Để bước vào một hành trình mới, ai cũng phải chọn lựa, phải bỏ lại sau lưng những gì là quen thuộc. Như Môsê, khi gặp được Chúa, nghe tiếng Chúa kêu gọi về lại Ai Cập để giải thoát dân tộc của ông, Môsê cũng đã do dự, kì kèo với Chúa.
Làm sao có thể dễ dàng bỏ đi được. Ở miền đất Mađian này, ông đã được đón nhận, cưu mang khi cuộc đời ông như đang rơi xuống vực thẳm. Nơi đây, ông đã được yêu thương, tin tưởng trong lúc bản thân ông đang trắng tay. Ơ nơi đây, ông đang xây dựng, vun đắp cho gia đình ông được phát triển và ổn định. Ông đang nắm lấy cái dây cuộc đời ông với cảm giác được an toàn.
Vậy mà, chỉ một lời mời gọi của Thiên Chúa, được Thiên Chúa trao cho sứ mạng dẫn đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập, ông đã ra đi.
Làm sao Môsê có thể tin được Thiên Chúa mà chỉ dựa vào một lời hứa? Nếu bước theo Ngài, tương lai của ông, gia đình ông, vợ con ông sẽ ra sao?
Ôi! Tưởng chừng như đó là một đường hầm không lối thoát, một vực thẳm rợn người từ ông đến Thiên Chúa. Liệu khi ông buông tay khỏi dây, Thiên Chúa có kịp bắt lấy tay ông để đưa ông vào bến bờ bình an và hạnh phúc? Giả như ông vượt qua được thì có chắc rằng phía bên kia là một vùng đất “chảy sữa và mật ong”?
Lúc này, chỉ còn một lời hứa từ Thiên Chúa: “Ta sẽ ở cùng ngươi” (Xh 3, 12) – chính lời hứa ấy giúp Môsê can trường dứt bỏ nơi ấm êm để bắt đầu một cuộc hành trình không biết trước tương lai. Và với một lời khẳng định dứt khoát của Người: Ngươi cứ ra đi, hãy bỏ lại vùng Mađian ấy, hãy bỏ lại ngôi nhà của ngươi để trở về Ai Cập – nơi có cha mẹ anh chị em ngươi, có đồng bào ngươi và đưa họ về lại đất tổ tiên ngươi (x. Xh 3,19), ông đã lên đường.
Với tâm tình của một người hào kiệt, muốn chống lại bất công bạo tàn, ông đã mạnh dạn bước đi. Đây quả là một hành động của đức tin. Thế nhưng, sự dứt khoát cho một niềm tin ấy vẫn gặp những lúc đi trong sương mù, đi trong đêm tối của cõi lòng ông, Môsê đã phải bước vào cuộc chiến của chính tâm hồn mình. Cuộc giao chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa chính những mâu thuẫn của nội tâm: vâng lời Thiên Chúa hay chối bỏ lời Người. Cuộc chiến trong tâm hồn bao giờ cũng cam go hơn, nhức nhối hơn những cuộc chiến bên ngoài. Thế rồi, một lần nữa Giavê đã nhắc nhở ông về lời hứa của Thiên Chúa cũng như qua dấu chỉ cắt bì – là giao ước của Thiên Chúa với dân tộc ông.
Ông đã can đảm bước đi trong sự vâng phục. Sức mạnh của vâng phục đã giúp ông vượt qua được sa mạc khô cháy của cõi lòng, giúp ông bước vào một hành trình cùng Thiên Chúa nhằm cứu dân tộc Israel, sâu xa hơn nữa là cứu chính niềm tin của ông đang bị nô lệ cho sự sợ hãi, nô lệ cho do dự để bước về một miền đất của tự do và hạnh phúc.
Vâng, cuộc sống có những giây phút chọn lựa thật quyết liệt, thật cam go.
Có những chọn lựa đòi hỏi đáp lại bằng cả mạng sống.
Khi đã chọn lựa là chấp nhận liều lĩnh, vì có ai biết rõ đoạn kết đời mình như 2 + 2 = 4 không? Sự chọn lựa ấy được linh mục Nguyễn Tầm Thường ví von như một chuyến đi đầy mạo hiểm. Chuyến đi ấy mang nhiều hy vọng và cũng có cả những ảo vọng.
Bước vào đời tu, ta nhận thức rằng đời tu là một cuộc chiến trường kì, để biến đổi nên một con người mới – con người Phục Sinh. Trên hành trình ấy, ta được mời gọi hãy bước theo Đức Kitô, đặt dấu chân của mình vào dấu chân Ngài với tất cả lòng tín thác và cậy trông, bằng một thái độ sẵn sàng từ bỏ chính mình, từ bỏ sự an toàn của bản thân, từ bỏ cả tiền tài, danh vọng để theo Thầy Giêsu, vì Thầy đã nói: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).
Thế nhưng trong hành trình ấy, kẻ theo Chúa không đơn phương độc mã, không phải là những kẻ bước đi bằng những bước chân lặng lẽ cô độc, mà luôn có bao người bạn đồng hành khác như Môsê vẫn luôn nhận được sự nhắc nhở của bố vợ, của vợ về lời hứa. Hơn thế nữa, trên hành trình đời tu luôn có những bước chân thầm lặng của Thiên Chúa cùng ân sủng của Người trên cuộc đời mỗi người.
Bước chân thầm lặng ấy là sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.
Bước chân thầm lặng ấy là những lời nói đầy yêu thương trong Thánh Kinh.
Bước chân thầm lặng ấy là tiếng lương tâm đang hát lên trong tâm hồn mỗi người.
Bước chân thầm lặng ấy là những nụ cười đầy thân ái của chị em.
Bước chân thầm lặng ấy là những hy sinh bé nhỏ của mọi người dành cho ta.
Bước chân thầm lặng ấy là những chuỗi kinh mân côi mỗi ngày gia đình âm thầm cầu nguyện cho ta
….
Những bước chân thầm lặng ấy … đang mỗi giây phút đồng hành cùng ta trong hành trình dâng hiến, để cuộc đời ta cũng là những Môsê cho chính mình, cho gia đình và cho thời đại hôm nay nữa.
Sr. Têrêsa Khánh Tiên