Phục vụ Chúa trong anh em

150

Bài suy niệm Tháng 2/2021

 PHỤC VỤ CHÚA TRONG ANH EM

***

Mẹ Têrêxa Calcutta được cả thế giới ngưỡng mộ, kính phục không phải vì Mẹ là một phụ nữ xinh đẹp, giàu sang, tài giỏi … mà vì Mẹ là một người nữ bình thường như bao phụ nữ khác, nhưng  Mẹ có một trái tim đầy ắp tình yêu. Mẹ yêu thương, chăm sóc những người nghèo khổ, đau bệnh, những người phong cùi đang hấp hối, những trẻ em bị bỏ rơi như chăm sóc chính thân thể Đức Kitô vậy. Điều kiện để được gia nhập Hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ là nhận ra Đức Kitô nơi những người nghèo khổ mà mình đang phục vụ.

Một vị khách đến thăm một cộng đoàn nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa Calcutta. Vị khách quan sát Me Têrêxa đang phục vụ một người bị bệnh phong, mặt, tay, chân đầy máu mủ, lở loét. Mẹ lau chùi người bệnh phong sạch sẽ rồi hôn lên trán người bệnh và mỉm cười với bệnh nhân. Người khách  rất ngạc nhiên và  ghê tởm  hỏi Mẹ Têrêxa:

– Tại sao Mẹ có thể làm được như thế đối với người bệnh phong?

– Bởi vì tôi nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi người bệnh nhân.

– Nếu Mẹ cho tôi hai ngàn đôla và bảo tôi phục vụ người phong như Mẹ, tôi không làm.

– Nếu ông cho tôi hai ngàn đô la và bảo tôi đừng phục vụ bệnh nhân, tôi không nghe lời ông. Phục vụ người nghèo khổ là sứ mạng của tôi.

Mẹ Têrê xa Calcutta đã cảnh giác thế giới hôm nay:

Căn bệnh to lớn nhất trên thế giới là cảm thấy mình thừa thãi như Lagiarô trước cửa nhà phú hộ. Sự dữ lớn nhất trong thế giới ngày nay là thiếu tình thương và sự hững hờ khủng khiếp đối với người hàng xóm đang lan tràn khắp nơi”.

Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc hằng năm có khoảng mười lăm đến hai mươi triệu người chết đói hay thiếu lương thực sinh bệnh mà chết; khoảng mười hai triệu trẻ em chết trước khi lên năm tuổi; khoảng hai trăm năm mươi ngàn em nhỏ bị mù vì suy dinh dưỡng, thiếu sinh tố trong các bữa ăn. Còn vô số trẻ em bụi đời, vô gia cư lang thang đó đây. Chúng ta đã làm gì để giúp những ông Lagiarô trong thời đại hôm nay?

Giúp đỡ anh em nghèo đói là bổn phận của người Kitô hữu, bởi đạo Công giáo là đạo bác ái, đạo tình thương. Bác ái yêu thương là bản chất của Kitô hữu. Thánh Gioan tông đồ nhắn nhủ chúng ta:

Nếu có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở lại trong người ấy được” (1Ga 3,17).

Trong thế giới duy vật với nền kinh tế thị trường, của cải vật chất phong phú, đầy đủ mọi phương tiện, cuộc sống con người ổn định. Sự giàu có thật được đo không phải bởi những gì người ta thu tích, mà bởi những gì người ta cho đi. Sự giàu sang quý giá nhất là giàu lòng, giàu trong tâm hồn. Khi chúng ta đóng cửa lòng mình lại là chúng ta bắt đầu chết. Khi chúng ta mở lòng ra là lúc chúng ta bắt đầu sống. Nghĩa là khi chúng ta sống yêu thương, giúp đỡ anh em đau khổ, đói nghèo … là chúng ta đạt đươc hạnh phúc ngay ở đời này và đời sau. Hạnh phúc là phục vụ, càng phục vụ anh em càng đem đến hạnh phúc cho anh em. Bởi vì, ở đâu có tình thương ở đấy có Thiên Chúa. Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó là Thiên đàng.

Ngày hôm nay, con người cần cơm bánh để nuôi sống, thì cũng cần tình người để tồn tại. Nếu con người cần quần áo để che thân, thì họ cũng cần tình thương để sưởi ấm. Nếu con người cần không khí để hít thở, để sống, thì con người cũng cần có tình bác ái huynh đệ để chia sẻ, giúp đỡ, an ủi, phục vụ anh em hầu đem lại niềm vui và bình an trong tâm hồn.

Lép Tônxtôi là nhà văn lớn của văn học hiện thực Nga trong tác phẩm: “Người ta sống bằng gì?” đã đưa ra câu trả lời rất đơn sơ và thực tế: không cha, không mẹ, không người thân, không gia đình, nhưng con người ta vẫn sống được nhờ tình thương. Con người sống bằng tình thương, đó là một chân lý ngàn đời rất phù hợp với giáo lý của đạo Công giáo.

Dân số thế giới hôm nay là bảy tỷ bốn trăm lẻ tám triệu ba trăm bảy mươi ngàn người: 80% là thành phần nghèo; 20% là thành phần giàu. Nhiều nước trên thế giới rất nghèo cần phải được các nước giàu chia sẻ, giúp đỡ để thoát cảnh đói nghèo. Người giàu gần hai tỷ người và người nghèo là năm tỷ bốn trăm lẻ tám triệu người. Nếu số mgười giàu có tấm lòng, nhìn thấy được Thiên Chúa nơi những người nghèo khổ để giúp đỡ thì có lẽ không ai trên trái đất này phải chết đói . Thực phẩm trên thế giới có đủ để nuôi sống hai mươi tỷ người.

Lạy Chúa! Xin cho con nhìn thấy Chúa nơi tha nhân, nhất là nơi những người nghèo khổ, bệnh tật và mở lòng con để con biết yêu thương giúp đỡ, phục vụ mọi người, chia sẻ và thông cảm với anh em. Xin cho con luôn ý thức rằng, làm ấm trái đất này bằng tình yêu thương là nghĩa vụ của người Kitô hữu; sống tinh thần kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi: “Mến yêu và phụng sự Thiên Chúa trong mọi người”. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Bắc Ninh-Thủ Đức