Phong cách người Kitô hữu

64

PHONG CÁCH NGƯỜI KITÔ HỮU

Thời đại ngày nay người ta nói nhiều đến hai từ “Phong cách”: Phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc, phong cách giao tiếp, phong cách thời trang, phong cách văn học, phong cách trình bày, phong cách nghệ thuật, phong cách thẩm mỹ, phong cách teen, phong cách Hit Hot ….

          Vậy thử hỏi: Có cái gọi là “Phong cách người Kitô hữu” hay không? Chắc là phải có. Bởi vì, phong cách là dáng vẻ, là điệu bộ bên ngoài, mà khi nhìn vào người khác sẽ nhận ra ngay[1]. Vậy phong cách của người Kitô hữu là gì?

          Phong cách người Kitô hữu, không gì khác hơn là chứng nhân[2]. Chứng nhân về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời họ, và chứng nhân về đời sống huynh đệ bác ái đối với nhau.

          Về sự hiện diện của Thiên Chúa, người khác sẽ nhận ra nơi người Kitô hữu qua ba nhân đức đối thần: Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến[3]. Nhưng làm sao để người khác có thể nhận thấy ba nhân đức này nơi người Kitô hữu? Cách hữu hiệu và tỏ tường nhất, là người Kitô hữu tham dự cách tích cực vào các cử hành phụng vụ của Giáo Hội, cũng như các việc làm của lòng đạo đức bình dân. Mà cụ thể là tham dự thánh lễ chúa nhật, năng lãnh nhận các bí tích. Đồng thời nhiệt thành tham gia các việc làm đạo đức như: Lần hạt, đọc kinh chung trong gia đình, đi đàng thánh giá …

Nói thì dễ, nhưng thực hành để có được phong cách của người Kitô hữu, thì khó vô cùng ; k hó bởi vì, đòi hỏi nơi người Kitô hữu sự trung thành và hy sinh. Nhất là cung cách, hay tác phong khi tham dự các cử hành phụng vụ, cũng như các việc làm đạo đức. Vì nếu như tham dự, nhưng tác phong thì chểnh mảng, thiếu xác tín, thì khó mà nói là chứng nhân được.

Còn về đời sống huynh đệ, bác ái thì sao? Bốn nhân đức luân lý: Khôn Ngoan, Công Bằng, Tiết Độ và Can Đảm, sẽ góp phần tạo nên phong cách của người Kitô hữu.

+ Khôn ngoan: Là sự phân biệt và lựa chọn sự thiện đích thực, cũng như những phương tiện chính đáng để thực hiện sự thiện đó.[4]Như vậy, sự khôn ngoan không chỉ là khả năng phân biệt thiện ác bình thường của lý trí. Nhưng là hướng đến những việc làm thiện ích cho xã hội, cho người khác.

+ Công bằng: Không chỉ là sự tôn trọng quyền lợi của mỗi người, nhưng còn là sự ngay thẳng thường xuyên trong suy nghĩ và hành động của mình với người lân cận[5]. Như thế, công bằng hàm chứa ở trong lời nói, suy nghĩ và việc làm của người Kitô hữu một thái độ “Chí công vô tư” mà không thiên vị, bên trọng bên khinh.

Sống công bằng như thế là điều không phải dễ. Bởi vì tâm lý bình thường của con người dễ bị tình cảm và quyền lợi chi phối[6], dẫn đến những quyết định trong cung cách làm việc, ứng xử làm giảm bớt, nếu không nói là đánh mất sự công bằng.

Vì thế, người Kitô hữu sống công bằng, đòi hỏi có sự trưởng thành về tính nhân văn trong suy nghĩ, lời nói cũng như hành động. Và trên hết là một lương tâm với những phán quyết không sai lầm[7].

+ Can đảm: Hơn bao giờ hết, đức tính can đảm phải được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Tại sao lại như thế?

Vào ngày 06.04.2011, báo Người Đưa Tincó đăng bài của GS Nguyễn Khắc Phê với nhan đề: “Báo Động Đỏ Về Sự Dối Trá”, ông nói:

“Vấn đề đáng  báo động đỏ” trước hết của xã hội hiện nay (chứ không chỉ đối với ngành giáo dục) là phải bằng mọi biện pháp chống lại sự giả dối, gian trá, đề cao tính trung thực như là tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét một con người .  [8]

Tại sao lại phải “Báo Động Đỏ Về Sự Dối Trá”? Bởi vì người ta chưa đủ, và không có can đảm nói không với sự dối trá. Mà can đảm là gì? Can đảm là một đức tính kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời[9].

