Khoảnh khắc ban đầu bao giờ cũng để lại trong ta nhiều dấu ấn. Cái khởi đầu cho môt điều gì đó tuyệt vời càng là một kỷ niệm khó quên của ta. Khó quên là bởi vì nó cứ đọng mãi trong ta như một khởi điểm cho nguồn hạnh phúc nào đó mà ta vừa bắt gặp. Cái đầu tiên chạm tay người ta thương mến. Cái đầu tiên khi ta bị ánh mắt một ai đó hớp hồn. Cái đầu tiên khi ta thấy tim mình rung lên những nhịp đập kỳ lạ. Những kiểu đầu tiên ấy là cánh cửa mở ra một khung trời mới. Mọi thứ xung quanh ta bỗng trở nên tươi đẹp hơn, tuyệt mỹ hơn, cho dù với người khác, nó chẳng có gì thay đổi cả. Nếu như những đôi lứa yêu nhau có thể giữ mãi trong tim mình phút ban đầu gặp gỡ, thì những người sống đời dâng hiến cũng có một kinh nghiệm như vậy. Họ chọn Giêsu làm lẽ sống, không phải như một kiểu chọn lựa đường cùng, gượng ép. Có thể cảm giác khi gặp và nghe được tiếng yêu của Giêsu không lâng lâng và lãng mạn như trong phim, nhưng họ cảm thấy được lôi cuốn thực sự, với trọn con tim, linh hồn và thể xác.
Thánh Gioan có lẽ là người thể hiện kinh nghiệm này rõ ràng hơn ai hết trong số các môn đệ của Đức Giêsu. Lần đầu tiên ông gặp Đức Giêsu là khi nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa. Ông và Anrê đã đi theo và được Đức Giêsu mời đến nơi mình ở. Không biết điều gì nơi Giêsu đã để lại ấn tượng đặc biệt với Gioan, khiến ông không thể quên được khoảnh khắc ấy. Mấy chục năm sau, khi viết lại Tin Mừng của mình, ông vẫn còn nhớ đó là vào khoảng giờ thứ mười (x. Ga 1,39). “Giờ thứ mười” của Gioan là một khoảnh khắc lịch sử, là điểm khởi cho cuộc sống mới của ông. Ngay chính giờ đó, ông biết là Giêsu đã chiếm hữu mình, ông biết là mình đã tìm thấy lẽ sống, ông đã xác quyết là từ nay, đời mình sẽ đi về đâu, đi theo con đường nào. Ngay vào “giờ thứ mười” ấy, ông như được lột bỏ đi hết những gì là xưa cũ, và bắt đầu cho một lý tưởng thực sự mà bấy lâu nay ông mong mỏi kiếm tìm. “Giờ thứ mười” đối với Gioan không còn là những con số, không chỉ là thời gian, nhưng còn là món quà hồng phúc, đánh dấu cho một tình yêu mà con tim ông thổn thức, trông chờ.
Dòng đời cứ lặng lẽ trôi theo tiến trình của nó. Ai ai cũng có một cuộc sống riêng. Người ta cứ vui hưởng sự hiện diện mà Tạo Hóa tặng ban cho mình. Họ ăn uống, vui chơi, kết hôn, có con cái và tạo lập cuộc sống của mình. Thế nhưng, giữa cái bình lặng ấy, đối với một số người, Thiên Chúa lại chen ngang dòng lịch sử, khuấy động nó lên một chút, như một cơn gió chợt từ đâu đến, thổi vào một cánh bèo đang trôi, đẩy nó sang một dòng chuyển động khác. Cái đụng chạm đầu tiên của Thiên Chúa vào trong tâm hồn người được gọi bao giờ cũng để lại trong họ chút băn khoăn suy nghĩ. Tâm hồn họ chợt bừng dậy bao tâm tưởng đan xen. Họ có thể ngỡ ngàng, không hiểu, sợ hãi, hạnh phúc, lo lắng… Nhưng tựu trung, họ đều cảm thấy có cái gì đó “không ổn” trong mình. Có cái gì đó thôi thúc họ tìm đến một cái gì đó khác, khác với lối sống bình thường bấy lâu nay của mình. Và hiển nhiên, để ra khỏi cái bình thường ấy, thực thi một sứ mạng gì đấy, họ phải dám hy sinh, dám chịu đau, chịu thiệt thòi, mất mát. Một tiếng “xin vâng” thưa lên là khởi đầu cho hàng loạt những trái ngang giăng chờ họ phía trước. Nhưng niềm tin vào tình yêu và lời mời gọi ở khoảng khắc ban đầu gặp Chúa sẽ giúp họ vượt qua cách ngoạn mục.
