VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN Đức tin Phúc Âm với các nền văn hóa

Phúc Âm với các nền văn hóa

phucamTrước đây, người ta thường giới hạn văn hóa (=VH) vào những kiến thức triết học, nghệ thuật của Âu Tây, coi đó như là tiêu chuẩn của một nền văn hóa duy nhất mà nhân loại cần tiến đến. Âu châu cảm thấy sứ mạng cao quý là đi khai hóa cho các dân tộc khác. Thế nhưng, với khoa nhân loại văn hóa (anthropologie culturelle), người ta đã đảo lộn quan điểm: bất cứ dân tộc nào cũng có nền văn hóa riêng của họ; nhân loại có nhiều nền văn hóa khác nhau, chứ không phải chỉ có một nền văn hóa duy nhất chóp đỉnh mà các dân tộc khác phải hướng về.

Tại sao có sự thay đổi quan điểm như vậy? Phải quan niệm văn hoá như thế nào? Bài này, trình bày những yếu tố cấu thành VH; tiếp đó, những nguyên tắc thần học về sự tiếp xúc giữa Tin mừng với VH.

I- NHỮNG QUAN NIỆM CƠ BẢN

1/ Văn hóa là gì?

Người ta tính có tới hơn 100 định nghĩa khác nhau về VH. Thay vì dừng lại phân tích các định nghĩa ấy, chúng ta có thể bắt chước đường lối mà công đồng Vaticano II đã áp dụng để tìm hiểu về VH trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 53. Khái niệm đơn giản nhất để tìm hiểu về VH đó là: “Văn Hóa là cái làm cho con người khác con vật”. Thực vậy, con người khác con vật ở chỗ biết dùng lý trí của mình để biến đổi cái cảnh vực sinh sống của mình. Có lẽ buổi khai nguyên, con người cũng giống như con vật, nghĩa là kiếm thức ăn từ hoa trái có sẵn ở trên cây hay ngoài đồng, và tìm hang hốc nào để che mưa che nắng. (Nói nôm na là: ăn lông ở lỗ). Nhưng dần dần, con người đã biết trồng trọt để có thức ăn, cũng như đã biến chế các sản phẩm thành những món khác nhau, và dần dần những bữa ăn không phải chỉ nhằm lấp đầy bao tử mà còn là dịp để gặp gỡ tạo nên tình thân thiện, tỉ như những buổi đình đám yến tiệc. Một cách tương tự như vậy, con người đã rời bỏ hang hốc, để cất lên những mái nhà không những là để che mưa che nắng mà còn là tổ ấm gia đình, và dần dần là những dinh thự, đền đài. Ta cũng có thể kéo dài sự so sánh ra việc che thân, có lẽ lúc đầu chỉ lấy lá cây hay da thú để bao bọc thân mình cho khỏi nóng lạnh, nhưng rồi dần dần thành những y phục, trang sức. Đang khi đó, các súc vật vẫn tiếp tục sinh sống theo bản năng tự nhiên, không có chi thay đổi.

Hiểu như vậy, ta có thể coi VH như là tất cả những công tác mà con người đã biến đổi thiên nhiên. Ta có thể thấy ý tưởng này trong chính nguồn gốc latinh của chữ “cultura”, gốc từ “colere”, trồng trọt, săn sóc: bởi vì như đã nói, con người khác con vật ở chỗ không chỉ đi thu nhặt hoa trái từ cành cây hay cánh đồng, nhưng còn biết cày cấy, trồng trọt, khai khẩn và phát triển thêm tài nguyên thiên nhiên (Cultura đối lại với natura). Chính trong công tác khai khẩn ấy, mà con người phát lộ tài trí của mình. Nói khác đi, VH bao gồm tất cả những gì mà con người bộc lộ nhân tính của mình, nhằm biến đổi thiên nhiên vũ trụ hợp với nhân đạo hơn. Đồng thời chính trong lúc biến đổi ngoại vật mà con người cũng kiện toàn thêm tài trí của mình, càng trở nên “người” hơn. Thực vậy, con người có khả năng tiến bộ, có thể cải tiến luôn mãi nhờ kinh nghiệm bản thân hoặc nhờ giáo dục (và đây cũng là một điểm khác với thú vật). Tóm lại, dựa theo số 53 của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, ta có thể trình bày 4 khía cạnh khác nhau của VH như sau:

a- Nguồn gốc của VH: chính là bản chất của con người, sinh vật có lý trí, qua việc xử dụng tài năng của mình và qua lao động.