Nếu so sánh giữa đức tính can đảm và đức tính công bằng, dễ dàng nhận thấy: công bằng thì hướng về người khác, hướng về tha nhân nhiều hơn. Còn can đảm thì lại quy về ý chí nơi bản thân, chống lại những cám dỗ, để vượt qua và chiến thắng những chướng ngại, ngăn cản người Kitô hữu tiến đến một đời sống luân lý lành mạnh.

Như thế, để có được đức tính can đảm, đòi hỏi người Kitô hữu phải có sự nổ lực rèn luyện về mặt ý chí từ bỏ rất lớn: Từ bỏ những tham vọng cũng như những toan tính bất chính, từ bỏ những mối lợi bất chính và từ bỏ những quan hệ bất chính …

Nếu người Kitô hữu đã có được sự can đảm trong từ bỏ, thì chắc chắn rằng vấn đề công bằng và khôn ngoan cũng sẽ xuất hiện. Bởi vì họ đã từ bỏ sự mất công bằng, từ bỏ những suy nghĩ và những việc làm không mang lại thiện ích cho xã hội và con người. Vì thế, mới dám nói rằng: Can đảm là đức tính của người Kitô hữu phải được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh hôm nay.

+ Tiết độ: Cũng như can đảm, tiết độ quy hướng về những ý chí nơi bản thân, nhằm làm chủ và điều chỉnh, để tạo nên một sự quân bình, có chừng mực trong những nhu cầu của bản thân, từ của cải vật chất cho đến những ham muốn tự nhiên, nhằm mục đích hướng con người về những điều thiện [10] .

Có thể nói: Đức tiết độ trong đời sống người Kitô hữu, đó chính là sự quân bình. Quân bình không có nghĩa là một tình trạng cân bằng ở trong đời sống. Ví dụ: tôi đói vậy tôi ăn để tôi được no, và tôi no thì tôi không ăn nữa.

Nhưng tiết độ vượt lên trên cả sự cân bằng này, nghĩa là: tôi ăn để tôi sống, và như thế không cần thiết phải ăn cho no, cho thỏa mãn. Và ngược lại: mặc dù tôi no, nhưng có những lúc tôi vẫn phải ăn, ăn vì sự tôn trọng, vì phép lịch sự…

Điều này cho thấy, tiết độ ở nơi người Kitô hữu còn hàm chứa trong đó tính văn hóa, và nét đẹp nhân văn rất nhiều. Nói như thế, mới thấy rằng: thực tập, rèn luyện và sống đức tiết độ, đòi hỏi người Kitô hữu phải có sự am hiểu về nhiều yếu tố: Văn hóa, phong tục, truyền thống, tâm sinh lý…

Để tạo nên phong cách chứng nhân của người Kitô hữu, quả là một việc làm khó. Không phải chỉ trong một vài ngày, một vài tháng hay một vài năm là được. Nhưng là trong suốt cuộc đời của mình. Một sự cố gắng miệt mài, không mệt mỏi trong trong mối tương quan ba chiều kích:

Với Chúa: Đức tin, Đức cậy, Đức mến

Với chính mình: Can đảm và Tiết độ

Với người khác: Khôn ngoan và Công bằng

Đó là phong cách “Chứng nhân” của người Ki tô hữu hôm nay.

 

Lm. Pet Trần Trọng Khương

[1] X. Tự Điển Tiếng Việt, Website tlnet.com.vn , ngày 28 tháng 6 nam0 2011.

[2] X. CĐ vat II, Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 1

[3] X. TADEUSZ DAJCZER, Sống Đức Tin Trong Thiên Niên Kỷ Mới (bản dịch của Mathias Têrêsa Nguyễn Văn Lý và Đức ông Giuse Mai Đức Vinh), p p .12-10

[4] X. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM – ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1806

[5] Ibid, số 1807

[6] X. GS 29,2

[7] X. Ibid 16

[8] NGUYỄN KHẮC PHÊ, Tạp Chí Tia Sáng

[9] X. ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM – ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1808

[10] X. Ibid, số 1809