Lời Chúa Năm A Phần chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta

Phần chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta

Trong một phóng sự trên kênh truyền hình Discovery về khoá huấn luyện lính Biệt Động tại Mỹ, trong những ngày đầu tiên nhóm tân binh phải trải qua một cuộc thử thách cam go dài ngày để được tuyển lựa : đi bộ hàng chục cây số, thức đêm 24/24, vượt qua sình lầy, khe suối trong nước lạnh cắt da, đu dây tử thần…Sau thời gian đó, chỉ còn khoảng 2/3 tân binh là trụ được và chính thức gia nhập để được huấn luyện thành binh chủng Biệt Động Hoa Kỳ.

Sứ điệp Lời Chúa trong Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay dường như cũng dẫn chúng ta đi vào “thử nghiệm thiêng liêng”, cuộc chiến đấu nội tâm của Chúa Giêsu trước khi Ngài chính thức dấn thân vào sứ mệnh cứu thế.

Và Đức Kitô đã vượt qua được cuộc “thử nghiệm gắt gao” đó bằng chính sức mạnh của Lời Chúa. Bởi vì, khi đối diện với mọi cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã chỉ dùng một “phương thế quyết định duy nhất” : “Đã có có lời chép rằng”. Không chọn một thứ vũ khí nào khác, Đức Kitô dựa hẳn vào Lời Chúa :
– “Đã có lời chép rằng” : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh…

– “Đã có lời chép rằng” : Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa…

– “Đã có lời chép rằng” : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi…

Thái độ đó cũng chính là sự “vâng Lời Thiên Chúa” như cách cắt nghĩa của Thánh Phaolô trong thư Rôma được trích đọc trong Bài đọc 2 hôm nay : ”nhờ một người duy nhất đã vâng Lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính”.

Đó cũng chính là ý nghĩa mà ĐGH Benêđictô đã nhấn mạnh trong SĐMC 2011 như sau :

“Để bắt đầu hành trình tiến về Lễ Phục Sinh và chuẩn bị cử hành sự sống lại của Chúa – là lễ vui mừng trọng đại nhất trong toàn năm Phụng Vụ – thử hỏi có gì thích hợp hơn là để cho Lời Chúa dẫn dắt ?…” ; và tiếp theo, ĐTC đã chú giải ý nghĩa của sứ điệp Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay như sau :

“Chúa Nhật thứ nhất trong hành trình Mùa Chay làm nổi bật thân phận phàm nhân chúng ta trên trái đất nầy. Cuộc chiến đấu hiển thắng chống lại những cám dỗ, khơi mào sứ vụ của Chúa Giêsu, là một lời mời gọi hãy ý thức sự mỏng manh dòn mõng của mình để đón nhận ơn thánh giải thoát khỏi tội lỗi và đổ tràn sức mạnh mới trong Chúa Kitô, là đường và sự thật và là sự sống… Đó là lời nhắc nhở quyết liệt rằng theo gương Chúa Giêsu và trong sự hiệp nhất với Ngài, đức tin Kitô giáo cũng bao hàm một cuộc chiến đấu chống lại những kẻ thống trị trần thế đen tối nầy, trong đó ma quỷ đang hoạt động không mệt mõi, kể cả ngày nay, trong việc cám dỗ người muốn đến gần Chúa. Chúa Kitô chiến thắng cám dỗ để mang lại hy vọng cho tâm hồn chúng ta và hướng dẫn chúng ta chiến thắng những quyến rũ của sự ác.”

Như thế, con đường Mùa Chay hôm nay hay cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu mỗi ngày phải chăng cũng là một cuộc “trường hành khắc nghiệt của hoang mạc nóng cháy” luôn đòi hỏi khách lử hành : muốn sống, muốn tồn tại để tới đích thì chỉ có một chọn lựa duy nhất đó chính là chiến thắng. Chiến thắng với tính mê tật xấu, chiến thắng những cám dỗ của “bánh mì hưởng thụ”, của những “ngọn tháp của kiêu căng và hư danh phách lối, của những “đô thành đầy dục vọng đam mê, của sự giàu sang ích kỷ phù phiếm…”.

Vẫn biết Đức Tin chính là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không vì thế mà người kitô hữu không phấn đấu gì hết, cứ “ngồi chờ sung rụng” hay áp dụng chiến thuật “bất chiến tự nhiên thành” là mọi sự sẽ được giải quyết. Các bài đọc Lời Chúa chúng ta vừa nghe công bố hôm nay là một câu trả lời thích đáng : Đức tin, đó chính là cuộc lên đường, chiến đấu và chiến thắng.