b- Chất liệu của VH: thiên nhiên vũ trụ nơi mà con người hoạt động, cũng như chính bẳn năng của con người cần được kiện toàn.

c- Mục tiêu của VH: cải tiến đời sống con người, làm cho cuộc sống trở nên thoải mái hơn, và đồng thời cũng phát trển những tài năng đức độ cao thượng của con người.

d- Sản phẩm của VH có thể phân biệt ra hai ngành chính:

– một đàng là những sản phẩm vật chất (tựa như: canh nông, lương thực, nhà cửa, cách ăn mặc, v.v…);

– đàng khác là những sản phẩm tinh thần (tựa như: tôn giáo, luân lý, phong tục, luật lệ, triết lý, văn chương, khoa học,.v.v…)

Ngoài ra ta cũng có thể thêm chiều kích xã hội và lịch sử của VH. VH là nền tảng của xã hội, bảo đảm sự sống còn của một xã hội. VH biểu lộ sắc thái của một dân tộc. VH tạo ra mối dây liên kết giữa các phần tử trong một cộng đồng. VH truyền thụ lại cho các thế hệ những giá trị đã thủ đắc được trong quá khứ, và cần được bảo tồn (di sản văn hóa) cũng như cần được thích ứng và thăng tiến theo giòng thời gian.

Thiết tưởng những đặc tính vừa nói của VH có thể được hết mọi người chấp nhận. Sự khác biệt giữa các thuyết lý hay ý hệ bắt nguồn từ những giá trị khác nhau gán cho những sản phẩm của VH: có người đánh giá cao giá trị tinh thần đạo đức; có người đặt nặng khoa học kỹ thuật; có người coi tôn giáo như sự phát hiện cao độ nhất của VH dân tộc và có người coi nó như sự vong thân, và cắt nghĩa sự tiến hóa lịch sử theo những định luật tất yếu của kinh tế.

2/ Ba cấp độ trong sự tìm hiểu một nền Văn hóa

Linh mục Louis Luzbetak, Dòng Ngôi Lời, trong quyển sách “The Church and Cultures” xuất bản tại Maryknoll, New York 1988, đã trình bày tới ba cấp độ trong một nền VH:

a- Cấp độ thứ nhất là những hình thái hay biểu tượng: đó là những cái gì ta quan sát được về nếp sống của một cộng đồng: cách ăn mặc, ngôn ngữ, nhà cửa, nghệ thuật, phong tục, luật lệ,.v.v…

b- Cấp độ thứ hai là ý nghĩa và chức năng của biểu tượng. Biểu tượng này có ý nghĩa gì? dùng để làm gì? Cần lưu ý là một biểu tượng có thể có ý nghĩa khác nhau từ địa phương này sang địa phương khác, từ thời đại này sang thời đại khác. Thực vậy, không hẳn lúc nào một biểu tượng cũng hoàn toàn có ý nghĩa và giá trị ở Trung Hoa và ở Việt Nam, mặc dù chúng ta vẫn nhận là văn hóa chúng ta chịu ảnh hưởng Trung Hoa. Ngoài ra, trải qua giòng thời gian, ý nghĩa của một biểu tượng có thể thay đổi. Ví dụ: có lẽ đời xưa trong các kinh nguyện, chúng ta xưng “tôi” với Chúa một cách rất tự nhiên: đối với Chúa thì mình là “bầy tôi, tôi tớ”, là đúng rồi. Tuy nhiên, ngày nay, cách xưng hô “tôi” không còn nghĩa là tôi tớ nữa, nhưng ám chỉ thái độ bằng vai vế hay hơn nữa. Vì vậy mà chúng ta không thể xưng tôi với Chúa, nhưng chúng ta dùng tiếng “con”.

c- Cấp độ thứ ba là quan niệm sống, lối nhìn đời, tâm thức, cách đo lường các giá trị.

