tặng vật. Nhìn những tặng vật để nhớ đến nhau. Một cánh thư, một món quà nhỏ, một lời nói vui tươi đều để lại trong tim óc tôi những cảm giác rạo rực, thiết tha. Cầm cánh thư trong tay như cầm lấy tình bạn vỏn vẹn trong mấy hàng chữ nhưng diển tả được bao cảm xúc thân thương, nối chặt vòng tay thân thiết.

Cuộc đời tôi được Thượng đế trao tặng biết bao quà. Món quà duy nhất tôi luôn mang theo, nó nhắc nhở đến người trao tặng tôi. Tôi không nhận nó, nhưng nó nhận tôi. Bây giờ nó biến thành kỷ niệm để tôi hãnh diện khoe với người thân. Bạn có biết tôi được tặng gì không ? Một kỷ vật của ngày xưa. Cái thẹo dài nằm sóng sượt trên đùi. (Tôi dùng chữ “quà tặng” không mang ý nghĩa Chúa gởi đau khổ đến cho tôi, Chúa không gởi đau khổ đến cho ai, nhưng cho phép đau khổ xảy đến cho nhân loại.) Mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến người đã cứu sống tôi. Cám ơn Chúa vì Ngài đã cứu mạng con. Kỷ vật của yêu thương Chúa đã để ‘dịp đó’ khắc vào tấm thân con. Một số bạn bè cho rằng, tôi sống được là phép lạ. Kẻ khác cho là may mắn, gặp hên. Lúc đầu tôi nghĩ là Chúa ghét tôi. Tôi chẳng bao giờ hiểu được câu ‘thương cho roi cho vọt’. Trừng phạt làm sao đi đôi với tình yêu được. Nếu Chúa thương tôi Ngài đã chẳng để tôi thương tích, Ngài chẳng để tôi đau khổ. Không mấy ai thích được món quà như tôi vừa kể. Tôi chẳng sung sướng gì khi lãnh nhận nó. Cha mẹ, họ hàng tôi mừng rỡ. Chẳng phải họ thích vì tôi được lãnh thẹo. Họ thích thú vì tôi còn sống sót. Họ cho rằng Chúa cứu mạng tôi. Tôi phải chấp nhận vì không tránh được. Nghe người nhà nói thì tôi tin rằng Chúa cứu tôi. Đầu óc non nớt của tôi không hiểu được gì cả. Còn tim tôi, con tim mềm yếu dễ ngã quỵ trước đau khổ. Con tim không chấp nhận món quà Chúa trao tặng.

Lớn lên tôi hơi hiểu câu ‘thương cho roi cho vọt’. Muốn con nên người phải dạy dỗ. Huấn luyện luôn luôn là một cực hình. Có uốn nắn là có thay đổi. Có uốn nắn là có đau thương. Nhờ đau thương mà thay đổi để tốt hơn. Cám ơn tiên tri Jeremia, người đã mở đường, dẫn lối để tôi hiểu việc Chúa làm (Jer. 18: 1-6) Trong giấc mộng, tiên tri thấy Chúa như người thợ nặn bình. Cuộc đời tôi nằm trong tay Chúa như nắm đất nằm trong tay người thợ. Chúa tạo dựng tôi tuy đẹp, tuy toàn diện, nhưng Chúa cũng nắn sửa tôi cho hợp ý Ngài. Phải chăng cái thẹo kia chính là Chúa trao tặng để tôi có dịp làm đẹp ý Chúa. Thế thì quả Chúa thương tôi. Có thể Chúa dựng nên tôi đẹp, toàn hảo, nhưng những ngày trần thế biến đổi con người tôi. Tôi không còn như lúc mới sanh. Bụi trần đã bám quanh tôi và tôi cần tắm gội trong tình thương Chúa. Vết thẹo kia chính là dấu chỉ của tình thương.

Tôi thầm cầu cùng Chúa – Chúa ơi ! Con biết con yếu đuối, làm điều sai lầm và thích thú trong công việc ấy. Con muốn sửa để tránh sai lầm. Tránh điều lỗi hay là học từ điều lỗi để đi đến điều ngay. Con không sợ bị Chúa sửa sai, nhưng con sợ cách Chúa sửa sai. Con biết Chúa quyền phép nhưng con thích Chúa sửa con hơn là người đời sửa con. Chúa quyền phép nhưng Chúa điều khiển được việc Chúa sửa dạy. Chúa cầm cân nẩy mực và đo lường việc Chúa làm. Còn người đời không đo lường được mức sửa phạt của họ. Đối với Chúa, con không sợ chi vì Chúa làm vì thương. Đối với đời con có nhiều điều đáng sợ.

Đối với đời: Con không sợ bị người đời phạt, nhưng con sợ cách thức họ phạt. Con không sợ bị ăn mày, nhưng con sợ cách họ bố thí. Con không sợ sỉ vả, nhưng con sợ cách sỉ vả và nơi bị chửi.

