Phỏng vấn Linh mục Thần học gia Armando Matteo về hiện tượng chống đối tôn giáo bằng cách nhạo báng đức tin, thịnh hành trên thế giới hiện nay
Chống đối tôn giáo bằng cách nhạo báng niềm tin
Phỏng vấn Linh mục Thần học giaArmando Matteo
về hiện tượng chống đối tôn giáo bằng cách nhạo báng đức tin, thịnh hành trên thế giới hiện nay
Khi đề cập đến thái độ của con người trong xã hội đối với niềm tin, người ta phải ghi nhận sự thay đổi này: đó là sự kiện ngày nay không còn là thời gian chống đối có tính cách ý thức hệ nữa, nhưng người ta chống đối tôn giáo bằng cách nhạo báng đức tin. Xưa kia, đặc biệt trong các xã hội duy vật cộng sản vô thần, niềm tin tôn giáo bị coi là “thuốc phiện ru ngủ nhân dân”, và vì thế nhà nước tìm mọi cách loại bỏ và tiêu diệt tôn giáo. Nhưng ngày nay, sau khi các chế độ cộng sản theo nhau sụp đổ, người ta mới nhận ra rằng niềm tin tôn giáo là yếu tố duy nhất có khả năng giúp cân bằng cuộc sống con người và xây dựng một xã hội nhân bản đích thực. Lý do là vì tôn giáo giúp con người duy trì nhân phẩm và các giá trị tinh thần siêu việt, vốn là phần nòng cốt, cần thiết cho cuộc sống cá nhân cũng như của cuộc sống xã hội.
Trong cuốn sách tựa đề “Thế hệ thứ nhất không tin”, Cha Armando Matteo đưa ra câu hỏi: Tại sao sứ điệp hạnh phúc của Chúa Giêsu đã đem đến trần gian lại không tìm ra chỗ trong trái tim người trẻ? Tại sao giới trẻ không thực hành đức tin và không cầu nguyện nữa? Các người trẻ của các Ngày Quốc tế Giới trẻ đi đâu hết rồi? Trước một tình trạng như thế cũng như trước các thái độ của giới trẻ, người ta thường lặp đi lặp lại rằng “giới trẻ ngày nay không giống như người trẻ xưa kia nữa”; và khi làm như thế người ta yên trí rằng đó là một “điều bình thường”, còn cung cách hành xử của giới trẻ ngày nay là “không bình thường”. Nhưng trong sách, Cha Armando Matteo cật vấn một cách nghiêm chỉnh về những gì chưa từng được biểu lộ trong kiểu sống và tin hay không tin của người trẻ. Và Cha nhận diện ra trong tận cùng thẳm con tim của họ vết thương của một tiếng kêu hy vọng, trong một xã hội yêu thích sự trẻ trung hơn yêu thích người trẻ. Cần phải khởi hành từ tiếng kêu đó, cho tương lai giới trẻ, cho tương lai của xã hội và cho tương lai của Giáo Hội.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Linh mục Thần học gia Armando Matteo, Giáo sư Đại học Giáo hoàng Urbaniana của Bộ Truyền giáo, tuyên uý của Liên hiệp các Đại học Công giáo Italia, về thái độ vô thần của con người thời nay.
Linh mục Armando Matteo là tác giả cuốn “Thế hệ không tin thứ nhất”, đề cập tới thái độ không tin của giới trẻ ngày nay. Trong cuốn “Nhân danh vì Thiên Chúa không được biết đến. Sự khiêu khích của Đức Giêsu đối với người tin và người không tin”, Cha tìm trả lời cho sự nghi ngờ của người vô thần. Theo Cha, câu trả lời tốt nhất là sự tự do của Chúa Kitô có khả năng làm cho những người vô thần cũng kinh ngạc.
Hỏi: Thưa Cha Matteo, Cha đã học được những gì từ những người không tin và đã học được từ những ai?
Đáp: Cách đây 10 năm, để viết cuốn sách “Đức tin của giáo dân” tôi đã gặp một vài người không tin, nhưng có khả năng chú ý tới đức tin một cách mạnh mẽ, và có thể tiếp nhận các kinh nghiệm phong phú của đức tin. Chẳng hạn như ông Salvatore Natoli, là người đã từ lâu thừa nhận sức mạnh đích thực của cử chỉ yêu thương, là tổng hợp của Kitô giáo. Cả ông Gianni Vattimo cũng ủng hộ việc xây dựng nhân bản, mà Kitô giáo cống hiến các lý do hy vọng cho việc xây dựng ấy. Thế rồi, còn có các ông Vincenzo Vitiello, Massimo Cacciari, Umberto Galimberti và nhiều người khác nữa, họ thừa nhận rằng Kitô giáo có thể bước vào trong thảm cảnh của con người và soi sáng nó một cách chưa từng thấy. Nhất là trong lĩnh vực của sự tự do: đã không có niềm tin tôn giáo nào chú ý tới thảm cảnh của con người như Kitô giáo.
Hỏi: Tuy nhiên, ngày nay, chủ thuyết vô thần lại đã mang các mầu sắc của sự khước từ tính cách lý sự của chính Kitô giáo, riêng Cha thì Cha nghĩ sao?