Cả ba cấp độ ấy liên hệ mật thiết với nhau, tạo ra VH của một dân tộc hay một cộng đồng. Mỗi phần tử lớn trên trong lòng của cộng đồng sẽ được huấn luyện, giáo dục theo khuôn mẫu của VH đó, nhờ vậy mà không những con người biết cách thức ăn uống để sống, nhưng còn biết cách thức giao tiếp với các phần tử khác trong xã hội nữa. Phần tử nào không biết thích ứng với VH ấy thì sẽ bị gạt ra lề của cộng đồng.

Dù vậy, ta cũng không nên quên hai điểm:

– Thứ nhất, con người không phản xạ giống như như là cái máy; mỗi người còn có cá tính riêng, không hoàn toàn giống như những phần tử khác trong cùng một cộng đồng gia đình, làng mạc. Cá tính ấy nhiều lúc nổi bật đến nỗi khiến một người dám đứng lên thay đổi phong thói cổ truyền, gây ra một cuộc cách mạng VH.

– Văn hóa là cái gì sinh động, có khả năng thích ứng với những hoàn cảnh mới, hoặc do các phần tử từ nội bộ gây ra, hay do sự tiếp xúc với các nền VH khác. Mặt khác sự cải tiến là điều kiện sinh tồn cho cộng đồng: nếu cộng đồng không biết thích ứng với lịch sử thì sẽ có nguy cơ là bị tiêu diệt.

Những nhận xét vừa rồi có những hệ luận không nhỏ cho công cuộc truyền giáo. VH không phải chỉ là dụng cụ để truyền thông Tin mừng, nhưng còn là đối tượng của việc truyền giáo nữa. Thực vậy, Giáo hội không những cần phải tìm hiểu ngôn ngữ, biểu tượng của người địa phương để có thể truyền thông Tin mừng cho họ, nhưng còn cần phải nhắm tới cái cốt tủy của VH tức là tâm trạng, quan điểm của họ về Thiên Chúa, về cách cư xử, v.v… để cải hóa họ cho hợp với tinh thần Phúc âm. Nói khác đi, việc đối thoại với VH phải nhằm tới cấp độ thứ ba, chứ không thể dừng lại ở cấp độ một (những biểu tượng). Và cần biết trước rằng ở cấp độ ba, không có VH nào dám tự hào rằng mình hoàn toàn tương đồng với Phúc âm cả. Phúc âm kêu gọi tất cả phải cải hoán, và Phúc âm cũng biết rằng mình sẽ tạo ra những xung đột. Thực vậy, não trạng tự nhiên của con người là nghĩ tới cái tôi của mình, làm cách nào để bành trướng công danh địa vị cá nhân đến độ sẵn sàng loại trừ những ai làm cản bước của mình. Đang khi đó, Phúc âm kêu gọi con người hãy nghĩ tới tha nhân hơn là nghĩ tới bản thân, tìm phục vụ hơn là thống trị, tha thứ hơn là oán thù, hy sinh hơn là hưởng thụ. Những lời kêu gọi với Phúc âm tương phản với những tham vọng tự nhiên của con người; vì thế không lạ chi mà không thiếu lần Kitô giáo bị kết án là phi nhân.

II- PHÚC ÂM VỚI CÁC NỀN VĂN HÓA

Vấn đề Phúc âm với các nền VH đã thay đổi song song với sự tiến triển của quan niệm về VH. Trong các thế kỷ trước đây, người ta quan niệm rằng VH Âu Tây là tột đỉnh của sự tiến bộ của nhân loại, thì tất nhiên việc truyền bá Kitô giáo cũng kèm theo sự truyền bá văn hóa Âu Tây, (gọi là khai hóa nữa). Thế nhưng, với quan điểm hiện đại về VH tất nhiên vấn đề được đặt lại hoàn toàn. Người ta nói rằng Kitô giáo không gắn liền với một nền VH nào nhất định, song nó có thể gặp gỡ tất cả các nền VH của nhân loại. Đó là nói trên lý thuyết, chứ thực tế thì phức tạp hơn nhiều. Chúng ta hãy phân tích sơ lược hai chủ thể của cuộc gặp gỡ thì sẽ thấy, tức là một bên là Kitô giáo và bên kia là các nền văn hóa.