Đối với Chúa: Con không sợ cầu nguyện, nhưng con sợ những giờ cầu kinh khô khan. Con không sợ nghe giảng, nhưng con sợ không hiểu bài giảng. Con không sợ đi lễ, nhưng con sợ không thấy niềm vui. Con không sợ học hỏi để biết Chúa, nhưng con sợ cách giải thích của các thần học gia. Con không sợ hiến thân phục vụ anh em, nhưng con sợ bị anh em hiểu lầm.

Như nắm đất sét nằm trong tay người thợ, đời con nằm trong tay Chúa. Nếu đời con cần phải uốn nắn, xin Chúa hãy ra tay, xin đừng ủy thác cho người đời. Con biết con yếu đuối. Con cũng biết Chúa thương kẻ yếu đuối.

Vết thẹo không phải là món quà quý nhất Chúa tặng tôi. Món quà quý nhất Chúa tặng tôi lớn hơn trí tôi có thể tưởng tượng được. Tôi nhận lãnh trong run sợ, ngỡ ngàng. Càng nhìn món quà càng sợ hãi. Chúa trao tặng tôi chính Ngài,

‘Này là mình Ta các con hãy cầm lấy mà ăn’. ‘Ta sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế’. ‘Thiên Chúa thương con người nên đã sai Con Một Người xuống thế’. Jn 3:16 ‘Ta là bánh hằng sống.’ Jn 6:35

Trao tặng cho nhau cuộc đời là món quà trọn hảo nhất. Không còn món quà nào cao giá hơn là tặng cho nhau cuộc đời. Một món quà quý giá, cao cả, đầy ý nghĩa. Một hy sinh trọn vẹn và là tuyệt đỉnh của tình yêu. Người ta bảo Chúa Giê-su chết như là giá cứu chuộc nhân loại. Riêng tôi, tôi cho rằng Chúa Giê-su chết như là món quà Ngài trao tặng Chúa Cha. Rồi chính món quà đó Chúa Giê-su trao tặng tôi. Cuộc đời Chúa trao tặng con để trở thành bánh hằng sống nuôi con. Một câu nói dễ thương, chan chứa tình phụ tử:

‘Đây là mình Ta, con hãy cầm lấy mà ăn’.

Chúa chết để cho con được sống. Chúa chịu khát để con được uống hả hê trong dòng suối mát trong,

‘Đây là máu Ta, con hãy cầm lấy mà uống’.

Chúa hy sinh để con được sống.

“Đây là mình Ta, đây là máu Ta”.

Chính mình, máu là sự sống, nguồn sinh lực nuôi con sống. Món quà nào cao cả hơn là tặng cho nhau sự sống. Chúa tặng chính Chúa cho con. Con biết lấy gì tặng lại Chúa ? Trí khôn, tài năng, không xứng với quà tặng. Món quà Chúa trao con quá vĩ đại. Món quà con trao Ngài quá nhỏ, không xứng đáng trong việc cho nhau tình yêu. Chúa ơi, con cho Ngài tất cả những gì con có nhé. Đây, tấm thân con. Chúa cho con đời Chúa, con cho Chúa đời con. Nếu đời Chúa là quà tặng cho con. Đời con cũng phải là quà tặng cho Chúa. Giá trị hai cuộc đời khác nhau ngàn dặm. Con biết Chúa không đòi hơn. Con không còn gì để cho. Cuộc đời con là tất cả những gì con có. Nó bao gồm một tấm thân. Tấm thân chứa đựng lẫn lộn những điều thánh thiện và những điều tội lỗi. A ! Con trao tặng Ngài cả tội lỗi của chính con. Quà Chúa tặng con, con sử dụng được ngay. Quà con tặng Chúa, Chúa phải ‘sửa’ phải ‘nắn’ lại trước khi Ngài dùng. Con không trao tặng Chúa đồ ‘cũ’. Dù mới, dù cũ, dù tốt, dù xấu, đó là tất cả những gì con có. Hơn một tí không lấy lại, bớt một tí chẳng bù thêm. Món quà trọn vẹn nhất con có: đời con.

Đời con trao tặng cho Ngài, Ngài có quyền sử dụng nó theo ý Ngài. Như thế, con sống không phải cho con, mà là sống cho Chúa. Hay nói như thánh Phao-lô:

“Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi.”