Thế giới này tuy có đến hàng tỷ con người, nhưng mỗi người đều là một con người đặc biệt đối với Chúa. Ngài có những cách ngỏ lời với từng người khác nhau, vào những khoảnh khắc chẳng ai có thể ngờ tới. Đó có thể là cảnh tượng lạ kỳ bụi gai bốc cháy nơi sa mạc của Môsê, một lời mời gọi cộng tác dành cho Maria nơi căn phòng nhỏ, một giấc mộng thần thánh mơ mơ thực thực của Giuse, một buổi tình cờ mượn chiếc thuyền của Phêrô nơi bờ biển hồ buổi sáng sớm, hay một cú ngã ngựa đau nhói của Phaolô. Thánh Inhaxio thì bị một viên đại bác bắn vào chân. Ông ngã xuống cùng với cái cao ngạo vọng tưởng trong mình. Thánh Anphonso thì được một thất bại trong sự nghiệp luật sư làm tỉnh thức… Đọc lại lịch sử của các thánh nhân, ta đều thấy có những cách can thiệp lạ lùng của Chúa, xen ngang cuộc đời họ, rẽ họ sang một hướng khác. Chính cái khoảnh khắc đầu tiên đụng chạm này đã luôn ghi khắc mãi trong tâm trí họ, để những khi ôn lại kỷ niệm với Chúa, nó trồi dậy như một niềm hân hoan, cũng như khi buồn phiền chán nản, nó mang đến cho họ niềm tin và sức mạnh để tiếp tục tiến bước.
Không có khoảnh khắc ban đầu gặp gỡ Giêsu và được Giêsu đụng chạm cũng sẽ chẳng có gì gọi là đời dâng hiến. Dâng hiến là sống với Giêsu, nên nếu không bắt gặp được Giêsu, không bị thu hút bởi Giêsu thì dù có mang danh là tu sĩ, đó cũng chỉ là một cái mác, một sự ảo tưởng mộng mơ. Hai người yêu nhau thì chẳng bao giờ quên được lần đầu tiên gặp nhau. Chuyện tình giữa người tu sĩ và Giêsu cũng thế. Giêsu đến với họ chưa hẳn là qua những an ủi ngọt ngào. Ngài có thể đến với họ trong cái đau đớn của sự thất bại, của ê chề, của mất mát, thương đau. Ngài đến để đánh thức họ dậy, lôi họ ra khỏi giấc ngủ say của bạc tiền công danh. Ngài không phủ nhận tài năng của họ, nhưng muốn họ sử dụng tài năng ấy cho một mục đích cao quý hơn. Với Phêrô ngư phủ, cũng là thả lưới, nhưng không còn là lưới cá nữa, mà là lưới người. Với Phaolô, vẫn là hăng hái nhiệt thành, nhưng không phải trong chuyện bách đạo mà là trong việc loan báo Tin Mừng.
Các tu sĩ và các bạn trẻ thân mến, các bạn có một kiểu “giờ thứ mười” như Gioan không? Đâu là khoảnh khắc Chúa đến và cướp đi trái tim bạn? Hãy lưu giữ chúng trong tim, vì đó sẽ là nơi bạn và Người gặp nhau, tâm tình, trao đổi và dựng xây tình yêu với nhau.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