Trong lịch sử cứu rỗi, đã có bao nhiêu người quyết chọn Lời Chúa làm điểm tựa và phương hướng để hành xử ; và họ đã hoàn tất tốt đẹp những sứ mệnh cao cả mà Chúa đã giao phó : Abraham manh mẽ tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa nên đã thắng được thử thách trước mệnh lệnh sát tế con một Isaac để hiến dâng cho Thiên Chúa. Sau thành công nầy ông đã trở nên kẻ nghĩa thiết với Thiên Chúa và thành người cha của mọi dân tộc trong đức tin. Đavít đãvượt qua cám dỗ về các trang thiết bị của loài người : gươm dài, giáp nặng…để ra đi giao chiến chỉ bằng sức mạnh của Thiên Chúa trong tư thế của một kẻ chăn chiên đơn giản khó nghèo. Ông đã chiến thắng đại tướng Goliat và trở nên Tổ Phụ của Đấng Cứu Thế. Sau nầy, Thánh Phêrô, cũng đã chiến thắng cám dỗ về sự an toàn bản thân, để ở lại Rôma giữa đoàn chiên và chấp nhận tử đạo với khổ hình đóng đinh thập giá. Cuộc chiến thắng bằng máu đào nhân chứng của Ngài đã biến Rôma trở thành giáo đô Kitô giáo và ngai toà Phêrô đã chinh phục cả địa cầu.

Giữa đời thường cuộc sống hôm nay, những thử thách khắc nghiệt, những cám dỗ ngọt ngào vẫn còn đầy dẫy. Trái cấm của sự giàu sang, của tiền bạc, của xa hoa hưởng thụ, của quyền lực thống trị…vẫn nhan nhản lửng lơ mời mọc con người đưa tay hái lấy ; và đã có biết bao nhiêu Ađam-Eva của thời hôm nay đã rơi vào vết xe đổ của ông bà nguyên tổ khi xưa : vứt bỏ Lời Chúa và mệnh lệnh của Ngài để cúi mình làm nô lệ cho những lời đường mật, dụ dỗ của thế gian, ma quỷ và xác thịt. Hằng ngày có bao nhiêu tội ác xảy ra gây bao điêu linh thống khổ cho bao nhiêu gia đình và cuộc đời, cũng chỉ vì con người vứt bỏ Lời Chúa để chọn “bánh mì, quyền lực và sự giàu có.”.

Để nêu gương chiến đấu và chiến thắng, Đức Kitô đã nói “không” với ma quỷ cho dù sau đó Ngài phải trả giá bằng chính cái chết tủi nhục thập giá. Tuy nhiên, chính khi Ngài nói “vâng” với Thiên Chúa, tiếng vâng khi vừa chập chững vào đời “nầy con xin đến để thực thi ý Chúa…” hay tiếng vâng não ruột với nước mắt và mồ hôi máu trong vườn Giết sê-ma-ni “xin vâng ý Cha đừng theo ý Con”, cho đến tiếng vâng cuối cùng : “con xin phó mọi sự trong tay Cha”, Ngài đã đem về chiến thắng lẫy lừng cho Thiên Chúa và cho toàn thể nhân loại như lời Thánh Phaolô xác quyết mà chúng ta vừa nghe trong trích đoạn thư Rôma: “Do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính…”.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng : sở dĩ Chúa Kitô có được sức mạnh tinh thần để chiến đấu và chiến thắng vì Ngài đã “ở một mình với Thiên Chúa” trong suốt “40 ngày chay tịnh và cầu nguyện”. Không có sự tiếp cận thâm sâu và dài hơi như thế với chính Thiên Chúa thì không thể tự mình chiến đấu và chiến thắng được.

Như thế, cuộc hành trình Mùa Chay của Hội Thánh hay của mỗi người chúng ta hôm nay, như định nghĩa của ĐGH Benêđictô, là một “cuộc phiêu lưu vui tươi và đầy phấn khởi của người môn đệ” (SĐMC 2011) ; và trong cuộc phiêu lưu đó, hành trang cốt yếu để mang theo chính là Lời Chúa và người bạn “kề vai sát cánh” mỗi ngày cùng nhịp bước đồng hành phải là chính Chúa Giêsu. Với sức mạnh và ánh sáng của Lời Chúa, trong mối hiệp thông cầu nguyện trung thành với Chúa Giêsu, chắc chắn phần chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền

Exit mobile version