Bởi vì đời con đã trao tặng Ngài. Không còn biên giới ngăn cách giữa con và Chúa. Chúa tặng con đời Ngài, con trao lại đời con. Cả hai nên như một. Chúa vừa là Chúa, vừa là con. Con vừa là con, vừa là Chúa. Kẻ nào xúc phạm đến con là xúc phạm đến Chúa. Nếu con làm xấu thân con là con làm xấu thân Chúa. Con luôn nhớ rằng, con trao tặng Chúa thân con trong đó có chứa cả tội lỗi. Xin Chúa tẩy rửa nó nhưng đừng để lại những ‘vết thẹo’ năm xưa. Con biết, Chúa chẳng vui gì khi con đau dớn. Con thường cười để giấu những khổ đau, để tự an ủi mình. Vì con nghĩ rằng bạn bè chẳng hiểu được nỗi khổ riêng con. Đời con đã tặng Chúa, nỗi khổ của con là nỗi khổ riêng Ngài. Ngoài Chúa ra, không ai hiểu nỗi đau khổ của con bằng chính con. Chúa thông cảm với con. Ngài thấu hiểu con vì đời con đã trao tặng Chúa rồi mà. Trao nhau tình yêu là bài ca muôn thuở con dành cho Chúa. Đời con nằm trong tay Chúa như hòn đất sét nằm trong tay thợ nặn. Chúa thấu hiểu việc Chúa làm. Chúa thấu hiểu con hơn là chính con hiểu con. Thế cho nên đời con là một mầu nhiệm. Đời con đang từ một tấm thân yếu đuối được Chúa nâng lên thành cuộc đời nhiệm mầu. Chúa chính là một mầu nhiệm.

Chúa xuống thế để làm quà tặng cho con. Ngài không xuống thế cho chính Ngài mà là cho chính con. Cuộc đời cứu thế của Chúa là một chuỗi quà tặng. Món quà gây hết ngạc nhiên này đến mừng rỡ khác. Kẻ thì kinh ngạc, người thì bàng hoàng sửng sốt vì mắt thấy, tai nghe. Người khác nữa nhảy lên vì sung sướng. Con biết Chúa trao tặng họ những gì ? Tặng cho người điếc đôi tai để thưởng thức tiếng nhạc diệu kỳ. Tặng cho người mù cặp mắt sáng để thưởng ngoạn vẻ đẹp của vũ trụ trong ngày nắng ắm. Tặng cho anh què đôi nạng xương để vui bước mỗi chiều trên đường làng có tiếng chim ca và gió hiu hiu thổi dẫn lối về. Tặng cho người loạn huyết kinh niên một sức khoẻ dồi dào để đong đưa bước theo Ngài lên sườn đồi nghe giảng. Tặng cho tiệc cưới thành Ca-na mười hai bình rượu hảo hạng để chia sẻ nỗi lo lắng của chủ gia. Tặng thêm một cuộc đời cho Lazarô, cho con bà goá thành Nain, cho con gái Jairus. Hứa tặng nước hằng sống cho người phụ nữ tại bờ giếng thành Samaritano. Cao cả hơn hết và ý nghĩa hơn hết vẫn là

“Đây là mình Ta, đây là máu Ta, con hãy cầm lấy mà ăn, con hãy cầm lấy mà uống”.

Chúa trao ban chính Người cho con, đời Chúa là một quà tặng. Đời con mang tặng Chúa, để đời con cũng là một quà tặng cho Chúa và cho anh em con. Tặng anh em để đời bớt đau khổ. Ai cũng một lần kinh nghiệm đau thương, nhưng chẳng ai hiểu thấu ý nghĩa đau khổ. Đau khổ có nguyên nhân, nhưng đau khổ không có câu trả lời. Con sẽ chẳng bao giờ hiểu rõ ý nghĩa đau khổ Chúa tặng con. Con hiểu Chúa thương con, Chúa không muốn con đau khổ, nhưng sao đau khổ vẫn đến. Phải chăng vì thế mà Chúa xuống trần mặc lấy thân phận làm người. Chúa cho con chính thân Chúa, nó bao gồm cả cuộc tử nạn của Chúa, để đời con gắn chặt lấy đời Chúa, để đau khổ của Chúa gắn liền với đau khổ đời con. Cả Chúa lẫn con cùng cảnh ngộ dễ thông hiểu nhau hơn. Mầu nhiệm Chúa xuống thế là trao tặng đời Chúa cho con và chia sẻ những đau khổ của con. Con biết nếu con có đau khổ thì Chúa đã chịu khổ đau trước con. Chúa không xuống thế để giải thích ý nghĩa cuộc đời. Chúa xuống thế để giao hoà tình Chúa với con. Để con biết rằng đau khổ là vinh quang. Để con biết rằng đau khổ chẳng tồn tại. Chỉ có tình yêu là tồn tại. Tình yêu cao cả nhất là tặng cho nhau cuộc đời. Chúa tặng con đời Chúa. Đó là cả khối tình Chúa thương con. Có tình yêu Chúa con sẽ vững tâm bước đi trong nhọc nhằn, khổ đau để đến với tình yêu Chúa. Xin thương con và giữ chặt con trong vòng tay ôm của Chúa.

Parkville, Victoria, Australia 27 March 1987

Exit mobile version