Phước lành Thiên Chúa (Chúa Nhật IV Mùa Vọng)

50

PHƯỚC LÀNH THIÊN CHÚA

(Chúa Nhật 4 MV)

nen

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại: “Một hôm, Mẹ đến thăm một nhà thương Anh quốc rất tối tân. Mẹ tả phong cảnh và các phòng ốc của nhà thương rất khang trang, sáng sủa và trang bị đủ mọi thứ máy móc cùng tiện nghi vô cùng tối tân, cân xứng với số tiền phải trả. Ngoài ra, các y tá, nhân viên làm việc trong nhà thương đều rất nhã nhặn và lịch sự. Nhưng Mẹ nhận thấy một điều lạ kỳ và hỏi một vị bác sĩ đang hướng dẫn Mẹ đi thăm nhà thương. “Thưa bác sĩ, tại sao các người bệnh cứ mỗi lần thấy ai vào là họ cùng đồng loạt quay nhìn về phía cửa vậy?”. Câu trả lời của viên giám đốc nhà thương rất đơn sơ nhưng đượm vẻ buồn: “Thưa, vì họ luôn luôn chờ đợi một ai đó trong số bà con thân thuộc đến thăm họ, nhưng chẳng có ai đến thăm họ bao giờ hết”.

Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội bao giờ cũng luôn luôn khuyến khích các tín hữu thăm những người già cả, bệnh tật, ốm yếu, tù nhân, nghèo khó và tất cả những ai cần trợ giúp, ủi an nâng đỡ. Nghĩa là Giáo Hội hối thúc tín hữu thực thi Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu và nhìn ra khuôn mặt của Ngài nơi các anh chị em đau khổ và bị bỏ rơi này.

Các bài đọc Chúa nhật này cũng mời gọi chúng ta suy tư về con đường nghèo hèn, tầm thường bé nhỏ, mà Thiên Chúa đã dùng để đến với loài người chúng ta và các hệ lụy của sự lựa chọn ấy. Chương 5,1-4, sách tiên tri Mikêa là một lời sấm thuộc một lời sấm cứu thế được thánh sử Matthêu dùng lại và áp dụng cho Chúa Giêsu trong bối cảnh này. Lời sấm này của tiên tri Mikêa diễn tả các trái nghịch giữa sứ mạng Thiên Chúa giao phó cho Giêrusalem trong dòng lịch sử cứu độ và cái bất lực của nó. Sở dĩ Giêrusalem đã không chu toàn được sứ mạng này vì tội lỗi và bất trung nó đã vấp phạm, khiến cho nó không còn khả năng thực hiện những nhiệm vụ ấy. Do đó, Thiên Chúa đã chọn lựa một nơi chốn khác xa xôi, bé nhỏ và hẻo lánh không ai ngờ tới. Đó là làng quê Bêlem, trước đây gọi là Ephrata.

Đấng Cứu Thế và dòng tộc của Ngài sẽ bắt nguồn từ đó chớ không phải tại thủ đô Giêrusalem hay một thành phố danh tiếng nào khác vùng Trung Đông cổ. Và trong làng quê Bêlem, Thiên Chúa chọn gia đình ông Giêsê, cha của vua Đavít và là ông tổ của thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria, người được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Như thế, Chúa Giêsu Kitô xuất hiện trong dòng lịch sử nhân loại tại làng quê bé nhỏ Bêlem này, cách xa khung cảnh huy hoàng vĩ đại của các thành phố lớn thuộc các đế quốc vùng Trung Đông. Ngài đã bước vào gia đình nhân loại như một trẻ bé bỏng, yếu đuối, trong một gia đình bình thường như hàng ngàn vạn gia đình bình thường khác. Tuy nhiên, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa không có gì là tình cờ cả. Các lựa chọn ngược đời ấy của Thiên Chúa, là quê Bêlem khiêm tốn, điều kiện bé bỏng yếu đuối của con người đều tham dự vào sự cao cả và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa. Bởi vì Đấng xuất thân từ đó sẽ thống trị mọi dân nước và cai trị với chính uy quyền của Thiên Chúa toàn năng và sẽ đem lại an bình cho nhân loại.