1/ Về phía Kitô giáo, hay nếu muốn dùng từ ngữ cao thượng hơn “Phúc âm”

Ta không thể nói là Phúc âm không có gắn liền với nền văn hóa cụ thể nào hết. Thực vậy, mạc khải không phải là cái gì lơ lửng trên mây trên gió, nhưng Thiên Chúa đã mạc khải cho con người qua một ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc Do thái. Các tác giả Tân ước cũng cố gắng thích ứng mạc khải với tư tưởng của các thính giả thuộc văn hóa Hy lạp và Rôma thời đó. Vì thế, thực khó mà phân biệt được đâu là nòng cốt của mạc khải và đâu là ngôn ngữ của VH thời đại. Ta chỉ cần lấy hai thí dụ xem ra có vẻ tầm phào để cho thấy tính cách phức tạp của vấn đề. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc của người Do thái cử hành lễ Vượt qua: Ngài đã dùng bánh và rượu, hai thổ sản của vùng Palestine. Câu hỏi: giả như Ngài đi ăn tết bên Việt Nam thì liệu Ngài có mang theo bánh miến rượu nho nữa hay không, hay Ngài sẽ dùng bánh chưng với rượu đế? Một câu hỏi nữa: liệu Ngài có cho các cô các bà không những là được tham dự bữa tiệc ly mà còn được phép cử hành Thánh Thể hay không? Đâu là ý Chúa, và đâu là hình thức VH?

2/ Về phía các nền văn hóa

Trên nguyên tắc, ta có thể chấp nhận dễ dàng rằng Kitô giáo phải tôn trọng tất cả các nền văn hóa, không nên tỏ ra thái độ tự tôn coi mình là đỉnh cao trí tuệ loài người, song phải hòa đồng với hết các dân tộc. Nhưng trên thực tế, thì vấn đề không đơn giản như vậy. Giả như gặp phải một xã hội ăn thịt người, hoặc một xã hội mà các ông có được năm thê bảy thiếp, thì các nhà truyền giáo cũng cứ phải tôn trọng phong tục VH của họ như vậy hay sao? Có nhà nhân-chủng-học đã trả lời là phải để y nguyên như vậy, bởi vì VH của một xã hội họp thành một tổng thể rất là khắng khít với nhau, khiến cho sự thay đổi một nguyên tố sẽ gây sự xáo trộn cho cả tổng bộ ấy. Nói khác đi, theo họ, nếu sửa đổi tục ăn thịt người hay tục đa thê, thì không phải là sửa đổi một hủ tục, mà sẽ đưa tới nguy cơ xáo trộn tất cả một nếp sống xã hội, biến thái tất cả VH của họ.

Do đó ta thấy rằng vấn đề đối thoại giữa Phúc âm với các nền văn hóa không đơn giản như có người lầm tưởng. Trong thời gian gần đây, các tác giả đã cố gắng đào sâu thêm vấn đề, từ phía thần học cũng như từ phía nhân loại học.

a- Từ phía thần học

Từ phía thần học, nền tảng của cuộc đối thoại không phải chỉ là mầu nhiệm Nhập thể mà còn là Mầu nhiệm Cứu chuộc nữa. Đức Kitô đã nhập thể, đã hòa đồng với ngôn ngữ phong tục của người dân Do thái đương thời, nhưng Ngài cũng không ngần ngại chỉ trích những sai lệch về tôn giáo, phong tục xã hội của họ. Và chúng ta đừng nên quên rằng chính dân tộc Do thái cho đến ngày hôm nay vẫn chưa chấp nhận sứ điệp của Ngài. – Mầu nhiệm Cứu chuộc cũng nói lên một chiều kích khác nữa của Phúc âm, tức là khả năng hòa giải hòa đồng vượt lên trên biên cương của các dân tộc. Bởi vậy, tuy rằng một đàng Giáo hội phải đi vào con đường đối thoại với các nền văn hóa của các địa phương, nhưng đàng khác, Giáo hội cũng phải biểu lộ khả năng hòa giải đại đồng, dung hợp các dị biệt với sự đồng nhất của toàn nhân loại. Thực vậy, tuy giữa các nền VH có sự khác biệt tùy địa phương, nhưng cũng cần tìm ra các điểm tương đồng nữa, xét vì phát nguồn từ bản tính nhân loại duy nhất. Nếu chúng ta chối bỏ căn bản đồng nhất này, thì chúng ta sẽ không tìm thấy căn bản của sự bình đẳng về nhân quyền, nhân phẩm gì nữa.

