Các bạn trẻ thân mến,
Nếu có dịp đọc lại chương đầu của sách Sáng Thế Ký, các bạn sẽ thấy công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa thật kì diệu biết bao. Lẽ dĩ nhiên, sách Sáng Thế Ký không phải là sách lịch sử, tường thuật lại cho chúng ta biết những gì trong quá khứ, nhưng là lời mặc khải của Thiên Chúa cho ta thấy ý nghĩa sự hiện hữu của mọi loài. Chỉ bằng một lời tuyên phán, ánh sáng xuất hiện giữa hỗn mang, giúp ta phân biệt đêm với ngày. Rồi đến vòm trời xanh, nơi treo lơ lửng vầng dương với vầng nguyệt, cùng biết bao tinh cầu lấp lánh. Sau đó đến chuyện nước bị đẩy lui để lộ dần những khoảng đất trống. Thiên Chúa tiếp tục trang hoàng thế giới bằng những đàn chim bay trên bầu trời, những đàn cá nô đùa trên sóng nước, tiếng cây cỏ trải mình giữa thảo nguyên. Từ một khối vô định hoang vu, Thiên Chúa đã vẽ nên một bức tranh đầy đủ sắc màu rực rỡ.
Thế nhưng, tất cả những điều ấy dường như chưa làm cho Thiên Chúa thỏa mãn. Sức sáng tạo mãnh liệt của Thiên Chúa đã khiến Ngài nghĩ đến chuyện làm nên một giống loài trỗi vượt hơn tất cả, để làm chủ bức tranh tuyệt đẹp kia. Để xứng đáng với tầm vóc cao cả cho giống loài này, Thiên Chúa không còn chỉ “phán một lời” nữa, nhưng cặm cụi ngồi xuống, lấy đất nắn nên một hình hài mà khuôn mẫu là chính Chúa. Tiếp đến, Ngài thổi Thần Khí vào hình hài ấy khiến cho nó được chuyển động và được sống, một sự sống khác loại hoàn toàn so với các loài kia. Cũng chính Chúa đã ra lệnh truyền: “Hãy thống trị mặt đấy, làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất… Đây, Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi…” Cũng cùng là một thụ tạo của Chúa, nhưng con người được Thiên Chúa đặt ở vị thế cao hơn mọi loài khác. Con người được sinh ra để làm chủ!
Các bạn trẻ thân mến,
Cuộc sống tân tiến ngày nay có lẽ phần nào đã khiến các bạn quên đi tư cách cao quý ấy của mình. Có đôi khi, nhiều người trong chúng ta vui thích với thân phận nô lệ hơn. Nô lệ cho đồng tiền, khiến ta phải lươn lẹo, gian dối. Ta bất chấp tất cả chỉ mong có được một khoản lợi nhuận cho bản thân, mà không màng chi đến những thiệt hại gây ra cho người khác. Nô lệ cho danh vọng đã khiến ta phải luồng cúi trước bạo quyền, dùng biết bao thủ đoạn để tiến thân, gạt sang một bên tất cả những giá trị của luân thường đạo lý. Có biết bao nhiêu bạn trẻ vì một phút nông nỗi, không kiềm chế được bản thân, đã buông mình theo những trò trụy lạc của tính dục, hút chích và ăn chơi, để rồi suốt quảng đời còn lại chỉ biết làm nô lệ cho chúng. Có quá nhiều điều xảy ra trong cuộc sống đã khiến ta cứ phải khom lưng, an vui với cái tầm thường nhỏ bé. Ta không những đã đánh mất đi địa vị cao quý của mình, mà còn làm cho hình ảnh Thiên Chúa trong ta bị méo mó.
Thiên Chúa dựng nên chúng ta là muốn chúng ta thay Chúa quản lý tất cả những thụ tạo hữu hình khác, kiến tạo và sử dụng chúng như một phương tiện để đạt đến Chúa, chứ không phải bị chúng lèo lái, thống trị đến độ đánh mất đi phẩm giá của mình. Làm chủ là một thái độ của người tự do với hết tất cả những bám víu và lôi kéo. Người sống đúng tư cách làm chủ là người có một tâm hồn hết sức thanh thoát, không còn để mình dính líu đến những lụy tục nhưng chỉ một lòng hướng về nguồn Chân Thiện Mỹ là chính Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng đã từng dạy các môn đệ như thế khi tranh luận với các kinh sư về việc bứt lúa hay chữa lành các bệnh nhân trong ngày Sabat. Phong thái ung dung tự tại của Giê-su cho thấy Ngài đích thực là một con người hoàn toàn làm chủ.
Suy nghĩ về tư cách làm chủ của con người hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi nhớ đến những người nghèo, người già, người thiểu năng, các trẻ em và đặc biệt là các thai nhi vô tội. Cũng như chúng ta, họ đều có cùng một phẩm giá con người. Chẳng phải vì họ không may mắn có được những điều ta có mà họ bị xếp ở vị trí thấp hơn ta. Không! Họ cũng được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và cũng được Ngài ban cho quyền làm chủ giống như ta. Xin đừng tước đi nhân phẩm của họ, nhưng hãy cố gắng nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong họ.
Các bạn trẻ thân mến,
Chúa Giê-su đã rất hạnh phúc khi không ngừng gọi mình với danh xưng “con người”. Thiên Chúa đã xuống thế trong hình hài của con người, để cứu độ con người. Ta không hề thấy Thiên Chúa ưu ái với loài nào như thế. Dường như mọi hoạt động của Thiên Chúa đều chỉ nhắm đến con người mà thôi. Con người có một vị trí vô cùng to lớn trong trái tim Thiên Chúa đến độ Ngài không tiếc điều chi. Các bạn có ý thức điều đó không? Các bạn có hạnh phúc vì điều đó không?
Phêrô Lê Hoàng Nam, S.J.