Kiểu cách lựa chọn ngược đời và các nẻo đường lạ lùng Thiên Chúa dùng để hiện thực chương trình cứu độ, càng nổi bật hơn theo bài Phúc Âm thánh Luca, 1,39-48. Maria, một thiếu nữ vô danh, con của một gia đình làng quê Nazareth được Thiên Chúa lựa chọn làm người cưu mang Đấng Cứu Thế Con của Ngài. Phước lành Thiên Chúa đổ tràn đầy trên Trinh Nữ Maria cũng là phước lành Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại trong dòng lịch sử thế giới, lịch sử loài người. Thiên Chúa đã ban cho con người không biết bao nhiêu là phước lành, nhưng phước lành vĩnh viễn và cao quí trọng đại nhất là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Lời chào của bà Isave khi thấy Trinh Nữ Maria đến thăm mình và lời kinh chúc tụng của Trinh Nữ Maria đều ngợi khen kểu cách Thiên Chúa lựa chọn con đường dẫn Ngài đến cuộc gặp gỡ cứu độ loài người, con đường bé nhỏ tầm thường khiêm tốn nghèo hèn. Nhiều người không chịu được ý tưởng Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong lòng một phụ nữ và mở mắt chào đời từ lòng của một bà mẹ. Do đó, câu chào của bà Isave: “Em ơi, em thật có phúc hơn mọi phụ nữ và Giêsu người con của cung lòng em cũng thật là có phúc”. Nhưng đây là một sự thật, một sự thật lịch sử minh chứng cho thấy, tất cả những biến cố của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã nhập thể làm người và sinh ra từ cung lòng của người đàn bà trong gia đình nhân loại, hoa trái ngọt dịu ấy, người con ấy do hoạt động và quyền năng của Đức Chúa Thánh Thần nên được cưu mang trong cung lòng của Trinh Nữ Maria. Nhưng cũng y như bất cứ bào thai nào khác của con người trần gian, nó được gắn liền thịt xác của bà mẹ và sẽ nhập thể. Con Thiên Chúa đã cần đến cung lòng của một bà mẹ. Trinh Nữ Maria đã không tiếp nhận Ngôi Lời trong linh hồn mình, mà đã tiếp nhận Ngài trong chính thân xác mình, trong cung lòng phụ nữ của mình. Và Chúa Giêsu đã chấp nhận một luật lệ tâm, sinh, vật lý của một bào thai thành hình lớn lên trong 9 tháng 10 ngày, được mẹ nuôi bằng chính máu mẹ như mọi thai nhi khác. Sự kiện lớn lên dần dần ấy tỏ ra qua hình thể tròn trịa của bụng mẹ ngày càng lớn lên. Sự kiện Giêsu là hoa trái, là bào thai lớn lên trong bụng mẹ, chứng minh Thiên Chúa không phải là một lý thuyết, một giả thuyết, mà Ngài là một hoa trái để dưỡng nuôi cứu độ thế giới này.

Mẹ Maria chỉ im lặng sống cuộc đời bé nhỏ thầm lặng ẩn dật, cưu mang Giêsu, hoa trái cứu độ rồi dâng hiến Ngài cho chúng ta. Ánh sáng không cần lời nói, sự sống hơi thở của con tim chính là sứ điệp. Khi lòng càng trống rỗng bao nhiêu thì con người càng gây nhiều tiếng động tình yêu. Kitô hữu là người cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng nhưng có thể mang Chúa Kitô phong phú và hữu hiệu như Mẹ Maria, khi ta biết sống khiêm tốn bé nhỏ và yêu thích con đường kiểu sống bé nhỏ của Thiên Chúa như một tôi tớ khiêm hạ.

Như đã nêu lên trong thư Do Thái diễn từ về chức linh mục của Chúa Giêsu, biến cố Chúa Giêsu nhập thể làm người là một biến cố lịch sử và là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ. Bởi vì nó mở ra một kỷ nguyên mới, nó vượt xa quan niệm cũ của Do Thái về liên hệ giữa Thiên Chúa và thế giới, giữa con người và Thiên Chúa. Do Thái giáo đóng khung các nghi lễ này trong đền thánh, trong việc dâng cúng các lễ vật và việc tuân giữ luật lệ. Mặc dầu các sinh hoạt đã có nhiệm vụ và vai trò rất quan trọng trong lịch sử cuộc sống tinh thần của Israel, chúng cũng không thể trao ban ơn cứu độ do con người. Nếu muốn được ơn cứu độ, con người cần phải trở về với chương trình mà Thiên Chúa đã có đối với nó ngay từ thời tạo dựng. Nghĩa là trước khi con người phạm tội, cần phải nhận biết Thiên Chúa và thánh ý Ngài và lấy đó làm trung tâm lịch sử đời mình và lịch sử thế giới, cần phải quy hướng cuộc sống của mình theo chương trình và ý muốn của Thiên Chúa và hoán cải trở về với Ngài. Thái độ sống này đòi buộc chúng ta không được tách rời cuộc sống lòng tin khỏi các sinh hoạt thường ngày, bởi vì chúng ta không phải chỉ là Kitô hữu khi cử hành các lễ nghi phượng tự mà thôi, nhưng là suốt ngày, trong mọi công việc khác nhau. Tách rời cuộc sống lòng tin khỏi sinh hoạt trong cách hành sử thường ngày là chúng ta khước từ tin nhận biến cố nhập thể của Chúa Giêsu. Bởi vì khi nhập thể, Chúa Giêsu quy hướng toàn cuộc sống của Ngài theo thánh ý của Thiên Chúa Cha: “Này con xin đến để làm theo thánh ý Cha”. Và Chúa Giêsu đã sống mọi giây phút đời mình dưới ánh sáng chương trình của Thiên Chúa. Như vậy, khi biết noi gương Chúa Giêsu, sống tinh thần nhập thể trọn vẹn, ấy là chúng ta đón nhận sứ điệp Giáng sinh đúng đắn và trọn vẹn nhất.

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)