b- Từ phía nhân loại học

Từ phía nhân loại học, người ta cũng cố gắng đào sâu thêm bản chất của VH. Đại khái, ta có thể phân biệt ba cấp độ trong VH của một dân tộc:

– cấp độ thứ nhất là những biểu tượng (tỉ dụ như văn chương, kiến trúc, phong tục);

– cấp thứ hai là chức năng của những biểu tượng (những biểu tượng ấy có ý nghĩa gì? dùng để làm gì?);

– cấp thứ ba, là não trạng, quan điểm về lối sống của một dân tộc.

III- PHÚC ÂM VỚI VĂN HOÁ Á CHÂU

Vấn đề đối thoại giữa Kitô giáo với văn hóa Á châu là một vấn đề thực sự phức tạp. Ai ai cũng có thể chỉ trích rằng Kitô giáo không hấp dẫn người Á châu vì nó còn mang sắc thái Tây phương. Nhưng thế nào là văn hóa Á châu? Không thiếu người sẽ liên tưởng tới các triết học và tôn giáo cổ kính của lục địa. Không thiếu người nghĩ đến những kiến trúc, âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Nhưng có thể nêu vấn nạn là hiểu VH như vậy thì chỉ mới tới cấp một của VH, và quên rằng xã hội Á châu ngày nay không còn giống như đời Nghiêu-Thuấn nữa.

Nhằm rút ngắn những cuộc tranh luận bất tận ấy, người ta đã thế nghị thay đổi từ ngữ để có thể đi thẳng vào vấn đề. Thay vì nói tới “hội nhập Phúc âm vào văn hóa Á châu” (inculturation), chúng ta hãy nói tới đem Phúc âm vào bối cảnh Á châu. Sự bối cảnh hóa (contextualization) nhằm đặt Phúc âm như văn bản (text) vào cái bối cảnh (context) của tôn giáo, xã hội, chính trị hôm nay.

1/ Bối cảnh tôn giáo và xã hội

Không ai chối được rằng Á châu là lục địa của những tôn giáo lớn của hoàn cầu. Đồng thời đa số các nước Á châu ở trong tình trạng kém phát triển. Giữa hai hiện tượng đó, có gì liên hệ với nhau không? Phải chăng các tôn giáo Á châu là nguồn gốc của tình trạng kém phát triển tại lục địa?

2/ Bối cảnh chính trị và xã hội

Tại sao tại Á châu vẫn còn những chế độ độc tài, quân phiệt, tham nhũng? tại sao có những tiểu vương xưng hùng xưng bá tại một vùng, bất chấp luật pháp? Tại sao có óc địa phương, phép vua thua lệ làng? Phải chăng do ảnh hưởng thôn xã trước đây của chế độ nông nghiệp trong đó chỉ có một thiểu số đại điền chủ hay bô lão mới có quyền ăn nói? Phải chăng do tổ chức đại gia đình cổ truyền, trong đó gia trưởng độc đoán ra lệnh chứ không chịu đối thoại?