Đáp: Đúng thế, bên cạnh tên các nhân vật mà tôi mới nhắc tới trên kia, trong các thời gian mới đây còn có các tiếng nói chế nhạo đức tin Kitô nhân danh một chủ thuyết vô thần tàn phá hơn, mà Đức Hồng y Ravasi đã định nghĩa là “chủ thuyết vô thần lỏng”. Đây là một đồng minh khó khăn hơn đối với những ai tin. Chỉ cần điểm qua một vài nhân vật tại Italia như Manlio Sgalambro, Emmanuele Severino, hay Michel Onfray bên Pháp, hoặc Herbert Schnaedelbach, Đức. Ông Schaedelbach là người hồi năm 2.000 đã viết một bài đăng trên nguyệt san Die Welt, trong đó ông khẳng định rằng lý do duy nhất khiến cho người ta dễ chịu đó là sự biến mất của Kitô giáo. Tuy nhiên, đối với cả các tiếng nói này, chúng ta cũng phải tự hỏi xem chúng ta đã thiếu sót điều gì để kiểu giới thiệu Chúa Giêsu Kitô bị tiếp nhận một cách hoàn toàn trái ngược như vậy? Nếu Chúa Giêsu Kitô là câu trả lời cao quý nhất cho cuộc sống, thì tạo sao sứ điệp của Người ngày nay lại bị đón nhận một cách hoàn toàn trái nghịch như thế?
Hỏi: Còn riêng Cha, thì Cha đã đưa ra câu trả lời nào?
Đáp: Theo thiển ý tôi, chúng ta đã không ở trên độ cao của Công đồng Chung Vatican II trong 2 lĩnh vực: trong lĩnh vực phụng vụ và trong lĩnh vực Thánh Kinh. Trong quá lâu, chúng ta đã nghĩ rằng các người cử hành và các người tham dự các buổi cử hành phụng vụ là các tín hữu ngay khi sinh ra đã là như thế. Trái lại, chúng ta đã phân chia tín hữu thành “những người thực hành đạo”, và “những người không thực hành đạo”. Các tín hữu không thực hành đạo hiển nhiên là một điều nghịch nghĩa. Nhưng sự phân chia đó đã cô đọng lại thành tình trạng sống và làm cho hoạt động rao giảng Tin Mừng bị chậm lại.
Ngoài ra, nếu đúng thật như các nghiên cứu mới đấy đã vén mở cho thấy – 86% tín hữu Công giáo Italia đã không bao giờ mở một cuốn sách Thánh Kinh trong suốt cuộc sống của mình – thì chúng ta đang ở năm zêrô! Trong Tông huấn Verbum Dei, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta làm quen với Thánh Kinh, đọc và cầu nguyện với Thánh Kinh. Về điểm này, chúng ta đang rất là chậm trễ trong việc xây dựng một tâm thức Kinh Thánh.
Hỏi: Trong cuốn sách của Cha về “Vị Thiên Chúa không được biết đến”, Cha đã lấy lại một kiểu nói của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và nhấn mạnh rằng “chân lý không phải là một chiến lợi phẩm”. Làm thế nào để dung hoà khẳng định này với “yêu sách” đại đồng của Chúa Kitô?
Đáp: Trước hết cần thừa nhận rằng trong lĩnh vực của đức tin thì chân lý tự cống hiến cho sự tự do. Chân lý là một lời mời gọi, còn tin hay không tin là tuỳ sự tự do của mỗi người. Ngoài ra, cần phải nhấn mạnh rằng chân lý có một đặc thái tương tự và đa diện. Chân lý không là cùng một điều trên bình diện triết lý hay trên bình diện khoa học. Có nhiều cách khác nhau để bước vào tiếp cận với chân lý. Đức tin cần đến triết học, văn chương, khoa học và nghệ thuật. Con người của đức tin không chỉ lưu tâm tới cuộc sống, vì còn có nhiều vấn nạn khác vẫn còn rộng mở, và cần phải được đối phó với các thái độ khác nhau. Đức tin phải trả lời cho câu hỏi liên quan tới sự cánh chung, tới các thực tại sau hết, nơi sự hạn hẹp và và sự vô tận giao đụng chạm tới nhau. Đó là điều mà thần học định nghĩa là “cái đã hiện diện nhưng chưa tới”, “cái đã có nhưng chưa hoàn thành”, “cái đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc”. Giả thuyết đặc tính tương tự của đức tin cho phép bước vào trong cuộc đối thoại với tha nhân, chứ không phải là giả bộ đối thoại.
Hỏi: Thưa Cha, Cha biết rất rõ môi trường đại học: Cha nhận thấy nó thế nào, nó rộng mở hay phản ứng chống lại diễn văn về Thiên Chúa?
Đáp: Chắc chắn là giới trẻ ngày nay muốn đối thoại với những người có điều gì nghiêm chỉnh liên quan tới cuộc sống để nói với họ. Người trẻ ngày nay không phải là một thế hệ thực tiễn cũng không phải được định hướng bởi một ý thức hệ. Nhưng không thể nào đặt hàng rào cản ngăn họ, bởi vì họ đánh hơi ngay được những ai không có khả năng đưa ra các lý lẽ riêng cho các lập trường của mình. Trong thế giới đại học, trái lại còn có một số kháng cự ý thức hệ nào đó, nhưng điều này không loại bỏ sự kiện có một thế hệ các giáo sư rộng mở cho diễn văn tôn giáo. Đặc biệt các nghiêm cứu về sự giòn mỏng của con người, sự lấn át của kỹ thuật, sự toàn cầu hoá, việc kéo dài sự sống con người làm thành một lĩnh vực, trong đó lời của Chúa Giêsu có thể vang vọng lên một cách sâu đậm.
(Avvenire 10-5-2011)
Linh Tiến Khải