Phép lạ Thánh Thể
Trong chuyến hành hương Fatima tháng 4 vừa qua, tôi có đến thăm Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể ở Santarem.
Santarem là một thị trấn cách Fatima chừng 60km.
Điều kiện quái gở này đã làm cho người phụ nữ rất lo sợ, vì đây là việc phạm sự thánh. Tuy nhiên, vì quá đau khổ, cuối cùng bà ta liều mình chấp nhận. Bà đi dự lễ và lên rước Mình Thánh Chúa tại Nhà thờ Thánh Stêphanô. Nhưng thay vì nuốt Mình Thánh, bà ta lấy Mình Thánh ra khỏi miệng và gói vào một chiếc khăn, rồi lập tức rời khỏi Nhà thờ để đem giao Mình Thánh Chúa cho mụ phù thủy.
Dọc đường, Mình Thánh Chúa bắt đầu rỉ máu. Tuy nhiên, bà ta không hề hay biết, cho đến khi những người qua đường nhìn bà ta chằm chằm, vì họ tưởng bà bị xuất huyết. Quá hoảng sợ, bà ta vội vã trở về nhà, bỏ khăn ra và đặt Mình Thánh Chúa vào một đáy rương. Suốt ngày hôm đó cho đến tối, bà chờ đợi chồng trong sự lo sợ. Đến khuya người chồng về nhà nhưng bà ta giấu không hề hé môi nói về chuyện đó, sau cùng cả hai vợ chồng đi ngủ. Cả đêm hôm đó, bà không sao ngủ được, tâm hồn bị dày vò vì tội phạm sự thánh và bà luôn nghĩ rằng, không biết Mình Thánh có còn chảy máu nữa hay không?
Tảng sáng, hai vợ chồng tỉnh giấc, những tia sáng chói loà từ chiếc rương phát ra. Không giấu nổi, bà đành thú tội với chồng về tội phạm sự thánh. Thế rồi cả hai đã quì thờ lạy Thánh Thể Chúa cho tới sáng. Sáng sớm, ánh sáng càng rực rỡ từ chiếc rương đã thu hút bao khách qua đường đến chật ních ngôi nhà của bà. Tất cả mọi người đã chứng kiến phép lạ cách tỏ tường. Thế rồi tin phép lạ Thánh Thể đã đến tai cha xứ. Ngài vội vã đến nơi xảy ra phép lạ và nghe bà trình lại tỉ mỉ sự việc. Sau đó, cha xứ long trọng rước Thánh Thể về Nhà thờ. Ngài đặt Thánh Thể vào trong hộp tráng sáp và để trong Nhà Tạm.
Rồi một phép lạ khác lại xảy ra sau đó. Lần kia, khi cha xứ mở cửa Nhà Tạm, hộp tráng sáp đựng Thánh Thể đã bị vỡ tung thành trăm mảnh. Thế vào đó, ngài đã phải làm một hộp pha lê đựng Mình Thánh Chúa. Hộp đó đã được lưu giữ cẩn thận ở ngôi thánh đường này cho đến ngày nay. Từ đó, ngôi Thánh đường được đổi tên là “Nhà thờ Phép Lạ Thánh Thể”.
Từ ngày phép lạ xảy ra, hằng năm, vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng 4, dân địa phương đã diễn lại sự kiện trên, và Phép Lạ Thánh Thể đã được long trọng cung nghinh từ ngôi nhà xảy ra phép lạ về Nhà thờ chính.
Từ năm 1684, căn nhà này đã trở thành nhà nguyện để cho khách thập phương kính viếng. Phép Lạ Thánh Thể Santarem chỉ rời thành phố một lần vào lúc quân đội Napolêon chiếm đóng Bồ Đào Nha vào năm 1810. Vì dân làng lo sợ quân Pháp xúc phạm đến Mình Thánh Chúa, nên Đức Giám Mục Lisbon đã chuyển Thánh Thể đi khỏi Santarem. Ngài đã đặt Thánh Thể để các tín hữu ở Lisbon tôn kính. Có người cho rằng ngài muốn lưu giữ Thánh Thể vĩnh viễn tại Thánh đường Pacao. Dân thành Santarem hay tin đã nổi giận và mở một cuộc biểu tình quá gây cấn. Thế rồi, Phép Lạ Thánh Thể lại được đem về Santarem cách bí mật trong ngày 2-12-1811 và ở lại đó cho đến ngày nay.
Bác sĩ Hoagland ở New Jersey đã đến viếng Bánh Thánh Thể nhiều lần và nhận thấy có nhiều lúc máu có màu như máu tươi. Máu Thánh vẫn còn ở thể lỏng cho tới 750 năm sau khi Phép Lạ xảy ra vào đầu thế kỷ XIII.
Sau khi được sự chuẩn nhận của Giáo quyền, Nhà Thờ Thánh Têphanô ở Santarem được đổi tên là “Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể”.
Trong thinh lặng, chúng tôi lần lượt từng người đi theo lối phía sau cung thánh, ngay phía sau Nhà Tạm có 5 bậc tam cấp để bước lên và hôn kính Thánh Thể được đặt trong một mặt nhật bằng vàng. Sau đó chúng tôi đi ra Nhà thờ quỳ gối thờ lạy Chúa Giêsu ngự trong Bánh Thánh Thể.
Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô.Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi Linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà Linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như Linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của Linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa Linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa.Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là Linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc Linh mục Truyền Phép: “Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II); “Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III); “Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Thánh Thể mầu nhiệm đức tin. Tất cả bắt đầu từ ước muốn lạ lùng của Đức Giêsu. Ngài muốn nuôi nhân loại bằng chính con người Ngài. Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho nhân loại: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy“.
Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến lạ lùng là lấy chính Thịt Máu của Ngài làm của ăn của uống để nuôi sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Chính Ngài là của ăn và của uống Chúa Giêsu ban hoàn toàn khác với manna và mạch nước trong sa mạc: “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Chúa Giêsu không nhằm thoả mãn cái đói cái khát thể xác. Thế nên, Ngài xác quyết: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống”. Vậy Bánh Ngài ban chính là Thịt Máu Ngài. Cụm từ “Thịt Máu” ở đây không những bao gồm tất cả những gì nuôi sống linh hồn con người để đưa đến sự sống vĩnh cửu, mà còn ám chỉ đến Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhập thể mang lấy xác phàm trong thân phận con người và đã đổ máu ra trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã chấp nhận trở thành của ăn của uống là những cái thường tình nhất của cuộc sống chúng ta để đưa chúng ta đến sự sống vĩnh hằng.
Vì lý do đó, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến việc hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể là kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nghĩa là đồng hoá với Ngài, nên giống Ngài trong tư tưởng, ngôn ngữ và cuộc sống: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu tôi, người ấy sẽ ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy”. Không bí tích nào giúp chúng ta sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng bí tích Thánh Thể. Từ đó, Thánh Phaolô dám khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Rước lễ là gắn bó với một ngôi vị: Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy.
Rước lễ là gặp gỡ Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh : Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy.
Rước lễ là đón lấy sự sống từ Đấng đang sống, cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.
Hôm nay, Đức Giêsu phục sinh có một lối hiện diện mới mẻ. Ngài hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban bí tích Thánh Thể, chúng con được rước Mình và Máu Thánh Chúa là lãnh nhận sự sống của Chúa, xin cho chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An