3/ Bối cảnh của hiện tượng phát triển

Bên cạnh những bối cảnh xã hội nói được là cổ truyền đó, Á châu lại còn phải đương đầu với những hiện tượng mới cho việc du nhập những kiểu mẫu tư tưởng và phát triển kỹ nghệ Âu Mỹ. Ai cũng biết rằng Nhật Bản, Đại Hàn, Tân Gia Ba đã trở thành những nước kỹ nghệ. Thế nhưng sự kỹ nghệ hóa không hoàn toàn giải quyết nạn nghèo đói nhưng còn làm tăng lên những hố sâu phân cách những tầng lớp xã hội. Một lớp giàu khai thác bóc lột sức lao động của người nghèo, để có thể hạ giá sản phẩm ngõ hầu cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc kỹ nghệ hóa cũng dần dần lôi cuốn nhân dân tiến về thành thị, tạo ra những cảnh ổ chuột bên cạnh những biệt thự cao chót vót. Nói khác đi, sự phát triển kỹ nghệ không nhất thiết kèm theo sự thăng tiến con người. Hơn ai hết, giới trẻ đã nhạy cảm với vấn đề đó: họ nuôi dưỡng lý tưởng muốn canh tân xứ sở, muốn thực hiện một xã hội công bằng tự do, nhưng họ cảm thấy bất lực vì không có phương tiện, hoặc đã bị lường gạt bởi những lời hứa hẹn hão huyền.

Làm sao rao giảng Tin mừng trong những bối cảnh đó? Người Kitô giáo có thể đáp ứng lại những khát vọng của Á châu?

Dĩ nhiên, bức tranh về bối cảnh văn hóa xã hội trình bày trên đây xem ra có vẻ đen tối, tiêu cực. Con người Á châu cũng có rất nhiều đức tính tích cực lắm chứ, như: tinh thần hòa đồng hơn là biện chứng; đánh giá các giá trị tinh thần đức độ hơn là những khoa trương bằng cấp chữ nghĩa, tinh thần hy sinh vì đại cuộc, v.v… Những điểm này đã được lưu ý trong công cuộc truyền giảng Tin mừng từ lâu rồi. Còn các nhà thần học Á châu ngày nay lưu ý hơn tới những gì còn tương phản với Nước Trời, những gì còn cầm hãm con người trong cảnh nô lệ, cần được Phúc âm giải phóng.

Nói tới đây, có lẽ có người sẽ liên tưởng ngay tới thần học giải phóng như tại Mỹ châu Latinh. Tuy nhiên chính Aloysius Pieris tác giả quyển sách tựa đề “Một nền thần học giải phóng cho Á châu” (Une Théologie asiatique de la libération, Paris 1990) đã đả kích thần học đó, xét vì nó đã áp dụng những phương pháp phân tích xã hội nhập cảng từ Âu châu, không thích ứng với tâm trạng Á châu, tỉ như thuyết mác xít cũng các thuyết duy lý coi tôn giáo là cái gì lai căng với VH; đang khi mà tôn giáo là một động lực mạnh nhất thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người, tránh cho nó khỏi bị mê hoặc đi làm nô lệ cho tiền bạc, vật chất, tư bản. Theo Pieris, một nền thần học giải phóng cho Á châu phải lưu ý đến sự liên hệ hỗ tương giữa tôn giáo và sự nghèo đói, kém phát triển. Pieris cũng đả kích tất cả những nhà thần học nào lạm quyền tự nhận lên tiếng thay mặt cho dân nghèo, đang khi họ sống rất xa với người nghèo.

Chúng ta xin tạm kết luận bài này: việc rao giảng Tin mừng vào bối cảnh Á châu không phải là một công tác dành riêng cho các nhà thần học. Nó là sứ mạng của toàn thể các cộng đồng Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, trước khi nghĩ tới chuyện đem Phúc âm vào bối cảnh văn hóa xã hội, Giáo hội địa phương phải lo tổ chức nội bộ thế nào để biểu lộ tính chất Phúc âm của mình, một cộng đồng tình thương huynh đệ dựa trên tinh thần phục vụ, nơi thực hiện công bằng xã hội, nơi tôn trọng phẩm giá con người.

Phương Nam

————–

Bibliografia:

Gualberto Gismondi, Contestualizzazione, liberazione e nuova evangelizzazione nel contesto asiatico. (Riflessioni sul dibattito filippino 1965-1980), in Antonianum 67 (1992), 360-413.

(catechesis.net)

Exit mobile version